Trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số báo chí và kinh tế báo chí: Từ góc nhìn của các chuyên gia – Thanh Tra

Chuyển đổi số báo chí và AI
Ông Nguyễn Việt Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, không thể phủ nhận sự cần thiết chuyển đổi số trong báo chí.  Báo chí là một dạng truyền thông “sắc bén” nhất, chuyển đổi số trong báo chí trong nằm ở vấn đề công nghệ mà xuất phát từ con người, tư duy và tự thân của các cơ quan báo chí phải nhận thức được sự cấp thiết và không làm theo trào lưu.
Theo các chuyên gia, nếu báo chí trì trệ quá trình chuyển đổi số là nguy cơ khiến các cơ quan báo chí sẽ không kết nối được với độc giả, mất độc giả, mất nguồn thu. Chuyển đổi số là “cây bút đẹp nhất” vẽ lại bức tranh của báo chí Việt Nam, đưa báo chí phát triển theo hướng hiện đại, mở ra sự linh hoạt và phản ứng kịp thời các vấn đề.
Chuyển đối số là phải tạo lập các nền tảng dữ liệu số, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, nhưng vẫn đảm bảo các dữ liệu cá nhân được bảo vệ an toàn và việc khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Trong khi đó, với kho dữ liệu được số hóa đủ lớn, AI sẽ phát huy được khả năng xử lý, phân tích dữ liệu nhanh chóng và chính xác, cùng với khả năng suy nghĩ, tự học hỏi sẽ tạo ra các thuật toán mới để giải quyết vấn đề phát sinh.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, AI càng nhiều dữ liệu càng thông minh, càng ít dữ liệu càng ngây ngô. Ngược lại, con người khi phải xử lý nhiều dữ liệu sẽ luôn thấy không thoải mái, thấy vất vả và có xu thế thoái thác. Vậy nên việc gì nhiều dữ liệu, giấy tờ, văn bản quy định hãy để máy tính làm.
Có thể nói, AI chính là là chìa khóa trong việc chuyển đổi số, giúp các cơ quan, đơn vị tăng cường hiệu suất, tối ưu hóa và nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Chuyển đổi số đã thay đổi diện mạo ngành Báo chí
Ngày 6/4/2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu là nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Trong đó, một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước), các cơ quan báo chí tối ưu hoá nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%…
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sức cạnh tranh ngày càng lớn của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, cùng với sự thay đổi trong hành vi của người dùng, đã và đang tạo ra những biến chuyển trong hoạt động truyền thông nói chung và hoạt động báo chí nói riêng.
Nếu như trước đây, báo chí độc quyền trong việc sản xuất tin tức, độc giả phải mua tờ báo in để đọc, nghe radio hay xem tivi nếu muốn biết tin tức  Thì giờ đây, bất kỳ ai với một chiếc điện thoại thông minh cũng có thể là nguồn tin, là người sản xuất tin, các nội dung số, thông qua các nền tảng xuyên biên giới có thể truyền tải đến bất cứ đâu, bất kể thời điểm nào.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng Thu, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, dù gọi theo cách nào, “tập đoàn báo chí”, hay “cơ quan báo chí hội tụ”, hay “doanh nghiệp báo chí”… thì cũng đều có thể hiểu là một cơ quan báo chí trước đây chỉ làm một loại hình báo chí, có thể là báo in, hay truyền hình, hay phát thanh… thì bây giờ cơ quan báo chí ấy đã phát triển thành đa loại hình, có đủ báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và các hoạt động khác, với việc thành lập trong lòng cơ quan báo chí các đơn vị mới, như: nhà xuất bản; xưởng phim; trung tâm đào tạo về báo chí – truyền thông; công ty truyền thông, công ty dịch vụ, hoặc liên kết sản xuất, tổ chức sự kiện… với các cơ quan, đơn vị bên ngoài, tuy nhiên, cơ quan báo chí đứng tên chủ là người nắm vai trò chủ đạo, chi phối bao trùm lên toàn bộ hoạt động của các cơ quan đơn vị khác trong lòng cơ quan báo chí đó.
Xu hướng sản xuất “nội dung thông tin số” là chủ đạo bên cạnh các dịch vụ khác. Công nghệ số đã tạo nền tảng mới, kích thích báo chí phát triển và làm kinh tế hiệu quả trong một môi trường mở, một không gian vô tận, với cách thức giao tiếp trực tuyến không biên giới, tức thời và hiện đại.
Báo chí và mạng xã hội
Mạng xã hội đã, đang và sẽ tạo ra những không gian phát triển mới, khiến báo chí truyền thống phải luôn thay đổi, thích ứng để giữ chân độc giả. Với khả năng đưa tin, chia sẻ, thu hút, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, mạng xã hội có lợi thế hơn báo chí truyền thống. Tuy nhiên, báo chí vẫn có chỗ đứng vững chắc và quan trọng nếu duy trì được chất lượng, coi nội dung là yếu tố cốt lõi và dành sự quan tâm lớn với công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới; đồng thời kết hợp được những tính ưu việt mà mạng xã hội đem lại, từ đó tăng cường sức mạnh cũng như tăng giá trị cho báo chí truyền thống. Có thể nói, báo chí và mạng xã hội đang duy trì mối quan hệ cộng sinh với nhau.
Về mối quan hệ giữa báo chí và mạng xã hội, bà Vũ Thị Kim Hoa, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội, người dùng được hỗ trợ các tính năng để tự do sáng tạo nội dung trên nền tảng các mạng xã hội đó, hỗ trợ tương tác trực tiếp, hỗ trợ tìm kiếm qua các hashtag, gợi ý các hashtag, gợi ý các video, các nội dung gần với từ khoá tìm kiếm, qua các thông báo nhắc nhở, những gợi ý kết bạn, những người đang theo dõi, đang có mặt trên nền tảng…
So với báo chí, mạng xã hội tỏ ra chiếm ưu thế hơn trong việc đầu tư công nghệ theo hướng đáp ứng nhu cầu và sở thích của mỗi cá nhân người dùng, biến những vấn đề của các nền tảng mạng xã hội thành vấn đề của người dùng, tìm cách gắn bó người dùng với nền tảng của mình một cách chặt chẽ nhất. Cho đến nay, công chúng ngày càng có nhu cầu cao về thông tin, không chỉ những thông tin về mọi mặt của đời sống xã hội mà về tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, đại đa số công chúng còn có mong muốn được chia sẻ, tương tác giao lưu và thể hiện mình.
Về phương diện này, mạng xã hội đã có một bước tiến khá xa so với báo điện tử về độ am hiểu công chúng, đáp ứng tốt nhu cầu và sở thích của cá nhân mỗi công chúng. Chính vì vậy, tiếp nhận thông tin, giao lưu chia sẻ từ sử dụng mạng xã hội ngày càng trở thành nhu cầu của công chúng nhất là công chúng trẻ. Đây cũng là bài toán cần có lời giải cho báo chí, nhất là trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt về giành sự quan tâm của công chúng trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay.
Ở chiều ngược lại, thông tin từ mạng xã hội có thể là nguồn đề tài, nguồn cung cấp thông tin cho báo chí. Người làm báo có thể khai thác thông tin từ mạng xã hội theo đúng quy định của Luật Báo chí, của quy định về đạo đức nhà báo để hoàn thiện tác phẩm báo chí của mình.
Từ những sự việc, hiện tượng được phản ánh trên mạng xã hội, nhiều vụ việc được phanh phui, nhiều tấm gương, nhiều hành động tốt đẹp được tôn vinh trên báo chí. Việt Nam có số lượng người sử dụng mạng xã hội lớn nên việc sử dụng mạng xã hội vừa giúp cơ quan báo chí lan toả được những thông tin mà báo chí muốn đưa đến cho công chúng đặc biệt là nhóm công chúng trẻ. Việc sử dụng mạng xã hội với sức lan toả lớn sẽ góp phần quảng bá thương hiệu của báo. Thêm nữa, việc sử dụng tốt các tài khoản xã hội cũng là một nguồn thu về tài chính cho cơ quan báo chí.
Những thách thức đối với ngành báo chí
Một thực tế là báo chí chính thống đang mất dần ưu thế so với các nền tảng mạng xã hội. Các cơ quan báo chí đang gặp nhiều khó khăn do nguồn thu quảng cáo, dịch vụ giảm mạnh.
Theo bà Phạm Thị Mỵ, Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường, trong thời gian qua, doanh thu từ tài trợ quảng cáo trên truyền hình truyền thống sụt giảm mạnh do việc xuất hiện các nền tảng số như Youtube, Facebook, Tiktok, Netflix… đã làm thay đổi thói quen xem của một số đối tượng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Điều này dẫn đến có sự thay đổi về phương tiện quảng cáo, quảng cáo trên truyền hình truyền thống sụt giảm về số lượng kéo theo doanh thu quảng cáo từ truyền hình truyền thống sụt giảm mạnh, thay vào đó là tăng quảng cáo trên báo điện tử, mạng xã hội và các nền tảng số khác. Trong khi đó, kinh phí sản xuất và phát sóng chương trình truyền hình ngày càng tăng như chi phí về bản quyền, chi phí đầu tư vào sản xuất chương trình, nhân lực ngày càng cao… nên doanh thu từ quảng cáo không cân đối được với chi phí để sản xuất. Do vậy, với nguồn thu từ quảng cáo sụt giảm trong các năm qua đến 60 – 70%, các cơ quan báo chí gặp rất nhiều thách thức trong việc duy trì nguồn thu để vừa tự đầu tư sản xuất chương trình tuyên truyền chính trị, vừa đảm bảo sản xuất các chương trình chất lượng để thu hút quảng cáo.
Hiện nay, độc giả/người dùng internet có thể tự tạo ra nội dung và tự kiếm tiền. Các nền tảng như Google, Facebook, Tiktok… trong suốt nhiều năm qua đã áp dụng công nghệ để hiểu sâu độc giả và cung cấp cho độc giả những thứ họ cần. Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí cũng đang đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số – ứng dụng công nghệ số để phát triển độc giả cũng như doanh thu. AI, Cloud Computing, Big Data, Blockchain… là những công nghệ đang tác động mạnh tới ngành Báo chí, thúc đẩy báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, di động, cá nhân hóa nội dung, báo chí xã hội, báo chí multimedia.
Chính những khó khăn thách thức ấy cũng là cơ hội để các cơ quan báo chí nhanh nhạy nắm bắt chuyển đổi, cải tiến, làm mới mình để bắt kịp xu thế, tìm được hướng đi đúng đắn. Đó là cơ hội cải tiến quy trình sản xuất sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí thông qua những tiến bộ về công nghệ. Đó là cơ hội nâng cao năng lực của người làm báo buộc phải liên tục học hỏi để có thể trở thành nhà báo đa kỹ năng, có thể thực hiện được tác phẩm cho các loại hình ở các cơ quan báo chí trên nhiều hạ tầng, công nghệ hiện đại. Họ phải là những phóng viên, biên tập viên có năng lực và phẩm chất thực sự, là chuyên gia về những lĩnh vực nội dung mà mình phụ trách, góp phần xây dựng thương hiệu của đơn vị báo chí.
Thách thức này còn mang đến cơ hội để các cơ quan báo chí lựa chọn mô hình hoạt động kinh doanh ưu thế. Để tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh đa truyền thông, các đơn vị báo chí phải hoạch định chiến lược phát triển phù hợp cho đơn vị mình, tập trung vào những lĩnh vực mang tính thế mạnh, mũi nhọn để đầu tư. Điều này vừa phù hợp với nền kinh tế thị trường, vừa góp phần tinh lọc lại đội ngũ đơn vị báo chí, góp phần xây dựng được lực lượng báo chí có chất lượng và chuyên môn, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị vừa có khả năng tự chủ trong việc tạo ra nguồn thu ổn định.
Sun Group khánh thành Bệnh viện Mặt Trời tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu Việt Nam
Thanh tra Chính phủ giao ban lãnh đạo cấp vụ tháng 6 năm 2024
Bản tin Thanh tra số 23 năm 2024
Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội: Tràn lan vi phạm về xây dựng và trách nhiệm của người quản lý địa bàn cơ sở
logo

Tổng Biên tập: Nguyễn Tuấn Anh
Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số: 343 / GP-BTTTT
Cấp ngày: 24/07/2015; Nơi cấp: Bộ Thông tin – Truyền thông
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản 
Ghi rõ nguồn thanhtra.com.vn khi sử dụng thông tin từ website này

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: THANH TRA CHÍNH PHỦ
Địa chỉ tòa soạn: 100 Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội.
Email: [email protected]
Hotline: 090.456.3399
Điện thoại:(+84)24 3728 – 1341 / (+84)24 3728 – 1342
Fax:(+84)24 3728 – 1338

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *