Ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam: Thách thức và tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài – Báo Đầu Tư
Cơ hội
Trong bối cảnh giảm thiểu rủi ro và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, có lẽ, ngành công nghiệp bán dẫn là minh chứng tốt nhất cho những cơ hội sinh lời và động lực cân bằng giữa các yếu tố an ninh và kinh doanh cho các quốc gia.
Được hưởng lợi từ những thay đổi toàn cầu để trở thành nhân tố chính trong chuỗi cung ứng ở một số ngành, Việt Nam đã công bố các kế hoạch đầy tham vọng để phát triển ngành công nghiệp này.
Tuy nhiên, bản chất kỹ thuật phức tạp của ngành này và các yếu tố chính trị nhạy cảm xung quanh nó đặt ra những thách thức chưa từng thấy cho các ngành khác. Việc đề ra chính xác mục tiêu phát triển vào đúng các lĩnh vực của chuỗi giá trị và giải quyết các thách thức hiện tại sẽ rất quan trọng quyết định việc liệu Việt Nam có tiếp tục phát triển ngành công nghiệp bán dẫn hay không.
Tiềm năng ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đã được nhấn mạnh qua các chuyến thăm ngoại giao và thương mại gần đây tới Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2023 của Tổng thống Mỹ Joe Biden, hợp tác về phát triển công nghiệp bán dẫn là vấn đề trọng tâm.
Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn và chuyến thăm Việt Nam được tháp tùng bởi nhiều công ty bán dẫn hàng đầu của Mỹ như Intel, Amkor, Marvell, GlobalFoundries.
Các chuyến thăm tiếp theo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) và các công ty bán dẫn lớn khác của Mỹ, như Nvidia, càng nhấn mạnh thêm tiềm năng của Việt Nam đối với lĩnh vực này.
Thêm vào đó, các công ty bán dẫn lớn khác từ Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản – 3 trong số 6 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam – cũng đang bày tỏ sự quan tâm tương tự.
Hợp tác với các công ty nước ngoài dẫn đầu ngành bán dẫn sẽ là điều không thể thiếu đối với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Hiện chỉ có 4 công ty Việt Nam tham gia thiết kế chip, chủ yếu là chip cấp thấp và chưa có công ty nào sản xuất tại Việt Nam. Các công ty bán dẫn hàng đầu chủ yếu có trụ sở chính tại Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc, nhưng có hoạt động trải rộng trên toàn cầu.
Quá trình tạo ra một con chip mất 4 – 6 tháng và bao gồm hơn 500 bước riêng biệt, có thể khiến một sản phẩm và các bộ phận của nó vượt qua biên giới quốc tế tới 70 lần. Điều này có nghĩa là không một công ty hay quốc gia nào có thể tự hoàn thành một con chip trong phạm vi của mình.
Những chuyển dịch năng động đang tạo cơ hội cho các thị trường mới, như Việt Nam, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và gia nhập một lĩnh vực sản suất trị giá lên tới 578 tỷ USD vào năm ngoái và dự kiến tăng lên 990 tỷ USD vào năm 2030.
Lĩnh vực tăng trưởng
Mặc dù chuỗi cung ứng chất bán dẫn rất phức tạp, phân mảnh và mang tính quốc tế, nhưng chuỗi giá trị có thể được chia thành 3 lĩnh vực, bao gồm thiết kế, chế tạo và lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói (ATP).
ATP đã trở thành một trong những lĩnh vực được tập trung quan tâm nhất trong ngành công nghiệp này với mục tiêu giảm thiểu rủi ro cho các chuỗi cung ứng quan trọng từ Trung Quốc – nơi chiếm gần 40% hoạt động ATP. Đây là cơ hội to lớn để Việt Nam xây dựng dựa trên kinh nghiệm và hạ tầng trong lĩnh vực ATP.
Việt Nam đã trở thành đại bản doanh cho lĩnh vực ATP với khoản đầu tư đáng kể từ các công ty Mỹ và Hàn Quốc.
Intel có cơ sở ATP toàn cầu lớn nhất nằm ở miền Nam Việt Nam và Amkor vận hành nhiều nhà máy ở Việt Nam. Gần đây, Samsung đã công bố kế hoạch xây dựng cơ sở trị giá 2,6 tỷ USD trong lĩnh vực này ở miền Bắc Việt Nam và một số công ty khác cũng đã thực hiện đầu tư vào ATP trong vài năm qua.
Đầu tư vào lĩnh vực này chủ yếu từ các công ty Mỹ và một số công ty Hàn Quốc, giúp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sản lượng chip của Việt Nam ra thế giới.
Cụ thể, xuất khẩu chip của Việt Nam sang Mỹ tăng 75% trong năm 2022, đạt doanh số 562,5 triệu USD và chiếm 11,6% thị phần. Điều này đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu chip sang Mỹ tăng trưởng nhanh nhất và đứng thứ ba về khối lượng, chỉ sau Đài Loan và Malaysia.
Tuy nhiên, ATP là lĩnh vực có giá trị thấp nhất trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, chỉ chiếm khoảng 6% giá trị của một con chip và điều này làm cho thị phần của Việt Nam còn nhỏ bé trong tổng nguồn cung chất bán dẫn toàn cầu.
Thách thức
Với mục tiêu chuyển dịch sang lĩnh vực sử dụng nhiều công nghệ và thâm dụng vốn hơn, cũng như các vấn đề chính trị nhạy cảm, các lĩnh vực thiết kế và chế tạo chip có thể là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài hơn đối với Việt Nam.
Chi phí và độ nhạy cảm xung quanh một số lĩnh vực nhất định, đặc biệt là trong lĩnh vực chip cao cấp, sẽ làm cho những xem xét đầu tư phải vượt qua cả các yếu tố thị trường và kinh tế, đến tận các vấn đề lớn hơn như chính sách, an ninh quốc gia và chủ quyền công nghệ.
Các cơ sở sản xuất, hay nhà máy là phần tập trung về mặt địa lý và thâm dụng vốn nhất trong chuỗi giá trị. Phần lớn nhà máy được đặt tại Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Trung Quốc, nơi hầu hết các công ty thiết kế và chế tạo đang đặt trụ sở chính.
Mặc dù có số lượng ít hơn nhiều, nhưng các nhà máy ở Đông Nam Á chủ yếu tập trung tại Singapore và Malaysia.
Việt Nam hiện chưa có nhà máy nào, nhưng Chính phủ đã công bố kế hoạch hoàn thành nhà máy đầu tiên vào năm 2030 và cam kết hỗ trợ nhà đầu tư với “những ưu đãi cao nhất hiện có”.
Với chi phí để thành lập một nhà máy thường trên 1 tỷ USD và có thể lên tới 20 tỷ USD, những ưu đãi này sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các khoản trợ cấp từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu.
Việt Nam có thể sẽ không cạnh tranh trực tiếp với các thị trường này, mà thay vào đó, nhắm đến việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip ở mức độ thấp hơn, như chip dùng trong ô tô hoặc ứng dụng viễn thông. Ở khu vực này, Việt Nam sẽ cạnh tranh trực tiếp với Ấn Độ, Thái Lan và ở một mức độ nào đó là Malaysia – những quốc gia đang có các chính sách thu hút đầu tư tương tự.
Ngoài các ưu đãi, việc duy trì chi phí xây dựng cạnh tranh, đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ nguồn điện, ưu tiên năng lượng xanh và có đủ nguồn nhân lực là kỹ sư bán dẫn có tay nghề cao sẽ quyết định sự thành công của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Việt Nam hiện có 5.000-6.000 kỹ sư bán dẫn. Con số này đáp ứng chưa đến 20% nhu cầu hiện tại ở Việt Nam và thấp hơn nhiều so với mức dự báo là 20.000 lao động sẽ cần trong 5 năm tới và 50.000 lao động sẽ cần trong 10 năm tới.
Chính phủ đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng về đào tạo 30.000-50.000 kỹ sư vào năm 2030, nhưng con số này sẽ tăng gấp 10 lần trong vòng 6 năm đối với một quốc gia hiện chỉ có khoảng 500 kỹ sư tốt nghiệp mỗi năm.
Các kỹ sư Việt Nam thường chuyên sâu về một công việc cụ thể hoặc quy trình nhất định và con số kỹ sư trình độ cao có thể giám sát các dự án lớn hơn hoặc hoàn thiện thiết kế vẫn còn rất khiêm tốn.
Việc nới lỏng các quy định về cấp giấy phép lao động cho kỹ sư nước ngoài có thể đóng vai trò là cầu nối để đáp ứng nhu cầu lao động trong thời gian ngắn hạn cho đến khi lực lượng lao động trong nước dần tăng lên đến mức độ đủ cho nhu cầu, nhưng điều này đòi hỏi phải có những thay đổi nhanh hơn về pháp lý và thủ tục hành chính.
Triển vọng
Khi mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự các quốc gia khác. Các thị trường bán dẫn mới nổi khác cũng đang tìm cách nâng cao chuỗi giá trị, chủ yếu vào thiết kế và chế tạo chip có công nghệ ở mức độ thấp hơn, nên cũng phải đối mặt với những thách thức về hạ tầng và lao động có tay nghề tương tự.
Nhiều yếu tố khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đầu tư vào các ngành công nghiệp khác cũng sẽ là ưu điểm cho ngành bán dẫn. Sự hiện diện mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực ATP tạo cơ sở để nâng cao chuỗi giá trị của ngành công nghiệp này cho Việt Nam.
Tuy nhiên, hệ sinh thái đã được thiết lập này cũng có thể đặt ra những thách thức cho Việt Nam trong các lĩnh vực cao hơn trong chuỗi giá trị, nơi các cụm khu công nghiệp sản xuất chất bán dẫn truyền thống đang tích cực thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới, như đã thấy ở Thung lũng Silicon và Đài Loan.
Trong ngắn hạn, chúng ta sẽ thấy sự tăng trưởng liên tục của lĩnh vực ATP tại Việt Nam. Lĩnh vực này ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn và phát triển tiên tiến hơn về mặt kỹ thuật, đặc biệt là về giá trị của chip cao cấp. Việt Nam có thể đáp ứng sự phức tạp về mặt kỹ thuật này bằng việc đầu tư vào giáo dục và hạ tầng, chuyển dần sang các lĩnh vực thiết kế và chế tạo chất bán dẫn có giá trị cao hơn.
Tương tự như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu đang phát triển ở Việt Nam, nơi 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam đến từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, tăng trưởng của ngành bán dẫn Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và phần lớn sản phẩm được lắp ráp hoặc sản xuất tại Việt Nam sẽ được xuất khẩu.
Với các khoản đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam và thị phần nắm giữ trên các lĩnh vực của chuỗi giá trị bán dẫn, các công ty Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới.
Với những nỗ lực của Chính phủ nhằm thực hiện các khoản đầu tư cần thiết trong nước, hợp tác với các công ty bán dẫn hàng đầu thế giới, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng ngắn hạn và dài hạn trong tất cả các lĩnh vực của chuỗi giá trị.
Báo điện tử Đầu tư, thuộc nhóm báo của Báo Đầu tư
Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Giấy phép số 541/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 23 tháng 8 năm 2021
Tổng Biên tập: Lê Trọng Minh
Phó Tổng Biên tập phụ trách: Bùi Đức Hải
Thư ký tòa soạn: Phùng Huy Hào
Tòa soạn: 47 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội
ĐT: 0243.845.0537 – Fax: 0243.823.5281
Email: [email protected] – Website: https://baodautu.vn
© Báo Đầu tư giữ bản quyền nội dung trên website này
Việc sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Đầu tư – baodautu.vn
phải có sự đồng ý bằng văn bản của Cơ quan Báo Đầu tư