Việt Nam dồn lực vào chất bán dẫn, đại gia nào sẽ 'hốt bạc' – VietNamNet
Huy Lê
Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam nhằm từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong nhiều khâu từ thiết kế, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử, sản xuất…
Ngày 19/9, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn Cadence Design Systems, Inc. về việc triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam.
NIC cũng bắt tay với Đại học bang Arizona về việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn Intel về việc phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao.
Trung tuần tháng 9, Công ty Hana Micron Vina (Hàn Quốc) khánh thành nhà máy sản xuất Hana Micron Vina 2, là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc. Lãnh đạo công ty đề ra kế hoạch nâng tổng mức đầu tư lên trên 1 tỷ USD tại Việt Nam.
Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đánh giá Việt Nam là đối tác ngày càng quan trọng với Mỹ. Bà nhấn mạnh Việt Nam là một giao điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Đánh giá những sự kiện gần đây, Dragon Capital cho rằng việc nâng cấp quan hệ chiến lược toàn diện có thể thúc đẩy việc tái thiết lập chuỗi cung ứng công nghệ cao như công nghiệp bán dẫn.
“Nhờ vậy, các doanh nghiệp như FPT và Đức Giang là những doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi đặc biệt khi tận dụng được cơ hội trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ bán dẫn”, chuyên gia Dragon nhận định.
Đơn hàng 25 triệu chip
Tập đoàn FPT công bố hợp tác chiến lược toàn diện với LandingAI – công ty tiên phong trong lĩnh vực thị giác máy và trí tuệ nhân tạo tại Mỹ – nhằm đẩy nhanh quá trình đưa AI vào đào tạo tại hệ thống giáo dục FPT Education.
FPT trong năm 2022 đã thành lập công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch FPT Semiconductor. Sản phẩm chip nguồn của công ty con này đã qua giai đoạn nghiên cứu phát triển, đến giai đoạn sản xuất hàng loạt. Tập đoàn đặt kế hoạch cung cấp 25 triệu chip trên toàn cầu vào năm 2024 và 2025.
Đại học FPT cũng vừa công bố thành lập Khoa Vi mạch bán dẫn, nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam. Khoa dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đề xuất Chính phủ Mỹ kêu gọi các doanh nghiệp lớn như Boeing, AT&T, Qualcomm, Intel, Ford… đầu tư vào Việt Nam; đồng thời mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn khoảng 30.000-50.000 người.
FPT hiện là một trong các tập đoàn hàng đầu về công nghệ thông tin và viễn thông ở Việt Nam. Quy mô vốn hóa vào khoảng 125.000 tỷ đồng, thuộc Top 10 công ty có giá trị cao nhất sàn niêm yết cổ phiếu Việt Nam.
Hoạt động kinh doanh tăng trưởng đều đặn trong những năm gần đây. Doanh thu năm ngoái lần đầu tiên ghi nhận mức trên 44.000 tỷ đồng và lãi ròng cao kỷ lục 5.310 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 23% so với năm 2021.
Còn trong nửa đầu năm nay, tập đoàn của ông Trương Gia Bình chứng kiến doanh thu tiếp tục tăng trưởng 22% lên trên 24.000 tỷ và lợi nhuận ròng tăng 21% đạt mốc trên 3.000 tỷ. Quy mô tổng tài sản vượt trên 60.000 tỷ đồng.
“Ông trùm” nguyên liệu cho bán dẫn
Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã: DGC) cũng là cái tên được cho sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư vào công nghiệp bán dẫn. Đây đang là nhà sản xuất photpho vàng (P4) lớn nhất cả nước – nguyên liệu chính cho sản xuất vi mạch điện tử và chất bán dẫn.
Hoá chất Đức Giang dự kiến doanh thu photpho vàng chiếm khoảng 40% tổng doanh thu. Phần còn lại đến từ Axit photphoric thực phẩm, Axit photphoric trích ly – WPA 50%, phân bón DAP và các loại hoá chất khác.
Công ty hóa chất này hiện có tổng công suất sản xuất trên 60.000 tấn phốt pho vàng/năm. Hồi tháng 4 vừa qua, tập đoàn này thâu tóm CTCP Phốt pho 6 – đơn vị sở hữu 1 lò photpho vàng với công suất 9.800 tấn/năm tại tỉnh Lào Cai.
Theo Chứng khoán DSC, thương vụ trên giúp sản lượng khai thác photpho vàng của doanh nghiệp tăng thêm 18% và loại bớt sự cạnh tranh trên thị trường; đồng thời củng cố lợi thế nhờ đưa quặng apatit thứ 2 vào hoạt động.
Hoá chất Đức Giang cho biết sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu axit photphoric cấp điện tử. Đây là loại cấp cao nhất được dùng trong sản xuất vi mạch điện tử, chất bán dẫn và màn hình LCD. Công ty đã đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất có công suất 30.000 tấn/năm trong năm 2022.
Tập đoàn này còn mua lại 51% cổ phần của Ắc quy tia sáng (TSB) với tham vọng bước chân vào sản xuất pin Lithium cho xe điện.
Về hoạt động kinh doanh, Hoá chất Đức Giang ghi nhận đỉnh hoạt động trong năm 2022 với doanh thu kỷ lục 14.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế vượt mốc 6.000 tỷ, tăng lần lượt 50% và 40% so với năm liền trước.
Kết quả nửa đầu năm nay gây thất vọng khi nhu cầu hóa chất trong nước và trên thế giới suy yếu. Công ty chứng kiến doanh số lao dốc 36% còn khoảng 4.900 tỷ và lợi nhuận giảm phân nửa còn 1.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chuyên gia DSC đánh giá kết quả kinh doanh đã tạo đáy và doanh thu sẽ tiếp tục phục hồi mạnh hơn trong các quý cuối năm. Nhất là khi nhu cầu sử dụng photpho vàng có dấu hiệu phục hồi bởi thế giới đang chứng khiến làn sóng đầu tư mạnh vào AI.
Kết phiên giao dịch 20/9, cổ phiếu FPT đứng tại 98.500 đồng/cp, tăng hơn 50% so với thời điểm đầu năm và đang xấp xỉ mức đỉnh lịch sử 99.000 đồng/cp. Giá trị vốn hóa đạt khoảng 125.000 tỷ đồng (tương đương định giá hơn 5 tỷ USD).
Cổ phiếu DGC cũng tăng mạnh lên 95.900 đồng/cp, tương ứng tăng 66% so với đầu năm. Giá trị vốn hóa của tập đoàn đạt 36.420 tỷ đồng (định giá khoảng 1,5 tỷ USD).
Chủ đề: