Muốn sử dụng AI, bắt đầu từ đâu?: Những người trẻ không… lỗi nhịp – Báo Thanh Niên

Phan Phước Lam King, sinh viên ngành cơ điện tử, Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cho biết thường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ công việc lẫn chuyện học. Công cụ quen thuộc mà Lam King hay sử dụng là ChatGPT. Theo nam sinh này: “AI giúp mình học hiệu quả hơn. Nhất là khi đưa ra những gợi ý và hướng dẫn cách giải quyết một vấn đề, chẳng hạn như bài tập khó”.
Lê Bảo Ngọc hay ứng dụng AI trong học tập và cuộc sống
THANH NAM
Phạm Nguyễn Đan Trường, sinh viên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Văn phòng Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ: “Mình thường ứng dụng AI trong quá trình tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn ứng dụng các mô hình học máy AI trong dự báo nhu cầu tương lai của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn ứng dụng các mô hình AI như: ChatGPT, Bing AI… để hỗ trợ giải thích các thuật ngữ khó hiểu, tóm tắt kiến thức, hay lên kế hoạch học tập hiệu quả hơn”.
Nguyễn Lê Hoàng Long, học sinh lớp 12A3, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc, kể: “Mình là một người thường xuyên sử dụng những công cụ AI vì tiện ích mà nó đem lại trong quá trình học tập cũng như công việc gia sư. Có thể kể đến một số mô hình AI như: Notion AI, Tome, ChatGPT, Elicit… Trong số đó thì mình dùng Notion AI và Tome là thường xuyên nhất. Notion AI đã giúp cho quá trình học IELTS trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, có thể giúp tăng chất lượng của những bài luận hay đưa ra những ý tưởng và bài luận tham khảo với một chủ đề có sẵn. Với công việc gia sư, mình dùng Tome để hỗ trợ tạo ra các bản Powerpoint khiến việc dạy học trở nên sinh động, vui vẻ hơn”.
Theo Long việc ứng dụng AI trong giáo dục và cuộc sống hằng ngày có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể. “Trong lĩnh vực giáo dục, AI giúp cá nhân hóa quá trình học tập, cung cấp phản hồi ngay lập tức và tạo ra những phương pháp học tập mới mẻ. Đồng thời, trong cuộc sống, AI cũng có thể giúp tối ưu hóa các quy trình tự động từ quản lý thời gian đến dự đoán và phân tích dữ liệu”, Long nói.
Lê Bảo Ngọc, sinh viên ngành công nghệ và đổi mới sáng tạo, ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng chia sẻ là người hay ứng dụng AI. “Mình dùng ChatGPT trong việc hỗ trợ dịch thuật văn bản hoặc tóm tắt nội dung một đoạn văn dài mà bản thân không có thời gian để đọc. Ngoài ra còn dùng Dall-E để vẽ những bức ảnh mình muốn để làm báo cáo trong học tập mà không mất quá nhiều thời gian. AI như người thầy thứ hai của mình”.
Theo Nguyễn Tạ Huy Hoàng, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, hiện nay việc ứng dụng AI vào học tập và công việc rất phổ biến, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Hoàng ví dụ: “Trong học tập, AI giúp viết các văn bản, báo cáo, tạo ra các bài viết tự động theo ý tưởng của người dùng. AI cũng có thể giúp cá nhân hóa quá trình xem và thực hiện trong một ứng dụng để đề xuất các video, nội dung có liên quan đến nội dung đã tìm kiếm trước đó. AI cũng hỗ trợ viết mã code. Như GitHub Copilot, Blackbox sử dụng AI để gợi ý các đoạn mã dựa trên ngữ cảnh mà lập trình viên đang viết. Điều này giúp tăng tốc quá trình viết mã, giảm thiểu lỗi cú pháp…”.
Còn trong cuộc sống, Hoàng cho rằng có những công cụ khá thú vị. Google Calendar sử dụng AI để lên lịch tự động, nhắc nhở các cuộc hẹn, đề xuất thời gian phù hợp cho các sự kiện. AI được tích hợp vào các ứng dụng như Google Maps để cung cấp chỉ đường, dự báo tình trạng giao thông, gợi ý lộ trình tối ưu.
Theo Nguyễn Lê Hoàng Long, nếu “chưa biết gì” nhưng muốn ứng dụng AI một cách hiệu quả thì cần hiểu cơ bản về AI. Phải nắm rõ được nhu cầu của bản thân vì chỉ khi đó mọi người mới biết mình cần đến những công cụ nào để có thể hỗ trợ công việc.
Ngoài ra, cần liên tục cập nhật kiến thức về AI bởi lĩnh vực này luôn thay đổi nhanh chóng. Mọi người có thể theo dõi, cập nhật những thông tin mới nhất bằng việc theo dõi các bài blog và podcast về AI. Bên cạnh đó, cũng cần tránh phụ thuộc quá nhiều vào AI.
Đề cập việc nhiều người sợ sẽ phụ thuộc AI, Lê Bảo Ngọc cho rằng: “AI không xấu. Nếu biết cách chắt lọc thông tin thì AI là công cụ hữu ích. Còn nếu quá phụ thuộc, lạm dụng AI thì sẽ trở thành “nô lệ” của chúng”.
Theo Nguyễn Tạ Huy Hoàng, để đảm bảo AI được sử dụng một cách an toàn và bảo mật trong học tập và công việc thì nên sử dụng các công cụ AI từ những nhà cung cấp uy tín, có chính sách bảo mật rõ ràng. Cần hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân và nhạy cảm trừ khi cần thiết. Phải tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.
Anh Hồ Phạm Minh Nhật, giáo sư bậc 1 của ĐH Texas – Austin, Mỹ, chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về khoa học dữ liệu, học máy, thống kê và trí tuệ nhân tạo, hướng dẫn: “Để sử dụng AI một cách thông minh, cần hiểu biết rõ về công nghệ AI đang sử dụng, bao gồm các ưu điểm và hạn chế. Ngoài ra, cần trau dồi khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến việc sử dụng AI. Đặc biệt là trong việc đảm bảo tính an toàn, bảo mật, quyền riêng tư”. (còn tiếp)
Bình luận (0)
Hotline
0906 645 777
Liên hệ quảng cáo
0908 780 404
Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Toàn
Phó tổng biên tập: Hải Thành
Phó tổng biên tập: Lâm Hiếu Dũng
Phó tổng biên tập: Trần Việt Hưng
Tổng thư ký tòa soạn: Đức Trung


Bình luận (0)

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *