Trí tuệ nhân tạo và kinh tế báo chí – Báo Dân Trí

Cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đang đem đến cả cơ hội và những thách thức to lớn với nghề báo.
AI có khả năng viết bài báo tự động, đơn giản và ngắn gọn. AI có thể xử lý và phân tích lượng dữ liệu khổng lồ một cách nhanh chóng và chính xác. AI có thể giúp kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp, và thậm chí là logic của bài viết. AI giúp các nhà báo tìm ra các xu hướng, phát hiện các câu chuyện tiềm năng, và kiểm chứng thông tin dễ dàng hơn. Chưa kể, AI có thể giúp tùy chỉnh nội dung dựa trên sở thích và hành vi của người đọc, giúp tăng tương tác và duy trì độc giả…
Phóng viên Dân trí tác nghiệp trong một đợt mưa ngập ở TPHCM (Ảnh: Hữu Khoa)
Vài ví dụ trên cho thấy, AI là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ, giúp nhà báo nâng cao hiệu suất và chất lượng công việc. Nhưng, nghề báo có nhiều công đoạn, trong đó với những công việc đòi hỏi sự sáng tạo, cần phân tích bình luận sâu, thể hiện quan điểm, chính kiến… thì chắc chắn “máy vẫn chưa thể thay thế được người” trong việc tạo nên sức hấp dẫn cho các tác phẩm báo chí.
Sức hấp dẫn ấy là tính phát hiện và xử lý thông tin của người làm báo theo đặc thù của báo chí cách mạng Việt Nam, của thể chế chính trị và công chúng báo chí Việt Nam. Dấu ấn sáng tạo nằm ở nỗ lực, công sức và kinh nghiệm đúc kết của những người làm báo.
Khi công chúng đang dần “di cư” lên không gian mạng, bên cạnh những loại hình truyền thống, báo chí cần tận dụng mạng xã hội để cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng. Trên không gian mạng, báo chí phải tư duy bằng “tư duy mạng”, hiểu sâu sắc “công chúng mạng” và phải có các giải pháp thông minh để không đánh mất chủ quyền và tài nguyên của mình chỉ vì chạy theo xu thế.
Trong bối cảnh kinh tế báo chí khó khăn hiện nay, các cơ quan báo chí phải xác định công chúng chủ yếu của mình là ai. Khi có công chúng, ngoài sự chi trả trực tiếp của người tiếp nhận, báo chí sẽ thu hút được quảng cáo, dịch vụ từ khách hàng, doanh nghiệp.
Trên cơ sở thương hiệu của mình, các cơ quan báo chí còn có thể triển khai các hoạt động kinh tế báo chí ngoài mặt báo như tổ chức sự kiện, tọa đàm, tổ chức các cuộc thi…
Báo chí cũng có thể phát triển báo chí dữ liệu, kinh doanh thông tin thị trường, cung cấp tới những tổ chức đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu…  Ngoài ra, một số cơ quan báo chí đã triển khai mô hình thu phí độc giả với những bài viết có chất lượng cao, mang lại giá trị thật.
Phóng viên Dân trí tác nghiệp trong đại dịch Covid-19 (Ảnh: Hữu Khoa)
Một nhiệm vụ chính trị quan trọng và cũng đem lại nguồn thu cho báo chí là đẩy mạnh truyền thông chính sách. Chỉ thị số 7 của Thủ tướng Chính phủ về truyền thông chính sách có nhiều điểm mới đột phá, trong đó khẳng định truyền thông chính sách là nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước và báo chí là cơ quan phối hợp. Theo đó, các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, lên kế hoạch, có nhân lực và dành kinh phí cho truyền thông chính sách. Các cơ quan báo chí cần thông tin khách quan hơn, sòng phẳng, tạo sự tin cậy của các đơn vị cung cấp thông tin.
Tất nhiên, việc định hướng công chúng không bao giờ đơn giản. Trong bối cảnh công chúng có nhiều nguồn tin thì thông tin truyền thông chính sách phải đủ sức hấp dẫn, tin cậy, kịp thời để thu hút công chúng theo cách mà họ mong muốn. Truyền thông chính sách phải dựa trên cơ sở những kênh phương tiện truyền thông được công chúng đón nhận, nhưng cần có cách triển khai đa dạng, linh hoạt. Trên cơ sở đó, các cơ quan nhà nước có hình thức lựa chọn đặt hàng phù hợp, hiệu quả và có trách nhiệm với truyền thông chính sách.
Để phát triển kinh tế báo chí, có nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng trước hết vẫn là phải bám sát công chúng. Muốn vậy, báo chí phải đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu thói quen, nhu cầu, hành vi của công chúng, quan tâm đến công chúng nhiều hơn. Điều này không chỉ giúp tạo thêm nguồn thu cho báo chí mà còn mang lại hiệu quả cao trong truyền thông chính sách.
Tất nhiên, giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng là thông tin chân thật, khách quan, vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Dù các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ đến đâu, tận dụng AI và các ứng dụng hiện đại đến mức nào, thì công chúng vẫn nhận diện và tìm đến báo chí vì sự thật, nhất là khi tin giả còn lan tràn trên các mạng xã hội. Giữ vững giá trị cốt lõi ấy, báo chí sẽ luôn được Đảng và Nhân dân đặt trọn niềm tin. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để tìm lời giải cho mọi thách thức phát triển, kể cả vấn đề kinh tế báo chí nóng bỏng hiện nay.
Tác giả: Ông Đỗ Chí Nghĩa là PGS.TS chuyên ngành báo chí; từng có nhiều năm công tác tại Học viện Báo chí Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Bên cạnh nghề giáo, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cũng từng giữ chức Tổng biên tập Thời báo Doanh nhân, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân. Hiện PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa là đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa – Giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *