Trí tuệ nhân tạo định hình lại phương pháp giảng dạy tại Trung Quốc – Phụ nữ Việt Nam
Email
[email protected]
Hotline
094.170.7373
Trí tuệ nhân tạo định hình lại phương pháp giảng dạy tại Trung Quốc
Trường trung học Huệ Văn ở thành phố Thiên Tân (miền Bắc Trung Quốc) là một trong những trường ở thành phố này tiên phong ứng dụng AI vào giáo dục. Ông Ninh Triệu Hồng, Giám đốc Trung tâm đổi mới của trường, cho biết dự án ứng dụng AI trong đào tạo đã được triển khai từ cách đây gần 7 năm.
Vào năm 2017, trường đã thành lập câu lạc bộ mang tên “Huimin Singularity” để nâng cao trải nghiệm ngoại khóa của học sinh và tạo cơ hội cho những ai quan tâm AI. Ông Triệu Hồng cho biết: “Ở giai đoạn đầu, vì tất cả chúng tôi đều là những người mới bắt đầu chế tạo, vận hành và lập trình robot nên chúng tôi chủ yếu dựa vào việc tự học và nghiên cứu”. Hầu hết các thành viên câu lạc bộ đều tham gia các cuộc thi robot.
Trong thời gian rảnh rỗi, học sinh và giáo viên đã cùng nhau tham dự các cuộc thi robot. Sau nhiều thử thách, họ cũng đã giành được chức vô địch trong lĩnh vực này. Dần dần, câu lạc bộ được biết đến nhiều hơn thông qua các cuộc trình diễn robot thường xuyên và hoạt động điều khiển thiết bị bay không người lái, thu hút ngày càng nhiều học sinh tham gia.
Kể từ năm 2022, “Huiwen Singularity” chính thức được coi là một chương trình ngoại khóa của trường Huệ Văn, tạo cơ hội cho mọi học sinh tham gia. Ngoài ra, nhà trường cũng triển khai các khóa học đổi mới công nghệ cho sinh viên.
Ông Ninh Triệu Hồng bày tỏ sự tự hào khi chứng kiến hành trình phát triển từ một câu lạc bộ của những cá nhân có cùng sở thích đến mở rộng cho các đối tượng học sinh, từ một người hướng dẫn duy nhất đến một nhóm gắn kết và từ các bài tập công nghệ cơ bản đến giáo dục AI toàn diện.
Ảnh minh họa
Ông Khúc Vi, Hiệu trưởng của trường Huệ Văn, nhận định: “Cần coi các khóa học về AI là yếu tố cốt lõi trong nền tảng giáo dục ở các trường tiểu học và trung học”. Theo ông, học sinh khi tìm hiểu về robot không nên chỉ giới hạn ở những ứng dụng trong chơi cờ vua hoặc hoạt động của dây chuyền lắp ráp, mà còn nên tham gia các chương trình cơ bản để phát triển tư duy khoa học.
Khi cơ sở vật chất phần cứng được cải thiện và giáo viên cũng như học sinh hiểu sâu hơn về AI, công nghệ này đã trở thành một công cụ phổ biến và được ứng dụng hiệu quả trong nhiều môn học.
Trước mỗi buổi học, “trợ lý AI” của các lớp học có thể điểm lại những nội dung chính trong buổi học của ngày hôm trước. Trợ lý AI cũng có thể đánh giá khả năng đọc tiếng Anh của học sinh. Giáo viên thể dục sử dụng robot để đánh giá thành tích vận động của học sinh theo thời gian thực và hỗ trợ các em cải thiện kỹ thuật chạy cự ly trung bình…
Từ một câu lạc bộ khoa học đến việc tích hợp AI vào hoạt động giảng dạy, hành trình đưa AI vào giảng đường của trường trung học Huệ Văn được xem là điển hình cho nhiều trường tiểu học và trung học khác trên khắp Trung Quốc.
Tại trường trung học cơ sở Bắc Kinh 101, hệ thống nghe và nói dựa trên AI đã được tích hợp vào các lớp học tiếng Anh. Tương tự, ở Phúc Kiến, giáo viên sử dụng AI và công nghệ dữ liệu lớn để khơi gợi hứng thú học tập của học sinh.
Ông Khúc Vi cho biết: “Việc đưa AI vào giảng đường đã tạo nên những chuyển đổi tích cực cho cả học sinh và giáo viên. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao trình độ sử dụng AI của giáo viên để làm phong phú và cải tiến môn học liên quan”.
BÁO ĐIỆN TỬ PHỤ NỮ VIỆT NAM
Cơ quan trung ương của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Giấy phép báo điện tử số: 677/GP – BTTTT
Tổng biên tập: NGUYỄN THỤC HẠNH
Phó tổng biên tập phụ trách báo điện tử:
PHÍ QUỐC THUYÊN, HOÀNG ĐINH LINH
TRỤ SỞ CHÍNH
Tòa soạn: 47 Hàng Chuối, Tp. Hà Nội
Điện thoại: 84-24-3971 3500 – Fax: 84-24-3821 3202
Đường dây nóng: 094.170.7373
Email: [email protected]
LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
[email protected]
CÁC TRANG LIÊN KẾT
Báo Phụ Nữ Việt Nam không chịu trách nhiệm về liên kết mở rộng. Việc sử dụng lại thông tin trên trang này phải có sự đồng ý bằng văn bản của báo Phụ nữ Việt Nam.