SMIC và các công ty Trung Quốc tăng năng lực sản xuất chip do sợ lệnh trừng phạt mới từ Mỹ – Một Thế Giới
Các hãng sản xuất chip Trung Quốc, chẳng hạn Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) và Hua Hong Semiconductor Group, đang tăng công suất trong bối cảnh lo ngại về các lệnh trừng phạt công nghệ mới từ Mỹ.
Dù tụt hậu so với các đối thủ như TSMC và Samsung Electronics về công nghệ xử lý chip, các công ty Trung Quốc đang tích cực tăng đầu tư vào năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu về chip truyền thống, vốn được sử dụng trong các ứng dụng như ô tô và thiết bị điện tử tiêu dùng.
Tổng công suất của các hãng sản xuất chip ở Trung Quốc sẽ tăng 15% lên 8,9 triệu đĩa bán dẫn (wafer) mỗi tháng trong năm 2024 và 14% lên 10,1 triệu đĩa bán dẫn vào 2025, vượt mức tăng trưởng trung bình toàn cầu là 6% và 7% cùng kỳ, theo báo cáo từ SEMI – hiệp hội ngành công nghiệp bán dẫn có trụ sở tại Mỹ.
Do đó, Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm khoảng 30% tổng công suất đĩa bán dẫn của thế giới vào năm 2025, SEMI cho biết.
Đĩa bán dẫn là một miếng silicon mỏng, thường có đường kính từ 150mm đến 300mm, được sử dụng làm vật liệu nền để sản xuất vi mạch tích hợp. Đĩa bán dẫn đóng vai trò như một khung để chứa các bo mạch điện tử được tạo ra thông qua quá trình chế tạo bán dẫn.
SEMI nêu trong báo cáo: “Bất chấp những rủi ro tiềm ẩn, Trung Quốc đang tích cực tăng cường đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất chip, một phần do nỗ lực giảm bớt tác động từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ”. Các nhà sản xuất chip Trung Quốc gồm Nexchip, SiEn (Qing Dao) Integrated Circuits Co và nhà sản xuất chip nhớ ChangXin Memory Technologies đều đang mở rộng hoạt động.
Tốc độ đầu tư đã gây ra lo ngại về tình trạng dư thừa công suất, với việc chính quyền Biden sẽ tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa của Trung Quốc trị giá 18 tỉ USD, gồm cả việc tăng 50% thuế với nhập khẩu chất bán dẫn từ Trung Quốc bắt đầu từ năm 2025, để bảo vệ ngành công nghiệp chip địa phương của Mỹ.
“Các công ty Trung Quốc đã dự trữ các công cụ sản xuất chip vào năm 2023. Nhu cầu chưa từng có ở Trung Quốc đồng nghĩa với việc doanh số thiết bị sản xuất đĩa bán dẫn tại nước này đạt mức cao nhất mọi thời đại”, Boris Metodiev, nhà phân tích sản xuất chất bán dẫn cấp cao tại hãng TechInsights, nói trong một hội thảo trực tuyến gần đây.
Boris Metodiev lưu ý rằng doanh số thiết bị sản xuất đĩa bán dẫn ở Trung Quốc năm 2023 đã tăng 48% so với tốc độ tăng trưởng trên toàn thế giới là 1%. Ông nói: “Điều này đồng nghĩa nếu bạn không tính đến Trung Quốc, doanh số thiết bị sản xuất đĩa bán dẫn của tất cả khu vực khác đã giảm 15%”.
Việc mở rộng công suất diễn ra sau khi doanh số chất bán dẫn của Trung Quốc giảm hai năm liên tiếp trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm chạp sau khi Bắc Kinh đột ngột chấm dứt chính sách Zero COVID-19 vào cuối năm 2022.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng kế hoạch mở rộng đang diễn ra của Trung Quốc sẽ dẫn đến tình trạng sản xuất vượt mức trong hai năm tới, có khả năng làm giảm giá chip nếu các nhà máy Trung Quốc bắt đầu bán ra thị trường toàn cầu.
Trước đây, Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu cho phần lớn nhu cầu chip của mình, nhưng trong bối cảnh nỗ lực tự cung tự cấp không ngừng và các lệnh trừng phạt của Mỹ gia tăng, tình hình đã thay đổi. Trung Quốc đã nhập khẩu 479,5 tỉ mạch tích hợp (IC) vào 2023, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước, với giá trị nhập khẩu là 349,4 tỉ USD (tương đương mức giảm 15,4% so với năm trước), theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Mạch tích hợp (IC) là một tập các mạch điện chứa các linh kiện bán dẫn (như transistor) và linh kiện điện tử thụ động (như điện trở) được kết nối với nhau để thực hiện được một chức năng xác định.
Nói một cách dễ hiểu hơn, mạch tích hợp là một thiết bị điện tử thu nhỏ được chế tạo trên một tấm bán dẫn, thường là silicon. Nó bao gồm hàng tỉ hoặc thậm chí hàng nghìn tỉ linh kiện điện tử được kết nối với nhau để thực hiện một chức năng cụ thể, ví dụ như khuếch đại tín hiệu, xử lý dữ liệu hoặc lưu trữ thông tin. Mạch tích hợp có nhiều ưu điểm so với các mạch điện truyền thống được làm từ các linh kiện rời rạc, bao gồm kích thước nhỏ gọn, chi phí sản xuất thấp, ít bị hỏng, hiệu suất cao.
Mạch tích hợp đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của công nghệ điện tử trong những thập kỷ qua. Chúng được sử dụng trong vô số thiết bị điện tử, bao gồm máy tính, smartphone, ô tô, thiết bị gia dụng và thiết bị y tế.
Dưới đây là một số ví dụ cụ thể về các loại mạch tích hợp:
Vi xử lý: Vi xử lý là “bộ não” của máy tính, chịu trách nhiệm thực hiện các phép toán và xử lý thông tin. Chúng được làm bằng mạch tích hợp silicon có chứa hàng tỉ bóng bán dẫn.
Bộ nhớ: Bộ nhớ được sử dụng để lưu trữ dữ liệu, chẳng hạn như chương trình máy tính và tệp. Có hai loại bộ nhớ chính là bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (RAM) và bộ nhớ chỉ đọc (ROM). Cả hai loại bộ nhớ này đều được làm bằng mạch tích hợp silicon.
Mạch logic: Mạch logic được sử dụng để thực hiện các phép toán logic, chẳng hạn như AND, OR và NOT. Chúng được sử dụng trong nhiều thiết bị điện tử gồm máy tính, hệ thống điều khiển và thiết bị điện tử tiêu dùng.
Các công ty sản xuất chip Trung Quốc như SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc) và YMTC (hãng chip nhớ lớn nhất Trung Quốc) đã được hưởng lợi từ nỗ lực nội địa hóa của nước này. Các báo cáo ngành công nghiệp chỉ ra rằng những nhà máy sản xuất chip ở Trung Quốc đã phục hồi nhanh hơn về sử dụng công suất (thước đo hoạt động sản xuất của nhà máy) so với những đối thủ toàn cầu do chính sách thay thế hàng nhập khẩu của Trung Quốc với IC và những sản phẩm công nghệ khác.
Hua Hong Semiconductor Group, nhà máy sản xuất chip lớn thứ hai của Trung Quốc tập trung vào các công nghệ trưởng thành và đặc biệt, chứng kiến việc sử dụng công suất ở mức tối đa và dự kiến sẽ tăng giá 10% nửa cuối năm nay, theo báo cáo từ ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ).
Theo báo cáo nghiên cứu từ hãng TrendForce (Đài Loan) được công bố hôm 20.6, một số dây chuyền tại các nhà máy sản xuất chip của Trung Quốc đã hoạt động hết công suất do nhu cầu của khách hàng cao.
Theo báo cáo, thông thường vào nửa cuối năm, các nhà sản xuất chip thường tích trữ thêm hàng (chip dự phòng) để đáp ứng nhu cầu sắp tới. Song năm nay, do nhu cầu của khách hàng quá cao, mùa cao điểm này có thể kéo dài hơn dự kiến cho đến hết năm. Việc tăng giá phản ánh nỗ lực giảm áp lực lợi nhuận, chứ không hẳn là do nhu cầu về chip phục hồi hoàn toàn.
Mỹ muốn Hà Lan và Nhật gia tăng hạn chế thiết bị chip đến Trung Quốc, thêm 11 nhà máy vào danh sách đen
Hôm 18.6, Reuters đưa tin Alan Estevez, người đứng đầu chính sách xuất khẩu của Mỹ, đã tới Nhật Bản sau cuộc gặp với chính phủ Hà Lan trong nỗ lực thúc đẩy đồng minh hạn chế hơn nữa khả năng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc.
Ông Alan Estevez một lần nữa đang cố gắng xây dựng thỏa thuận năm 2023 giữa ba nước để ngăn chặn thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc vì có thể giúp hiện đại hóa quân đội nước này.
Mỹ lần đầu tiên áp đặt các hạn chế toàn diện vào năm 2022 với các lô hàng chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc từ các công ty như Nvidia và Lam Research.
Tháng 7.2023, để phù hợp với chính sách của Mỹ, Nhật Bản hạn chế xuất khẩu 23 loại thiết bị, từ máy phủ màng phim trên đĩa bán dẫn đến thiết bị khắc các mạch điện cực nhỏ. Nhật Bản là quê hương của nhà sản xuất thiết bị chip Nikon Corp và Tokyo Electron.
Sau đó, chính phủ Hà Lan bắt đầu kiểm soát việc ASML cung cấp máy quang khắc cực tím sâu (DUV) cho Trung Quốc. Chính quyền Biden cũng áp đặt các hạn chế với các máy DUV bổ sung cho một số nhà máy Trung Quốc, với lý do các hệ thống của ASML chứa các bộ phận và linh kiện có nguồn gốc từ Mỹ.
ASML (Hà Lan) là nhà sản xuất thiết bị chip hàng đầu thế giới.
Mỹ đang thảo luận với các đồng minh về việc thêm 11 nhà máy sản xuất chip của Trung Quốc vào danh sách hạn chế, nguồn tin của Reuters cho biết. Hiện có 5 nhà máy trong danh sách đen này, gồm cả của SMIC.
Nguồn tin nói rằng Mỹ cũng muốn kiểm soát thêm các thiết bị sản xuất chip. Người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận về thông tin này.
Các quan chức Mỹ đã đến thăm Hà Lan vào tháng 4 trong nỗ lực ngăn chặn ASML bảo trì một số thiết bị ở Trung Quốc. Theo quy định của Mỹ, các công ty nước này bị cấm bảo dưỡng thiết bị tại các nhà máy tiên tiến của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nguồn tin Reuters cho biết các hợp đồng bảo trì của ASML cho các nhà máy sản xuất chip ở Trung Quốc vẫn có hiệu lực, giải thích rằng chính phủ Hà Lan không có quyền hạn áp dụng ngoài lãnh thổ để cắt giảm chúng.
Vào tháng 4, Mỹ bắt đầu gây sức ép với chính phủ Hà Lan để ngăn ASML bảo trì một số máy trị giá hàng tỉ euro từng bán cho khách hàng Trung Quốc, gồm cả trong một số trường hợp thiết bị được phê duyệt xuất khẩu hoặc bán trước khi các hạn chế mới xuất hiện vào năm 2023.
Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của ASML tính theo doanh số bán hàng vào năm 2023 và khoảng 20% doanh thu toàn cầu của công ty Hà Lan đến từ việc bảo trì các máy đã lắp đặt trước đó.
Dù Hà Lan tự giám sát chính sách xuất khẩu của mình và ASML hy vọng có thể tiếp tục bảo trì cho hầu hết khách hàng Trung Quốc đến cuối năm nay, Peter Wennink (cựu Giám đốc điều hành ASML) nói rằng điều đó không đúng trong mọi trường hợp.
Ông cho hay: “Chúng tôi có thể bảo trì chúng, nhưng không phải với các linh kiện của Mỹ hoặc các phụ tùng thay thế xuất xứ từ Mỹ đang bị kiểm soát xuất khẩu”. Các quy định của Mỹ bao gồm cả phân khúc dòng sản phẩm của ASML được gọi là máy DUV.
“Nhưng đó chỉ dành cho một số lượng hệ thống hạn chế. Chúng tôi có thể cài đặt chúng. Bất kỳ thứ gì khác từng bán, chúng tôi đều có thể cài đặt và bảo trì”, Peter Wennink nói.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Cơ quan chủ quản: Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
ĐC: 24 Lý Thường Kiệt, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
ĐT: 024.38256203
Tổng biên tập: Hoàng Đại Thanh
Tổng Thư ký Tòa soạn: Nguyễn Đình Mười
Giấy phép số 77/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 26 tháng 2 năm 2020.
Tòa nhà SIMCO Sông Đà, Tiểu KĐT mới Vạn Phúc, Phường Vạn Phúc, Quận Hà Đông, TP. Hà Nội
ĐT: 0984708866
TPHCM: 345/134 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, Quận 1
ĐT: 028.38389241
Email: [email protected]
Hotline quảng cáo: 0764575985
Email quảng cáo: [email protected]
Báo giá quảng cáo:
Công ty Cổ phần Truyền thông Một Thế Giới