Trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng thế nào tới công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ? – Tạp Chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng Tạo

Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo là ‘con dao hai lưỡi’
Có thể thấy, cùng với sự đầu tư cải tiến của các công ty công nghệ, ngày càng có nhiều công nghệ AI mới được phát hành ra  thị trường. Các bot trò chuyện AI như ChatGPT hiện đã có thể tạo ra các câu trả lời bằng văn bản với độ phức tạp giống như con người nhờ khả năng hiểu các câu hỏi và nhiệm vụ của mô hình ngôn ngữ. Độ chính xác của các câu trả lời được các chatbot AI đưa ra cũng ngày càng được đánh giá cao nhờ vào khối lượng lớn văn bản và dữ liệu được sử dụng để đào tạo các công cụ này.
 
Không thể phủ nhận rằng, AI đang ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong tất cả các lĩnh vực đời sống và tạo ra nguồn lợi kinh tế lớn đối với các quốc gia tiên phong trong ứng dụng công nghệ tân tiến. Do đó, các quốc gia cũng đang không ngừng đầu tư và nghiên cứu để tạo ra những công cụ AI mạnh nhất, tối ưu nhất.
Tuy nhiên, AI cũng là con dao hai lưỡi. Thực tiễn cho thấy, các công cụ AI đang phát triển nhanh chóng theo từng giây, do đó, chúng ta chưa thể khám phá đầy đủ những rủi ro tiềm ẩn mà những tiến bộ công nghệ này có thể gây ra trong tương lai.
Cùng với đó, sự không theo kịp của chính sách quản lý trên toàn cầu cũng sẽ là nguy cơ lớn khiến chúng ta khó kiểm soát các công cụ mạnh như AI.
Thế giới đang kiểm soát AI như thế nào?
Thời gian qua, trước thực trạng vô số chatbot AI và công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo được sử dụng tràn làn, không kiểm soát trên toàn cầu, nhiều nhân vật có ảnh hưởng trên thế giới, như Elon Musk và nhà khoa học quá cố Stephen Hawking, đã lên tiếng kêu gọi các chính phủ nhanh chóng thực hiện các nhiên cứu và đưa ra các chính sách quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo AI được phát triển trong phạm vi đạo đức cho phép.
 
Một số tổ chức và các quốc gia trên thế giới cũng đã có những động thái và quy chế đặc biệt nhằm đảm bảo sự an toàn của con người trước các nguy cơ từ AI. Có thể kế đến, Ủy ban Châu Âu (EC), vào tháng 4/2021, đã đề xuất khung pháp lý đầu tiên của EU đối với AI. Tới ngày 13/3/2024, Đạo luật Trí tuệ nhân tạo (AI Act) đầu tiên trên thế giới đã được thông qua bởi Nghị viện Liên minh châu Âu (EU).
AI Act đã được thông qua trong bối cảnh các tranh cãi về tác động tích cực / tiêu cực của AI và cách thức phù hợp để quản lý công nghệ này được thảo luận sôi nổi trên toàn cầu.
AI Act thể hiện nhiều tham vọng của các nhà hoạch định chính sách EU khi đưa ra các quy chế vừa đảm bảo an toàn cho con người bao gồm bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, giá trị dân chủ và pháp quyền cùng sự bền vững của môi trường trước các thách thức do AI tạo ra, đồng thời vẫn thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong khu vực, đưa EU trở thành khu vực dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Tại quốc gia đông dân nhất thế giới, vào tháng 4/2023, Cục Quản lý Mạng Trung Quốc đã công bố dự thảo các biện pháp quản lý các dịch vụ trí tuệ nhân tạo tổng hợp để lấy ý kiến công chúng.
Nội dung dự thảo này đã cố gắng cân bằng sự phát triển với việc duy trì quyền kiểm soát AI nhằm đảm bảo công nghệ này không phá vỡ trật tự xã hội.
Nổi bật trong dự thảo quản lý AI của Trung Quốc là yêu cầu các công ty phát triển trí tuệ nhân tạo phải thực hiện nhiệm vụ kép khi vừa phải đảm bảo ngăn chặn các công cụ tạo ra nội dung không vi phạm chính sách của chính phủ, đồng thời, vừa phải cân nhắc các tác động của chúng tới vấn đề sở hữu trí tuệ (IP).
Ngoài ra, thời gian gần đây, nhiều  quốc gia trên thế giới cũng liên tục thúc đẩy các biện pháp nhằm kiểm soát AI.
Tuy nhiên, với sự phát triển chóng mặt của công nghệ AI, để có thể kiểm soát hiệu quả, việc ban hành các chính sách và luật pháp đầy đủ về AI cũng cần phải cập nhật liên tục để trở nên phù hợp với thực tiễn.
Những quy định quá mức chặt chẽ sẽ kìm hãm sự phát triển, trong khi đó, việc nhập nhằng, chồng chéo trong chính sách pháp luật có thể dẫn đến sự mất kiểm soát nhanh chóng và gây ra những hậu quả khôn lường.
Trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng thế nào tới công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ?
Đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các cuộc tranh luận lớn về tác động của AI đối với các hệ thống sở hữu trí tuệ hiện có và liệu các tác phẩm do AI tạo ra có thể được cấp bằng sáng chế hoặc bản quyền giống như tác phẩm do con người tạo ra không cũng đang diễn ra sôi nổi trên khắp thế giới.
Được biết, AI Act với 113 điều, dài 459 trang (kể cả giới thiệu, phụ lục) không đề cập cụ thể đến tác động của làn sóng công nghệ AI tới lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Điều này càng làm dấy lên những lo ngại về việc bảo vệ IP của chủ sở hữu bản quyền.
Tương tự, ở Anh có rất ít luật chuyên biệt để đảm bảo quyền lợi cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ trước những rủi ro liên quan tới AI. Năm ngoái, chính phủ Vương quốc Anh đã mở một cuộc tham vấn về việc liệu có nên bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm do máy móc tạo ra mà không có sự hiện diện của tác giả con người hay không. Điều này dẫn đến việc các luật bảo vệ các tác phẩm do máy tính tạo ra vẫn được áp dụng như cũ.
Ở Trung Quốc, các tòa án đã chỉ ra rằng nội dung do AI tạo ra có thể được bảo vệ bản quyền trong những trường hợp có sự tham gia nhất định của con người trong quá trình sáng tạo tác phẩm gốc.
 
Theo quy định hiện hành, AI là mối lo ngại lớn đối với các tài sản trí tuệ của chủ sở hữu bản quyền. Các công cụ này có thể gây ra các vấn đề liên quan tới quyền tác giả và quyền sở hữu cũng như vi phạm bản quyền ở nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Trên thực tế, các nội dung văn bản, hình ảnh hoặc âm thanh được tạo ra từ các công cụ AI tổng quát phụ thuộc nhiều vào phần câu hỏi nhắc do người dùng nhập vào và tập dữ liệu khổng lồ, phần lớn được thu thập từ Internet, dùng trong đào tạo mô hình, để đưa ra các kết quả đầu ra khác nhau.
 Việc sử dụng các quy trình và quy tắc để thu thập thông tin từ một tập dữ liệu lớn gồm văn bản do con người tạo ra có nghĩa là các sản phẩm do AI tạo ra có thể bao gồm những nội dung chứa bản quyền của những tác phẩm văn học hoặc tác phẩm nghệ thuật hiện có.
Về mặt kỹ thuật, điều này có nghĩa là chủ sở hữu ban đầu có thể khiếu nại người tạo ra tác phẩm AI hoặc người tạo ra công cụ AI vì vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những trường hợp này sẽ được xử lý như thế nào và ai sẽ chịu trách nhiệm. Có khả năng những nhà phát triển các công cụ AI sẽ cần phải chứng minh rằng các biện pháp bảo vệ thích hợp đã được áp dụng để ngăn chặn hệ thống của họ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Các chủ sở hữu cần chủ động bảo vệ tài sản trí tuệ trước làn sóng AI
Các nhà phát triển phải đặt mục tiêu thiết lập các quy tắc và hợp đồng phù hợp với các bên thứ ba, chẳng hạn như nghệ sĩ, chủ sở hữu thư viện hình ảnh và chủ sở hữu cơ sở dữ liệu đối với dữ liệu được sử dụng để tạo đầu ra. Đối với người dùng các công cụ AI, họ phải đảm bảo rằng mọi nội dung được tạo ra đều phải được kiểm duyệt kỹ càng để tránh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba hay không trước khi họ sử dụng, đặc biệt là trong bối cảnh thương mại.
Trên thực tế, Luật Sở hữu trí tuệ tại Vương quốc Anh nói riêng và toàn cầu nói chung đang phải nỗ lực để theo kịp với tốc độ phát triển của AI. Do đó, các thương hiệu cần phải tự tìm hiểu về những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến nội dung do AI tạo ra.
Ví dụ, nếu một thương hiệu đang xem xét sử dụng nội dung do AI tạo ra để tiếp thị hoặc thiết kế sản phẩm của riêng mình, thì họ nên lưu ý rằng AI có thể tạo ra nội dung vi phạm IP của bên thứ ba như nhãn hiệu hoặc hình ảnh bản quyền. Do đó, doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ càng và thực hiện các biện pháp đảm bảo quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo họ có quyền hợp pháp để sử dụng nội dung do AI tạo để hạn chế các vấn đề pháp lý.
 
Ở chiều ngược lại, với sự phát triển của AI, các thương hiệu cũng có nguy cơ lớn bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo nhiều các khác nhau. Để ngăn chặn nguy cơ này, các thương hiệu cần chủ động bảo vệ cho chính mình thông qua việc thực thi các chiến lược bảo vệ mạnh mẽ. Trong đó, những yếu tố chính cần được chú trọng bao gồm:
Kiểm toán sở hữu trí tuệ: Các công ty sẽ cần tiến hành kiểm toán Tài sản trí tuệ của mình để xác định các giá trị hiện không được bảo vệ. Khả năng vi phạm quyền của bên thứ ba cũng cần được kiểm tra và định lượng rủi ro bằng cách sử dụng những sự hỗ trợ chuyên nghiệp. Điều này cũng sẽ cho phép họ hiểu rõ hơn phạm vi quyền của chính mình và của bên thứ ba khi tham gia vào các hoạt động hợp tác.
Bảo vệ bản quyền: Việc nắm chắc có bằng chứng rõ ràng về bảo vệ bản quyền sẽ giúp chủ sở hữu tài sản trí tuệ chiếm được lợi thế chiến thắng nếu nội dung do AI tạo ra đe dọa quyền sở hữu thương hiệu. Điều này cần được triển khai ở tất cả các quốc gia mà thương hiệu đã có dấu ấn. Các giải pháp dựa trên chuỗi khối có thể hỗ trợ bảo mật bằng chứng bất biến khi hệ thống ghi chép không có sẵn hoặc chi phí quá cao.
Bằng sáng chế: Các sản phẩm do AI tạo ra hiện nay vẫn khó được cấp bằng sáng chế, và các chuyên gia sở hữu trí tuệ cũng như tòa án tại nhiều quốc gia hiện đang liên tục thảo luận để đưa ra những chính sách mới phù hợp hơn với thực tiễn. Do vậy, ở thời điểm này, các công ty sẽ cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ để tìm ra các phần trong quá trình đổi mới của họ nên được xin cấp bằng sáng chế, từ đó xây dựng nền tảng bảo vệ vững chắc chống lại hành vi vi phạm tiềm tàng trong tương lai.
Phát triển chính sách sở hữu trí tuệ: Bên cạnh các yếu tố trên, các công ty cũng cần chủ động xây dựng chính sách sở hữu trí tuệ rõ ràng, trong đó, nên đặt mục tiêu rõ ràng về những kỳ vọng của doanh nghiệp đối với việc sử dụng và bảo vệ tài sản.
Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng nhân viên đối tác và các bên thứ ba nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của họ liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ.
Nếu được sử dụng đúng cách, AI sẽ trở thành công cụ hữu ích cho các thương hiệu trong việc thực hiện các chương trình bảo vệ thương hiệu của mình. Công nghệ AI cũng có thể hỗ trợ giám sát và phát hiện các hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ và xác định những vấn đề về bản quyền. Tuy nhiên, các công cụ học máy cũng được nhận định chỉ có thể hỗ trợ và chưa thể thay thế hoàn toàn con người trong công tác cố vấn về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Các chuyên gia hiện nay nhận định, sẽ cần thêm một chặng đường dài phía trước để hiểu rõ tác động toàn diện của AI đối với các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng công nghệ AI đang ngày càng trở nên phổ biến và phủ rộng trên mọi lĩnh vực đời sống. Thực tiễn này sẽ càng đòi hỏi các thương hiệu chủ động hơn trong việc giải quyết các vấn đề về sở hữu trí tuệ để xây dựng vị thế vững chắc, đồng thời giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn do AI mang lại trong tương lai.
Lê Xuân Trường
Giảng viên Học viện Cảnh sát Nhân dân
Bản quyền thuộc về Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo.
Tổng Biên tập: Lương Hoàng Hưng
Giấy phép báo điện tử số: 347/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. ISSN: 2354-1458. 
Tòa soạn: Số 6 Đặng Văn Sâm, Phường 2, Quận Tân Bình, TP.HCM. Hotline: 0777077749.
Email: [email protected] 
Tại Hà Nội: BT49 – D5B, KĐT Vườn Đào, Ngõ 679 Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội. ĐT: 0919880866.
Tại Đà Nẵng: 211 Nguyễn Hữu Thọ, Hải Châu, TP Đà Nẵng. ĐT: 0933528555.
Tại Tây Nguyên: 31 Võ Văn Kiệt, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. ĐT: 0931738122
Tại Bình Dương: 330 Nguyễn Văn Trỗi, Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. ĐT: 0916100606

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *