TƯ MÃ GIA – CHA CON TƯ MÃ Ý

Năm 235, Gia Cát Lượng chết, mối bận tâm từ phe Thục tạm thời lắng xuống.
Nhưng ngay sau đó, họ Công Tôn ở Liêu Đông bắt đầu bật lại nhà Ngụy.
Nhà Công Tôn trước đây là một thế gia ở vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Năm xưa Viên Thiệu diệt Công Tôn Toản, họ Công Tôn tạm thời chịu lép.
Sau khi Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu thì Công Tôn Độ thần phục Tào Tháo, được phong tước hầu.
Con Độ là Công Tôn Cung lên nối nghiệp cha được vài năm thì bị cháu là Công Tôn Uyên lật đổ.
Uyên là hạng táng tận lương tâm, tự lập làm Yên Vương, không thần phục nhà Ngụy và còn định liên kết với Tôn Quyền để đánh Ngụy.
Năm 237, Tào Duệ lệnh cho tướng Vô Kỳ Kiệm mang quân đánh Liêu Đông nhưng Kiệm đánh không lại.
Năm 238, Tào Duệ sai thầy Kiệm là Tư Mã Ý mang quân đi đánh. Trước khi đi, Tào Duệ hỏi Tư Mã Ý:
– Ông thấy con Uyên nó sẽ chống lại kiểu gì?
– Nó mà biết khôn thì thu xếp của cải, gia quyến rồi té lên hướng bắc, đó là thượng sách.
– Lập trại, đóng quân ở Liêu Hà rồi dàn thành thế trận là trung sách.
– Rúc vào cố thủ ở Tương Bình thì như là chui đầu vào rọ, chờ ta đến bắt, ấy là hạ sách.
– Theo ông thì nó sẽ theo cách nào?
– Trình con Uyên không tính ra được thượng sách đâu, giỏi lắm thì nó sẽ chọn trung sách.
– Nhưng tôi sẽ có cách ép cho nó chui vào thành cố thủ.
– Vậy chuyến này ông đi bao lâu?
– Đi 100 ngày, đánh 100 ngày, về 100 ngày, nghỉ ngơi 60 ngày.
– Tính chẵn 1 năm là đủ.
Tào Duệ bằng lòng cho Tư Mã Ý đi.
Sau khi đến Liêu Đông, Ý dùng nghi binh ở Liêu Toại, thu hút sự chú ý của Công Tôn Uyên.
Rồi bất ngờ mang quân vượt sông Liêu Hà áp sát trại quân Yên nhưng cũng không đánh mà bất thần đánh vào căn cứ Công Tôn Uyên ở Tương Bình.
Sợ mất căn cứ, Uyên chui vào thành cố thủ y như kế hoạch.
Quân Ngụy vây thành Tương Bình trong vài tháng.
Mùa thu đến, trời đổ mưa to, Tư Mã Ý vẫn kiên trì siết vòng vây mà không rút quân lên chỗ cao.
Sau khi nước rút, Tư Mã Ý càng thúc quân Ngụy đánh thành gấp.
Công Tôn Uyên lo lắng sai sứ giả đến thỉnh cầu Tư Mã Ý giải vây.
Tư Mã Ý không nghe, chém chết cả hai sứ giả.
Công Tôn Uyên lo sợ bèn xin đưa nộp con tin sang Ngụy, Tư Mã Ý cũng không chấp nhận.
Uyên không còn cách nào, buộc phải phá vòng vây để ra.
Ông cùng các tướng đánh ra cửa nam, nhưng không thoát khỏi vòng vây quân Ngụy, bị tử trận bên bờ sông Lương Thủy.
Tư Mã Ý mang quân vào thành Tương Bình, giết sạch 7000 đàn ông từ 15 tuổi trở lên, thu thập xác chất thành đống cao.
Gơn 2000 quan văn võ do Công Tôn Uyên bổ nhiệm đều bị chém hết.
Ae thấy chưa?
Khi cần tấn công thì Tư Mã Ý tấn công như vũ bão, không nhân nhượng chút nào cả.
Chưa kể, quân chưa ra khỏi trướng, Ý đã biết phải đánh như thế nào và đánh trong bao lâu.
Năm 239, Tào Duệ bệnh nặng, do các con ông đều mất sớm nên ông đã lập con nuôi là Tào Phương làm thái tử.
Trước lúc qua đời, Tào Duệ định để cho chú là Tào Vũ cùng Hạ Hầu Hiến, Tào Sảng, Tào Triệu và Tần Lãng làm phụ chính đại thần (không có Tư Mã Ý).
Tuy nhiên hai cận thần Lưu Phóng và Tôn Tư thì lại nói với Tào Duệ rằng phiên vương (Tào Vũ, Tào Triệu) không được can dự vào việc triều chính.
Tào Duệ lại hỏi vậy tin được ai, thì Phóng và Tư do quen biết lâu với Tào Sảng và Tư Mã Ý nên tiến cử hai người này.
Vừa khi đó, Tư Mã Ý dẹp xong Công Tôn Uyên, đã về đến Lạc Dương, Tào Duệ cho gọi Ý vào triều cho làm phụ chính cùng Tào Sảng.
Trong lúc hấp hối, Tào Duệ bảo Tào Phương ngồi vào lòng Tư Mã Ý, cầm tay Ý mà nói trong nước mắt:
– Cái chết lại có thể nhịn được, trẫm nhịn chết để đợi ngài, hãy cùng Sảng giúp đỡ cho nó.
– Thần xin tận lực …
Cùng nhiếp chính với Tư Mã Ý là Tào Sảng.
Tào Sảng là con trai Tào Chân, cũng giống như Tào Chân chơi thân với Tào Phi trước kia.
Tào Sảng từ nhỏ đã ở trong cung, cùng ăn cùng học cùng lớn lên với Tào Duệ, nên Duệ coi Sảng như anh em.
Tào Sảng cũng chả lạ gì Tư Mã Ý, khi xưa Tào Chân còn sống vẫn cùng Tư Mã Ý bàn việc quân.
Đối với Sảng mà nói, Tư Mã Ý thuộc hàng trưởng bối.
Thế nên thời gian đầu, Tào Sảng rất kính trọng Tư Mã Ý, phàm việc lớn nhỏ đều tham khảo ý kiến của Ý, nhất nhất theo sự định đoạt của tiền bối.
Trong nhà Tào Sảng có nuôi hơn 500 môn khách, trong đó có những người nổi bật là Hoàn Phạm, Hà Yến, Đặng Dương, Lý Thắng, Đinh Bật, Tất Phạm.
Trong đó Hoàn Phạm được người đương thời gọi là “trí nang” tức túi khôn.
Hoàn Phạm luôn cảnh giác thế lực nhà Tư Mã, là người đề xuất triệt tiêu quyền lực của 3 cha con Tư Mã Ý sau này.
Một người khác cũng là danh sĩ đương thời là Hà Yến, Hà Yến là cháu gọi đại tướng quân Hà Tiến thời Hán Linh Đế là chú ruột.
Hà Tiến lại là “sếp” cũ của cả Tào Tháo lẫn Viên Thiệu, khi vào được Lạc Dương, Tào Tháo nhớ ơn sếp cũ nên nhận nuôi Hà Yến.
Hà Yến lên tám tuổi nổi tiếng thần đồng, Tào Tháo muốn thử tài, giả vờ đem mấy chỗ khó trong binh thư ra hỏi, Hà Yến kiến giải còn hay hơn cả Tào Tháo, từ đó Tào Tháo biết Yến có thực tài.
Có một dạo Tào Tháo định nhận Hà Yến làm con nuôi, Yến nghe được, ra giữa sân, vẽ một hình vuông bằng mực tàu rồi ngồi trong đó, ai gọi gì cũng không ra.
Tào Tháo đến hỏi rằng:
– Thế này là thế nào?
– Đây là nhà của Hà thị (họ Hà).
Tào Tháo biết ý, xua tay bảo:
– Hiểu rồi, không muốn thì thôi, cứ mang họ Hà đi !
Yến lớn lên, học giỏi đã đành lại còn nổi tiếng là một mỹ nam đương thời, người ta kể lại rằng da mặt Hà Yến rất đẹp, rất trắng, người ta gọi là Hà lang phấn (công tử bôi phấn họ Hà).
Tào Duệ từng nghĩ là thằng cha này thoa phấn thật bèn rủ Yến đi uống rượu.
Uống vào nóng quá, Yến đưa tay lau mồ hôi trên mặt thì cái mặt còn trắng hơn lúc đầu.
Hà Yến tinh thông huyền dịch, về sau lậm vào ăn chơi phóng đãng nên hay uống ngũ thạch tán (Thạch nhũ, thạch anh tím, thạch anh trắng, đá lưu huỳnh và hồng ngọc).
Công dụng của cái thuốc này là làm ngũ tạng nóng ran, thoát mồ hôi ào ạt, càng mặc ít quần áo thì thoát mồ hôi càng nhiều, thế nên được sử dụng làm thuốc kích dục.
Càng về sau, vì uống ngũ thạch tán lâu dài, dung nhan Hà Yến cũng biến đổi.
Phương sĩ nổi tiếng Quản Lộ mô tả Hà Yến:
-Hồn bất thủ trạch, huyết bất hoa sắc, tinh sảng yên phù, dung nhược cảo mộc, vị chi quỷ u.
(Hồn không ở xác, máu huyết nhợt nhạt, người như trên mây trên gió, thân thể như cây khô, sắc mặt u ám như quỷ).
Mấy tay môn khách của Tào Sảng về sau nói với Sảng rằng:
– Đại quyền của chủ công, chớ để người khác can thiệp vào mà phải lo lắng về sau.
– Tư Mã Công cùng với ta đều nhận ủy thác của tiên đế, sao ta tự tiện thế được?
– Quyền lực là thứ không chia sẻ được, ngày nay đại quyền đều ở trong tay cha con họ, nếu họ sinh lòng khác, chủ công liệu được chăng?
Mưa dầm thấm đất, dần dần Tào Sảng bắt đầu húy kỵ Tư Mã Ý, lâu dần tự quyết định các việc mà không cần hỏi qua.
Năm 240, thăng Tư Mã Ý làm Đại Thái Phó, về mục đích là bắt ông về triều, tách ông ra khỏi quân đội.
Năm 241, Đông Ngô phát động xâm lăng ở vùng sông Miện, Tào Sảng hỏi ý kiến Tư Mã Ý, ông bảo nên bỏ bờ nam, rút về bờ bắc để giữ dân.
Sảng lập luận:
– Bỏ hết đất đai ở phía nam về giữ dân ở phía bắc, nếu giặc lại đánh tới nữa, lại phải lui nữa sao?
– Không có chuyện đó, hết thảy mọi sự trong thiên hạ, đặt vào chỗ yên thì nó yên, đặt vào chỗ nguy thì nó sẽ nguy, tất thảy đều do hình thế quy định.
– Nay ngài tăng cường giữ bờ nam, quân địch cũng giữ phía nam rồi lẻn qua bờ bắc đánh tiếp thì làm sao?
– Rút hết về bờ bắc thì quân địch sợ bị đánh khi vượt sông sẽ không vọng động.
Sảng vẫn háo thắng không nghe, rốt cuộc Đông Ngô đánh đúng như bài Tư Mã Ý đã giảng, quân Ngụy thua cả bờ nam lẫn bắc.
Ý phải mang quân đi đánh lại.
Năm 244, Tào Sảng muốn lấy số nên xin Ngụy đế xuống chiếu cho đi đánh Thục.
Tư Mã Ý bảo nên chuẩn bị thêm 1 năm nữa hãy đi, Sảng vẫn không nghe, một mực dẫn quân đi.
Chiến sự giằng co, quân Ngụy hết lương trước nên phải lui, bị người Thục truy kích, chết vài vạn lính nhưng Tào Sảng vẫn không bị trách tội.
Sau khi nam chinh thất bại trở về, Tào Sảng vừa quê lại vừa thêm đề phòng nhà Tư Mã.
Rõ ràng Sảng không có tài cầm binh và không có uy tín trong quân đội như 3 cha con nhà Tư Mã.
Thế là Tào Sảng dựa vào các đại thần trong triều để gạt bỏ dần nhà Tư Mã, trước đó Tư Mã Ý đã bị cất lên làm Đại Thái Phó.
Tiếp đó Sảng lại bổ nhiệm em là Tào Hi và Tào Huấn làm trung lĩnh quân và vũ vệ tướng quân, khống chế cấm quân trong kinh thành.
Biết Quách Thái Hậu (vợ Tào Duệ) có giao tình với nhà Tư Mã, Sảng bắt thái hậu dời ra Vĩnh Ninh cung bên ngoài Lạc Dương.
Tháng 5 năm 244, Tào Sảng tiến cử Hạ Hầu Huyền làm chinh tây tướng quân.
Chức trung hộ quân của Hạ Hầu Huyền đổi cho Tư Mã Sư đảm nhiệm, với vị trí này, Tư Mã Sư không còn được nắm binh mã ở ngoài nữa mà phải ở trong kinh thành nắm đội cấm vệ quân.
Sau đó Sảng tiếp tục phong cho Tư mã Chiêu (con thứ hai của Tư Mã Ý) làm Lạc Dương điển nông trung lang tướng, về Lạc Dương, dẫn quân lính đi làm đồn điền.
Tất nhiên, với cái kiểu điều chỉnh nhân sự mất dạy như thế, hai anh em Sư – Chiêu không thể nào chịu được, ai nhìn vào cũng biết là Tào Sảng đang chơi ép phe nhà Tư Mã.
Thế nhưng người có tiếng nói nhất nhà Tư Mã là Tư Mã Ý vẫn bình chân như vại, ngày ngày ông cứ lên triều tham chính rồi về nhà đều đều.
Có lần Tư Mã Chiêu nhịn hết nổi, nói với Tư Mã Ý đòi làm binh biến để bật bọn Tào Sảng:
– Tào Sảng thật quá đáng ! Hắn lạm quyền như vậy chính là lăng nhục Tư Mã gia, khi không thể nhẫn nhịn được nữa thì không thể tiếp tục nhẫn nhịn !
Tư Mã Ý ngước lên nhìn ông con, rồi hỏi:
– Tào Sảng so với Gia Cát Lượng thì thế nào?
Tư Mã Chiêu đáp rằng:
– Tào Sảng chỉ là dế nhũi.
– Lấy cứng chọi cứng với những kẻ ngu xuẩn, chỉ đổi lấy kết cục đầu rơi máu chảy.
– Như vậy không phải càng ngu xuẩn hơn sao?
– Trong cuộc đời mỗi người, khó tránh khỏi những lúc chung đụng với những kẻ ngu, phải biết học cách cúi đầu !
Nói là làm, năm 247 Tư Mã Ý lấy lý do tuổi già nhiều bệnh, xin về nhà nghỉ ngơi rồi ở luôn trong nhà hơn một năm.
Trong triều đình Tào Sảng, Tào Hi, Tào Tuấn tha hồ lũng đoạn triều chính, ăn bớt ăn xén của công, thu nạp môn hạ, hống hách không coi ai ra gì.
Hà Phạm vẫn nhắc nhở Tào Sảng phải đề phòng nhà Tư Mã, nhưng Sảng gật gù rồi để đó.
Năm 248, nhân dịp Ngụy đế phong Lý Thắng lên làm Thứ sử Kinh Châu.
Sảng mách Lý Thắng lấy cớ đến từ biệt Trọng Đạt, luôn tiện do thám coi Tư Mã Ý ốm thật hay không.
Lý Thắng đến phủ Thái Phó, có lính canh cửa vào báo với Tư Mã Ý. Ý bảo với hai con rằng:
– Đây là Tào Sảng sai đến dò xem bệnh ta thực hay giả đây.
Rồi lập tức bỏ mũ, để tóc rũ rượi, trèo lên giường đắp chăn và sai hai nàng hầu nâng đỡ, rồi mới mời Lý vào phủ.
Lý Thắng vái chào:
– Lâu nay không được hầu Thái Phó, không ngờ ngài yếu đau thế này.
– Nay thiên tử sai tôi làm thứ sử Kinh Châu, xin đến lạy từ Thái Phó.
Ý giả điếc nói:
– Tinh Châu gần phương Bắc, ra đó giữ gìn cho khéo.
– Tôi được cử làm thứ sử ở Kinh Châu, không phải Tinh Châu.
Ý cười nói: Người ở Tinh Châu lại à?
– Là Kinh Châu, Kinh Châu ở Hán Thượng.
Ý lại cười ha hả mà rằng:
– Người ở Kinh Châu lại đây à?
– Thái Phó sao ngài yếu thế? Điếc luôn rồi sao?
Hai con hầu đế vào:
– Chả điếc thì còn gì nữa?
Thắng bèn mượn bút viết mấy chữ đưa lên cho Ý coi.
Ý xem xong cười rằng:
– Ta lâu nay mệt lắm, điếc tai nghe không rõ. Chuyến này có đi phải giữ gìn.
Nói đoạn lấy tay trỏ vào miệng, ra hiệu muốn uống nước.
Thị tỳ dâng chén nước nóng.
Ý hớp miệng vào chén nước, nước đổ ướt cả ra vạt áo.
Ý hậm hực trong cổ, làm ra tiếng nghẹn rồi nói rằng:
– Ta suy nhược lắm, sớm tối chưa biết chết lúc nào.
– Ta có hai con chẳng ra gì, người có về ra mắt đại tướng quân (Tào Sảng), nhờ nói với tướng quân trông nom đỡ hai con ta thì may lắm.
Thế rồi ngồi thêm một lúc nữa thì giả vờ thiếp đi, nằm lăn ra trên giường, một lúc sau thì ngáy vang khắp nhà như bò rống.
Lý Thắng bèn cáo từ, trở về ra mắt Tào Sảng, thuật lại hết cả tình hình như thế.
Sảng mừng bảo rằng:
– Lão già này sắp về chầu ông vải rồi, ta không còn lo gì nữa!
Trong lúc đó, Tư Mã Ý đợi cho Lý Thắng đi rồi mới đạp chăn, nhảy ra khỏi giường bảo với hai con rằng:
– Lý Thắng chuyến này về báo tin, Tào Sảng tất không nghi gì ta nữa, hai đứa bay sẵn sàng đi, nợ nần bao lâu tính hết một lần với chúng nó !
Ngày 5 tháng 2 năm 249, Tào Sảng, Tào Hi và đám lâu la theo Ngụy đế Tào Phương đi viếng lăng Tào Phương, kết hợp với săn bắn ở Cao Bình.
Tư Mã Ý biết rằng thời cơ đã đến, lập tức huy động 3000 gia nhân từ các đồn điền của Tư Mã Chiêu kéo vào Lạc Dương đóng hết các cổng thành.
Ý đến chỗ Quách thái hậu xin chiếu lệnh, phong tỏa toàn thành.
Tiếp đó bổ nhiệm tư đồ Cao Nhu giả tiết, lo việc đại tướng quân, tiếp quản quân quyền của Tào Sảng, Vương Quan đảm nhiệm trung lĩnh quân, tiếp quản quân đội của Tào Hi.
Tư Mã Ý lập tức phái người thượng tấu Hoàng đế Tào Phương, tuyên bố phụng chiếu thư Hoàng thái hậu, bãi miễn anh em Tào Sảng.
Chiếu thư truyền đến tay Tào Sảng trước, Tào Sảng lo sợ không yên không biết làm thế nào cho phải, cũng không dám đưa cho Tào Phương.
Lúc ấy, “trí nang” Hoàn Phạm liều mạng chạy ra khỏi thành đến được chỗ Tào Sảng.
Phạm khuyên Tào Sảng chạy về Hứa Xương, rồi lấy Hoàng đế làm hiệu triệu binh mã các nơi về đánh Tư Mã Ý.
Tư Mã Ý biết Hoàn Phạm đã chạy thoát, liên tiếp phái bọn người thị trung Hứa Doãn, Thượng thư Trần Thái, Doãn Đại Mục đi đến chỗ Tào Sảng, thuyết phục Sảng đầu hàng.
Tư Mã Ý hứa rằng chỉ cần Sảng bãi binh dừng ngựa, giao ra binh quyền, vẫn có thể bảo lưu tước vị.
Tào Sảng do dự một đêm, sau cùng cho rằng mình không phải đối thủ của Tư Mã Ý, nếu đầu hàng sẽ mất đi quyền lực chính trị, nhưng vẫn còn giữ được tước hầu, ít ra vẫn có thể hưởng thụ vinh hoa phú quý.
Thế là Sảng lên cơn sảng thật, quyết định không chống cự, mời Hoàng đế bãi miễn mình, đi về Lạc Dương gặp Tư Mã Ý nhận tội.
Sau khi anh em Tào Sảng bị bãi quan lập tức trở lại phủ đệ.
Tháng 3 năm đó, Tư Mã Ý lệnh cho triều đình luận tội anh em Tào Sảng, bắt quan đình úy tra án.
Hà Yến, mĩ công tử, bạn thân của Tào Sảng đã nói ở trên thấy rằng Tào Sảng khó thoát tội, bèn cung khai sạch sẽ, hy vọng Tư Mã Ý sẽ niệm tình mà giữ lại cho mình một mạng.
Khi án làm xong, Tư Mã Ý khép đám Tào Sảng vào tội danh “loạn thần tặc tử”, lôi ra chém hết ba họ, chỉ có mình Tào Hi được niệm tình giữ lại để hương khói cho Tào Chân.
Nhà Tư Mã từ đó khống chế cả triều đình nước Ngụy.
II. BA LẦN BINH BIẾN THỌ XUÂN
Việc nhà Tư Mã nắm hết quyền lực trong triều tất nhiên sẽ khiến các tông thất họ Tào và các tướng trung thành với triều đình bất mãn.
Dù học trò, đệ tử của Tư Mã Ý trong quân Ngụy có rất nhiều nhưng cũng khó có thể một tay che trời.
Khi sự biến Cao Bình Lăng nổ ra, biên giới Tây Nam (Thục Hán) do các tướng Quách Hoài, Chung Hội, Đặng Ngải trấn giữ không có biến cố gì, nhưng biên giới Đông Nam thì không yên ả được như thế.
Tháng giêng năm 251, Tôn Quyền cho lính lấp cửa sông Đồ Thủy, ra vẻ chuẩn bị vượt sông.
Bờ bắc bên kia sông là tướng Vương Lăng, một đại tướng từ thời Tào Tháo, từng ở Dương Châu nhiều năm đánh lui quân Ngô, uy tín cực cao.
Vương Lăng báo về triều rằng Đông Ngô sắp vượt sông, đề nghị cho tập trung binh mã, sẵn sàng phản công.
Tư Mã Ý lại nhận định rằng Vương Lăng chống Đông Ngô chỉ là cái cớ, cho rằng Lăng định cất quân làm phản bèn xuống lệnh cho Lăng không được vọng động, quan sát tình hình chờ chỉ thị mới.
Thế nhưng Lăng vẫn không giải tán đội ngũ, tiếp tục hưng binh.
Lại có hai quan viên dưới quyền Lăng là Hoàng Hoa và Dương Hoằng tố cáo Lăng “có ý đồ”.
Tư Mã Ý quyết định âm thầm đi ra Dĩnh Thủy rồi lấy thủy binh ở đấy đi thuyền thẳng đến Thọ Xuân.
Vương Lăng khi nghe tin Tư Mã Ý đã đến thì thất kinh, không kịp điều động binh mã nữa, đành đi thuyền nhỏ ra giữa sông đến gặp Tư Mã Ý thỉnh tội.
– Trước đây tôi cũng được Thái Phó chiếu cố đến ít nhiều, sao nay lại ép tôi quá vậy?
– Ông không tuân lệnh triều đình, tụ tập hưng binh, là có ý gì?
– Quân tình khẩn cấp, tôi đã có thư gửi cho sứ giả mang về triều rồi?
– Nếu ông thật sự không có lòng khác thì phải tự đi theo sứ giả về triều mà biện giải, cố tình ở lại đây là có ý chống lệnh!
Lăng đuối lý, bèn chịu trói, Tư Mã Ý đem lên thuyền cho giải về Lạc Dương.
Vương Lăng muốn dò xem mình có bị giết không, bèn nhờ người đến hỏi Tư Mã Ý rằng:
– Thân tôi mang trọng tội, đã chuẩn bị sẵn áo quan rồi, không biết ý Thái Phó thế nào?
– Cho thêm 12 cây đinh! – Tư Mã Ý trả lời.
Vương Lăng nghe vậy, uống thuốc độc tự sát.
(Ý Vương Lăng là muốn hỏi tội mình có đến mức phải chết không? – Nếu có thể miễn chết thì chỉ cần ban áo quan, ko ban đinh. Nhưng ban thêm đinh thì tức là phải đóng nắp quan tài, là không tránh được tội chết).
Vương Lăng được chôn cất ít lâu thì có một viên tướng là Vương Thức tới tự thú với Tư Mã Ý.
Nói rằng mình là người cùng họ với Vương Lăng và là thuộc hạ của Thứ sử Duyện châu Lệnh Hồ Ngu, từng theo lệnh của Lệnh Hồ Ngu tới thành Bạch Mã câu kết với Sở vương Tào Bưu;
Còn Lệnh Hồ Ngu cũng từng mưu đồ với Vương Lăng chống triều đình.
Các sử gia cho rằng khi đó Lệnh Hồ Ngu đã bị bệnh qua đời nên không có cách nào kiểm chứng lời tự thú và tố cáo của Vương Thức.
Thực chất đây là vụ án giả do Tư Mã Ý làm ra để tiêu diệt những lực lượng chống đối.
Tư Mã Ý căn cứ vào đó hạ lệnh phá quan tài Vương Lăng và Lệnh Hồ Ngu, phơi xác họ 3 ngày trong chợ, thiêu hủy ấn tín và áo quan của họ, rồi chôn xác họ trần xuống đất.
Sau đó Tư Mã Ý hạ lệnh tru di tam tộc của hai người này (họ cha, họ mẹ và họ vợ) và nhân danh Tào Phương ra chiếu thư bắt Sở vương Tào Bưu phải tự sát.
Tháng 9 cùng năm đó, ngày 7, Tư Mã Ý thấy mệt trong người, ra đi thanh thản, thọ 73 tuổi.
Tư Mã Sư, con trai trưởng của Ý lên chấp chính thay cha.
Ba năm sau, thành Thọ Xuân lại thêm một cơn binh biến.
Chuyện là Tư Mã Sư ngày càng chuyên quyền, hiếp đáp thiên tử, hệt như Tào Tháo ép vua Hán khi xưa.
Tào Phương quyết định dựa vào các đại thần Lý Phong và Hạ Hầu Huyền để diệt trừ Sư.
Lý Phong bấy giờ làm trung thư lệnh, thường xuyên ra vào cung cấm nói chuyện riêng với Ngụy đế Tào Phương.
Tư Mã Sư biết chúng nó nói chuyện về mình, một hôm nọ Sư gọi riêng Lý Phong vào phủ hỏi chuyện.
Như người ta thì chối cmn đi cho xong, Lý Phong hôm đó bỗng dưng ba máu sáu cơn, chỉ mặt Sư quát luôn:
– Cha con ngươi trong lòng gian trá, muốn khuynh đảo xã tắc, tiếc rằng ta sức yếu, không thể giết được chúng bay !
– Ồ… thì ra mày chọn cái chết?
Thế rồi Sư dùng chuôi đao đập vào đầu Lý Phong, chả hiểu sao hắn chết luôn.
Tư Mã Sư cho người tới khám nhà thì lòi ra cả đống bằng chứng liên quan đến đám Nhạc Đôn, Hạ Hầu Huyền, Lưu Hiền, Trương Tập.
Tư Mã Sư khép tất cả vào tội tru di.
Hạ Hầu Huyền trước đây có em gái tên là Hạ Hầu Huy, lấy Tư Mã Sư, sinh năm con gái mà không có con trai.
Về sau, có tin đồn rằng Hạ Hầu Huy thường đem tin tức trong nhà Tư Mã tuồn ra cho cha là Hạ Hầu Thượng.
Năm 234, Hạ Hầu phu nhân qua đời bí hiểm khi mới 24 tuổi, có người cho rằng là do Tư Mã Sư đầu độc bà.
Hai mươi năm sau (254), Tư Mã Sư tiếp tục chém hết cả gia đình vợ.
Thấy Tào Phương khó có thể khống chế được, tháng 9 năm đó, Tư Mã Sư bàn với Quách thái hậu phế Phương, lập người khác.
Ban đầu Tư Mã Sư tính lập Tào Vũ, nhưng thái hậu bảo là làm gì có cái lệ chú đi nối nghiệp cháu (thực ra là thái hậu sợ Tào Vũ là nhánh khác, không có quan hệ máu mủ với mình, sợ mất quyền lợi).
Cuối cùng lập một người cháu của Ngụy Minh Đế (Tào Duệ) tên là Tào Mao lên nối ngôi.
Việc phế lập của Sư làm nhiều người bất bình, trong đó có Trấn đông tướng quân Vô Khâu Kiệm và Thứ sử Dương Châu Văn Khâm quyết định khởi binh đánh Tư Mã Sư.
Vô Khâu Kiệm trước đây là bạn thân của Tào Duệ, gia thế hiển hách, từng đánh lui cuộc tấn công của tướng Đông Ngô là Gia Cát Khác vào Thọ Xuân, có thể coi Kiệm như một rường cột của nhà Tào Ngụy ở bên ngoài.
Tháng 1 năm 255, Kiệm và Khâm tập hợp được binh mã ở Lư Giang, Hoài Nam, Hợp Phì giương cờ chống Tư Mã Sư, bảo vệ nhà Tào Ngụy.
Văn Khâm xài kế ly gián:
Viết hịch kể 10 cái tội lớn của Tư Mã Sư, nhưng lại khen 10 cái đức của Tư Mã Chiêu (em Sư) mục đích là phân hóa nội bộ nhà Tư Mã.
Nhưng rất tiếc, nước này Khâm đi nhầm, anh em nhà Tư Mã lớn lên bên nhau hơn 40 năm, trong nhà Tư Mã khi đó còn có bậc trưởng bối là Tư Mã Phu (em kế Tư Mã Ý), đấy là một khối không dễ gì lung lạc được.
Thế nên Tư Mã Sư không hề đắn đo, giao Lạc Dương cho Tư Mã Chiêu trấn giữ, mang quân đội thẳng tiến đến Thọ Xuân.
Để có thêm lực lượng, Kiệm và Khâm đưa thư sang Đông Ngô xin Tôn Lượng (con Tôn Quyền) phát binh hiệp trợ.
Tôn Lượng đồng ý xuất quân, Kiệm – Khâm tiến quân đến Hạng Thành thì dừng lại chờ quân Đông Ngô đến hội binh, đây là một quyết định sai lầm, nó khiến cho Tư Mã Sư có đủ thời gian tập hợp lực lượng và chuẩn bị quân đội đánh dẹp quân phản loạn.
Vô Khâu Kiệm đưa thư gọi thứ sử Duyện Châu là Đặng Ngải mang quân tới gia nhập, Ngải là đệ tử bái môn của Tư Mã Ý nên cóc cần nghĩ ngợi nhiều, chém luôn sứ giả và mang quân ra đánh cầm chân Kiệm.
Ít lâu sau Gia Cát Đản (cháu họ xa của Gia Cát Lượng), thứ sử Dự Châu mang thêm quân đánh tập hậu Thọ Xuân, cắt đường về của Kiệm – Khâu.
Tháng 2 năm 255, Tư Mã Sư thống lĩnh quân triều đình tiến đến Hạng Thành.
Văn Khâm thấy quân triều đình mới đến, còn chưa vào trận thế, mới sai con là Văn Ương đem quân đánh gấp.
Khi đó Tư Mã Sư đang bị mọc bướu trên mắt trái, rất đau nhức, chợt nghe tin Văn Ương tập kích vào trại, Sư kinh động, làm cái bướu vỡ ra, lôi luôn cả tròng mắt ra ngoài.
Văn Ương ít quân, không phá được trại quân địch, phải rút.
Ít hôm sau, Tư Mã Sư sai Đặng Ngải mang quân ra đánh mặt trước, còn quân mình thì rình đánh tập hậu, Kiệm – Khâu thua to phải bỏ Dương Châu mà chạy.
Vô Khâu Kiệm sau bị bắt lại và giết chết, Văn Khâm bỏ chạy được sang Đông Ngô.
Trở về Lạc Dương được ít lâu, Tư Mã Sư bị vết thương ở mắt làm độc, không khỏi được nên qua đời, thọ 48 niên, mọi chức vụ, quyền hành của Sư chuyển qua cho em trai là Tư Mã Chiêu.
Thật ra khi Tư Mã Sư mất ở Hứa Xương, Tư Mã Chiêu đã từ Lạc Dương đến để lo hậu sự, Tào Mao có ý trừ đi thế lực của nhà Tư Mã nên xuống chiếu, lệnh cho Tư Mã Chiêu trấn thủ Hứa Xương luôn, khỏi cần về nữa.
Nhưng Chung Hội và Phó Hỗ, hai người được giao cho tiếp quản quân đội của Chiêu lại quyết định mang quân đến Hứa Xương thỉnh Chiêu về.
Tào Mao không làm gì được nữa.
Gia Cát Đản trong trận Thọ Xuân thứ nhì có công đánh chiếm và bảo toàn thành này nên được Tư Mã Sư thưởng công phong làm Trấn Đông đại tướng quân, đô đốc Dương Châu.
Đản là em họ, con chú con bác với Gia Cát Lượng ở Thục và Gia Cát Cẩn bên Đông Ngô.
(Tính ra họ Gia Cát là họ ba phải nhất Tam Quốc Chí, đầu quân cho cả 3 nước và đều “leo cao, chui sâu” lên những vị trí cao).
Năm 256 thì Tư Mã Sư chết, tướng Đông Ngô là Tôn Tuấn đem 10 vạn quân vượt Trường Giang đánh vào nước Ngụy, Gia Cát Đản và Đặng Ngải cùng đem quân ra chống, được ít lâu thì Tôn Tuấn bệnh nặng nên phải lui quân.
Bấy giờ Thứ sử Dương Châu là Nhạc Lâm (con Nhạc Tiến) có xích mích với Gia Cát Đản, Lâm mật tâu với triều đình là Gia Cát Đản có ý đồ liên kết với Đông Ngô phản Ngụy.
Tư Mã Chiêu nhận được tin thì nửa tin nửa ngờ, mới sai thân tín là Giả Sung đi thị sát tình hình Thọ Xuân, khi trở về, Giả Sung báo cáo rằng không có bằng chứng tạo phản nhưng “thế lực” của Đản ở Thọ Xuân là rất lớn.
– Vậy giờ tính sao? – Tư Mã Chiêu hỏi.
– Có lẽ nên triệu về kinh, cho ngồi chơi xơi nước – Giả Sung đáp.
Tư Mã Chiêu bèn gọi Đản về Lạc Dương phong làm Tư Không.
Gia Cát Đản năm xưa từng chịu cảnh ngồi chơi xơi nước dưới thời Tào Phi rồi nên nghe mùi là biết có chuyện.
Đản lập tức mang quân vào thành chém chết Nhạc Lâm, đem con trai trưởng qua làm con tin ở Đông Ngô, xin Tôn Lượng giúp binh.
Sau đó Gia Cát Đản đem 10 vạn quân dưới quyền bắc tiến, Đông Ngô về sau cũng xuất 3 vạn binh tương trợ, do hàng tướng Văn Khâm của Ngụy khi trước cầm quân, cùng với các tướng Toàn Dịch, Toàn Đoan và Trương Tộ thanh thế rất lớn.
Ở phe Ngụy, Tư Mã Chiêu cũng lập tức tập hợp 20 vạn quân, lại ép Tào Mao thân chinh ra trận để tăng thêm sĩ khí.
Tư Mã Chiêu vây thành Thọ Xuân liên tục trong 10 tháng, lúc bấy giờ ở Đông Ngô cháu Toàn Dịch là Toàn Huy ở Kiến Nghiệp (kinh đô Đông Ngô), vì mâu thuẫn trong nhà nên dắt mẹ cùng gia quyến vượt sông Trường Giang sang đầu hàng Tư Mã Chiêu.
Thủ hạ của Tư Mã Chiêu là Chung Hội nhân đó bèn hiến kế, nhân danh anh em Toàn Huy viết thư cho Toàn Dịch, trong thư nói vua Ngô trách Toàn Dịch bất lực, định trị tội gia quyến họ Toàn, do đó Toàn Huy mới phải trốn đi hàng Ngụy.
Toàn Dịch nhận thư sợ hãi, bèn mang quân ra khỏi thành đầu hàng Tư Mã Chiêu.
Chung Hội hậu đãi những người đầu hàng, do đó các tướng sĩ trong thành của Đông Ngô và Gia Cát Đản dao động, nảy ý đầu hàng.
Gia Cát Đản nghi ngờ Văn Khâm còn ở lại là để tính đường “làm thịt” mình, bèn bắt giết Văn Khâm.
Con Khâm là Văn Ương, Văn Hổ bất mãn bèn bỏ thành ra hàng Tư Mã Chiêu.
Trong thành Thọ Xuân suy kiệt, bị quân Tư Mã Chiêu công phá, cuối cùng hạ được thành.
Gia Cát Đản cưỡi ngựa mang quân chạy ra cửa Tiểu Thành nhưng không thoát, bị quân Tư Mã Chiêu giết chết.
Gia Cát Đản khi còn sống vốn là thông gia với nhà Tư Mã, con gái lớn của Đản lấy Tư Mã Trụ là con trai Tư Mã Ý, con trưởng của Đản là Gia Cát Tịnh lại là bạn thân của Tư Mã Viêm, con trai Tư Mã Chiêu.
Gia Cát Tịnh do được đưa sang làm con tin ở Đông ngô nên thoát chết, sau này khi nhà Tấn diệt Ngô, Tư Mã Viêm nghĩ tình bạn bè, định cho Tịnh một chức quan nhưng Tịnh nhất định không nghe, ở luôn trong nhà ko ra làm quan.
Ba lần binh biến Thọ Xuân trải dài trong gần 10 năm, kinh qua 3 đời nhà Tư Mã, do 3 cha con thay nhau đánh dẹp là 3 lần có tính chất khác nhau.
Lần đầu do Tư Mã Ý chủ động ra tay với Vương Lăng và Lăng ở trong thế bị động.
Lần thứ hai thực sự là do sự bất bình của các quan tướng trung thành với nhà Ngụy, nhưng cả Văn Khâm và Vô Khâu Kiệm đều tài năng kém cỏi không bằng Tư Mã Sư.
Lần thứ ba giống lần thứ nhất ở việc họ Tư Mã chủ động ra tay trước với tướng trấn thủ Thọ Xuân bằng việc triệu tập về kinh để tước bỏ binh quyền, nhưng Gia Cát Đản không chịu trói như Vương Lăng.
Mặt khác động cơ khởi binh của Gia Cát Đản cũng không được xem là xuất phát từ lòng trung thành với nhà Tào Ngụy; vì trước đó Gia Cát Đản từng giúp họ Tư Mã đánh Vô Khâu Kiệm;
Lý do thực sự là do mâu thuẫn giữa Gia Cát Đản và Nhạc Lâm, khi bị Tư Mã Chiêu đụng chạm thì Gia Cát Đản lấy việc phò vua Ngụy làm danh nghĩa.
Dù sao đi nữa, qua 10 năm trời, bằng cả những chiến thắng quân sự lẫn sự bành trướng trong triều đình, các lực lượng chống đối trong thiên hạ bị dẹp, quyền hành của họ Tư Mã trong chính quyền được củng cố.
Trở lại với Tư Mã Chiêu, sau khi đánh dẹp xong Gia Cát Đản, Chiêu mang quân về Hứa Xương và các thế lực trung thành của Tào Ngụy, Chiêu ngày càng hống hách, không coi ai ra gì.
Chiêu ép Tào Mao phong mình làm Tấn công, lấy 6 quận thuộc Tinh châu và 2 quận thuộc Tư châu làm đất phong, kiến lập nước Tấn trong lòng nhà Ngụy.
Tào Mao nhịn hết nổi, năm 260, Mao tập hợp mấy vị tướng dưới quyền định làm binh biến, nhưng khi vừa nghe ý định của hoàng đế thì chúng té khẩn trương.
Năm 260, Tào Mao tập hợp vài trăm đồng bộc, đánh trống hò hét ở cửa cung xông ra ngoài, muốn đánh vào phủ Tư Mã Chiêu.
Quân Tào Mao tiến tới cửa Nam Khuyết phía nam kinh thành thì bị Giả Sung mang quân ngăn cản.
Tào Mao đích thân rút kiếm xung trận, bọn quân lính thấy thiên tử thì cũng không dám vọng động.
Thời may, trong bộ hạ của Giả Sung lúc đó có một thằng đang có tý rượu vào nên chém giết rất sung, Sung ghé tai hắn nói nhỏ:
– Mày xông lên đâm chết lòi phèo nó đi, tội vạ đâu anh chịu.
Thế là Tào Mao bị đâm chết giữa trận tiền, Tư Mã Chiêu nghe tin vội chạy ra, ôm xác Tào Mao khóc nấc cả lên.
Sau đó Chiêu bắt tru di tam tộc cả nhà tên lính nhưng lại phong tước hầu cho Giả Sung.
Ít lâu sau đó Tư Mã Chiêu lập con Yên vương Tào Vũ là Tào Hoán lên ngôi tức là Ngụy Nguyên Đế.
Năm 262, Tư Mã Chiêu điều hai tướng Chung Hội, Đặng Ngải đi đánh Thục.
Cuối năm 263, Hội, Ngải tiến vào đất Thục, tiêu diệt được Thục Hán.
Năm 264, Tư Mã Chiêu ép Tào Hoán phong mình làm Tấn Vương.
Tháng 8 năm 265, Tư Mã Chiêu làm Tấn vương được hơn 1 năm thì lâm bệnh qua đời, thọ 55 tuổi.
Con trưởng là Tư Mã Viêm lên nối ngôi Tấn vương.
Tháng 12 cùng năm, Tấn vương Tư Mã Viêm phế truất Tào Hoán lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Tấn, tức là Tấn Vũ Đế.
 
Tham khảo :

Facebook Comments Box
Please follow and like us:
Pin Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.