Liên minh châu Âu thành lập văn phòng chuyên trách quản lý trí tuệ nhân tạo – Chất Lượng Việt Nam VietQ

(VietQ.vn) – Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố thành lập “Văn phòng AI” gồm các chuyên gia công nghệ, luật sư và nhà kinh tế để quản lý công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) theo một luật mới được tin là sẽ mang lại những tác động sâu rộng.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành EU, cho biết, việc thành lập Văn phòng AI để tạo thuận lợi cho việc phát triển, triển khai và sử dụng AI trong tương lai theo cách thúc đẩy đổi mới và lợi ích kinh tế – xã hội, đồng thời giảm thiểu rủi ro. Văn phòng này gồm 140 thành viên, trực thuộc EC – Cơ quan có chức năng quản lý công nghệ của khối.
Động thái này diễn ra chỉ sau vài tuần khi một loạt nhân sự chủ chốt của OpenAI bất ngờ rời khỏi công ty, làm dấy lên những hoài nghi về cam kết của công ty này đối với việc giảm thiểu những nguy cơ từ AI.
Theo Ủy viên EU phụ trách thị trường nội khối, ông Thierry Breton, văn phòng sẽ thúc đẩy một hệ sinh thái AI châu Âu có tính đổi mới, cạnh tranh và tôn trọng các quy tắc và giá trị của EU. Trong khi đó, Phó chủ tịch điều hành EC, Margrethe Vestager, cho biết cùng với các nhà phát triển và cộng đồng khoa học, văn phòng sẽ đánh giá và thử nghiệm AI tổng quát để đảm bảo rằng AI phục vụ con người và duy trì các giá trị chung của EU.
Sau khi trải qua nhiều cuộc đàm phán kéo dài và căng thẳng, EU đã thông qua các quy tắc toàn diện đầu tiên trên thế giới để quản lý AI, đặc biệt là các hệ thống phổ biến như ChatGPT của OpenAI. 
Dự luật được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2021 và giới chức EU đã gấp rút thảo luận, thông qua luật này sau khi ChatGPT nhanh chóng trở nên phổ biến vào năm 2022, gây ấn tượng mạnh với người dùng trước khả năng sáng tạo văn bản mạch lạc, thậm chí là sáng tác cả các bài thơ trong vòng vài giây.
Luật của EU được gọi là “Đạo luật AI” có các quy tắc cứng rắn hơn đối với các hệ thống AI tổng quát như ChatGPT và áp dụng cách tiếp cận dựa trên đánh giá mức độ rủi ro của công nghệ. Ví dụ, rủi ro đối với quyền lợi hoặc sức khỏe của người dân EU càng cao thì nghĩa vụ của hệ thống trong việc bảo vệ các cá nhân càng lớn.
Các công ty sẽ phải tuân thủ luật mới của EU vào năm 2026, riêng các quy tắc bao trùm các mô hình AI như ChatGPT sẽ được áp dụng 12 tháng sau khi luật có hiệu lực.
Trước đó, 13/03/2024 Liên minh Châu Âu đã phê duyệt bộ quy tắc cơ bản đầu tiên trên thế giới về quản lý trí tuệ nhân tạo. Quy định được thông qua trong phiên họp của Nghị viện với 523 phiếu ủng hộ, 46 phiếu chống và 49 phiếu trắng. Đạo luật AI (The AI Act) được coi là hình mẫu cho các quốc gia và khu vực khác thực hiện các quy định tương tự liên quan đến lĩnh vực mới mẻ, song được cảnh báo có nhiều nguy cơ tiềm ẩn này.
Giới chuyên gia đánh giá luật AI của EU là một sáng kiến bước ngoặt nhằm đưa EU trở thành khu vực dẫn đầu thế giới về công nghệ AI có đạo đức và lấy con người làm trung tâm, trong khi thúc đẩy khả năng cạnh tranh và đổi mới, sáng tạo. Bộ luật này chính là công cụ giám sát và kiềm chế những tác động tiêu cực của công nghệ AI để thực sự được quản lý và khai thác phục vụ con người.
Khánh Mai (t/h)



  
1 2 3
Về đầu trang

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *