Sử dụng AI có trách nhiệm – “chất xúc tác” cải thiện chất lượng giáo dục – Báo Đại biểu Nhân dân – Báo Đại biểu Nhân dân

Báo Đại biểu nhân dân điện tử
Các chuyên gia cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong giáo dục; nếu biết cách sử dụng AI một cách chủ động, có trách nhiệm thì sẽ hạn chế được rủi ro, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục.
Phát triển quỹ đạo giáo dục cá nhân
“Việc sử dụng AI có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi giáo dục cho tất cả các bên liên quan – từ cá nhân học sinh đến các cấp quản lý cao hơn như Bộ Giáo dục và Đào tạo”, PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định.
Cụ thể, đối với người học, AI giúp thu thập và xử lý các dữ liệu về người học, cả dữ liệu định tính và dữ liệu định lượng, từ đó phát triển quỹ đạo giáo dục cá nhân, tạo môi trường tối ưu để phát huy hết tiềm năng của người học; tăng cường kết nối, hỗ trợ hình thành thế giới quan, cải thiện kỹ năng nhận thức, xã hội và cảm xúc người học; cải thiện kết quả học tập qua việc đánh giá thành tích học tập bằng nhiều phương pháp, chỉ số. AI cũng giúp xác định, dự đoán và ngăn chặn các tình huống khủng hoảng liên quan trạng thái bình an của người học.
Đối với người dạy, yếu tố tích cực và dễ nhận thấy nhất là AI giúp phát triển chuyên môn và tự phân tích, giúp nhiệm vụ của họ hiệu quả và tiết kiệm thời gian. Phụ huynh cũng có thể tham gia và hỗ trợ con em mình trong quá trình học tập, củng cố các giá trị…
Tuy nhiên, những thách thức của việc ứng dụng AI trong giáo dục cũng không ít, đặc biệt là các khía cạnh đạo đức như: quyền riêng tư, bảo vệ và sử dụng dữ liệu người học; ngăn chặn phân biệt đối xử dựa trên giới tính, chủng tộc, đặc điểm kinh tế – xã hội và sự khác biệt về trình độ năng lực; ngăn chặn sự lây lan của các định kiến ​​xã hội và văn hóa… Đặc biệt, trong bối cảnh 43% dân số thế giới vẫn chưa truy cập được internet, khoảng 40% người chưa bao giờ sử dụng internet, PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh cho rằng, “các khuôn khổ pháp lý và đạo đức cần được phát triển để bảo đảm tất cả học sinh đều có thể hưởng lợi từ AI”. 
Phân khúc AI ở Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn
Việc ứng dụng AI vào các lĩnh vực của đời sống không còn là câu chuyện viễn tưởng mà đã hiện hữu và ngày càng phổ biến; tại Việt Nam, TS. Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Khoa học công nghệ, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, dẫn báo cáo của Statista cho thấy, phân khúc AI chiếm tỷ trọng lớn, với doanh thu khá. “Thị trường AI ở Việt Nam dự báo đến 2030 đạt hơn 3 tỷ USD, tức khoảng 1,2% GDP. Nếu tận dụng được cơ hội này trong thực hiện hoạt động giáo dục sẽ mang đến nhiều lạc quan”.
Nhưng rất tiếc là đến thời điểm này chưa có báo cáo về sử dụng AI trong giáo dục; hiện nay, chúng ta có khoảng 700 doanh nghiệp công nghệ giáo dục (Edtech) đang vận hành ở các quy mô khác nhau, với mức độ chiếm lĩnh phân khúc thị trường khác nhau. Khoảng 80% doanh nghiệp này đã chuyển sang tích hợp AI. TS. Tôn Quang Cường cho biết, phân khúc đang áp dụng AI nhiều nhất là giáo dục phổ thông. Giáo dục mầm non thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước. Giáo dục đại học kém hơn và mang tính cục bộ, các trường theo định hướng phát triển của mình có ưu tiên nguồn lực nhất định. Giáo dục dạy nghề còn nhiều dư địa, trong khi giáo dục người lớn đang bị bỏ ngỏ.
Sự phổ biến của ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục và tầm quan trọng của nó đang đặt ra nhu cầu lớn về xác định, đánh giá những chuẩn mực đạo đức để tối đa hóa lợi ích và kiềm chế những rủi ro mà AI có thể gây ra. TS. Tôn Quang Cường khuyến nghị: “Cần nghiên cứu, khảo sát diện rộng, đánh giá phân tích hiện trạng bài bản; lan tỏa các trường hợp thành công; phân tích lợi ích dài hạn về đầu tư AI vào giáo dục; và tích hợp AI trong các chương trình chiến lược và chính sách giáo dục tầm quốc gia…”
Cần có quy định về sử dụng AI trong giáo dục
Theo các chuyên gia, việc ứng dụng AI trong giáo dục là xu thế tất yếu, và nếu sử dụng AI một cách chủ động, có mục đích rõ ràng thì chưa thấy rủi ro gì. Vì thế, giải pháp quan trọng nhất để quản trị rủi ro từ AI chính là cách tiếp cận đạo đức, ứng xử với AI, nâng cao năng lực cho người sử dụng.
TS. Nguyễn Bích Thảo, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, khảo sát sinh viên ở 15 nước tiêu biểu của Chegg.org vào tháng 11.2023, 40% sinh viên được hỏi có sử dụng GenAI trong học tập, trong đó 53% lo ngại về gian dối trong học tập, 47% lo ngại về thông tin không chính xác, 32% lo ngại về quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. 65% sinh viên cho rằng trường đại học nên thay đổi cách thức kiểm tra – đánh giá sinh viên, trong đó 51% cho rằng nhà trường cần có hướng dẫn cụ thể về các hành vi sử dụng các công cụ GenAI được chấp nhận trong các bài kiểm tra.
Các tổ chức quốc tế như UNESCO, OECD, Liên minh châu Âu hay một số quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Australia… đã nhanh chóng đưa ra các khuyến nghị về đạo đức của AI, bộ Hướng dẫn đạo đức về AI đáng tin cậy. Thế nhưng, theo TeachAI, đến tháng 9.2023, chỉ 7% hệ thống giáo dục toàn cầu đã ban hành hướng dẫn về sử dụng AI tạo sinh. Rất ít quốc gia có quy định riêng về AI trong giáo dục. Chỉ 2% nhà quản lý giáo dục cho biết nước mình đã có chính sách về AI trong giáo dục.
Tại Việt Nam, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam đã có quy chế sử dụng AI đối với giảng viên, sinh viên. Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng tuyên bố chung về chiến lược và quan điểm tiếp cận AI trong hoạt động nghiên cứu, quản trị… Ở tầm quốc gia, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đang triển khai dự án nghiên cứu xây dựng bộ nguyên tắc và một số hướng dẫn cho phát triển AI có trách nhiệm ở Việt Nam.
Theo Hướng dẫn của UNESCO về AI và giáo dục dành cho các nhà hoạch định chính sách ban hành năm 2022, nguyên tắc bao trùm là cách tiếp cận nhân văn; hướng các chính sách, thực tiễn về AI và giáo dục vào mục tiêu bảo vệ quyền con người, trang bị cho con người các giá trị và kỹ năng cần thiết cho phát triển bền vững và cộng tác hiệu quả giữa người và máy. Đồng thời, thúc đẩy các giá trị nhân văn trong phát triển và ứng dụng AI trong giáo dục, lấy con người làm trung tâm… 

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội
Tổng Biên tập: PHẠM THỊ THANH HUYỀN
Phó Tổng Biên tập: LÊ THANH KIM – NGUYỄN THỊ MINH HẰNG – NGUYỄN SỸ HÀO
Trụ sở tòa soạn: 35 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 0986.231204 – 0904.412489.
Fax: (84) 08046659.
Email: [email protected], [email protected]
Giấp phép số 349/GP_BTTTT Cấp ngày 22/09/2023.
©2022. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân dân.
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Liên hệ quảng cáo:
– 0986.231204
– 0912.018525

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *