Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào tác nghiệp báo chí – An Ninh Thủ Đô

Danh mục
Media
Thông tin thêm
AI và tác nghiệp báo chí
Hiện nay, các hãng tin lớn trên thế giới, và nhiều cơ quan báo chí tại Việt Nam đã ứng dụng AI trong nhiều khâu của quy trình sản xuất nội dung. Trong đó, rõ nét nhất chính là các hoạt động thu thập và tổng hợp dữ liệu, viết tin tức, tạo hình ảnh hay video tự động, chọn lọc và cá nhân hóa nội dung, hay kiểm chứng, phát hiện tin giả…
Trên thực tế, AI có thể tự động thu thập và tổng hợp các thông tin, số liệu từ nhiều nguồn khác nhau, giúp tăng tốc quá trình nghiên cứu và chuẩn bị nội dung. Từ đó có thể hỗ trợ các nhà báo trong việc tự động hóa quá trình viết các bài tin ngắn, đơn giản, tạo hình ảnh, xây dựng biểu đồ, làm video… Các thuật toán AI cũng có thể phân tích hành vi, sở thích của từng độc giả để cá nhân hóa nội dung, tăng độ tương tác và độ thu hút. Đặc biệt, công nghệ AI cũng có vai trò quan trọng trong việc phát hiện tin giả, từ việc phát hiện deepfake, giả mạo văn bản và hình ảnh dựa trên AI, các tòa soạn có thể cảnh báo và dán nhãn những nội dung nghi ngờ, giúp bạn đọc giảm nguy cơ bị lừa, tăng được uy tín cho cơ quan báo chí.
Cơ hội nhiều, thách thức lớn
Việc ứng dụng AI trong báo chí mang lại nhiều cơ hội như tăng năng suất, cá nhân hóa nội dung và phát hiện tin giả hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những thách thức và nguy cơ rất lớn đối với độc giả và chính các nhà báo, cơ quan báo chí.
Đầu tiên phải nhắc đến chính là tin cậy và minh bạch của nội dung do AI tạo ra. Do AI có thể dễ dàng tạo ra vô số nội dung rất nhanh chóng nên độc giả có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt nội dung do con người hay do AI sản xuất. Khả năng lợi dụng AI để tạo ra các nội dung giả mạo ngày càng tinh vi hơn. Trên thực tế đã có rất nhiều vụ lừa đảo mà các đối tượng xấu sử dụng các công cụ deepfake tạo ra những video, hình ảnh, văn bản giả mạo hết sức tinh vi, khó phát hiện. Điều này khiến công chúng sinh tâm lý nghi ngờ, không biết độ chính xác của tin tức đó như thế nào. Vô hình trung làm giảm đi niềm tin của bạn đọc với nhà báo và cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, các thuật toán AI có thể làm tăng xu hướng cá nhân hóa quá mức, thu hẹp quan điểm và đa dạng của nội dung mà độc giả tiếp cận. Đồng thời khiến cho các nhà báo có thể trở nên lười nhác hơn, bị động, phụ thuộc vào công cụ AI hỗ trợ, ít trực tiếp tác nghiệp hơn. Dần dần các kỹ năng phán đoán, xử lý tình huống và sáng tạo cũng bị suy giảm, ảnh hưởng đến nghề nghiệp và chất lượng tác phẩm báo chí.
Reuters ra đời Fact Check với chức năng giám sát các nền tảng kỹ thuật số để tìm thông tin sai lệch có liên quan đến các sự kiện tin tức và các chủ đề đang được độc giả thảo luận
Giải pháp và khuyến nghị
Trong hội thảo chuyên đề “Tương lai của báo chí và trí tuệ nhân tạo” do Global PR Hub cùng Hội Nhà báo Việt Nam, Hãng tin Reuters và MGID phối hợp tổ chức hồi giữa tháng 3-2024, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân khẳng định: “Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của công nghệ nói chung và AI nói riêng trong thế giới thông tin hiện đại. Tuy nhiên, việc sử dụng AI đòi hỏi sự cẩn trọng và hiểu biết sâu sắc về các vấn đề nhân văn và đạo đức”.
Giải pháp do… AI đưa ra
Đây là một số gợi ý do AI đưa ra khi được hỏi về giải pháp để hạn chế những tác hại, tiêu cực do thông tin sai trái do sử dụng AI tạo nên:
– Tăng cường công bố minh bạch về việc sử dụng AI trong quá trình tác nghiệp, giúp độc giả nhận biết rõ ràng.
– Phát triển các tiêu chuẩn và quy trình kiểm tra chất lượng nội dung do AI tạo ra, đảm bảo chính xác và tin cậy.
– Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức kiểm tra sự thật để cung cấp thông tin về độ tin cậy của nội dung.
– Nâng cao nhận thức của độc giả về các nguy cơ liên quan đến nội dung do AI tạo ra, cách phân biệt và cảnh giác.
– Phát triển công nghệ phát hiện deepfake, giả mạo ngày càng hiệu quả hơn.
Theo ông Lê Quốc Minh, có một trang thông tin chuyên về công nghệ trên thế giới đã âm thầm sử dụng AI để tạo ra nội dung nhưng người ta phát hiện ra rằng có đến 40% nội dung là sai trái. Vấn đề là không phải ai cũng biết thông tin đó là sai. Vì thế, lâu nay báo chí là sự thật, báo chí đưa thông tin thì độc giả tin thế, còn những điều sai trái, nói dối, không có kiểm chứng thì người ta không tin. Nhưng đáng sợ nhất là công chúng “họ không tin vào cái gì cả”, vì không biết đâu là đúng, sai – đây là điều vô cùng nguy hại.
Để bảo vệ báo chí trước mặt trái của AI, theo ông Lê Quốc Minh, cần thúc đẩy có những quy định về mặt pháp lý để bảo vệ bản quyền của báo chí đang được tiêu dùng, đang được phân tích bởi AI. “Getty Images đã cấm OpenAI không được sử dụng kho hình ảnh của họ” – ông Lê Quốc Minh cho biết. Đồng thời với những quy định về pháp lý, báo chí bây giờ không còn con đường nào khác là quay trở lại với bản chất ban đầu, đó là xây dựng mối quan hệ trực tiếp với độc giả, gắn bó với họ, phải hiểu họ là ai để đưa ra những nội dung phù hợp, mang lại giá trị cho họ.
Như vậy có thể khẳng định, việc ứng dụng AI trong báo chí mang lại nhiều cơ hội như tăng năng suất, cá nhân hóa nội dung và phát hiện tin giả, đồng thời tương tác với công chúng dễ dàng, hiệu quả. Tuy nhiên, AI cũng đặt ra những thách thức và nguy cơ đáng lưu ý, ảnh hưởng trực tiếp đến độ tin cậy của độc giả. Để tận dụng triệt để các lợi ích của AI mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng và độ tin cậy của nội dung, nhất định phải có sự chuyển hướng mạnh mẽ trong công tác báo chí, việc xây dựng ban hành các quy định pháp lý, đồng thời nâng cao kỹ năng trải nghiệm, tiếp cận và “tiêu hóa” thông tin trên báo chí và mạng xã hội.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh mang tới nhiều giải pháp trong việc sản xuất, biên tập, xây dựng nội dung nhưng chính công nghệ cũng là con dao 2 lưỡi khi các công cụ (tools) được sử dụng dễ dàng và đa dạng để tạo ra các thông tin sai trái, lừa đảo. Mức độ tạo ra các nội dung này thì ngày càng nhanh và ngày càng tinh vi. Tôi đồng ý với quan điểm báo chí cần kiểm tra sàng lọc thông tin thật kỹ để không tiếp tay chia sẻ các thông tin giả mạo. Chính với lý do này mà báo chí kiểm chứng (fact checking) luôn là một đề tài nổi cộm và được lưu tâm đối với các cơ quan báo chí quốc tế. Ngày 27-5-2024 vừa qua tại World News Media Congress tại Copenhaghen, Hãng tin Reuters cũng mới có bài chia sẻ về nội dung này.
Việc Reuters ra đời Fact Check với chức năng giám sát các nền tảng kỹ thuật số để tìm thông tin sai lệch có liên quan đến các sự kiện tin tức và các chủ đề đang được độc giả thảo luận. Ngày nay với công cụ AI việc truy vấn, phân tích và kiểm định thông tin không chính xác, thông tin sai lệnh, tin giả cũng dễ dàng hơn. Các fact checker kiểm định ở khâu text (chữ – văn bản), nguồn gốc ảnh, video, thậm chí phân tích Geo-location (vị trí)… Các cơ quan báo chí hay nền tảng mạng xã hội cũng có thể sử dụng AI để tự động phát hiện và xóa tin giả khỏi nền tảng của họ. Bên cạnh đó, AI có thể được sử dụng để cảnh báo người dùng về các nội dung có khả năng là tin giả, giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt hơn về việc chia sẻ hoặc tin tưởng thông tin.
Nhà báo Hà Văn Kiệm
Địa chỉ tòa soạn: Số 82 Lý Thường Kiệt – Hoàn Kiếm – Hà Nội
Điện thoại: +84-24 3942 6355
Đường dây nóng: 0936 273 037
[email protected]
Giấy phép hoạt động báo chí số 08/GP-BTTTT, ngày 5/1/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tổng Biên tập Báo CAND: Phạm Quang Khải
Trưởng BBT An ninh Thủ đô: Nguyễn Thanh Bình
Phó Trưởng BBT An ninh Thủ đô:: Lưu Hồng Quân, Chu Quốc Dũng, Vũ Mạnh Hùng
Bản quyền thuộc An ninh Thủ đô. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *