Sớm có bộ quy tắc của báo chí trong sử dụng AI – baotintuc.vn

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng và phát triển mạnh mẽ, các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức trong định hướng sáng tạo nội dung. Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Hiện nay trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phổ biến trên nhiều lĩnh vực của đời sống – xã hội, trong đó có báo chí. Thưa ông, AI đem lại những thuận lợi và thách thức nào cho các tòa soạn nói chung và các nhà báo nói riêng?
Trước hết, chúng ta nói về lợi ích mà trí tuệ nhân tạo mang lại cho các toà soạn, cũng như cho xã hội nói chung. Bây giờ là thời đại công nghệ, nên sự tham gia của công nghệ vào đời sống trở nên phổ biến. Việc sử dụng công nghệ nói chung cũng như trí tuệ nhân tạo trong báo chí nói riêng đã trở thành một phần của tất cả các tòa soạn.
Những công việc mà trước đây con người phải mất rất nhiều thời gian, phải làm rất tỉ mẩn và thậm chí có thể có nhiều sai sót, thì giờ đây, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã giải quyết được vấn đề này rất hiệu quả. Đơn cử như việc theo dõi người dùng, phân tích các độc giả, trí tuệ nhân tạo có thể giúp chúng ta làm rất hiệu quả. Hoặc là để nắm bắt các vấn đề, tóm lược các tài liệu, trí tuệ nhân tạo cũng đã giúp cho con người làm những việc mà lẽ ra phải mất rất nhiều thời gian.

Gần đây, để thu hút giới trẻ, có những tòa soạn đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để tóm tắt bài viết. Lý do là giới trẻ thường không thích đọc dài, hoặc họ sẽ dễ dàng bỏ qua những thông tin quan trọng. Nhưng nếu có thể nắm bắt nội dung dưới dạng đơn giản là những điểm nhấn thì sẽ thu hút được giới trẻ.
Có thể khẳng định, trí tuệ nhân tạo đang ngày càng được phổ biến trong mọi tòa soạn báo in, báo điện tử, báo hình, phát thanh.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nói tới những thách thức mà trí tuệ nhân tạo có thể mang đến cho báo chí. Thứ nhất, trí tuệ nhân tạo đe dọa những vị trí việc làm với những người mà kỹ năng ở mức sơ khai, mới vào nghề. Nhiều cán bộ, nhân viên đi làm trong vòng 2 – 3 năm, công nghệ đã có thể thay thế những công việc của họ.
Trí tuệ nhân tạo cũng là mối đe dọa nếu chúng ta không biết cách sử dụng hiệu quả thì có thể dẫn đến những sai sót. Một số tòa soạn sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết bài và quá trình tổng hợp của trí tuệ nhân tạo nhiều khi tạo ra những nội dung không có thật mà người dùng không biết được. Vì thế, đang có những khuyến nghị việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng cần phải đi theo những quy định, nguyên tắc, đặc biệt là về vấn đề đạo đức. Chúng ta cần phải hết sức lưu tâm đến điều này.
Nhiều nội dung do trí tuệ nhân tạo làm ra cần được cảnh báo cho người dùng để họ biết rằng đây là nội dung trí tuệ nhân tạo chứ không phải do con người tạo ra. Còn rất nhiều thách thức đòi hỏi quy định của luật pháp cũng như những quy chế, nội quy của tòa soạn cần phải đặt ra và có sự tham gia của lãnh đạo cho đến các cán bộ, phóng viên, biên tập viên để có những bộ quy tắc về sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách phù hợp và hiệu quả.
Thưa ông, trong bối cảnh AI có thể đảm đương nhiều phần việc của các nhà báo, vậy báo chí Việt Nam nên sử dụng AI đến mức độ nào để các tác phẩm báo chí dù áp dụng công nghệ hiện đại vẫn giữ được tính chuẩn xác, bản sắc riêng của người viết và cơ quan báo chí?
Nói chung, trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng vào nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất thông tin, từ thu thập thông tin cho đến xuất bản, phát hành thông tin.
Nhưng theo các nghiên cứu, công đoạn sản xuất thông tin nếu chúng ta mạo hiểm sử dụng thì một mặt có thể hỗ trợ cho phóng viên, biên tập viên, nhưng mặt khác có thể tạo ra những nội dung mà trí tuệ nhân tạo đi cắt dán, tổng hợp, tích hợp từ nhiều nơi, không có bản quyền hoặc thậm chí là tạo ra những nội dung không có thật. Điều này rất nguy hiểm.
Nhưng nếu biết sử dụng thì trí tuệ nhân tạo sẽ giúp cho các nhà báo, phóng viên nắm bắt được thông tin, thu thập thông tin một cách tức thời, nhanh chóng, hỗ trợ quá trình phát hành thông tin hiệu quả và đến được trúng đích, đến được với nhiều người dùng thuộc nhiều đối tượng, thuộc nhiều địa bàn khác nhau.
Với việc ứng dụng AI ngày càng phổ biến trong báo chí, theo ông, liệu đã đến lúc cần có các quy định pháp lý trong việc sử dụng công nghệ AI để thực hiện các tác phẩm báo chí? Nếu có, cần có những quy định quan trọng nào, thưa ông?
Vừa qua, một số cơ quan báo chí thậm chí đã kiện các tập đoàn trí tuệ nhân tạo vì họ đã sử dụng trái phép nội dung của báo chí để tổng hợp các nội dung văn bản, hình ảnh, video. Điều đó cho thấy rằng, câu chuyện về bản quyền và đạo đức sẽ là câu chuyện rất lớn khi sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Liên minh châu Âu đã bắt đầu kêu gọi đề ra những bộ quy tắc và quy định pháp lý về sử dụng trí tuệ nhân tạo để ngăn ngừa việc sử dụng vì mục đích không có ích cho xã hội.
Trong báo chí cũng đòi hỏi phải có những bộ quy tắc như vậy. Đương nhiên sẽ không có một bộ quy tắc chung áp dụng cho tất cả các tòa soạn. Nhưng, chúng ta sẽ có những bộ quy tắc cơ bản và mỗi tòa soạn, mỗi cơ quan báo chí sẽ cần phải tham khảo để đưa ra những quy định phù hợp với đơn vị mình.
Chúng tôi cho rằng, không có lúc nào là quá muộn. Tuy việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo mới đang ở những bước đi đầu tiên, nhưng chúng ta cần sớm đưa ra được những bộ quy tắc, quy định pháp lý để quản lý, phòng ngừa việc sử dụng vì mục đích không tốt cho xã hội. Đồng thời, khích lệ, khuyến khích việc ứng dụng AI để làm cho công việc của nhà báo, Ban biên tập cũng bớt phần vất vả, để họ có thời gian chuyên sâu sản xuất những nội dung chất lượng cao hơn.
Cho nên, chúng ta cần cố gắng để sớm có những bộ quy định, những văn bản pháp lý như vậy.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bài, clip: Xuân Cường – Lê Phú. Ảnh: CTV
Trình bày: Lê Phú
21/06/2024 06:00

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *