Những điểm thay đổi quan trọng khi xin Visa Vĩnh Trú từ tháng 7/2019 (永住権)

Visa vĩnh trú (永住権) là visa cho phép người được cấp có quyền lưu trú, sinh sống ở Nhật trọn đời mà không bị giới hạn các điều kiện về lao động, cũng như không cần phải xin gia hạn định kỳ 1-3-5 năm như các loại visa thông thường khác. Tuy vậy, tiêu chuẩn xét duyệt mới của Cục XNC ngày càng nghiêm ngặt. Cụ thể, từ tháng 7/2019, hồ sơ nộp xin vĩnh trú có yêu cầu nộp giấy chứng nhận thu nhập và tình trạng nộp thuế với thời gian dài hơn trước, cũng như bổ sung nội dung về yêu cầu nộp giấy liên quan đến chứng nhận nộp quỹ lương hưu và bảo hiểm.

Trong bài viết dưới đây, mình sẽ tổng kết lại những vấn đề cần lưu ý khi xin visa vĩnh trú, và các hồ sơ cần chuẩn bị khi xin visa này dành cho các bạn có visa lao động (就労ビザ)hoặc visa vợ/chồng người Nhật (日本人配偶)để các bạn tiện tham khảo khi làm thủ tục. Quy trình xin vĩnh trú từ visa nhân lực chất lượng cao (高度人材)

Khái quát chung về visa vĩnh trú

Visa vĩnh trú được cấp cho người nước ngoài sống tại Nhật theo 2 tiêu chí dưới đây:

  • Cho những người có dự định và đủ điều kiện sinh sống cả đời tại Nhật
  • Cho những lao động trình độ cao như một hình thức khuyến khích để họ tới Nhật làm việc và ở lại lâu dài.

So với các loại visa khác, thì visa vĩnh trú được xét nghiêm ngặt hơn rất nhiều. Vì những người được cấp visa vĩnh trú sau đó sẽ không bị giới hạn gì về khoảng thời gian lưu trú cũng như các hoạt động được phép làm tại Nhật nữa, nên đối với Cục xuất nhập cảnh, đây là cơ hội cuối cùng để họ có thể kiểm tra và rà soát. Chính vì thế, mà Cục thường xét rất nghiêm để tránh các ảnh hưởng về sau.

Dưới đây là 2 điểm cơ bản mà Cục Xuất Nhập Cảnh căn cứ để quyết định có cấp visa vĩnh trú hay không:

  • Người đăng ký không gây ra bất cứ vấn đề gì trong khoảng thời gian đã lưu trú trước đó.
  • – Trong tương lai, việc lưu trú tại Nhật của người đó cũng sẽ không gây ra ảnh hưởng gì.

Điều kiện chung để xin visa vĩnh trú Theo khoản 2, điều 22 của luật nhập cư, thì để được cấp visa vĩnh trú, người xin cần thoả mãn đủ 3 điều kiện dưới đây:

  • Điều kiện về “hành vi lương thiện” (素行善良要件) :Các hành vi mà người đăng ký đã từng làm đều phải đảm báo tính lương thiện.
  • Điều kiện về “độc lập kinh tế” (独立生計要件):Phải có tài sản hoặc có năng lực đủ để đảm bảo sự độc lập về kinh tế.
  • Điều kiện về “lợi ích quốc gia” (国益要件) :Việc người đó lưu trú tại Nhật phù hợp với các lợi ích của nước Nhật (điều kiện này đã bao gồm cả điều kiện về số năm lưu trú tại Nhật trước đó của người đăng ký)

Về cơ bản, để xin được visa vĩnh trú, người đăng ký cần phải thoả mãn đủ 3 điều kiện nêu trên, tuy vậy, trong 1 số trường hợp dưới đây, thì người đăng ký chỉ cần thoả mãn điều kiện thứ 3 về “lợi ích quốc gia” cũng có thể đăng ký:Vợ/chồng của người Nhật (日本人の配偶者)Con của người Nhật (日本人の子)Vợ/chồng của người có visa vĩnh trú (永住者の配偶者)Con của người có visa vĩnh trú (永住者の子).

Dưới đây là phần giải thích chi tiết hơn về 3 điều kiện được đề cập tới ở trên.

Điều kiện về hành vi lương thiện:

Người đăng ký phải đảm bảo không phải là đối tượng nào trong các đối tượng dưới đây:

  • Vi phạm pháp luật Nhật bản dẫn tới bị phạt tiền, phạt tù (Lưu ý1)Là đối tượng bị đang bị giám sát bảo hộ theo pháp luật thanh thiếu niên.
  • Thường xuyên lặp đi lặp lại các hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm đạo đức (Lưu ý 2)☛(Lưu ý1)
  • Việc gây ra tai nạn giao thông khi lái xe cũng bị coi là một hành vi vi phạm pháp luật Nhật Bản.☛(Lưu ý 2) Việc vi phạm luật giao thông dẫn tới bị phạt tiền (ví dụ như nộp tiền phạt do đỗ xe không đúng quy định,..) không bị coi là 罰金 (mà là 反則金), nhưng nếu hành vi này lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ bị quy vào thuộc đối tượng 3, nên cần hết sức lưu ý.

Điều kiện về độc lập kinh tế Người đăng ký cần thoả mãn đủ cả 2 điều kiện dưới đây về kinh tế

  • Việc đảm bảo cuộc sống hàng ngày không trở thành gánh nặng cho công quỹ của nhà nước.Công việc, thu nhập, tài sản hiện có, có thể đảm bảo cho cuộc sống ổn định tại Nhật trong tương lai–> Điều kiện ①, về cơ bản đồng nghĩa với việc người đó: thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế, đóng nenkin, bảo hiểm đầy đủ, không chậm trễ, không phụ thuộc vào trợ cấp xã hội của quận- thành phố,… 
  • Khả năng độc lập kinh tế được xét theo THU NHẬP CỦA HỘ GIA ĐÌNH (世帯収入). Tức là dù người đăng ký có thu nhập bằng 0, nhưng nếu vợ/chồng có thu nhập cao đủ để bảo đảm sự độc lập kinh tế của cả hộ gia đình, thì vẫn có thể được cấp. Điều kiện về thu nhập và tài sản tuy không có quy định cụ thể, nhưng dĩ nhiên nếu người đăng ký có nhiều người phụ thuộc theo (ví dụ con cái, bố mẹ, vợ…) thì số tài sản hay thu nhập cũng sẽ phải nhiều tương đương theo, nếu không có thể sẽ bị xét trượt. 

Theo thông tin bên lề của nhiều luật sư có kinh nghiệm làm hồ sơ xin vĩnh trú nhiều năm, thì một người cần có thu nhập theo năm ít nhất ở mức 300 man trở lên mới có khả năng đỗ vĩnh trú. Nếu người này còn nuôi thêm vợ, con hoặc bố mẹ ở nhà(扶養者), thì số thu nhập hàng năm cũng phải tăng tương ứng, thông thường bình quân thu nhập phải tăng thêm bằng khoảng 50 man/người.Ví dụ 1 người có đăng ký phụ thuộc 1 vợ, 1 con + bố mẹ ở Việt Nam thì cần có thu nhập khoảng = 300 man ( cho bản thân người đó ) + 4 người phụ thuộc x ( 50 man cho 1 người phụ thuộc ) = 300 + 4* 50 = 500 man trở lên để đảm bảo chứng minh sự độc lập về kinh tế. 

Cũng có một số thông tin cho rằng, trong trường hợp số người phụ thuộc nhiều, thì thu nhập phải lớn hơn (tổng số người phụ thuộc + bản thân người đăng ký) x 70 man/người thì khả năng đỗ mới cao.  Tóm lại, tuy không có một con số quy định cụ thể, rõ ràng, nhưng chắc chắn là mức thu nhập cũng như đóng thuế của người đăng ký sẽ ảnh hưởng tương đối lớn đến kết quả xét duyệt. Dĩ nhiên, bạn cũng có thể chứng minh khả năng độc lập kinh tế bằng các khoản tiết kiệm, tài sản ở Nhật (hoặc Việt Nam) như bất động sản, chứng khoán, …hoặc thậm chí, là gỡ bớt số người phụ thuộc đi nếu thu nhập của bạn không đủ để cover tưng đó người.

Điều kiện về lợi ích quốc gia.

 Người đăng ký phải thoả mãn tất cả các điều kiện dưới đây:

  • Điều kiện về thời gian lưu trú tại Nhật (Lưu ý 1)
  • Điều kiện về việc tôn trọng pháp luật Nhật Bản:Tôn trọng và làm theo pháp luật, bao gồm cả các việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế, đóng bảo hiểm, nenkin…(Lưu ý2)Không có nguy cơ gây hại đối với cộng đồng (Lưu ý 3)Không tiềm tàng nguy cơ gây ra các hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích côngKhông trở thành gánh nặng cho quốc gia

☛(Lưu ý 1)Về điều kiện lưu trú tại Nhật, người đăng ký cần thoả mãn 2 điều kiện dưới đây:

  • Thời hạn lưu trú của tư cách lưu trú hiện thời phải đạt 3 năm trở lên
  • Lưu trú liên tục tại Nhật đủ số năm quy định. Về cơ bản, người đăng ký cần lưu trú tại Nhật LIÊN TỤC trong khoảng thời gian ít nhất là 10 năm, trong đó có ít nhất 5 năm lưu trú dưới visa lao động. Tuy vậy, một số trường hợp đặc biệt quy định cụ thể dưới đây thì thời gian lưu trú cần thiết được rút ngắn lại:

Vợ/chồng của người Nhật hoặc người có visa vĩnh trú :Kết hôn trên 3 năm và lưu trú liên tục tại Nhật trên 1 năm

(※1)Con của người Nhật hoặc người có visa vĩnh trú :Lưu trú liên tục tại Nhật 1 năm trở lên

(※2)Đã lấy được visa định trú (定住者) và sau khi lấy được visa định trú thì đã lưu trú tại Nhật liên tục 5 năm trở lên

(※3)Nhân lực chât lượng cao có tổng số điểm xét theo bảng 高度専門職ポイント đạt 70 điểm trở lên :3 năm liên tục tính ngược trở lại từ thời điểm đăng ký đã đạt đủ 70 điểm trở lên

(※4)Nhân lực chât lượng cao có tổng số điểm xét theo bảng 高度専門職ポイント đạt 80 điểm trở lên:1 năm liên tục tính ngược trở lại từ thời điểm đăng ký đã đạt đủ 80 điểm trở lên

(※5)☛(Lưu ý 2) Người đăng ký cần phải đóng không chậm trễ và không nợ thuế, bảo hiểm. Ngay cả trong trường hợp người đăng ký đang phụ thuộc kinh tế vào người khác (ví dụ là vợ/chồng của người Nhật và được vợ/chồng lo kinh tế), thì người đăng ký vẫn cần thực hiện đầy đủ việc nộp đầy đủ và không chậm trễ các loại thuế-bảo hiểm thuộc nghĩa vụ của mình.☛(Lưu ý 3) Chỉ những người bị bệnh truyền nhiễm hoặc các bệnh lây nhiễm đặc biệt khác.

Các lưu ý chung Về khoảng thời gian lưu trú liên tục và thời gian ra khỏi Nhật

 Rất nhiều bạn thắc mắc về khoảng thời gian lưu trú 10 năm liên tục tại Nhật để đủ điều kiện xin vĩnh trú, và lo lắng về việc nếu trong khoảng thời gian này, mình về nước hoặc sang nước khác chơi thì có bị tính reset lại từ đầu không. Ví dụ, bạn đi du học 4 năm, sau khi tốt nghiệp, bạn về nước, trả lại thẻ ngoại kiều có tư cách du học sinh, rồi về Việt Nam. Vài tháng hay 1 năm sau, bạn xin được việc ở công ty Nhật và quay lại Nhật dưới visa mới, thì khoảng thời gian lưu trú liên tục tại Nhật để xét visa vĩnh trú của bạn sẽ được reset lại từ thời điểm bạn vào Nhật dưới visa lao động, tức là 4 năm du học trước đó của bạn sẽ không được tính. Hoặc bạn đang làm công ty A, sau 3 năm, bạn có chuyện gia đình nên quyết định về hẳn. Một thời gian sau mọi chuyện ổn định, bạn lại sang Nhật dưới visa lao động mới, thì tổng số năm lưu trú liên tục tại Nhật của bạn cũng bị reset lại từ đầu. Nhưng ngược lại, nếu bạn ra khỏi Nhật 6 tháng- 1 năm để về Việt Nam hay đi nước khác làm việc, nhưng là do công ty tại Nhật cử đi dưới dạng công tác dài hạn, và sau khi kết thúc thời hạn công tác, bạn dự kiến sẽ quay lại Nhật sinh sống tiếp, và bạn chứng minh được rõ việc này, thì có khả năng, Cục Xuất nhập cảnh vẫn sẽ châm chước cho trường hợp này. Còn đương nhiên, nếu bạn chỉ ra khỏi Nhật để về nước hoặc sang nước khác chơi vài ba tuần thì không ảnh hưởng gì tới tổng thời gian lưu trú liên tục để xin vĩnh trú cả. Tóm lại, thời hạn lưu trú liên tục này có bị reset lại khi bạn ra khỏi Nhật hay không, phụ thuộc rất nhiều vào lý do bạn ra khỏi Nhật lâu để làm gì, hoàn cảnh gia đình bạn, kế hoạch sinh sống và làm việc của bạn tại Nhật trước đó và sau này,…Vì thế, trong khi làm hồ sơ, nếu bạn không tự tin lắm về thời hạn lưu trú liên tục do trước đó có khoảng thời gian rời khỏi Nhật khá lâu, thì nên làm một bản giải trình chi tiết lý do để Cục XNC có thêm thông tin tham khảo khi xét hồ sơ của bạn.

Lưu ý về thời hạn của visa hiện tại khi đăng ký vĩnh trú 

Khi bạn đăng ký gia hạn các loại visa thông thường (như visa du học, visa lao động, visa gia đình),..thì dù bạn có đăng ký sát ngày hết hạn visa, theo luật, bạn vẫn được quyền ở lại Nhật thêm 2 tháng kể từ ngày hết hạn visa cũ. Tuy nhiên, khi bạn đăng ký visa vĩnh trú, thì sẽ không được hưởng quyền lợi này. Tức là nếu visa hiện tại của bạn sắp hết, thì việc bạn đăng ký xét visa vĩnh trú cũng không giúp bạn kéo dài được thời hạn lưu trú thêm. Gần đây, do số hồ sơ xin vĩnh trú tăng lên rất nhiều, nên khoảng thời gian xét duyệt của Cục XNC cũng bị kéo dài theo, có trường hợp mất tới gần 1 năm. Vì vậy, để đảm bảo không bị mất quyền lưu trú tại Nhật do visa hiện tại hết hạn, trong khoảng thời gian chờ kết quả xét visa vĩnh trú, bạn vẫn cần chú ý gia hạn visa hiện tại cho đúng thời hạn.

Lưu ý về số người phụ thuộc (扶養者) 

Rất nhiều lao động nước ngoài tại Nhật hiện nay đang sử dụng chế độ đăng ký phụ thuộc cho cả bố, mẹ (đang sống ở ngoài Nhật) để giảm bớt số thuế phải đóng hàng năm. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc này có thể sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả đánh giá của Cục XNC về khả năng độc lập kinh tế của bạn. Chưa kể, trong một số trường hợp, nếu bạn không thể chứng minh được việc mình thực sự gửi tiền về nước để phụng dưỡng bố mẹ, thì Cục XNC có thể còn đánh giá bạn có hành vi lạm dụng chế độ đăng ký phụ thuộc của Nhật để trốn thuế. Tuy vâỵ, nói như thế không có nghĩa là nếu bạn đăng ký phụ thuộc thì sẽ chắc chắn trượt, vì có không ít trường hợp đăng ký phụ thuộc như vậy vẫn được chấp nhận.  Điều quan trọng, là bạn cần đảm bảo thu nhập của bạn cũng phải nhiều tương ứng (có thể nhẩm tính theo công thức đề cập tới ở trên), và bạn phải có đầy đủ các giấy tờ chứng minh cho việc bạn gửi tiền về nước là có thật ( ví dụ: giấy chuyển tiền, giấy chứng nhận thu nhập của bố mẹ,..). Còn nếu thu nhập của bạn chỉ ở mức vừa đủ, và việc đăng ký phụ thuộc làm số thuế bạn nộp hàng năm giảm gần xuống mức 0 hoặc chỉ vài man một năm, thì tốt nhất nên làm thủ tục gỡ người phụ thuộc ra trước khi đăng ký xin vĩnh trú.

Lưu ý về thời điểm nộp hồ sơ xin vĩnh trú  

Tốt nhất là bạn nên đợi khi đã đủ số năm lưu trú quy định rồi mới nộp đơn xin vĩnh trú. Tuy vậy, do thời hạn xét duyệt hồ sơ vĩnh trú của Cục XNC khá lâu (thông thường từ 4-6 tháng, có trường hợp lên tới 1 năm), nên bạn cũng có thể chuẩn bị hồ sơ và nộp 3-4 tháng trước khi đủ thời hạn lưu trú. Nếu thuận lợi, Cục XNC có thể xét hồ sơ và cấp cho bạn visa vĩnh trú khi số năm bạn lưu trú đạt đủ số năm quy định.  Không nên nộp quá sớm hẳn 6 tháng- 1 năm vì hiện có thể Cục XNC sẽ lại xếp bạn vào diện chưa đủ số năm lưu trú và đánh trượt. Mà khi đã trượt một lần thì các lần đăng ký tiếp theo bạn sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều.

Lưu ý khi đăng ký xin cho cả gia đình  

Nếu vợ chồng bạn đã kết hôn trên 3 năm, và vợ/chồng bạn đã lưu trú tại Nhật trên 1 năm theo visa gia đình, thì bạn có thể đăng ký xin vĩnh trú chung cho cả gia đình vào thời điểm bạn nộp hồ sơ xin vĩnh trú. Tương tự, bạn cũng có thể xin luôn cho cả con bạn nếu bé đã lưu trú tại Nhật trên 1 năm. Nếu được xét duyệt, thì mỗi thành viên trong gia đình bạn đều sẽ có visa vĩnh trú riêng, và vợ/con bạn sẽ không bị ảnh hưởng gì tới tư cách lưu trú cho dù có chuyện gì xảy ra với bạn/tư cách lưu trú của bạn. Còn nếu bạn nộp hồ sơ xin vĩnh trú độc lập, thì sau khi bạn đã được visa vĩnh trú, vợ bạn sẽ làm thủ tục để xin chuyển từ visa gia đình 家族滞在 sang visa vợ/chồng của người có vĩnh trú (永住者の配偶者), và con bạn sẽ chuyển từ visa gia đình sang visa định trú (定住者). Trong trường hợp nộp hồ sơ cho cả gia đình, hồ sơ của vợ/chồng bạn cũng cần phải chuẩn bị riêng các giấy tờ như: mẫu đăng ký xin vĩnh trú, giấy chứng nhận làm việc (nếu có), giấy chứng nhận nộp thuế,…còn các giấy tờ chứng minh tài chính khác có thể dùng chung. Riêng giấy tờ bảo lãnh thì người bảo lãnh cần chuẩn bị đủ số bản tương ứng với số người họ bảo lãnh.

Các giấy tờ cần thiết và một số lưu ý

Dành cho đối tượng chuyển từ visa lao động/ visa phụ thuộc sang visa vĩnh trú

1. Ảnh thẻ 写真(4×3cm)

2. Đơn đăng ký xin vĩnh trú 永住許可申請

3. Hộ chiếu, thẻ ngoại kiều パスポート原本

4. Sơ yếu lí lịch (履歴書)

5. Lý do xin vĩnh trú 理由書 (tham khảo mẫu ở cuối bài)

6. Giấy tờ chứng minh quan hệ (Một trong các giấy tờ dưới đây): Nộp trong trường hợp đăng ký cả gia đìnhSổ hộ khẩu (戸籍謄本)Giấy chứng sinh (出生証明書) (khi đăng ký cho con) Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (婚姻証明書)

7.Giấy chứng nhận công dân (住民票)

8.Giấy tờ chứng minh công việc (職業を証明する資料): Nộp 1 trong các giấy tờ dưới đây: Giấy chứng nhận đang làm việc tại công ty (在職証明書) Bản sao giấy khai thuế (確定申告書の写し) Bản sao giấy chứng nhận kinh doanh( 営業許可書の写し) (Trong trường hợp tự kinh doanh, ví dụ mở quán ăn,..)Bản tường trình trong trường hợp không có việc (無職の場合、説明書)

9.Giấy chứng nhận thu nhập và tình trạng nộp thuế trong 5 năm gần nhất (過去5年分の所得及び納税状況を証明する資料(いずれか)

※ Kể từ 1/7/2019, giấy chứng nhận thu nhập và tình trạng nộp thuế đã tăng từ 3 năm lên 5 năm. Với các bạn đã nộp giấy tờ trước ngày 30/6/2019 cũng có trường hợp được yêu cầu bổ sung hai năm chưa nộp.Giấy chứng nhận số thuế phải nộp và giấy chứng nhận nộp thuế (住民税の課税証明書、納税証明書)Bản sao các trang của sổ ngân hàng 預金通帳の写し

10.Giấy tờ chứng minh tình trạng nộp tiền Nenkin và bảo hiểm của người đăng ký trong 2 năm gần nhất(直近(過去2年間)の公的年金及び公的医療保険の保険料の納付状況を証明する資料)

※ Kể từ 1/7/2019 giấy tờ chứng minh tình trạng nộp tiền Nenkin và bảo hiểm đã được bổ sung thành mục bắt buộc khi nộp xin vĩnh trú. Cũng có trường hợp cục sẽ yêu cầu bổ sung giấy tờ ở mục này với các bạn đã nộp giấy tờ trước ngày 30/6/2019 và chưa có kết quả. Giấy tờ chứng minh tình trạng nộp tiền nenkin trong vòng 2 năm trở lại, gồm: Tổng kết Nenkin định kỳ 「ねんきん定期便」(có ghi toàn bộ thời gian đóng nenkin) hoặc In màn hình ghi chú nenkin theo từng tháng in (ねんきんネットの「各月の年金記録」)Giấy tờ chứng minh tình trạng đóng bảo hiểm trong vòng 2 năm trở lại : Copy thẻ bảo hiểm(健康保険被保険者証(写し)

11. Tài liệu chứng minh tài sản hiện có (資産を証明する資料), một trong những tài liệu dưới đây, hoặc tất cả thì càng tốt Bản sao sổ tiết kiệm (預貯金通帳の写し) (Số tiền tiết kiệm có trong tài khoản không cần quá nhiều, khoảng 50 ~ 100 man thì càng tốt) Giấy tờ nhà đất đang sở hữu (nếu có) (不動産の登記簿謄本)

12.Giấy tờ liên quan tới người bảo lãnh (身元保証に関する資料) : Người bảo lãnh sẽ tự đi xin và có thể gửi trực tiếp tới Cục XNC Giấy bảo lãnh (do người bảo lãnh viết và đóng dấu) (身元保証書) Giấy chứng nhận đang làm việc của người bảo lãnh (在職証明書) Giấy chứng nhận số thuế phải nộp và giấy chứng nhận nộp thuế trong 1 năm của người bảo lãnh(1年分の住民税の課税証明書、納税証明書) Giấy chứng nhận công dân của người bảo lãnh (住民票)*** Người bảo lãnh phải là người Nhật hoặc người có visa vĩnh trú. Ngoài ra, năng lực tài chính của người bảo lãnh cũng tương đối ảnh hưởng tới kết quả xét duyệt hồ sơ, nên nếu có thể, bạn nên nhờ người có thu nhập ổn định bảo lãnh để yên tâm hơn nhé.

13.Các giấy tờ khác liên quan tới việc bạn đã cống hiến, đóng góp cho nước Nhật (我が国への貢献に係る資料) (nếu có) Bản sao các loại bằng khen (表彰状、感謝状、勲等書の写し) : ví dụ chứng nhận tham gia hoạt động tình nguyện,..Giấy tiến cử của đại diện công ty, trường học, đoàn thể (会社、大学、団体の代表が作成した推薦状) : có thể nhờ trường phỏng của công ty đang làm viết,..Và các giấy tờ khác nếu có: Ví dụ giấy chứng nhận năng lực tiếng Nhật, (để chứng minh cho nỗ lực học tiếng Nhật để sống lâu dài ở Nhật), bằng lái xe,…Ngoài các giấy tờ trên, Cục XNC có thể yêu cầu bạn bổ sung các giấy tờ khác trong quá trình xét duyệt nếu họ thấy có những điểm không rõ. Trên thực tế khá nhiều bạn đã bị yêu cầu nộp cuống giấy chứng nhận đã đóng bảo hiểm,…vì vậy, các bạn nên lưu giữ cẩn thận các giấy tờ quan trọng liên quan tới thuế và bảo hiểm nhé. Khi khai hồ sơ, các bạn cũng nên kiểm tra kĩ để đảm bảo tính thống nhất với các bộ hồ sơ xin visa mà bạn đã từng nộp trước đó, vì bất kì sự không đồng nhất nào cũng có thể dẫn tới kết quả không như ý.

Dành cho đối tượng chuyển từ visa vợ chồng người Nhật/người có visa vĩnh trú sang visa vĩnh trú

1.Ảnh thẻ 写真(4×3cm)

2. Đơn đăng ký xin vĩnh trú 永住許可申請

3. Hộ chiếu, thẻ ngoại kiều パスポート原本

4. Giấy tờ chứng minh quan hệ (身分関係を証明する資料)① Trường hợp là vợ/chồng người Nhật (日本人の配偶者)・Giấy hộ tịch của vợ/chồng (配偶者の戸籍謄本)② Trường hợp là vợ/chồng người có visa vĩnh trú (永住者の配偶者) Giấy chứng nhận kết hôn (配偶者との婚姻証明書)

5.Giấy chứng nhận công dân (住民票)

6.Giấy tờ chứng minh công việc (職業を証明する資料): Nộp 1 trong các giấy tờ dưới đây: Giấy chứng nhận đang làm việc tại công ty (在職証明書) Bản sao giấy khai thuế (確定申告書の写し) Bản sao giấy chứng nhận kinh doanh( 営業許可書の写し) (Trong trường hợp tự kinh doanh, ví dụ mở quán ăn,..) Bản tường trình trong trường hợp không có việc (無職の場合、説明書)

7.Giấy chứng nhận thu nhập và tình trạng nộp thuế trong 3 năm gần nhất (過去3年分の所得及び納税状況を証明する資料(いずれか)

※ Kể từ 1/7/2019, giấy chứng nhận thu nhập và tình trạng nộp thuế đã tăng từ mức 1 năm lên 3 năm. Với các bạn đã nộp giấy tờ trước ngày 30/6/2019 cũng có trường hợp được yêu cầu bổ sung hai năm chưa nộp.Giấy chứng nhận số thuế phải nộp và giấy chứng nhận nộp thuế (住民税の課税証明書、納税証明書)Bản sao các trang của sổ ngân hàng 預金通帳の写し

8.Giấy tờ chứng minh tình trạng nộp tiền Nenkin và bảo hiểm của người đăng ký trong 2 năm gần nhất(直近(過去2年間)の公的年金及び公的医療保険の保険料の納付状況を証明する資料)

※ Kể từ 1/7/2019 giấy tờ chứng minh tình trạng nộp tiền Nenkin và bảo hiểm đã được bổ sung thành mục bắt buộc khi nộp xin vĩnh trú. Cũng có trường hợp cục sẽ yêu cầu bổ sung giấy tờ ở mục này với các bạn đã nộp giấy tờ trước ngày 30/6/2019 và chưa có kết quả. Giấy tờ chứng minh tình trạng nộp tiền nenkin trong vòng 2 năm trở lại, gồm: Tổng kết Nenkin định kỳ 「ねんきん定期便」(có ghi toàn bộ thời gian đóng nenkin) hoặc In màn hình ghi chú nenkin theo từng tháng in (ねんきんネットの「各月の年金記録」)Giấy tờ chứng minh tình trạng đóng bảo hiểm trong vòng 2 năm trở lại : Copy thẻ bảo hiểm(健康保険被保険者証(写し)

9.Giấy tờ liên quan tới người bảo lãnh: Giấy bảo lãnh (do người bảo lãnh viết và đóng dấu) (身元保証書) Giấy chứng nhận đang làm việc của người bảo lãnh (在職証明書) Giấy chứng nhận số thuế phải nộp và giấy chứng nhận nộp thuế trong 1 năm của người bảo lãnh(1年分の住民税の課税証明書、納税証明書) Giấy chứng nhận công dân của người bảo lãnh (住民票)

Tham khảo mẫu lý do xin vĩnh trú

理由書

法務大臣殿

申請人

名  前  ○○○○

国  籍  ○ ○

生年月日 19○○年○○月○○

日申請人            印 

Phần 1: Kể lại về quá trình học tập và sinh sống ở Nhật

私は、何処の○○大学○○学部○○専攻を卒業後、20○○年○月に来日しました。同年○○月に○○日本語教育○○に入学し、日本語を勉強しました。その後、20○○年○○月に○○大学大学院に入学し、20○○年○○月に○○研究科の修士号を取得しました。同年○月、○○会社に就職、現在に至りました。

Phần 2: Kể về việc mình hoà nhập với nước Nhật và tuân thủ pháp luật,… 私はこれまで10年以上も日本に滞在しており、物事に対する考え方や価値観は日本人寄り、すっかり日本社会に溶け込んでいると思います。大学で出会った先生、先輩、後輩、会社で一緒に働く同僚の皆様と良好な人間関係を築いております。このような素敵な仲間に出会えた10年間は、私にとってかけがえのない宝物です。これからも大切にしていきたいと思います。

Phần 3: Khẳng định mong muốn sinh sống ở Nhật lâu dài của bản thân  現在、私の家族全員日本で安定した生活を送っています。これからも日本で働き生活していきたいと考えておりますので、日本国の永住許可を申請する次第であります。 ご賢察の上、許可してくださるようお願い申し上げます。

các bạn có thể tham khảo thêm theo đường link chính thức về visa vĩnh trú theo cục xuất nhập cảnh Nhật Bản.

https://www.moj.go.jp/isa/applications/procedures/16-4.html

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *