Trí tuệ nhân tạo: Cú hích cho báo chí hiện đại – Báo Đại Đoàn Kết
Thứ Năm, 27/6/2024
Gần đây, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dần trở thành đòi hỏi cấp thiết trong không ít lĩnh vực của cuộc sống. Trong lĩnh vực báo chí, AI được thuyết minh có thể giúp nhà báo hoàn chỉnh bản tin với tốc độ nhanh hơn, rút ngắn thời gian tác nghiệp. Dù vậy, AI có thể làm thay nhiều việc cho con người, nhưng công việc của nhà báo lại rất khó bị thay thế bởi AI.
Là phóng viên công tác lâu năm tại Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), nhà báo Thanh Phương đã sử dụng AI trong một số công đoạn để hoàn thành một bản tin truyền hình. “Kể từ giai đoạn dịch Covid-19, tôi có nhiều thời gian rảnh do phải “ở nhà chống dịch”, nên đã tìm hiểu thông tin về AI trên mạng internet. Tôi đã cố gắng để ứng dụng AI vào công việc của mình”, anh Phương nói. Vì vậy, ngay sau dịch Covid-19, anh Phương đã sử dụng một số phần mềm AI thông dụng trong chỉnh sửa (edit) hình ảnh/video trước khi xuất bản.
“Rõ ràng thời gian biên tập video đã nhanh hơn hẳn, không thao tác nhiều như sử dụng ứng dụng Adobe Photoshop, trong khi nhiều chất liệu AI có thể hỗ trợ và gợi ý để nhà báo thực hiện công việc của mình”, anh Phương cho biết.
Đối với nhà báo Vũ Trọng Thịnh – báo Tiền Phong, hiện nay AI có thể ứng dụng trong sản xuất tin, bài viết dạng văn bản; podcast, photo talking; tổng hợp, phân tích tin tức và tạo infographic; sản xuất nhanh video clip ngắn; kỹ thuật tạo phóng sự bằng livestream đa tương tác…
Tuy nhiên, là ký giả có nhiều năm kinh nghiệm, nhà báo Vũ Trọng Thịnh vẫn cho rằng, AI khó có thể thay thế được cho công việc của nhà báo, bởi vì còn phải qua một bước sàng lọc nội dung, văn phong (có sự phù hợp với ngữ cảnh, văn hóa địa phương), đồng thời yếu tố con người (nhà báo) còn giúp bản tin/bài viết được xác thực các bằng chứng, chứng cứ, chi tiết được phản ánh trong bài viết liệu có chuẩn xác, và đảm bảo không va chạm với các khía cạnh pháp lý. Do đó, vai trò của nhà báo sẽ sàng lọc lại các thông tin được AI hỗ trợ ban đầu, từ đó có thể hạn chế xảy ra sai sót không đáng có, phải đính chính…
Nhà báo Nguyễn Lê, thường trú báo Hà Nội mới tại TPHCM cho biết, hiện nay mô hình tòa soạn hội tụ đang được nhiều cơ quan báo chí lựa chọn, nhất là các báo điện tử. Mô hình tòa soạn hội tụ yêu cầu nhà báo phải đa năng, không chỉ là vấn đề nghiệp vụ mà còn là khả năng ứng dụng công nghệ vào quá trình tác nghiệp.
Trong đó, AI đang là xu hướng vài năm gần đây, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng, tác động đến công việc của nhà báo. Bởi vì thực tế khoảng 3 năm gần đây thì báo chí trong nước đã phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ mạng xã hội. Các nền tảng như TikTok, YouTube, Zalo phát triển nhanh chóng, tiếp cận ngày càng nhiều lượng khán giả trẻ. Nhiều nhà sáng tạo nội dung số, sản xuất video, thậm chí so sánh về lượng người theo dõi và lượt xem còn vượt trội hơn các kênh báo chí chính thống. Điều này buộc các tòa soạn và từng nhà báo phải có quá trình đổi mới, sáng tạo để thích ứng và phát triển tờ báo.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, mạng xã hội và gần đây là AI, đã tác động đến hành vi người dùng internet và xu thế phát triển của báo chí hiện đại.
Tại diễn đàn với chủ đề “Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội” được tổ chức tại TPHCM mới đây, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã trích dẫn báo cáo xu hướng báo chí – truyền thông năm 2024 của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Anh) đã chỉ ra, có 3 xu hướng chính đang tác động đến báo chí truyền thông.
Thứ nhất, nhiều loại thiết bị mới ra đời. Thứ hai, các nền tảng số, mạng xã hội chuyên biệt về sáng tạo âm thanh và video phát triển bùng nổ. Cuối cùng là làn sóng AI “gây bão” ở các tòa soạn và nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, một số tòa soạn gọi sự thay đổi này là “giai đoạn thứ hai” trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược nội dung khác biệt, vượt trội để giữ chân công chúng.
Tại Việt Nam, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng cho biết, một số cơ quan báo chí đang thúc đẩy chiến lược nội dung đa phương tiện, kết hợp báo chí dữ liệu với khoa học công nghệ và các ý tưởng sáng tạo. Trong khi đó, một số cơ quan báo chí tập trung vào chiến lược nội dung chuyên sâu vào các thị trường ngách…
Nhà báo Ngô Việt Anh – Phó Trưởng ban Nhân dân điện tử (Báo Nhân Dân) cho rằng, bối cảnh phát triển của AI nói riêng và khoa học công nghệ nói chung đã đặt báo chí vào xu hướng tất yếu phải chuyển đổi số. Đây thực chất là quá trình đặt công nghệ ở trung tâm của chiến lược phát triển, sử dụng công nghệ để tạo ra những nội dung hấp dẫn và chinh phục các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và tạo nguồn thu lớn hơn.
Cũng theo nhà báo Ngô Việt Anh, tại báo Nhân Dân đã triển khai các mô hình tòa soạn số, áp dụng công cụ theo dõi hành vi bạn đọc trên trang chủ, ứng dụng AI… Riêng mô hình tòa soạn số, với 3 đặc điểm, bao gồm: Tòa soạn điều phối các loại hình báo chí đa phương tiện, phát hành đa nền tảng; Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào sản xuất nội dung, trình bày, phát hành theo mô hình “media-tech”; Công cụ đo lường, phân tích nhu cầu của độc giả. Đặc biệt, tòa soạn được thiết kế mở, tăng tính tương tác, do đó, nhân sự tại tòa soạn cũng được yêu cầu phải đa năng (ảnh, video, đồ họa…) để đáp ứng chuyển đổi số.
Đối với ứng dụng AI, báo Nhân dân đã ứng dựng AI để chuyển các bản tin sang định dạng video với giọng đọc phù hợp (AI bắt chước). Lợi thế là ứng dụng mang lại chi phí thấp, trong khi số lượng sản xuất lớn hơn. Trong quá trình này, kinh nghiệm của tờ báo chính thống hàng đầu Việt Nam là luôn vận hành tòa soạn theo hướng mở, tương tác. Song song quá trình này là công tác đào tạo nhân sự đa phương tiện, đa nền tảng và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Nắm bắt được nhu cầu ứng dụng AI trong sản xuất nội dung báo chí, mới đây báo Người Lao Động đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông 2 – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng các chuyên gia đến từ ALM, Keystone để tập huấn ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung báo chí số nâng cao.
Theo ông Lê Cao Cường – Phó Tổng biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn báo Người Lao Động, có hơn 30 phóng viên, biên tập viên, phó, trưởng ban, thư ký tòa soạn các cơ quan báo chí đã được chuyên gia tập huấn các nội dung ứng dụng công nghệ AI nâng cao trong xử lý hình ảnh, kỹ thuật tạo lời nhắc chuyên sâu, ứng dụng ChatGPT 4 thực hiện đa tác vụ, tạo Virtual MC bằng kỹ thuật tạo hình và cố định nhân vật, kỹ thuật tạo bản tin Infographic, kỹ thuật xây dựng clip ngắn…
Việc tập huấn sẽ giúp các nhà báo được cập nhật kiến thức mới, mở rộng sự sáng tạo trong công việc của mình, tận dụng sức mạnh của AI để sản xuất nội dung thông tin nhanh chóng, hiệu quả, đáp ứng xu hướng làm báo hiện đại.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam
Trương Thị Ngọc Ánh phụ trách
Phó Tổng biên tập Thường trực: Lê Anh Đạt
Tổ chức sản xuất: Nguyễn Công Khanh
Giấy phép hoạt động báo điện tử: Số 586/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 13/12/2022
Thông tin tòa soạn
Địa chỉ: 66 Bà Triệu – Hà Nội
Hotline: 0862010866 Fax: (024) 38228547
Liên hệ quảng cáo: (024) 39431943 – (024) 39447011