Khó khăn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm do ảnh hưởng từ trí tuệ nhân tạo – Một số kiến nghị hoàn thiện – Tạp chí Tòa án

Trí tuệ nhân tạo (AI) được hiểu một cách đơn giản là sự tư duy của máy móc, trong đó các thiết bị sẽ bắt chước cách tư duy tự nhiên của con người để giải quyết các vấn đề. Bên cạnh việc thừa nhận một cách tất yếu và khách quan những đóng góp to lớn của AI đối với sự phát triển chung của xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh trật tự, thì AI cũng tạo ra không ít khó khăn cho cuộc sống con người và cả những thách thức không hề nhỏ cho hệ thống pháp luật, khi tội phạm đã lợi dụng AI để thay đổi và phát triển cách thức thực hiện hành vi.
1. Những khó khăn của công tác phòng, đấu tranh chống tội phạm do ảnh hưởng từ AI
1.1. Tội phạm sử dụng AI để tạo ra các hình ảnh, video có nội dung phản cảm phục vụ cho mục đích chính trị hoặc ăn cắp danh tính để trục lợi xâm hại đến quyền lợi cá nhân, tổ chức và nhà nước
Vì lợi ích của AI là vô cùng lớn, nên nhiều hãng công nghệ và các chuyên gia công nghệ cao đã tạo ra những sản phẩm từ nó nhằm mục đích mang lại nhiều giá trị cho con người. Chúng ta dễ dàng nhận thức được điều này thông qua một số sản phẩm của AI như: “Sophia, nữ robot hình người, thông minh nhất thế giới, cũng là Robot đầu tiên được cấp thẻ visa (có thể đảm nhận một số công tác ngoại giao với cách thức nói chuyện và biểu hiện cảm xúc như con người thật) hoặc Phát thanh viên AI đầu tiên trên thế giới, đã được hãng thông tấn quốc gia Trung Quốc cho ra mắt, để dẫn chương trình thời sự bằng trí tuệ nhân tạo (AI) với vẻ ngoài và cách dẫn tin hệt như con người (AI có thể tự đọc dẫn và biên tập tin tức bằng Tiếng Anh và Tiếng Trung Quốc)”. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm được tạo ra từ AI để phục vụ cho mục đích tốt, thì AI cũng tạo ra những sản phẩm có sức hấp dẫn đối với tội phạm, khi chúng được sử dụng như là những công cụ, phương tiện thực hiện hành vi gây ra nhiều nguy hiểm. Một trong số sản phẩm đó của AI gồm có Deepfake.
Từ cuối năm 2017, các phương tiện truyền thông đã đề cập tới Deepfake được xây dựng dựa trên nền tảng machine learning mã nguồn mở của Google. Nó sẽ quét video và ảnh chân dung của một người, hợp nhất nó với video riêng biệt nhờ công nghệ AI và thay thế chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng… Nói tóm lại, Deepfake có thể gán khuôn mặt của một người này sang cho một người khác trong video với độ chân thực gần như tuyệt đối. Peter Eckersley, chuyên gia khoa học máy tính của tổ chức Electronic Frontier Foundation (EFF), tác giả của tài liệu mang tên “Làn sóng video giả mạo sẽ được sử dụng cho mục đích chính trị và cách để bảo vệ nền dân chủ trước những rủi ro” đã giải thích thuật ngữ “Deepfake” là sự kết hợp giữ “deep learning” và “fake” đã được sử dụng rộng rãi sau khi một thành viên vô danh trên diễn đàn mở Reddit tạo nên chương trình Deepfakesapp giúp hoán đổi gương mặt vào video gốc. Sau đó, một thành viên khác của Reddit đã phát hành phiên bản cải tiến gọi là FakeApp.
Đó là sự tiến hóa của công nghệ như cách Adobe Photoshop xuất hiện cách đây 30 năm. Ban đầu, deepfake chỉ là trò đùa vui nhộn trên mạng Internet với hàng loạt ảnh chế, ghép gương mặt Nicolas Cage vào nữ nhân vật Luis Lane trong bộ phim Superman. Với ưu điểm phát triển trên nền tảng mã nguồn mở và dễ tiếp cận, Deepfake dần trở nên phổ biến hơn và gây náo động trên Reddit, Twitter và các trang như Pornhub, Discord, Gfycat để cấm các nội dung ứng dụng công nghệ Deepfake. Công nghệ Deepfake hiện nay có thể chỉ dừng lại những trò chơi khăm hay phục vụ cho mục đích giải trí, nhưng nó cũng có thể bị lợi dụng để phục vụ cho những mục đích chính trị xấu xa. Các trang khiêu dâm bắt đầu dày đặc đoạn phim nội dung người lớn với gương mặt của Gal Gadot, Emma Watson hay Taylor Swift là một ví dụ về nạn nhân của công nghệ này.
Những cảnh báo liên quan đến luật pháp rõ ràng là cần được lưu ý, bởi vì nó không thể phát triển nhanh để theo kịp công nghệ. Với công nghệ Deepfake, những hiệu ứng hoán đổi khuôn mặt trước đây chỉ nằm trong tay các chuyên gia phim ảnh thì nay lại thực hiện được ngay trên máy tính cá nhân. Bất kỳ ai cũng có thể biến bức ảnh, bản ghi âm, video thành những đoạn phim giả mạo như công cụ để truyền bá những thông tin sai lệch.
1.2. Tội phạm sử dụng các sản phẩm của AI để thay đổi, phát triển phương thức, thủ đoạn phạm tội
Thứ nhất, sử dụng máy bay không người lái để vận chuyển ma túy hoặc các hàng cấm hoặc thực hiện các phi vụ khủng bố hay nguy hại đến sự an toàn về an ninh.
Máy bay không người lái tên tiếng Anh là “drone” hay “UAV” (unmanned aerial vehicle). Theo Cục Quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA), máy bay không người lái có thể có nhiều hình dạng, kích thước và phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Nó có thể có sải cánh rộng như một máy bay phản lực hay chỉ nhỏ như một chiếc máy bay mô hình điều khiển bằng sóng radio. Ngoài sử dụng cho mục đích quân sự, UAV còn được dùng cho mục đích dân sự như giao hàng, quay phim, chụp không ảnh… Máy bay không người lái đã mang lại một số lợi ích trong việc cứu hộ tại các thảm họa như cháy rừng, thiên tai, bảo vệ động vật hoang dã (ở một vài khu bảo tồn tại Mỹ và Sumatra, Indonesia), sử dụng trong nông nghiệp (rải phân bón, thuốc trừ sâu…). Tuy nhiên, hiện nay Drone khiến nhiều quốc gia lo ngại vì nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, an toàn.
Một ví dụ dưới đây là sẽ những bằng chứng thuyết phục để cho thấy, sự lo ngại đó là hoàn toàn có cơ sở:
Trường hợp 1, sử dụng Drone để chở vũ khí. Hiện có những video bằng chứng cho thấy drone chở cưa máy, súng máy và súng phóng hỏa. Drone có thể còn được sử dụng để triển khai vũ khí hóa học, ném bom, thậm chí tấn công hạt nhân.
Trường hợp 2, sử dụng drone cho phục vụ cho hoạt động gián điệp. Hiện nay drone đã được tội phạm sử dụng cho hoạt động gián điệp ở mức độ thấp và mức độ cao. Ở mức độ thấp drone có thể là để lấy thông tin về tài chính, chiến lược, sơ đồ công nghệ… của các công ty đối thủ qua các hình ảnh nó chụp được. Hoạt động gián điệp tầm công nghệ cao có thể được sử dụng để tấn công máy tính gây thiệt hại nặng nề nhất lại liên quan đến drone. Ví dụ, có nhiều báo cáo về việc drone đã mang Raspberry Pi (một loại máy tính rất nhỏ gọn, kích thước hai cạnh bằng khoảng một cái thẻ ATM và chạy hệ điều hành Linux-PV) hạ cánh xuống một trung tâm dữ liệu và đánh cắp thông tin nhạy cảm.
Trường hợp 3, sử dụng drone để buôn lậu. Nhiều nhà tù trên khắp nước Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn drone buôn lậu mọi thứ từ ma túy, sách báo phim ảnh khiêu dâm và điện thoại thông minh đến cho các tù nhân. Hay như các băng đảng ma túy sử dụng drone để vận chuyển hàng hóa của chúng qua biên giới Mexico.
Thứ hai, sử dụng ô tô tự lái để biến thành địa điểm di động phục vụ cho hoạt động mại dâm hoặc các dịch vụ bất hợp pháp.
Năm 2018 đánh dấu bước ngoặt khi ngoài các ông lớn đã có ứng dụng công nghệ xe ô tô tự lái còn có hoạt động nghiên cứu chuyên sâu của Google, Apple… Tùy thuộc vào mỗi công nghệ mà nhà sản xuất ô tô lựa chọn mà mức độ hoạt động xe tự lái sẽ là ở mức nào. Mức độ hoạt động xe tự lái được đánh giá từ 0 đến 5 bậc. Theo đánh giá của các chuyên gia, mức độ của xe tự lái hiện tại là mới đạt tới đỉnh của mức 3. Cấp độ 3 của ô tô tự lái là khi xe ô tô bắt đầu kiểm soát hầu hết các chức năng, người lái xe có thể không cần cầm lái, chỉ cần kiểm soát hoạt động xe tự lái. Ở thời điểm hiện tại, xe ô tô tự lái mới chỉ hỗ trợ người lái xe một phần nhằm giảm thiểu áp lực cho người lái xe, giảm nguy cơ gây tai nạn như lái xe bất cẩn, buồn ngủ, ngủ gật… Trong tương lai xe ô tô tự lái sẽ được ứng dụng nhiều hơn và công nghệ xe ô tô tự lái sẽ được nâng cấp hơn, xe sẽ hoàn toàn tự hành mà không cần sự điều khiển của người lái xe. Như vậy, xe ô tô tự lái ra đời là một trong những bước tiến của nhân loại nhờ vào AI. Mục đích của sự phát minh này là nhằm hỗ trợ người lái xử lý tốt những tác vụ phức tạp trong hành trình di chuyển, hạn chế các va chạm, sự cố giao thông và nâng cao mức hưởng thụ cuộc sống của con người. Tuy nhiên, phát minh này cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của loài người trong tương lai, khi đã có những bằng chứng thực tế cho thấy ô tô không người lái được sử dụng cho những mục đích bất hợp pháp.
Một nghiên cứu được công bố trên số ra gần đây nhất của Tạp chí Annals of Tourism Research dự báo, khi những chiếc xe tự lái trở thành phương tiện giao thông mới, mọi người sẽ có nhiều cơ hội để ăn, ngủ và thậm chí hoạt động tình dục ngay trên xe. Scott Cohen, người đứng đầu nghiên cứu cho Tạp chí Fast Company biết: “Điều đó không quá khó để tưởng tượng ra rằng, trong một tương lai không quá quá xa sẽ xuất hiện những khu đèn đỏ lưu động. Mại dâm không cần phải được cấp phép để thực hiện điều này. Nhiều hoạt động phi pháp cũng có thể sẽ xảy ra trong xe hơi. Tại những nơi coi hoạt động mại dâm là hợp pháp, và thường xuyên sẽ thúc đẩy hình thức mại dâm trên đường phát triển nhanh chóng, và châu Âu là một trong những nơi đó”1. Phát biểu trên tạp chí, Cohen cũng cho biết: theo báo cáo, đã có tổng số 60% người Mỹ có quan hệ tình dục trong xe hơi, vì vậy, trên xe tự lái, mối quan hệ này sẽ càng trở nên phổ biến hơn vào những năm 2040.
Thứ ba, phát sinh việc xác định hiệu lực của BLHS đối với tội phạm xảy ra trên không gian ảo (không gian mạng) và nơi thực hiện tội phạm.
Theo quan niệm truyền thống, nơi thực hiện hay nơi xảy ra hậu quả của tội phạm phải là một địa điểm cụ thể nào đó, nhưng ở các tội phạm phi truyền thống trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0 thì những điều đó có thể diễn ra ở một không gian ảo – tức là không thuộc bất cứ một địa điểm hay lãnh thổ của quốc gia hay vùng quốc tế nào. Trong khi việc xác định vấn đề này là cần thiết, vì nó liên quan đến thẩm quyền tài phán của quốc gia dựa trên nguyên tắc lãnh thổ và vấn đề thu thập tài liệu chứng cứ trong quá trình tiến hành tố tụng.
“Không gian mạng hay không gian ảo (Cyberspace) là nơi các máy tính trao đổi dữ liệu, thông tin. Không gian mạng được xem như một trải nghiệm xã hội, các cá nhân có thể tương tác, trao đổi ý kiến, chia sẻ thông tin,… Ngoài những thiệt hại là các giá trị vật chất, tinh thần như tội phạm truyền thống, các tội phạm phi truyền thống còn có thể gây ra những thiệt hại bằng các giá trị ảo (các loại tài sản ảo mà việc thừa nhận hay không và quy chế pháp lý còn khác biệt ở các quốc gia). Chẳng hạn, đó là các hành vi lợi dụng sử dụng tiền ảo Bitcoin để phạm tội”2. Liên quan đến vấn đề không gian ảo, thì ở một số tội phạm truyền thống như đánh bạc, tổ chức đánh bạc cũng đã lợi dụng không gian mạng để đánh bạc qua mạng có quy mô xuyên quốc gia. Để đối phó với sự quản lý, chúng thường đặt máy chủ ở nước ngoài thuê đường truyền Internet cáp quang tốc độ cao, thiết lập mạng ảo được mã hóa phức tạp lập ra hàng nghìn website chuyên tổ chức cá độ, đánh bạc. Trong khi đó, về nơi thực hiện tội phạm, mặc dù BLHS Việt nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định về thẩm quyền mở rộng đối với một số hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại các vùng biển đặc quyền kinh tế, thềm lục địa… (khoản 1 Điều 5), nhưng “rõ ràng quy định này vẫn chưa bao quát một số trường hợp xảy ra như trường hợp có đồng phạm, chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt… để giải quyết bài toán về hành vi phạm tội gây hậu quả cho xã hội ở một hoặc nhiều nơi khác nhưng những hoạt động đã nêu lại không xử lý được khi bị phát hiện vì xảy ra nơi khác”3.
Với một số ví dụ thực tiễn trên đã cho thấy một điều rõ ràng trong Cách mạng công nghệ 4.0 với AI đã tạo ra không ít thách thức cho việc xây dựng hệ thống quy định pháp luật phù hợp và sự đổi mới tư duy lẫn phương thức hành động để xử lý tội phạm phi truyền thống…
2. Một số đề xuất, kiến nghị
Với những nội dung giới thiệu và phân tích có tính dự báo dưới góc nhìn của người nghiên cứu pháp luật, theo quan điểm của tác giả, chúng ta cần sớm đưa ra nhiều phương án ứng phó với những tác động tiêu cực từ AI cũng như các tác động khác từ cuộc Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm thích ứng với tình hình thay đổi do tác động của cuộc cách mạng này.
Điều này là phù hợp với kế hoạch đổi mới đất nước, kiện toàn chính sách pháp luật và hợp tác quốc tế sâu rộng của Đảng và Nhà nước ta được thể hiện trong lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Để chủ động khai thác những cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại cũng như hạn chế những tác động không mong muốn, Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể. Bên cạnh sự nỗ lực của chính mình, Việt Nam mong muốn hợp tác với các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế trong bối cảnh khoa học, công nghệ tiến bộ vượt bậc, lan tỏa nhanh chóng khi mà tiến trình mở cửa hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng”4.
Trên cơ sở những phân tích đã chỉ ra ở trên cùng với nhận định về sự cần thiết nghiên cứu AI, nhằm với phục vụ cho việc ban hành các kế hoạch, chương trình để đề ra cách thức phòng ngừa và chống tội phạm kịp thời, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị như sau:
Một là, triển khai các sản phẩm ứng dụng của AI vào công tác điều tra, xác minh tội phạm, công tác quản lý phạm nhân và dự báo khả năng tái phạm tội của chủ thể. Đồng thời triển khai các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho các chủ thể có thẩm quyền trong hoạt động xử lý tội phạm để kịp thời thích ứng với sự biến đổi của xã hội và sự phát triển của tội phạm.
Hai là, quy định pháp luật hình sự cần mô tả hành vi khách quan của tội phạm có tính dự báo và tăng nặng trách nhiệm hình sự, đối với các trường hợp tận dụng công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội, như sử dụng Deepfake để tạo ra các video đồi trụy hoặc video có mục đích chống phá chính trị, xâm phạm an ninh, hay bôi nhọ danh dự, uy tín con người. Song song với công việc đó, cần đồng bộ quy định của các luật khác về các điều khoản tạo ranh giới an toàn cho người sử dụng mạng và hạn chế sự lợi dụng sơ hở của pháp luật để thực hiện hành vi nguy hiểm. Chẳng hạn, Luật An ninh mạng sẽ thiết kế các điều khoản, có nội dung như “Nghiêm cấm sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các video giả mạo có nội dung khiêu dâm và liên quan tới chính trị, hay xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người”.
Ba là, quy định tội phạm mới hoặc là tình tiết định khung tăng nặng đối với các trường hợp sử dụng AI phục vụ cho hoạt động bất hợp pháp như sử dụng ô tô tự lái để cung ứng dịch vụ mại dâm, sử dụng máy bay không người lái để tấn công khủng bố, hoạt động gián điệp gây mất an toàn an ninh hay vận chuyển hàng lậu.
Bốn là, về sự thay đổi đa dạng việc thực hiện hành vi của tội phạm trên không gian ảo. Pháp luật hình sự cần sớm nghiên cứu định hướng, bổ sung về các trường hợp mới được coi là “phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam” và đưa ra giải pháp mới quy định về “nơi thực hiện tội phạm” cho phù hợp với tình hình hoạt động tội phạm hiện nay. Điều này là nhằm mục đích xác định hiệu lực của BLHS đối với tội phạm xảy ra trên không gian ảo, tránh trường hợp đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự do không đủ thẩm quyền, dẫn đến không bảo vệ được lợi ích của cá nhân, tổ chức hay của Nhà nước khi bị tội phạm xâm hại. Hơn nữa, trong thời đại công nghiệp 4.0 tội phạm hoạt động một cách phi ranh giới, do đó hoạt động hợp tác quốc tế về đấu tranh chống tội phạm chắc chắn sẽ diễn ra một cách thường xuyên và đòi hỏi tính chuyên môn cao. Vì vậy, việc xây dựng pháp luật hình sự có tính dự liệu được những thay đổi, biến thể phức tạp của tội phạm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hợp tác quốc tế, từ đó nâng cao hiệu quả phòng và đấu tranh chống tội phạm.
Không thể phủ nhận, AI đã đem đến nhiều lợi ích cho con người trong việc giải phóng sức lao động và nâng cao phương thức hưởng thụ các nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên, đi kèm với nó là những thuận lợi và khó khăn trong công tác phòng, chống tội phạm. Những lợi ích tuyệt vời từ AI đã chỉ ra ở trên chắc chắn sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động trấn áp tội phạm của các cơ quan chức năng, mà mỗi quốc gia cần tranh thủ sử dụng lợi ích từ nó. Tuy nhiên, như chúng tôi cũng đã chỉ ra ở trên, rõ ràng tội phạm cũng đã biết tận dụng những phát minh này cho việc thực hiện tội phạm. Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra những thách thức rất lớn cho hoạt động phát hiện, xử lý và quản lý tội phạm của bộ máy nhà nước mà trước hết là lực lượng cơ quan tư pháp. Không chỉ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có hiểu biết cao về công nghệ, AI mà đi kèm với nó là sự thay đổi chính sách, quy định pháp luật hình sự sao cho dự báo một cách có hệ thống về sự phát triển của tội phạm. Để khi có những vấn đề mới phát sinh, tội phạm xảy ra trên thực tế, cơ quan chức năng không phải lúng túng trong việc xử lý hoặc không để xảy ra tình trạng không thể xử lý hình sự vì pháp luật không quy định, dẫn đến bỏ lọt tội phạm.
 
ThS. HOÀNG ĐÌNH THANH (Trường Đại học Luật – Đại học Huế)

1 H.K, Hoạt động mại dâm di động bùng nổ nhờ công nghệ xe tự lái, https://tienphong.vn/hoat-dong-mai-dam-di-dong-bung-no-nho-cong-nghe-xe-tu-lai-post1071660.tpo, truy cập ngày 10/3/2020.

2 PGS.TS Trịnh Tiến Việt, Chính sách, pháp luật hình sự trước thách thức cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”, Bộ Tư pháp, Hà Nội, 2019, tr.279-280.

3 Bộ Công an, Thực trạng đấu tranh với tội phạm mạng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”, Bộ Tư pháp, Hà Nội, 2019, tr.259-260.

4 Báo Công an nhân dâ online, Thủ tướng: CMCN 4.0 là cơ hội để thực hiện khát vọng phồn vinh, http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Thu-tuong-CMCN-4-0-la-co-hoi-de-thuc-hien-khat-vong-phon-vin-501214/, truy cập ngày 09/3/2020.

Ảnh minh họa – Nguồn: internet

1 H.K, Hoạt động mại dâm di động bùng nổ nhờ công nghệ xe tự lái, https://tienphong.vn/hoat-dong-mai-dam-di-dong-bung-no-nho-cong-nghe-xe-tu-lai-post1071660.tpo, truy cập ngày 10/3/2020.
2 PGS.TS Trịnh Tiến Việt, Chính sách, pháp luật hình sự trước thách thức cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”, Bộ Tư pháp, Hà Nội, 2019, tr.279-280.
3 Bộ Công an, Thực trạng đấu tranh với tội phạm mạng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”, Bộ Tư pháp, Hà Nội, 2019, tr.259-260.
4 Báo Công an nhân dâ online, Thủ tướng: CMCN 4.0 là cơ hội để thực hiện khát vọng phồn vinh, http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Thu-tuong-CMCN-4-0-la-co-hoi-de-thuc-hien-khat-vong-phon-vin-501214/, truy cập ngày 09/3/2020.
Ảnh minh họa – Nguồn: internet

CƠ QUAN CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Số giấy phép: 425/GP-BTTTT cấp ngày 07/9/2017
Tổng Biên tập: Trần Quốc Việt
Phó Tổng Biên tập: Nguyễn Thị Hải Châu
Thư ký Tòa soạn: Nguyễn Phan Khiêm
Toà soạn: Số 2 Nguyễn Trãi, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0904042469- Tel: 024 33828938
Email: [email protected]
PVTT tại Hải Phòng: 804 đường Thiên Lôi, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng; Tel: 0904.829.436.
PVTT phía Nam: 124 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P. Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh; Tel: 090.328.3333.
PVTT miền Trung: 372 Núi Thành,   P. Hòa Cường, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng; Tel: 0777.426.426
PVTT tại Nghệ An: Toà án nhân dân TP Vinh, 72 Nguyễn Thị Minh Khai , Phường Hưng Bình, TP Vinh, Nghệ An ; Tel: 0904053999
©2017 Bản quyền thuộc về Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử.
Mọi hình thức sao chép lại thông tin, hình ảnh phải ghi rõ nguồn Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (https://tapchitoaan.vn)

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *