Hội thảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục – Người Việt

Đỗ Dzũng/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Một hội thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục vừa được tổ chức tại địa chỉ 14361 Beach Blvd., Westminster, vào chiều Thứ Sáu, 17 Tháng Năm, với sự tham dự của nhiều phụ huynh quan tâm, thuộc các học khu có nhiều học sinh gốc Việt vùng Little Saigon.
Trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence), thường được gọi tắt là “AI,” một ngành khoa học mà trong đó máy móc làm việc thay cho con người.
Mở đầu buổi hội thảo, Luật Sư Khôi Tạ, chủ tịch Hội Phụ Huynh Cố Vấn Chương Trình Hội Nhập Song Ngữ Tiếng Việt – VDLI), giới thiệu hai diễn giả là ông Michael Matsuda, tổng quản trị Học Khu Anaheim, và ông Tim Nguyễn, chuyên gia khởi nghiệp công nghệ tài chính và là đồng sáng lập eKadence Learning Foundation.
Ông Khôi Tạ cho biết mục đích của hội thảo là “định hình cho tương lai cho con em chúng ta trong thời đại ứng dụng AI.”
“Mục đích của hội thảo này là để phụ huynh biết nên làm gì kế tiếp với AI, nhất là đối với trường học,” ông Khôi nói.
Diễn giả Matsuda cho biết: “Học Khu Anaheim đang bàn thảo về chuyện sử dụng AI. Tôi biết, một số học khu còn đang lưỡng lự. Nên nhớ, một phần ba việc làm ở Orange County hiện nay đòi hỏi phải biết sử dụng AI.”
Ông Khôi cho biết thêm: “Tuy nhiên, AI cũng có mặt trái của nó. Ví dụ, chúng ta biết hiện nay, ung thư là không thể chữa hết được. Vậy mà có người dùng AI để hỏi ‘Làm sao chữa được ung thư?’ Đây là một vấn đề thuộc về đạo đức. Điều này có nghĩa là chúng ta phải lựa chọn AI cho vấn đề nào, chứ không phải chọn bừa bãi.”
“Vì thế, phụ huynh phải có tiếng nói với trường học khi các học khu chọn sử dụng AI,” ông Khôi nói tiếp.
Ông Matsuda thêm: “Ở Học Khu Anaheim, chúng tôi có huấn luyện cho giáo viên về chuyện đạo đức khi sử dụng AI vì đây là phương pháp tiết kiệm thời gian mà học sinh sẽ phải đối diện hàng ngày. Phải phân biệt rõ tiết kiệm thời gian hay là gian lận.”
“Ví dụ, chúng tôi nói về gian lận trong tiến trình viết luận văn. Một số sử dụng ‘ChatGPT’ để làm một bài thơ. Như vậy là gian lận. Vì thế, chúng tôi đưa vấn đề đạo đức ra để dạy các em, vì đây là cách ngắn nhất để hoàn thành công việc,” ông Matsuda thêm. “Nó giống như là ‘À, bây giờ tôi đã có một máy tính cho môn lịch sử!’”
“ChatGPT” là một chương trình AI rất phổ biến, thường được sử dụng trong lãnh vực ngôn ngữ, theo ông Khôi.
Ông Matsuda giải thích rõ hơn: “Không phải chỉ cho môn lịch sử, mà cả luôn các môn khác như Anh Văn, âm nhạc. Tôi tin rằng AI sẽ có lợi cho học sinh. Chỉ cần sử dụng nó một cách có đạo đức.”
Ông Khôi giải thích thêm: “Là một luật sư, tôi sử dụng ‘ChatGPT’ để tiết kiệm thời gian. Cái này không phải là gian lận. Nó chỉ là một phương tiện giúp chúng ta một chút. Nhiều công ty bây giờ bắt buộc nhân viên phải biết sử dụng AI.”
Ông Aaron Châu, hiệu trưởng trung học Magnolia High School, Anaheim, chia sẻ: “Khi chuẩn bị cho lễ ra trường, tôi không có nhiều thời gian. Tôi cũng sử dụng AI cho đỡ tốn thời gian, vì tôi muốn dành thời gian cho lớp học hơn là cho việc này.”
Nhưng, theo ông Khôi, “đối với ‘ChatGPT,’ phụ huynh nên quan tâm đến vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân.”
Ông Matsuda cho biết thêm “bảo vệ thông tin cá nhân” là một thách thức đối trường học hiện nay.
Ông Tim Nguyễn cho biết nói gì thì nói, sớm hay muộn, trường học cũng sẽ áp dụng AI.
“Cho dù trường học đồng ý hay không, trên thực tế, một số học sinh đã và đang sử dụng AI rồi,” ông Tim nói.
Ông Tyler Sherman, giáo viên trung học Magnolia High School, cho biết, hiện nay các học sinh của ông bắt đầu làm quen với AI.
“Chúng tôi hướng dẫn các em rất kỹ vì giữa ‘sai’ và ‘đúng’ là một khoảng cách rất ngắn, rất mù mờ, khi sử dụng AI,” thầy giáo Sherman chia sẻ.
Ông tiếp: “Ví dụ, tôi đưa cho học sinh đề tài vì sao có tình trạng cháy rừng (deforestation). Tôi hướng dẫn các em cái nào nên sử dụng AI, cái nào nên tự mình viết ra.”
Cô May Bùi, dạy tiếng Việt ở Magnolia High School, cho biết: “Chúng tôi đều được huấn luyện cách sử dụng AI, mỗi tuần 1 giờ, rồi trao đổi với nhau, trong đó có một giáo viên đứng đầu.”
Về tương lai của việc sử dụng AI rộng khắp, ông Khôi cho rằng “đây là khuynh hướng không thể đảo ngược.”
“Vấn đề là học khu phải là nơi bắt đầu, từ giới chức lãnh đạo, và phụ huynh phải có tiếng nói, phải đưa vấn đề này ra. Thật ra, học sinh lớp Bốn đã có thể sử dụng AI,” chủ tịch VDLI nói. “Một số học khu đang sử dụng AI. Một số phản đối. Chúng ta bây giờ là nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta không thể ngồi chờ đợi.”
Ông Matsuda cũng đồng ý.
“Phụ huynh cần phải yêu cầu học khu triển khai AI để nước Mỹ có thể cạnh tranh với các quốc gia khác. Cái này không phải chỉ cho học sinh mà là cho đất nước,” tổng quản trị Học Khu Anaheim nói.
Ông Tim Nguyễn nói thêm: “Hiện nay, nhiều tư thục đã sử dụng AI rồi.”
Ông Văn Đàm, cư dân Garden Grove, có con học ở Học Viện Ngôn Ngữ DeMille (trước đây là trường tiểu học DeMille), Midway City, kêu gọi phụ huynh vận động các học khu áp dụng AI.
“Tôi không biết quý vị là ai,” ông Văn nói với các phụ huynh có mặt tại hội thảo. “Nhưng tôi muốn con gái tôi thành công. Tôi muốn trường học có thêm phương tiện cho học sinh. Chúng ta cần phải lên tiếng. Đa số các học khu ngại thay đổi. Tôi muốn khuyến khích quý vị tạo thay đổi.”
Luật Sư Khôi Tạ kết luận: “Các học khu cần phải chấp nhận AI vì con cái chúng ta ngày càng lớn, trong khi kỹ thuật ngày càng tân tiến. Nếu không, con cái chúng ta sẽ không bắt kịp.”
—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

© Copyright – Nguoi Viet Daily News

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *