Lệ thuộc trí tuệ nhân tạo vì… thiếu vốn từ tiếng Việt? – Báo Đắk Lắk
Thời gian gần đây, một số đơn vị truyền thông bị cộng đồng mạng xã hội đánh giá “mất điểm” do sử dụng nhiều bài viết với lối viết và cứ liệu do trí tuệ nhân tạo (AI) đưa ra.
Đào sâu vấn đề, người ta phát hiện một thực trạng đáng quan tâm: Các bạn trẻ làm nội dung truyền thông lạm dụng AI là do… thiếu vốn từ tiếng Việt!
Không dám đối sánh với AI?
Phạm Cẩm Linh, trưởng một nhóm chuyên về truyền thông nội dung (content media) hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, thời gian gần đây khi các bạn trong nhóm giao sản phẩm cho khách hàng thường bị phàn nàn chất lượng viết không tốt, thậm chí có khách hàng từ chối, hủy hợp đồng. Lý do đơn giản là đa số các bài viết giới thiệu quảng bá sản phẩm cho khách hàng có giọng văn “quá lạm dụng AI”.
Cẩm Linh cho rằng, lý do chính để các bạn viết truyền thông “phạm lỗi” chính là năng lực ngày càng xuất sắc của các công cụ trí tuệ nhân tạo. Đơn cử với sản phẩm ChatGPT, phiên bản chính thức hiện nay có khả năng nói tương đương với một bạn trẻ 16 tuổi, có thể sử dụng rất nhiều từ ngữ bay bổng, lãng mạn trong văn học, thi ca… khiến nhiều bạn trẻ thực tế “không theo kịp”. Thậm chí có bạn còn thừa nhận chưa hiểu hết nghĩa những từ do AI sử dụng!
Một số giảng viên khoa văn tại Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng nhìn nhận, gốc rễ của tình trạng này là do thiếu sự cọ sát, học hỏi tiếng Việt từ lâu, dẫn đến tình trạng nhiều bạn trẻ thiếu hẳn vốn từ ngữ tiếng Việt trong giao tiếp và diễn đạt. Nhiều bạn trẻ “lười” đọc sách, chỉ có số ít vốn từ vựng tiếng Việt để giao tiếp hằng ngày, khi đối thoại những câu chuyện chuyên sâu về ngôn ngữ và văn học là “bí”. Trong khi đó, trí tuệ nhân tạo vốn có sẵn một kho tàng dữ liệu lớn trực tuyến, đúc kết hàng triệu văn bản đồng thời từ văn học đến luật lý, với tốc độ tìm kiếm và thay thế của máy tính, rõ ràng sẽ vượt trội hơn. Thậm chí trong một số trường hợp cần đến những từ chuyên dụng trong công nghệ, máy tính, số hóa, và gắn kết với dữ liệu văn chương thơ phú truyền thống, công cụ AI có thể đưa ra ngay những bài viết xuất sắc về câu chữ, từ dùng chính xác, biểu cảm hấp dẫn. Hệ lụy khó tránh khỏi là chính các bạn trẻ chuyên viết về nội dung truyền thông đã bị AI chinh phục, trở thành lệ thuộc AI.
Cần những chuẩn bị bền vững!
Cô Trương Thị Thuyết, cựu giảng viên ngôn ngữ Khoa Ngữ văn Đại học Khoa học và Xã hội nhân văn Huế chia sẻ, giới trẻ ngày nay sử dụng rất nhiều ngôn ngữ mạng và linh hoạt trong giao tiếp đa phương thức, nhưng đổi lại, năng lực sử dụng và hiểu thấu ngữ nghĩa tiếng Việt, nhất là các nhóm từ dùng chuyên môn ngày một kém đi.
Khi khẩu ngữ được phát triển rộng rãi trong xã hội, đến mức nhiều tờ báo chính thống cũng quen dùng từ lóng, tiếng lóng để biểu đạt nội dung, thì khả năng nắm bắt, dùng đúng những từ ngữ tiếng Việt tinh tế càng giảm sút trong cộng đồng. Từ láy, từ tượng thanh, tượng hình, từ ngữ ẩn dụ và các phép so sánh, nhân cách hóa… là những cụm từ tiếng Việt đầu tiên bị đa số người dùng lãng quên, dùng sai và nhầm lẫn.
Một ví dụ mới nhất là một tờ báo lớn đã sử dụng cụm từ “khách Tây” quen dùng trong khẩu ngữ để chỉ “du khách nước ngoài” trong một bài viết phản ánh xã hội, thể hiện sự vụng về trong lựa chọn từ ngữ tiếng Việt.
Còn theo bạn Phạm Cẩm Linh, để tránh tình trạng lạm dụng quá nhiều AI trong viết lách truyền thông hiện nay, suy cho cùng cần đi từ gốc rễ vấn đề là phải có sự đầu tư, nghiêm túc về sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt của cộng đồng xã hội và nhất là ở giới trẻ. Những hiện tượng dùng từ bừa phứa, sai lệch, viết sai, viết nhịu từ dùng… cần được chấm dứt. Các bạn trẻ cần nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt bằng cách đọc, học nhiều hơn.
Cô Trương Thị Thuyết cho rằng, đã đến lúc ngành giáo dục cần chú trọng hơn việc dạy và học tiếng Việt, khuyến khích học sinh đọc sách nhiều hơn trong bối cảnh Internet và các sản phẩm công nghệ phát triển mạnh như hiện nay. Lỗi lạm dụng AI trong truyền thông chỉ là “cơn sóng nổi” nhìn thấy được, còn thực trạng rất nhiều thế hệ trẻ đang vướng mắc về học tiếng Việt đúng mới là nỗi lo dài lâu!
Thụy Bất Nhi
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Đắk Lắk
Giấy phép xuất bản số 31/GP-BTTTT ngày 21/01/2022 của Bộ TT-TT
Tổng Biên tập: Đinh Xuân Toản
Phó Tổng Biên tập: Lê Quang Ánh – Lê Minh Thược – Đàm Thị Thuần
Tòa soạn: 23 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Điện thoại: (0262) 3852383 – 3810414 – Fax: (0262) 3810451 – Email: [email protected]
Ghi rõ nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử” khi phát hành lại thông tin từ website này
Các trang ngoài sẽ mở ra tại cửa sổ mới. Báo Đắk Lắk không chịu trách nhiệm nội dung các trang này