Những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế từ ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở TP. Hồ Chí Minh – Tạp chí Kinh tế và Dự báo
Từ khoá: AI, trí tuệ nhân tạo, phát triển kinh tế, lợi ích
Summary
Faced with the explosion and strong development of artificial intelligence (AI), many countries have seized the opportunity to focusing on economic development associated with AI, making the most of the benefits that AI brings to socio-economic development. In Vietnam, with its role and position as the economic leader of the country, Ho Chi Minh (HCMC) is the most suitable locality to pursue economic development from AI applications. Based on approaching the theoretical analysis of economic development from AI application, the article examines the issues raised when applying AI for economic development in HCMC, thereby proposing solutions for the City in the coming time.
Keywords: AI, artificial intelligence, economic development, benefits
ĐẶT VẤN ĐỀ
TP. HCM là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực có sức hút, lan tỏa lớn của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Thu ngân sách Thành phố luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước đóng góp 22,2% kinh tế của cả nước. Thành phố còn là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất cả nước, chiếm 15% công nghiệp và 33% dịch vụ cả nước. Thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố đã triển khai Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP. HCM đoạn 2020-2030”. Theo đó, Chương trình xác định mục tiêu đưa AI trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững. Tuy nhiên, do chưa có tiền lệ đi trước, nên việc triển khai ứng dụng AI vào phát triển kinh tế chưa thật sự rõ nét. Do đó, việc cần làm rõ ứng dụng AI trong phát triển kinh tế gồm những nội dung nào? Điều gì sẽ gặp phải khi ứng dụng AI? Trả lời thấu đáo những câu hỏi này mang tính cấp bách và có giá trị thực tiễn cao giúp TP. HCM có được một lợi thế lớn, tận dụng tiềm năng để có bước phát triển vượt bậc.
NỘI HÀM CỦA PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỪ ỨNG DỤNG AI
AI không còn là công nghệ của tương lai, mà đã và đang ngày càng thâm nhập sâu hơn vào mọi lĩnh vực của đời sống, ngành nghề kinh tế và được dự báo sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các quốc gia. Nhiều tổ chức quốc tế nhận định AI là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực, các tổ chức, doanh nghiệp. Theo dự báo của Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PriceWaterhouse Coopers, vào năm 2030, AI sẽ đóng góp thêm 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu (Đỗ Phong, 2023). Đồng thời AI sẽ tạo ra những ngành công nghiệp mới và việc làm mới. Sự phát triển của công nghệ AI đã được công nhận rộng rãi như một biểu hiện của sức mạnh toàn diện của một quốc gia thông qua năng lực thực hiện đổi mới, sáng tạo.
Nền kinh tế ứng dụng công nghệ AI là một thuật ngữ mới được sử dụng và phổ biến tại Việt Nam từ năm 2018 sau Hội nghị Vietnam CEO Summit 2018. Hiện nay, có nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau về phát triển kinh tế từ ứng dụng AI. Theo Austan Goolsbee (2018), phát triển kinh tế từ ứng dụng AI là một nền kinh tế chuyên sâu, cải tiến năng suất dựa trên AI mà ở đó các nhà quản lý áp dụng công nghệ AI để hỗ trợ và cải thiện khả năng dự đoán, ra quyết định của họ và đưa ra các đánh giá chính sách phát triển có giá trị (Goolsbee, 2018).
Tuy nhiên, Roger Bootle (2019) lại cho rằng, phát triển kinh tế từ ứng dụng công nghệ AI là nền kinh tế mà trong đó Robot và AI hứa hẹn sẽ có tác động lớn đến năng suất lao động. Bởi, trong một số lĩnh vực công nghệ AI có thể thay thế con người hoàn toàn hay trong những lĩnh vực sản xuất khác chúng có thể làm gia tăng sản lượng mỗi giờ hoặc cải thiện chất lượng và độ tin cậy của những gì mà chúng làm ra. Quan trọng nhất là có thể cung cấp nhiều nhân lực AI trong lĩnh vực dịch vụ, từ đó hứa hẹn sẽ khắc phục tình trạng chậm chạp từ trước đến nay và tăng năng suất trong khu vực dịch vụ. Nhưng, AI không thể thay thế con người trong tất cả các lĩnh vực vì có nhiều lĩnh vực mà con người chiếm hữu tuyệt đối lợi thế hơn Robot và AI, như: sự khéo léo thủ công, cảm xúc thông minh, sáng tạo, linh hoạt và quan trọng nhất là tính nhân văn. Đây là những phẩm chất sẽ đảm bảo rằng, trong nền kinh tế ứng dụng AI vẫn sẽ có rất nhiều việc làm cho con người (Bootle, 2019).
Như vậy, có thể hiểu, phát triển kinh tế từ ứng dụng AI là việc các chủ thể trong xã hội đầu tư, áp dụng công nghệ AI vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và một số lĩnh vực tiềm năng nhất định để tăng năng suất lao động, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với chất lượng cao, nhanh và bền vững. Một nền kinh tế ứng dụng AI cho phép nhà nước, doanh nghiệp và người dân xử lý công việc nhanh hơn, đưa ra quyết sách có cơ sở khoa học, thông minh và đáng tin cậy hơn, đồng thời nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỪ ỨNG DỤNG AI Ở TP.HCM
Việc xây dựng, củng cố và phát triển hệ sinh thái AI
Từ năm 2017, TP. HCM đã xem lĩnh vực AI là thành tố quan trọng không thể thiếu để trong Đề án xây dựng đô thị thông minh. Thành phố cho đây là cơ hội quý để nhìn lại và định hình hướng đi sắp tới. Do đó, ngày 07/11/2020, UBND Thành phố quyết định thành lập Hội đồng tư vấn Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP. HCM trong giai đoạn 2020-2030”. Thành phố cũng đã chỉ đạo việc đưa nội dung về AI vào giảng dạy thí điểm và ứng dụng trong lĩnh vực giao thông, giáo dục, y tế để tăng chất lượng phục vụ. Trong giai đoạn 2012-2022, theo con số thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Thành phố có 236 tổ chức KH&CN và 135 nhóm nghiên cứu mạnh, năng động, tham gia hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, Thành phố còn có những cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp có đóng góp to lớn vào hệ sinh thái AI, như: Khu Công nghệ cao TP. HCM, Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, Trung tâm Công nghệ sinh học; Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo; Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP. HCM.
Các nguồn lực cho ứng dụng AI
Về nguồn nhân lực
Trong giai đoạn 2012-2022, đội ngũ cán bộ KH&CN trên địa bàn Thành phố tăng nhanh về lực lượng. Theo báo cáo của Sở KH&CN, Thành phố có hơn 21.210 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, trong đó có 6.870 tiến sĩ, 188 giáo sư và 1.116 phó giáo sư. Đây được xem là nguồn nhân lực quan trọng và chất lượng đóng góp vào thành công trong tiến trình phát triển kinh tế từ ứng dụng AI tại TP. HCM trong thời gian tới. Thành phố đã triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; Đề án về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai giai đoạn 2020-2035; các chương trình hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao chuyên môn chuyên sâu trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm, như: bán dẫn, phân tích kiểm nghiệm, quản trị tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo. Thành phố thí điểm các chính sách hỗ trợ thu nhập để thu hút chuyên gia, nhà khoa học đóng góp cho sự phát triển của Thành phố.
Về đầu tư tài chính
Theo báo cáo của Sở KH&CN, TP. HCM giai đoạn 2012-2022, đã tổng chi cho hoạt động KH&CN là 15.828 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển KH&CN là 10.368 tỷ đồng, còn lại là chi cho sự nghiệp KH&CN. Các thành tựu của KH&CN được ứng dụng trong mọi mặt đời sống từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ thương mại, cải cách hành chính… Hoạt động đầu tư này đã tạo ra nhiều sản phẩm KH&CN có tính đột phá, được Thành phố chú trọng bao gồm: y tế, cơ khí chế tạo, năng lượng, quản lý đô thị, chip vi điện tử, công nghệ nano, nông nghiệp công nghệ cao… Tuy nhiên, tổng doanh thu của sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN mới ở mức 2.047 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thành phố cũng ghi nhận việc thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, tính riêng năm 2022, Thành phố thu hút 3,94 tỷ USD vốn FDI (cao nhất cả nước).
Hoạt động của các doanh nghiệp KH&CN
Tính đến 31/12/2022, TP.HCM có 106 doanh nghiệp KH&CN đã đăng ký giấy phép hoạt động (Hình).Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo giai đoạn 2016-2022 đạt trên 41%, trong đó doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm tỷ trọng 56,7%, doanh nghiệp trong 9 ngành dịch vụ là 39,5%.
Hình. Thống kê số doanh nghiệp KH&CN tại TP.HCM
Những vấn đề đặt ra trong ứng dụng AI cho phát triển kinh tế ở TP.HCM
Thứ nhất, sự thích nghi, năng lực phản ứng chính sách của chính quyền. Phát triển kinh tế từ ứng dụng AI là một vấn đề lớn mà chính quyền TP. HCM phải nghiên cứu thật kỹ và cẩn trọng. Ứng dụng AI để phát triển kinh tế là xu hướng tất yếu, nhưng những tác động từ AI đến đời sống, kinh tế – xã hội đang có nhiều tranh cãi, do đó đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước của TP. HCM phải có sự thích nghi nhanh chóng, nâng cao năng lực phản ứng để có được các cơ chế, chính sách thúc đẩy hoặc kìm hãm ảnh hưởng của AI đến phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc phát triển AI là lĩnh vực mới mang tính phi truyền thống, nên đòi hỏi phải thận trọng và cần có lộ trình để đảm bảo kiểm soát được rủi ro.
Thứ hai, thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên môn sâu về AI. Việc phát triển AI không chỉ đòi hỏi kinh phí lớn, mà còn cần nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào. Công nghệ AI phát triển rất nhanh và sâu nên khó tìm được đội ngũ nhân lực hoặc chuyên gia có đủ và sâu kiến thức để theo kịp sự phát triển này. Mặc dù với tiềm lực là một thành phố trẻ có mật độ người có trình độ KH&CN cao đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở tổ chức liên quan, nhưng nguồn nhân lực có chuyên môn cao và sâu về AI không nhiều, nếu không nói là khan hiếm. Nhất là, khi Thành phố đã xác định phát triển kinh tế từ ứng dụng AI và muốn AI trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì chắc chắn phải thu hút được đội ngũ nhân lực chất lượng cao có am hiểu về AI để cống hiến và giúp Thành phố hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.
Thứ ba, đảm bảo thông tin dữ liệu và quyền riêng tư của cá nhân. Chất lượng dữ liệu là vấn đề then chốt trong nghiên cứu AI, bởi 80% công việc ở lĩnh vực này phụ thuộc vào xử lý dữ liệu. Trong khi ở Việt Nam, các quy định về quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân còn thiếu sót. Chỉ có một số quy định chung chung tại Điều 21- Hiến pháp 2013, Điều 31- Bộ luật Dân sự 2015, hoặc gần đây nhất là Nghị định 13/2023/NĐ-CP, ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân và một số văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, các quy định này chưa đưa ra các cơ chế để ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm quyền riêng tư liên quan đến AI một cách cụ thể, nhanh chóng.
Thứ tư, về tư cách pháp lý của AI. Ở Việt Nam, AI đang được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống và tạo ra những kết quả đáng chú ý. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm đến chính sách phát triển AI, việc xây dựng cơ sở dữ liệu và khung pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan đến AI vẫn còn thiếu sót. Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta chưa có không gian pháp lý phù hợp để điều chỉnh các quan hệ pháp luật có liên quan đến công nghệ này. Do vậy, nếu phát triển kinh tế từ ứng dụng AI, trong khi AI lại không được rõ ràng về tư cách pháp lý sẽ dễ dẫn đến nhiều rủi ro, bất cập phát sinh, mà lại thiếu căn cứ pháp lý để giải quyết phát sinh. Đây là một vấn đề khá nan giải đặt ra trong ứng dụng AI để phát triển kinh tế ở TP. HCM nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung.
Thứ năm, phát triển kinh tế bao trùm, hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế. Thành phố cũng cần lưu ý đến những vấn đề giải quyết việc làm cho người dân khi AI có khả năng thay thế và làm tốt hơn một số công việc mà trước đây do con người đảm nhận. Kiểm soát các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về công nghệ AI, có kho dữ liệu lớn, tránh trường hợp thao túng, cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền dữ liệu… gây ảnh hưởng đến xã hội, gây bất lợi cho người dân. Bên cạnh đó, cần phải xem xét khả năng hỗ trợ của chính quyền Thành phố đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ – đối tượng có sức đề kháng, chống chịu và khả năng tự vượt qua khó khăn yếu – trong bối cảnh chuyển dịch nền kinh tế từ ứng dụng AI.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỪ ỨNG DỤNG AI
Phát triển kinh tế từ ứng dụng hiệu quả công nghệ AI là xu hướng tất yếu của thế giới trong kỷ nguyên AI này, TP. HCM với trò là địa phương tiên phong để phát huy tiềm lực, nguồn lực sẵn có của mình, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách thử nghiệm để phát triển kinh tế từ ứng dụng AI. Trong đó, cần quán triệt tư tưởng xử lý các vấn đề mới trong xã hội, vượt khỏi tư duy theo lối mòn vốn đã không còn phù hợp. Mạnh dạn đổi mới, có cơ chế chính sách mang tính đột phá, sáng tạo mở đường cho phát triển.
Hai là, nâng cao năng lực phản ứng, xây dựng và thực thi chính sách của chính quyền các cấp tại TP. HCM. Thành phố cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về kiến thức cập nhật về AI, về mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế từ ứng dụng AI. Đồng thời, có quy chế khen thưởng và nêu gương những cơ quan, đơn vị, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực, có sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, đổi mới, góp phần vào việc hoàn thiện và thúc đẩy phát triển kinh tế từ ứng dụng AI.
Ba là, nghiên cứu và ban hành các chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên môn sâu về AI về cống hiến cho Thành phố. Đồng thời, Thành phố cần đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế đào tạo năng lực, kỹ năng số, năng lực về AI cho đối tượng cán bộ và người dân có nhu cầu dưới hình thức xã hội hóa. Bên cạnh đó, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp chủ động trong phát triển nguồn nhân lực làm chủ công nghệ AI.
Bốn là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định pháp luật để góp phần nâng cao trách nhiệm, tính tự giác bảo vệ dữ liệu cá nhân của mỗi người dân. Điều này sẽ góp phần vào thành công trong ứng dụng AI vào phát triển kinh tế, cũng như hạn chế được tác động xấu từ việc đánh cắp dữ liệu cá nhân như hiện nay.
Năm là, Thành phố cần chủ động lưu ý và có phương án để hỗ trợ những chủ thể yếu thế trong quá trình phát triển kinh tế từ ứng dụng AI, cũng như tính toán, điều tiết ổn định để không bị xáo trộn thị trường lao động. Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số để thực hiện vai trò kiến tạo, thúc đẩy việc ứng dụng AI vào phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao./.
Phạm Hồng Sơn
Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 32, tháng 11/2023)
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Bùi Thị Hằng Nga, Nguyễn Thảo Linh (2021), Xác lập tư cách pháp lý cho trí tuệ nhân tạo, truy cập từ http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210863.
3. Bootle, R. (2019), The AI Economy Work, Wealth and Welfare in the Robot Age Robot, retrieved form https://bom.so/qRIofT.
4. Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (2020), Báo cáo chính trị của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
5. Đỗ Phong (2023), AI sẽ đóng góp thêm 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu, truy cập từ https://vneconomy.vn/ai-se-dong-gop-them-15-7-nghin-ty-usd-cho-nen-kinh-te-toan-cau.htm.
6. Goolsbee, A. (2018), Public policy in an AI economy (No.w24653), National Bureau of Economic Research, retrieved form https://www.nber.org/papers/w24653.
7. Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (2022). Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết 20-NQ/TW (2012) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
8. Tấn Ba và Thanh Hùng (2022), Phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo – Bài 3: Cần giải pháp tổng thể, truy cập từ https://www.sggp.org.vn/phat-trien-nguon-nhan-luc-tri-tue-nhan-tao-bai-3-can-giai-phap-tong-the-post635486.html.
9. UBND Thành phố Hồ Chí Minh (2021), Quyết định số 575/QĐ-UBND, ngày 23/2/2021 phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”.
Tạp chí Kinh tế và Dự báo
GPXB: 477/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 26/12/2023
Tổng Biên tập: Đỗ Thị Phương Lan
Phó Tổng Biên tập: Trần Thị Thanh Hà, Phùng Thị Phương Anh
www.kinhtevadubao.vn
Email: [email protected]
Chỉ được phát hành lại thông tin từ website này khi có sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí Kinh tế và Dự báo
Tòa soạn: 65, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội
Hotline: 0974050599
Liên hệ quảng cáo: 0974050599
Bảng giá quảng cáo