Sinh viên thiết kế chip đo tốc độ xe, sóng não – VnExpress

Chip tích hợp vào camera đo tốc độ xe, chip trong thiết bị đo sóng não hỗ trợ giấc ngủ… là các ý tưởng của sinh viên tham gia cuộc thi Thiết kế vi mạch TP HCM.
Sáng 24/3, Khu công nghệ cao TP HCM phối hợp Thành đoàn tổ chức vòng loại cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 1 với sự tham gia của 29 nhóm dự án của các bạn trẻ tuổi từ 18 – 23.
Nhóm sinh viên trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TP HCM mang đến cuộc thi ý tưởng thiết kế chip đo tốc độ di chuyển của xe tham gia giao thông. Theo trưởng nhóm Phan Hoài Lâm, chip được tích hợp vào các camera truyền thống, có cơ chế hoạt động phân tích hình ảnh thu thập được bằng cách đo khoảng cách giữa hai điểm trên khung hình và thời gian di chuyển giữa hai điểm để xác định tốc độ xe. Công nghệ này có thể xử lý đo tốc độ của nhiều xe cùng lúc với độ chính xác trong giai đoạn đầu dự kiến khoảng 60%, sẽ tăng lên khi tối ưu việc xử lý ảnh.
Nhóm đang xây dựng mô hình kiến trúc thiết kế chip và cần có các công cụ, phần mềm chuyên dụng để hoàn thiện. Hoài Lâm cho biết, công nghệ của nhóm cho phép dữ liệu được xử lý trực tiếp tại camera nhanh hơn, tiết kiệm được chi phí băng thông, giảm dữ liệu truyền về máy chủ. Trong tương lai, nhóm sẽ tích hợp thêm cơ chế xác định biển số, màu xe…
Nhóm sinh viên trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TP HCM với ý tưởng thiết kế chip đo tốc độ xe. Ảnh: Hà An
Thiết kế chip ứng dụng cho chăm sóc sức khỏe, nhóm sinh viên Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM tạo ra thiết bị gắn trên cơ thể giúp giấc ngủ sâu hơn thông qua tần số sóng não. Thiết bị hoạt động bằng cách đo điện não đồ con người, xử lý thông tin sau đó phát ra tần số âm thanh phù hợp hỗ trợ duy trì giấc ngủ.
Nguyễn Xuân Triều, đại diện nhóm cho biết, sản phẩm có thể tích hợp vào gối, dây đeo cổ, tai nghe… với kích thước nhỏ gọn nhất có thể để tạo sự thoải mái khi sử dụng. “Sản phẩm mới ở dạng ý tưởng nên việc tích hợp vào thiết bị gì cho phù hợp cần thời gian và sự cố vấn của các chuyên gia nghiên cứu về y sinh”, Triều nói.
Cùng ý tưởng về chăm sóc sức khỏe, nhóm sinh viên trường Đại học Công thương TP HCM đặt vấn đề tạo ra mạch tích hợp có các cảm biến kết hợp thuật toán AI giúp nhận diện người bị ngã. Sản phẩm có thể thiết kế dạng vòng tay, vòng cổ… có chức năng cảnh báo ngay lập tức qua điện thoại người thân khi người già, người bị tai biến ngã. Nhóm đang trong giai đoạn thiết kế kiến trúc mạch và xây dựng đội ngũ để hoàn thiện ý tưởng, tạo sản phẩm.
Thông qua đánh giá hội đồng chuyên môn, từ 29 dự án, Ban tổ chức dự kiến chọn 10 hồ sơ tham gia vòng đào tạo để hỗ trợ sinh viên phát triển sản phẩm. Phó ban quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM Lê Quốc Cường cho biết, thông qua cuộc thi giúp tìm kiếm các ý tưởng về vi mạch bán dẫn của bạn trẻ. Đây là tiền đề quan trọng để mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo nhân lực theo nhu cầu doanh nghiệp, hướng tới sở hữu các công nghệ lõi, ươm tạo doanh nghiệp vi mạch và thu hút các dự án đầu tư chiến lược trong lĩnh vực vào hoạt động tại Khu Công nghệ cao TP HCM.
Ông Trần Đắc Khoa chia sẻ các kỹ năng sinh viên cần có để trở thành kỹ sư vi mạch. Ảnh: Hà An
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đắc Khoa, Tổng giám đốc công ty thiết kế Renesas Việt Nam, cho rằng sinh viên tham gia các hội thảo, cuộc thi học thuật trong lĩnh vực này là một trong sáu kỹ năng cần thiết cho kỹ sư vi mạch. Điều này giúp sinh viên có cơ hội học hỏi ở môi trường lớn hơn vì đặc điểm ngành vi mạch là luôn phát triển theo từng năm. Các cuộc thi giúp sinh viên tăng cường khả năng làm việc nhóm vì mỗi cá nhân khó có thể tạo ra sản phẩm riêng.
Hà An

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *