Khi trí tuệ nhân tạo giảng bài tốt hơn giáo viên – Báo Dân Trí
Ngày 14/5 vừa qua, OpenAI đã cho ra mắt GPT4-o, một trong những mô hình ngôn ngữ lớn tiên tiến nhất tại thời điểm này. Với khả năng nhận diện hình ảnh, tương tác với người dùng bằng giọng nói theo thời gian thực (và nay đã hỗ trợ hơn 50 ngôn ngữ khác nhau), GPT-4o có tiềm năng trở thành một trợ lý ảo tháo vát, toàn diện cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Trước mắt, có lẽ tác động của GPT4-o sẽ thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực giáo dục.
Điều này được thể hiện rõ qua clip về bản thử nghiệm khả năng kèm học Toán của GPT-4o. Trong đoạn clip kéo dài hơn 3 phút, có thể thấy phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) này đã từng bước hướng dẫn con trai của Sal Khan (người sáng lập ra Khan Academy) giải một bài toán yêu cầu tính sin góc alpha của tam giác vuông một cách hết sức ân cần, điềm tĩnh và bài bản.
Đây không phải là kiến thức khó, thậm chí chỉ là kiến thức Toán học căn bản nhưng không có nghĩa là ai cũng có thể giảng giải nó một cách dễ hiểu như cách GPT-4o đã làm, đặc biệt cho các em học sinh đã bị “hổng” về kiến thức. Có thể nói rằng, một trong những ưu điểm lớn nhất của AI trong vai trò “giáo viên” là sự kiên nhẫn và bao dung.
Hình ảnh mô tả bối cảnh tương lai với giao diện kỹ thuật số tinh xảo, hiển thị khả năng xử lý văn bản, hình ảnh và âm thanh của GPT-4o trong thời gian thực (Ảnh minh họa do AI tạo)
Không như một số thầy cô trên lớp, AI có thể lặp đi lặp lại bài giảng nhiều lần mà không hề tỏ ra mệt mỏi hay khó chịu. Nó cũng sẽ không “cảm thấy bất lực và phát điên” như nhiều phụ huynh khi kèm con học mỗi ngày. Khác với con người, AI không có quá khứ, hiện tại và tương lai, không có nỗi lo về việc bị người khác đánh giá nếu con “học dốt”, không có những bực dọc đã tích tụ từ suốt một ngày làm việc dài và mệt mỏi, không có mối lo về việc cuối tháng phải trả tiền nhà, tiền điện nước. Chính vì thế, những phần mềm AI như ChatGPT, Claude hay Gemini luôn có thể vui vẻ, sẵn lòng điều chỉnh nội dung và cách giảng bài sao cho phù hợp nhất với năng lực và tốc độ tiếp thu của từng học sinh.
Sự ra đời của GPT-4o và các phần mềm AI giáo dục khác không phải là một diễn biến quá bất ngờ. Ngay từ khi viết cuốn “Canh bạc AI”, tôi đã dự báo rằng AI có thể châm ngòi cho một cuộc “cách mạng giáo dục” nhờ khả năng cá nhân hóa nội dung học tập, giải thích các khái niệm ở nhiều cấp độ khác nhau, và đáp ứng linh hoạt nhu cầu của từng học sinh.
Thay vì áp dụng một giáo trình chung cho tất cả học sinh như hiện nay, AI sẽ cho phép mỗi em học theo một lộ trình riêng phù hợp với năng lực, sở thích và mục tiêu cá nhân. Với một khái niệm trong Vật lý hay Hóa học, AI có thể đưa ra vô số các cách giải thích ở những cấp độ và góc nhìn khác nhau. Điều này giúp “cá nhân hóa” kiến thức sao cho phù hợp với khả năng của từng người học. Các em sẽ được học đi học lại, học chậm hay học nhanh tùy theo nhu cầu của bản thân, thay vì bị gò ép vào một “khuôn mẫu” chung như trước.
Chính khả năng tùy biến tối đa này sẽ giúp học sinh chủ động tham gia vào việc học nhiều hơn, thay vì chỉ thụ động nghe giảng. Các em sẽ được trao quyền quyết định phương pháp học tập nào hiệu quả nhất với mình, từ đó tự tin khám phá tri thức mới mà không sợ bị “bỏ lại phía sau”. Đây chính là chìa khóa để phát triển năng lực tự học suốt đời – vốn là mục tiêu cao nhất của giáo dục.
Bước phát triển của AI trong giáo dục chắc chưa thể “xóa sổ” nghề giáo, nhưng sẽ đòi hỏi giáo viên phải thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của mình. Thay vì chủ yếu tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, thầy cô sẽ cần dành phần lớn thời gian để định hướng tư duy, rèn luyện kỹ năng và truyền cảm hứng cho học sinh. Với sự hỗ trợ đắc lực của AI trong các nhiệm vụ như giảng bài hay chấm bài, giáo viên sẽ có điều kiện để toàn tâm toàn ý đóng vai trò như một “huấn luyện viên” (coach) đích thực, giúp học sinh phát triển một cách toàn diện và được trang bị những kĩ năng thật sự thiết yếu để đối mặt với cuộc sống sau khi ra trường.
Trong vai trò mới này, thầy cô sẽ tập trung vào việc khơi gợi và nuôi dưỡng tư duy phản biện, khả năng sáng tạo và các kỹ năng mềm cho học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm, các buổi tranh biện, thuyết trình và làm dự án. Việc đánh giá sẽ dựa trên sự tiến bộ xét trên cả mặt bằng chung lẫn những thang đánh giá “đặc thù” cho từng học sinh chứ không phụ thuộc vào điểm số.
Giáo viên cũng sẽ cần đóng vai người hướng dẫn các em cách khai thác tối ưu các công cụ AI để phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu của bản thân, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm chứng thông tin và sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm.
Để thực hiện tốt vai trò và khẳng định giá trị của mình trong kỷ nguyên của AI, mỗi giáo viên cũng cần nhận thức được rõ và tận dụng tối đa thế mạnh của chính mình để truyền cảm hứng cho học sinh theo những cách mà AI khó có thể làm được. Các thầy cô nên chủ động chia sẻ với học sinh của mình câu chuyện cuộc đời, hành trình học tập, quá trình khám phá và chinh phục tri thức của bản thân mình. Chẳng hạn, cô Lan, một giáo viên dạy Văn xuất thân từ vùng quê nghèo, có thể kể về quãng thời gian phải làm đủ nghề từ bán hàng rong, đến gia sư để trang trải cho việc học đại học. Bằng nỗ lực và quyết tâm phi thường, cô đã tốt nghiệp loại xuất sắc và trở thành giáo viên như ngày hôm nay. Những trải nghiệm sống động, chân thực vốn chỉ có được sau nhiều năm va vấp (mà máy móc không thể có được) sẽ giúp các em cảm nhận được giá trị thực của kiến thức, hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa và vẻ đẹp của việc học, cũng như tiếp thêm sức mạnh để các bạn học sinh dám ước mơ lớn và bền bỉ theo đuổi đến cùng.
Việc truyền cảm hứng cho các em học sinh, sinh viên, sẽ đòi hỏi sự chủ động, và cởi mở của người thầy. Để trở thành “hạt nhân” thúc đẩy sự phát triển và trưởng thành toàn diện của học sinh, mỗi giáo viên cũng cần dành thời gian chiêm nghiệm về cuộc đời của chính mình, từ đó nhận thức rõ về “bản sắc” của riêng mình, cũng như những thông điệp và bài học quý giá để chia sẻ với các em. Đây là vai trò mà AI khó có thể thay thế trong một tương lai gần, và cũng chính là “chìa khóa” giúp nghề giáo khẳng định vị thế của mình trong kỷ nguyên số hóa và trí tuệ nhân tạo.
Tác giả: Ngô Di Lân là Tiến sĩ ngành Quan hệ Quốc tế (Đại học Brandeis, Mỹ). Các mối quan tâm nghiên cứu chính của anh bao gồm: an ninh quốc tế, xung đột vũ trang, tác động của AI đối với quan hệ quốc tế và các ứng dụng của AI trong hoạch định chiến lược & chính sách an ninh quốc gia.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!