Việt Nam có cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn – Báo Kinh tế và Đô thị
Cần Nhà nước và doanh nghiệp cùng tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn
Tham gia chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) nêu câu hỏi: Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá như thế nào về cơ hội tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam?. Việt Nam cần có những giải pháp gì để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn?
Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế, kinh tế số phát triển nhanh. Đặc biệt, chúng ta quan tâm giảng dạy, đào tạo toàn diện ngay trong trường đại học, từ công nghệ thông tin đến vật lý, vật liệu… Như vậy Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để tham gia sâu vào và lĩnh vực này.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án để chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực đối với công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, ở trong nước, rất nhiều doanh nghiệp FDI đã đầu tư trong lĩnh vực kinh tế số, công nghệ cao đã đầu tư ở Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phát triển rất mạnh về kinh doanh số, trong thời gian vừa qua, tăng trưởng và đóng góp của ngành kinh tế số 12%-15%.
Về giải pháp lâu dài, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta cần quan tâm đào tạo ngay, đào tạo lại những kỹ sư đã có kiến thức nền tảng, có thể tiếp cận ngay để tham gia vào trong chuỗi này, đặc biệt là tham gia vào thiết kế, đóng gói…
Bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực, theo Phó Thủ tướng Chính phủ, nước ta có lợi thế là lực lượng lao động ở nước ngoài rất đông, đã tham gia và có năng lực tham gia vào lĩnh vực này. Do vậy, bằng những cơ chế chính sách để huy động sự tham gia của các nhà khoa học ở nước ngoài, Chính phủ cũng sẽ có những chủ trương chọn các trường đại học xây dựng trung tâm về công nghệ chip bán dẫn Việt Nam bằng cách đầu tư những phòng thí nghiệm tập trung, hiện đại để có thể thiết kế, kiểm chuẩn và sản xuất, có như vậy, chúng ta mới có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi này…
Phát biểu tranh luận, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn tỉnh Quảng Nam) nhận định, sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là chiến tranh thương mại giữa các nước lớn diễn ra khiến chuỗi cung ứng chip toàn cầu bị đứt gãy, gián đoạn, tuy nhiên, đây lại là cơ hội tốt cho Việt Nam để trở thành miền đất hứa cho ngành ngành công nghiệp bán dẫn. Đại biểu mong muốn Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết rõ hơn về việc tận dụng sớm nhất, nhanh nhất những lợi thế, tiềm năng của Việt Nam cũng như đưa ra chính sách như thế nào để thu hút các nhà đầu tư; cơ chế nào để khuyến khích, khơi dậy nguồn lực tiềm năng nội tại của đất nước?
Trả lời vấn đề đại biểu đưa ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, chúng ta sẽ đầu tư một số trung tâm nghiên cứu khoa học để phục vụ cho các trường dùng chung. Cùng đó, một số trung tâm đổi mới sáng tạo để có thể phát triển khâu nghiên cứu cơ bản làm chủ được các bước sau đó. Những đầu tư này cũng khá lớn, nhất là đầu tư sản xuất thử có thể lên tới 7 tỷ USD, do đó, cần có Nhà nước và khối doanh nghiệp cùng tham gia.
Giải pháp để phát triển trong nền kinh tế số, xã hội số?
Quan tâm đến giải pháp nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn tỉnh Hưng Yên) cho biết, trong nhiều năm qua, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp, áp dụng nhiều chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của công nghiệp hỗ trợ nhưng cho đến nay vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm trên 70% giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực công nghiệp. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong thời gian sắp tới, chúng ta cần có những giải pháp gì tiếp theo để nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ?
Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề này cần rà soát lại các chính sách, tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài. Trong thời gian qua, việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ, tạo ra hệ sinh thái của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào những chuỗi này vẫn còn hạn chế. Đây là một vấn đề mà chúng ta phải nghiêm túc kiểm điểm để chỉ ra những tồn tại, hạn chế.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã cấp giấy phép đầu tư cho các doanh nghiệp FDI, nhưng cũng phải đặt ra vấn đề về cam kết công nghệ những ngành mới nổi, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, có lộ trình nội địa hóa, hướng tới việc Việt Nam có thể làm chủ một số lĩnh vực. “Chúng ta có thể tận dụng cơ hội để phát triển hệ sinh thái này như công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, chip bán dẫn… Bảo đảm các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được tài chính, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nắm bắt nhu cầu thị trường”- Phó Thủ tướng Chính phủ nói.
Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (Đoàn TP Hải Phòng) đề nghị Phó Thủ tướng cho biết giải pháp để đưa Việt Nam phát triển trong nền kinh tế số, xã hội số hiện nay.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Việt Nam có thế mạnh, tiềm năng tự nhiên về con người, do vậy Chính phủ cần dẫn dắt, kiến tạo chuyển đổi số từ sử dụng, khai thác tài nguyên tự nhiên sang tài nguyên số. Đây là kho báu lớn, là xu thế cần phải tận dụng hiệu quả. Giải pháp thời gian tới các ngành, doanh nghiệp cần quan tâm tới xây dựng cơ sở dữ liệu – đây chính là tài nguyên. Chính phủ sẽ ban hành các cơ chế chính sách đảm bảo vận hành an toàn, an ninh mạng, đầu tư cơ sở hạ tầng để chuyển đổi số.
© 2022 Báo điện tử Kinh tế & Đô thị – Cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội
Giấy phép của Bộ Thông tin & Truyền thông số 196/GP-BTTTT cấp ngày 21/04/2022
Tổng biên tập: Nguyễn Thành Lợi
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Anh Đức, Lê Hoàng Anh, Nguyễn Xuân Khánh
Trưởng ban báo điện tử: Nguyễn Thị Thanh Loan
Toà soạn:
Trụ sở chính: 21 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội
Trụ sở 2: 221 Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội
ĐT: 024.37760444 (133) – Hotline: 0982 015 015
Email: [email protected] – Fax: 024.32484413
Liên hệ quảng cáo: 0966204859 – 024.37732198
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Kinh tế & Đô thị.