Vi mạch bán dẫn 'lên ngôi’, thí sinh lưu ý gì khi chọn ngành học mới? – Báo Đại Đoàn Kết

Thứ Tư, 19/6/2024
Trong số các ngành mở mới của mùa tuyển sinh năm nay, các ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn được nhiều trường hướng tới. Trước sức hấp dẫn của ngành học mới, thí sinh nên cân nhắc khi lựa chọn ngành.
Mở rộng đào tạo vi mạch bán dẫn
Ghi nhận tại mùa tuyển sinh năm 2024, trong đề án tuyển sinh của nhiều trường đại học có dự kiến mở ngành đào tạo liên quan tới lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Tới thời điểm giữa tháng 6, thêm trường đại học công bố thành lập khoa Vi Điện tử và Viễn thông. Cụ thể là Trường Đại học CMC, dự kiến đón lứa sinh viên đầu tiên của khoa này vào năm 2024.
Nhà trường xây dựng chương trình đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông với các định hướng: Thiết kế vi mạch bán dẫn (IC Design), Công nghệ Mạng và Truyền thông tiên tiến, Hệ thống nhúng và IoT.
Trước đó, nhiều trường đại học cũng công bố mở ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn như: Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng, cụ thể: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Trường Đại học Bách khoa…
Từ năm học 2024-2025, Trường Đại học Phenikaa cũng đưa chuyên ngành thiết kế vi mạch vào chương trình đào tạo đại học chính quy với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn theo chiều rộng và chiều sâu theo nhu cầu xã hội; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, thiết kế và sản xuất các dòng chip thông minh, tiên tiến, hiệu quả cao, ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả với sự hợp tác với các đối tác chiến lược.
Không chỉ dừng lại ở việc đào tạo dài hạn cho hệ đại học, Tập đoàn Phenikaa còn thành lập Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn hướng tới đào tạo nhân lực chất lượng cao và đồng thời ra mắt S-Phenikaa – công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch.
Đừng chọn ngành học theo xu hướng
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, các trường đại học không đứng ngoài dòng chảy đang diễn ra mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn.
Các trường có thể tuyển mới để đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối, hay kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn, vi mạch. Đây là lý do Trường Đại học Phenikaa mở các ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực này.
Theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7, thí sinh tiến hành đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Trong khoảng thời gian này, thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng và số lần đăng ký.
Dù sắp bước vào thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học nhưng tới thời điểm này, nhiều thí sinh vẫn đắn đo không biết nên chọn ngành học thế nào.
Hàng loạt thông tin liên quan tới lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trong đó cơ hội việc làm với mức lương khởi điểm hấp dẫn là thông tin thu hút sự quan tâm của thí sinh, phụ huynh thời điểm này.
Trước sức hấp dẫn của ngành học mới – vi mạch bán dẫn, các chuyên gia giáo dục cho rằng, quyết định chọn trường, chọn ngành học thế nào, người học nên cân nhắc và thận trọng; cần tập trung vào năng lực bản thân, từ đó nghiên cứu tìm ra ngành nghề và trường đại học có thể đáp ứng tốt nhất. Còn PGS.TS Nguyễn Phú Khánh lưu ý, thí sinh đừng chọn ngành học theo trend.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn lưu ý, các chương trình, ngành đào tạo này được phát triển từ các ngành khoa học, kỹ thuật truyền thống như: Vật lý kỹ thuật, Khoa học vật liệu, Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật máy tính, cùng với một số ngành mới hơn như Trí tuệ nhân tạo. Do đó, các thí sinh cần xác định năng lực, sở trường của mình đối với các môn học cơ bản như: Toán, Lý, Hóa, Tin học và các môn Kỹ thuật, Công nghệ.
Nhu cầu và yêu cầu các vị trí việc làm cả trong nước và ngoài nước đối với ngành công nghiệp bán dẫn chắc chắn tăng mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, các em cần tìm hiểu rõ về yêu cầu cơ cấu nhân lực theo trình độ đào tạo, ngành đào tạo trong ngắn hạn và dài hạn, trong nước và ở các nước khác. Khi các em đã tự tin vào sở trường, năng lực theo học và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế thì sẽ không còn gì phải băn khoăn, lo lắng cho việc lựa chọn của mình.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam
Trương Thị Ngọc Ánh phụ trách
Phó Tổng biên tập Thường trực: Lê Anh Đạt
Tổ chức sản xuất: Nguyễn Công Khanh
Giấy phép hoạt động báo điện tử: Số 586/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 13/12/2022
Thông tin tòa soạn
Địa chỉ: 66 Bà Triệu – Hà Nội
Hotline: 0862010866 Fax: (024) 38228547
Liên hệ quảng cáo: (024) 39431943 – (024) 39447011

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *