TSMC nhận được thỏa thuận trị giá 11 tỷ USD để xây dựng 'chip bán dẫn tiên tiến nhất' tại Mỹ – VnEconomy
Trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ đang tiếp diễn với Trung Quốc, đầu tuần qua, Mỹ đã công bố khoản tài trợ trị giá 6,6 tỷ USD cho Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan để gã khổng lồ sản xuất chip xây dựng nhà máy thứ ba tại quốc gia này và sản xuất ra những con chip tiên tiến nhất thế giới.
Ngoài ra, khoản vay 5 tỷ USD từ chính quyền Washington sẽ cũng được cấp cho công ty Đài Loan. Theo Bộ Thương mại Mỹ, công ty này sẽ đầu tư hơn 65 tỷ USD để xây dựng ba nhà máy chế tạo chất bán dẫn hay còn gọi là fab tại bang Arizona. Nhà máy thứ ba sẽ được xây dựng trước cuối thập kỷ này và sản xuất những con chip từ 2 nanomet trở lên.
Theo nguồn tin từ tòa báo SCMP, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: “Cam kết đổi mới của TSMC đối với Mỹ và khoản đầu tư của họ vào Arizona thể hiện một câu chuyện rộng lớn hơn về sản xuất chất bán dẫn được sản xuất tại Mỹ và với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ để xây dựng các sản phẩm mà Mỹ sử dụng hàng ngày”.
Diễn biến này nhấn mạnh sự thúc đẩy của Chính quyền Tổng thống Biden đối với Đạo luật Khoa học và Chips. Đạo luật được ký thành luật vào năm 2022 và dành 39 tỷ USD tài trợ trực tiếp cộng với các khoản vay và bảo lãnh trị giá 75 tỷ USD để thu hút các công ty bán dẫn xây dựng cơ sở sản xuất ở Mỹ. Mỹ hiện sản xuất chưa đến 10% số chip của thế giới và không có loại chip tiên tiến nhất.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết nhờ những khoản đầu tư mới như khoản tài trợ cho TSMC để xây dựng nhà máy tại bang Arizona, Mỹ hiện đang trên đà sản xuất khoảng 20% số chip tiên tiến nhất thế giới vào năm 2030.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết khoản đầu tư của TSMC vào khuôn viên Arizona sẽ hỗ trợ nỗ lực của Mỹ trong việc “đưa ngành sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới đến Mỹ”. Bà Raimondo chia sẻ: “Các chất bán dẫn tiên tiến nhất được sản xuất tại Arizona là nền tảng công nghệ để xác định an ninh kinh tế trong thế kỷ 21, bao gồm AI và điện toán hiệu năng cao. Khoản tài trợ được đề xuất này sẽ giúp chuỗi cung ứng của chúng tôi an toàn hơn và tạo ra hàng nghìn việc làm sản xuất và xây dựng chất lượng tốt cho người dân Arizona”.
Khi đạt công suất tối đa, ba nhà máy của công ty Đài Loan sẽ sản xuất hàng chục triệu con chip hàng đầu cung cấp năng lượng cho các sản phẩm như điện thoại thông minh 5G/6G, xe tự hành và máy chủ trung tâm dữ liệu AI. Các khách hàng lớn của TSMC hiện nay bao gồm AMD, Apple , Nvidia và Qualcomm. Bộ Thương mại Mỹ cho biết thêm: “Điều này sẽ giúp tăng cường lợi thế cạnh tranh của Mỹ trong đổi mới khoa học và công nghệ trên toàn cầu”.
TSMC trước đó đã công bố 40 tỷ USD sẽ được chi cho hai nhà máy đầu tiên ở Arizona. Tuy nhiên, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới đã phải vật lộn với tình trạng trì hoãn hoạt động, với lý do thiếu nhân công chuyên môn và các biện pháp khuyến khích của chính phủ Mỹ.
Nhà máy đầu tiên của TSMC sẽ sản xuất chip 4nm và hiện dự kiến bắt đầu sản xuất vào nửa đầu năm 2025. Bên cạnh đó, nhà máy thứ hai, hoạt động ra mắt bị trì hoãn từ năm 2026 đến năm 2028, sẽ sản xuất chip 2nm. Theo TSMC, kế hoạch ban đầu là chỉ sản xuất chip có kích thước 3nm tại nhà máy thứ hai này, nhưng nhờ nguồn tài trợ mới từ chính phủ Mỹ công ty có thể sản xuất con chip có kích thước nhỏ hơn. Nói chung, chất bán dẫn càng nhỏ thì càng tiên tiến, vì có thể gói gọn nhiều sức mạnh tính toán hơn vào một miếng silicon nhỏ.
Chia sẻ với tờ SCMP, chủ tịch TSMC Mark Liu cho biết: “Khoản tài trợ được đề xuất từ Đạo luật Khoa học và Chips sẽ mang lại cho TSMC cơ hội thực hiện khoản đầu tư chưa từng có này để cung cấp dịch vụ đúc của chúng tôi với các công nghệ sản xuất tiên tiến nhất ở Mỹ”.
Ông Liu chia sẻ thêm: “Các hoạt động tại Mỹ cho phép chúng tôi hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng Mỹ, bao gồm một số công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Ngoài ra, các hoạt động ấy cũng sẽ mở rộng khả năng của chúng tôi để thúc đẩy những tiến bộ trong tương lai về công nghệ bán dẫn”.
Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ cũng thông báo rằng gã khổng lồ công nghệ Intel sẽ nhận được 19,5 tỷ USD – bao gồm 8,5 tỷ USD tài trợ trực tiếp và khoản vay lên tới 11 tỷ USD – để xây dựng và hiện đại hóa các nhà máy bán dẫn của mình ở 4 bang của Mỹ.
Chuyên mục của Tạp chí Kinh tế Việt Nam | VnEconomy
Phát triển bởi Hemera Media