Trí tuệ nhân tạo lan đến đồng ruộng châu Phi – Báo Đại Đoàn Kết

Thứ Sáu, 21/6/2024
Nhờ một ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), người nông dân ở Malawi có thể tiết kiệm thời gian để giải đáp những thắc mắc liên quan đến việc trồng trọt, chăn nuôi, từ đó giảm thiểu thiệt hại kinh tế.
Tại làng Ndodo, cách thủ đô Lilongwe của Malawi 40km về phía Nam, những người nông dân tập trung dưới bóng cây keo để nghe hướng dẫn cách ngăn chặn mọt phá hoại mùa khoai lang từ một ứng dụng AI trên điện thoại thông minh.
Những lời khuyên do ứng dụng cung cấp bằng ngôn ngữ địa phương Chichewa là một trong những ví dụ đầu tiên về cách sử dụng AI để hỗ trợ những người nông dân đang sinh sống ở một số khu vực nghèo nhất trên thế giới. Được thí điểm bởi tổ chức phi lợi nhuận Opportunity International có trụ sở tại Chicago (Mỹ), ứng dụng có tên Ulangizi (tạm dịch là “Lời khuyên”) hoạt động trên WhatsApp và sử dụng dữ liệu từ ChatGPT cũng như sổ tay hướng dẫn nông nghiệp bằng tiếng Anh của chính phủ Malawi để trả lời các câu hỏi hoặc chẩn đoán bệnh trên cây trồng và vật nuôi.
Ứng dụng này có thể trở nên quan trọng đối với 3,1 triệu gia đình sống dựa vào nông nghiệp nhỏ để kiếm sống ở Malawi. Sự ra đời của nó diễn ra sau khi cơn bão Freddy tàn khốc “xé toạc” Malawi vào đầu năm 2023, khiến gần 100.000 người phải di dời, những cánh đồng ngập đầy nước và vụ đậu nành gần như bị phá hủy.
Mặc dù AI ngày càng được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp ở nhiều nước phát triển nhưng sự xuất hiện của nó ở các quốc gia nghèo và đối với nông dân tự cung tự cấp là tương đối mới. Thành công của ứng dụng Ulangizi ở Malawi – nơi nông nghiệp quy mô nhỏ cung cấp sinh kế cho hơn 80% trong số 21 triệu dân của đất nước có thể mở đường cho việc giới thiệu ứng dụng này ở những nơi khác trên thế giới. Có 600 triệu nông dân sản xuất nhỏ trên toàn cầu, trồng hơn 30% lượng lương thực trên thế giới.
“Chúng tôi đã thấy bão Freddy tàn phá nền kinh tế và hệ thống lương thực nhanh đến mức nào. Nhưng các tổ chức hỗ trợ nông dân nói với chúng tôi rằng, ứng dụng AI có thể giúp họ không chỉ giải quyết hậu quả của cơn bão mà còn chuẩn bị ứng phó đối với những sự kiện như vậy” – ông Greg Nelson, Giám đốc công nghệ của Opportunity cho biết.
Theo ông Nelson, Opportunity có mạng lưới đại lý hỗ trợ nông dân trên khắp châu Phi cận Sahara, nên đã có một hệ thống để phổ biến công cụ này. “Công cụ này rất dễ xây dựng nhưng cần có thời gian để xác thực. Bởi cần đảm bảo có nội dung phù hợp, đối tác phù hợp và ngôn ngữ phù hợp” – ông Nelson nói.
Mặc dù chi phí của dự án thí điểm Ulangizi do Opportunity chi trả được tài trợ bởi các đối tác bao gồm Cisco Systems và Mastercard, nhưng hiện tổ chức đang tìm kiếm nguồn tài trợ khác để triển khai rộng rãi hơn trên khắp Malawi và các nơi khác trên thế giới. Opportunity cho biết, nguồn tài trợ sẽ đến từ các nhà tài trợ doanh nghiệp và từ thiện.
Ông Tim Strong – người đứng đầu bộ phận tài chính nông nghiệp của Opportunity cho biết, các nông dân sản xuất nhỏ thường sống trong tình trạng nghèo cùng cực và có hàng trăm triệu người trên khắp thế giới cần được tiếp cận với các phương pháp thực hành tốt nhất. “Nông dân sản xuất nhỏ hiện chỉ sản xuất khoảng 20-30% năng suất tiềm năng của họ. Nông nghiệp cần tăng gấp đôi năng suất về sản lượng ngũ cốc và gấp ba sản lượng rau để nuôi sống hành tinh vào năm 2050, vì vậy đây là một không gian quan trọng để đảm bảo nông dân sản xuất nhỏ trở thành nhà sản xuất tốt nhất có thể” – ông Strong nói.
Opportunity bắt đầu với Malawi bởi chính phủ nước này sẵn sàng hợp tác với các cơ quan cứu trợ như Chương trình Lương thực thế giới và tìm kiếm sự giúp đỡ cho những người dân sống phụ thuộc vào nông nghiệp, đặc biệt là sau bão Freddy.
Mặc dù Chính phủ Malawi có các cơ quan khuyến nông nhưng vẫn chưa đủ. Trên toàn quốc, tỷ lệ này là 1 tác nhân trên 2.500 – 3.000 hộ nông dân, so với tỷ lệ khuyến nghị là 500 – 700 hộ. Ông Webster Jassi – cán bộ phương pháp khuyến nông của Lilongwe West cho biết, xung quanh Thủ đô Lilongwe chỉ có 341 cố vấn cho gần 250.000 nông dân, vì vậy, việc hỗ trợ từng người là một nhiệm vụ khó.
Nông dân Grace Kalembera chia sẻ: “Tháng 3 vừa qua, đàn lợn của tôi xuất hiện những vết thương nhỏ và tôi không biết diễn tả điều này như thế nào. Người đại diện hỗ trợ nông dân đề nghị chúng tôi chụp ảnh và gửi đi. Chúng tôi đã làm theo và ứng dụng đã giải thích chi tiết con lợn đang mắc bệnh gì và cần mua loại thuốc nào. Nếu có ứng dụng này từ năm ngoái, có lẽ tôi đã không mất nhiều lợn như vậy”.
Tuy nhiên vẫn tồn tại những thách thức không nhỏ. Ở Ndodo, tỷ lệ sử dụng điện thoai thông minh chỉ là 1/150. Ngoài ra, khả năng kết nối mạng không phổ biến và chi phí dữ liệu vẫn quá cao đối với nông dân ở một trong những quốc gia nghèo nhất lục địa.
Bộ trưởng Thông tin Malawi Moses Kunkuyu cho biết, khoảng 2 triệu dân Malawi có thể truy cập Internet và có 12 triệu thẻ sim đã đăng ký. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận các thiết bị thông minh còn hạn chế, khiến nông dân chỉ có thể truy cập WhatsApp trên một số điện thoại cơ bản.
Maron Galeta – nông dân tham gia thử nghiệm trên ứng dụng Ulangizi cho biết, ứng dụng này giúp họ tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Trước đây, họ phải mất hàng ngày để chờ nhân viên khuyến nông giải quyết mọi vấn đề mà họ gặp phải. Nhưng giờ chỉ cần nhấn nút, tất cả thông tin họ cần đều sẵn sàng.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam
Trương Thị Ngọc Ánh phụ trách
Phó Tổng biên tập Thường trực: Lê Anh Đạt
Tổ chức sản xuất: Nguyễn Công Khanh
Giấy phép hoạt động báo điện tử: Số 586/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 13/12/2022
Thông tin tòa soạn
Địa chỉ: 66 Bà Triệu – Hà Nội
Hotline: 0862010866 Fax: (024) 38228547
Liên hệ quảng cáo: (024) 39431943 – (024) 39447011

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *