Ngành bán dẫn – VOV2

[VOV2] – Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã sẵn sàng cho một thập kỷ tăng trưởng và được dự đoán sẽ trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ đô la vào năm 2030. Việt Nam làm gì để bắt được cơ hội ấy? GS.TS Phan Mạnh Hưởng- ĐH Nam Florida chia sẻ.

Tầm quan trọng của công nghệ bán dẫn
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên “kỹ thuật số”, sử dụng tất cả các thiết bị điện tử như điện thoại di động, điện thoại thông minh, máy ảnh, tivi,… làm từ vật liệu và chíp bán dẫn. CPU vận hành máy tính cá nhân cũng được chế tạo từ vật liệu bán dẫn. Vật liệu bán dẫn là động lực thúc đẩy ngành điện tử viễn thông. Từ chip silicon trong điện thoại thông minh đến bộ thu phát cáp quang trong trung tâm dữ liệu, những kỳ quan nhỏ bé này cho phép giao tiếp toàn cầu ngay lập tức, định hình cách chúng ta kết nối và chia sẻ thông tin.
Doanh thu hàng của ngành công nghiệp bán dẫn tăng từ 139 tỷ USD năm 2001 lên 573,5 tỷ USD năm 2022, tăng 313%. Trong cùng thời gian này, doanh số bán chất bán dẫn tăng 290%.
Doanh thu trên thị trường chất bán dẫn dự kiến đạt 613,10 tỷ USD vào năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ thống trị thị trường với khối lượng là 500,70 tỷ USD vào năm 2024. Doanh thu dự kiến cho thấy tốc độ tăng trưởng hàng năm là 6,30%, dẫn đến khối lượng thị trường là 736,40 tỷ đô la Mỹ vào năm 2027.
Theo McKinsey, 70% sự tăng trưởng trong tương lai của ngành công nghiệp bán dẫn sẽ chủ yếu đến từ ba ngành công nghiệp chính: ô tô, tính toán, lưu trữ dữ liệu và công nghiệp không dây – ngành công nghiệp ô tô sẽ chiếm gần 20% việc mở rộng thị trường trong những năm tới.
Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã sẵn sàng cho một thập kỷ tăng trưởng và được dự đoán sẽ trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ đô la vào năm 2030. Ngành công nghiệp bán dẫn, nơi sản xuất các thành phần quan trọng cho các công nghệ mà tất cả chúng ta phụ thuộc vào, đã trở thành tiêu đề được quan tâm nhất trong năm qua.
Nhu cầu toàn cầu hiện nay về nhân lực ngành bán dẫn ra sao? So sánh với nhu cầu nhân lực của những ngành nghề khác có gì vượt trội?
Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu bị chi phối bởi các công ty từ Hoa Kỳ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hà Lan. Đến năm 2030, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ tăng trưởng 80%, có nghĩa là sẽ cần thêm một triệu công nhân để đáp ứng nhu cầu. Để đạt được con số này, mỗi năm ngành công nghiệp bán dẫn sẽ cần tuyển thêm trên 100.000 nhân viên mới tham gia lực lượng lao động.
Tuy nhiên, hiện nay đang có sự thiếu hụt lớn về nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đứng trước nguy cơ thiếu hụt lớn lực lượng lớn công nhân có trình độ cao làm việc trong công nghệ bán dẫn, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã lên lộ trình đào tạo trên 150.000 cử nhân ngành bán dẫn trong 10 năm tới. Chính phủ Hàn Quốc cũng quyết định tăng chi tiêu cho các trường đại học như một phần của kế hoạch mới đầy tham vọng nhằm mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn và duy trì vai trò hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chiến lược này. Samsung Electronics đã công bố đầu tư xây dựng năm nhà máy sản xuất chất bán dẫn lớn.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ, tại Mỹ ngành công nghiệp bán dẫn sử dụng khoảng 280.000 công nhân làm việc trực tiếp. Mỗi công việc trực tiếp hỗ trợ thêm 5,7 việc làm của Mỹ trong các bộ phận khác của nền kinh tế. Việc tái đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực bán dẫn trong những năm gần đây sẽ thúc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế tại Mỹ. Tuy nhiên Mỹ cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về chi phí sản xuất cao và thiếu nguồn nhân lực làm việc chất lượng cao. Dự báo ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ sẽ thiếu hụt từ 70.000 – 90.000 lao động trong những năm tới.
Thị trường bán dẫn Nhật Bản chiếm khoảng 48,2 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng trưởng hơn nữa trong những năm tới. Đóng góp lớn nhất của Nhật Bản cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu về giá trị gia tăng nằm ở lĩnh vực thiết bị. Tuy nhiên, Nhật Bản đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực lành nghề trong lĩnh vực công nghệ, ngay cả khi nước này tìm cách số hóa nền kinh tế và khởi động ngành công nghiệp bán dẫn đang tụt hậu. Theo đánh giá của Hiệp hội bán dẫn Nhật Bản, mỗi năm ngành này sẽ thiếu hụt khoảng 1.000 công nhân chất lượng cao.
Trung tâm Phát triển Công nghiệp Thông tin Trung Quốc và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc (CSIA) ước tính thiếu hụt lực lượng lao động 200.000 người trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam nên đào tạo nhân lực ngành bán dẫn thế nào để tránh lãng phí và rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa?
Việt Nam đã và đang thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam, như Amkor Technology Việt Nam, Hana Micron Vina, Intel Vietnam, Samsung. Đặc biệt Samsung dự kiến đầu tư thêm 3,3 tỷ USD cho sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam. Sau chuyến thăm của tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây, nhiều công ty Mỹ (Intel, Marvell, Amkor) đã lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Vì thế Việt Nam đang đứng trước cô hội trở thành nguồn nhân lực bán dẫn lớn cho các công ty Mỹ.
Theo đánh giá gần đây, Việt Nam sẽ cần khoảng 50.000 kỹ sư ngành công nghệ bán dẫn trong vòng 5 năm tới, tương ứng mỗi năm cả nước cần 10.000 kỹ sư. Tuy nhiên nguồn nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu đặt ra.
Người Viêt Nam vốn cần cù, thông minh, ham học hỏi và khả năng thích ứng cao nếu được đào tạo tốt, một cách bài bản. Minh chứng cho điều này là số lượng các nhà khoa học trẻ xuất sắc người Việt (được đào tạo bài bản cả trong và ngoài nước) đang khẳng định vị thế của mình trên bản đồ khoa học thế giới.
Giảng dạy và nghiên cứu về bán dẫn không phải là “mới” đối với Việt Nam, vì trong các chương trình đào tạo về Vật lý, Khoa học Vật liệu, tại các trường đại học hàng đầu trong nước (như ĐH Quốc Gia Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Quốc Gia thành phố HCM,…) đều có dạy môn học này. Tuy nhiên việc giảng dạy chủ yếu là lý thuyết cơ bản, học chưa thực sự đi đôi với hành. Chúng ta thiếu các phòng phí nghiệm được trang bị thiết bị đồng bộ (chưa nói đến hiện đại) để phục vụ công tác giảng dạy kiến thức, kinh nghiệm thực tế cho sinh viên, trang bị kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu làm việc tại các cơ sở doanh nghiệp, tập đoàn về điện tử… Chúng ta cũng còn thiếu nhiều phòng thí nghiệm nghiên cứu tiên tiến, hiện đại, nơi có thể triển khai các ý tưởng nghiên cứu mới, có tính đột phá.
Theo GS Phan Mạnh Hưởng ĐH Nam Florida, để tăng cường số lượng kỹ sư có chất lượng, chúng ta nên tiếp cận cả hai chiến lược: đào tạo tại chỗ (tại Việt Nam) và đào tạo tại nước ngoài.
Đào tạo tại chỗ (Việt Nam):
Chúng ta đã có một số lượng Tiến sĩ được đào tạo bài bản về công nghệ bán dẫn ở nước ngoài và hiện đang công tác, giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam. Đây được xem là lực lượng lòng cốt, sẽ giúp Việt Nam đào tạo tại chỗ nguồn lực lao động trong lĩnh vực bán dẫn. Lực lượng này nên cùng ngồi lại, thảo luận, xây dựng khung chương trình đào tạo chuẩn, liên thông, cho các trường, các viện thực hiện.
– Các trường ĐH, viện nghiên cứu, các tổ chức tài trợ (chính phủ như NAFOSTED, tư nhân VinIF, …) cần xem xét đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ trực tiếp việc giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu cho cán bộ và sinh viên.
– Mời các nhà khoa học, chuyên gia uy tín trong lĩnh vực bán dẫn (đặc biệt chuyên gia người Việt ở nước ngoài) về giảng dạy, tham gia cùng nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo ở Việt Nam. Việc kết hợp đào tạo với các trường ĐH trên thế giới (có các chương trình đào tạo thành công về ngành bán dẫn) sẽ giúp phát triển và hoàn thiện chương trình đào tạo trong nước.
– Liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn để cùng hợp tác đào tạo sinh viên, kỹ sư chất lượng tốt. Việc mời các chuyên gia/kỹ sư giàu kinh nghiệm từ các tập đoàn (như Samsung) về các cơ sở đào tạo trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn sinh viên sẽ giúp sinh viên nắm bắt nhanh được các kỹ năng thực tiễn. Sinh viên cũng có cơ hội được làm thực tập trực tiếp tại các tập đoàn, cộng ty, học hỏi và nâng cao trình độ thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đầu ra của các tập đoàn, tổ chức doanh nghiệp. Điều này cũng giúp VN đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu hiện tại và lâu dài, tránh không rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa đầu ra.
Đào tạo tại nước ngoài:
– Việc gửi người đi đào tạo tại các cơ sở tiên tiến ở nước ngoài là rất quan trọng. Tuy nhiên chúng ta nên xem xét một cách chi tiết vấn đề này. Thứ nhất, chi phí để gửi người đi đào tạo tại nước ngoài rất tốn kém (sẽ tốn kém hơn rất nhiều việc mời chuyên gia nước ngoài về Việt Nam giảng dạy). Thứ hai, việc tìm kiếm và gửi một số lượng lớn sinh viên ra nước ngoài đào tạo là không hề dễ. Vấn đề về bất đồng ngôn ngữ, kỹ năng sống ở nước ngoài…là những cản trở lớn trong việc du học. Thứ ba là thời nay đào tạo (sau khi làm quen với hệ thống học mới) không đủ dài để có thể trở thành các kỹ sư chất lượng cao.
– Nên lựa chọn chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của VN trong việc triển khai ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
– Gửi cán bộ trẻ, những người có đủ năng lực ra nước ngoài đào tạo tại các cơ sở nghiên cứu tiên tiến, hiện đại. Hiện chúng ta có một số lượng không nhỏ các nhà khoa học người Việt đang công tác tại nước ngoài rất thành công. Họ sẽ là cầu nối quan trọng giúp kết nối thành công chương trình đào tạo này.
– Việc thu hút lực lượng được đào tạo tại nước ngoài (sau khi hoàn thành khoá đào tạo) về VN làm việc là rất quan trọng. Đồng hành cùng chính phủ, các trường, các viện cần xây dựng chính sách thu hút nhân tài phù hợp (tiền lương, phụ cấp, ưu đãi cho các các nhà khoa học, chuyên gia chất lượng cao) để họ toàn tâm toàn ý vào công việc giáo dục và đào tạo.
Các cơ sở GD đại học ở Việt Nam nên có sự hợp tác thế nào với nhau để đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn thực sự hiệu quả?
Theo GS Phan Mạnh Hưởng, gần đây trên thế giới có một xu thế hợp nhất một số đơn vị nghiên cứu, trường đại học nhỏ lẻ (có các thế mạnh riêng) lại với nhau để tạo thành các trung tâm nghiên cứu lớn, đa ngành, cùng nhau giải quyết bài toán lớn của đất nước. Việc chính phủ chú trọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đã tạo nên làn sóng quan tâm sôi nổi về nghiên cứu tại nhiều trường và viện nghiên cứu. Đây là tín hiệu rất vui. Các cơ sở nghiên cứu và đào tạo trong nước nên đoàn kết, cùng ngồi lại, hợp tác để phát huy tối đa sức mạnh cá nhân và tập thể, GS Phan Mạnh Hưởng nhấn mạnh.
Phát huy thế mạnh của tri thức, doanh dân Việt kiều. Hiện có một số lượng không nhỏ các nhà khoa học người Việt thành danh tại nước ngoài. Họ không chỉ hợp tác giúp thúc đẩy nghiên cứu cho các nhóm tại Việt Nam mà còn là cầu nối quan trọng giúp kết nối giữa các nhóm nghiên cứu của Việt Nam với các nhóm tiên tiến trên thế giới. Theo tôi, các trường và các viện nghiên cứu nên mời các nhà khoa học này về VN cộng tác, tham gia trực tiếp vào công tác đào tạo và giảng dạy.
Trong điều kiện của Việt Nam, với lĩnh vực bán dẫn chúng ta nên đi theo hướng nào để vừa nắm bắt được cơ hội lại tránh được sự lãng phí?
Theo GS Phan Mạnh Hưởng, ĐH Nam Florida (Hoa Kỳ): Việt Nam cần tăng cường cơ sở vật chất và công nghệ phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy trong các trường đại học. Các trường nên có các tổ tư vấn chiến lược (là cách chuyên gia/nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực), phân tích về nguồn lực, hạn chế và thế mạnh của trường, để từ đó đưa ra các chiến lược phát triển tốt nhất cho trường của mình. Các tổ tư vấn của các trường cũng liên kết với nhau để đưa ra chương trình đào tạo chuẩn, đáp ứng được yêu cầu cấp bách và định hướng phát triển bền vững, lâu dài.
Tăng cường lực lượng cán bộ nghiên cứu, giảng viên cơ hữu ngành bán dẫn tại các cơ sở đào tạo tiềm năng, thông qua các chính sách thu hút người tài cả trong và ngoài nước. Nếu các trường và các viện có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi tốt các cán bộ trẻ xuất sắc, tôi tin là sẽ thu hút được lực lượng ưu tú này. Chỉ có tăng cường lực lượng cán bộ/giảng viên cơ hữu chất lượng cao này chúng ta mới có thể kỳ vọng vào việc đào tạo tại chỗ các thế hệ kỹ sư trẻ lớn mạnh về cả “chất” và “lượng”.
Việc liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, các tập đoàn hàng đầu về công nghệ được coi là yếu tố then chốt trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn.Việc mời các chuyên gia/kỹ sư giàu kinh nghiệm từ các tập đoàn điện tử (như Samsung) về các cơ sở đào tạo trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn sinh viên sẽ giúp sinh viên nắm bắt nhanh được các kỹ năng thực tiễn. Sinh viên cũng có cơ hội được thực tập trực tiếp (thực hành ngay trên các máy móc và thiết bị hiện đại) tại các tập đoàn, cộng ty công nghệ, học hỏi và nâng cao trình độ thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đầu ra của các tập đoàn, tổ chức doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp VN đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn tại chỗ chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu hiện tại và lâu dài, tránh không rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa đầu ra.
Tăng cường hợp tác khoa học với các chuyên gia/ nhà khoa học và cơ sở đào tạo nghiên cứu ở nước ngoài, đặc biệt là các nước đang lắm công nghệ lõi về lĩnh vực bán dẫn, đơn cử như Đài Loan (Trung Quốc). Mô hình phát triển “trường/viện nghiên cứu và doanh nghiệp” đã và đang được thực thi rất thành công tại Đài Loan. Có lẽ đây cũng là mô hình tốt để Việt Nam tham khảo.
Với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự cộng tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, tôi tin tưởng ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ có nhiều tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, tạo nên sự đột phá mới trong công nghiệp, giúp thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững, GS Phan Mạnh Hưởng khẳng định.

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *