Giới trẻ cần học cách dùng trí tuệ nhân tạo hiệu quả – Báo Đắk Lắk
Ai cũng nghĩ giới trẻ với bối cảnh tiếp cận công nghệ số từ sớm, sẽ có kỹ năng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tốt hơn các thế hệ trước.
Song, tại diễn đàn trí tuệ nhân tạo Việt Nam diễn ra tháng 9/2023, một số chuyên gia công nghệ đã cảnh báo: nếu các bạn trẻ không chịu thay đổi để học cách sử dụng AI tốt hơn, họ sẽ sớm bị lạc hậu.
Lời cảnh báo này tiếp tục được các nhà tuyển dụng nhân sự vừa nhắc lại bởi nhiều bạn trẻ đang chuẩn bị tốt nghiệp, tìm việc làm song chưa có sự chuẩn bị đầy đủ, nhất là còn chủ quan về sử dụng AI.
Đã tiệm cận thời của AI?
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, CEO Yspace – doanh nghiệp tư vấn chuyển đổi số và tối ưu doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng nhận xét rằng, hiện đã tiệm cận thời của trí tuệ nhân tạo, và cảnh báo các bạn trẻ phải hết sức chú ý, kiểm tra lại năng lực làm quen, sử dụng AI của mình. Ông khẳng định, mỗi ngày thế giới lại ghi nhận sự tiến bộ nhanh chóng, chất lượng hơn của các ứng dụng AI, với độ thông minh cải thiện và mức độ thích ứng, trả lời các giải đáp, yêu cầu từ người dùng nhanh chóng hơn.
Theo ông Dũng, AI tất nhiên “hơn đứt” con người về dữ liệu và tốc độ làm việc. Ông cho hay: “Mình thử yêu cầu AI xây dựng một kế hoạch thương mại từ con số 0, và chỉ sau khoảng… nửa tiếng, nó đã đưa ra được giải pháp hoàn chỉnh, có thể ứng dụng khởi nghiệp được luôn. Việc này, trước đây cần mất khoảng 2 năm mới thu thập đủ lượng dữ liệu tương ứng”.
Khi đem vấn đề này trao đổi với một số bạn trẻ, ông Dũng nhận được lý giải là công cụ AI làm nhanh, dữ liệu lớn có độ chính xác cao hơn, nhưng đổi lại không có cảm xúc và thiếu sáng tạo trong thông tin đưa ra. Một số bạn trẻ chuyên viết nội dung (content) thừa nhận, mỗi ngày họ chỉ viết tối đa 2 – 3 bài viết, so với AI thua gấp mấy chục lần, nhưng đổi lại bài viết của họ lồng ghép cảm xúc, sáng tạo câu chữ hay hơn. Nghi ngờ vấn đề này, ông Dũng thử dùng công cụ AI, sử dụng một số mẫu bài viết, gia tăng yêu cầu dùng từ ngữ mềm mại hơn… Ông thật sự ngạc nhiên khi AI đưa ra được bài viết, “đọc lên mềm mại đến lạ lùng”.
Như thế, theo ông Dũng, công cụ AI giờ đây đã không quá chênh lệch so với năng lực sáng tạo và cả cảm xúc của các bạn trẻ. Thậm chí, do ít tương tác thực tế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, nhiều cảm xúc của các bạn khi thể hiện qua kết quả công việc lại không “thật” bằng AI.
Giới trẻ và người dùng không nên chủ quan!
Theo ông Dũng, “thay vì đối chọi lại, các bạn trẻ cần tìm cách học tập tốt hơn, làm quen nhiều hơn với công cụ AI. Có hai cách để các bạn thích nghi với thời thế, đó là, hoặc “đổi trà sữa và các cuộc ăn chơi” lấy tiền mua các tài khoản sử dụng công cụ AI với phiên bản “xịn” mà nâng cao năng lực bản thân, phải hiểu là học cách dùng AI để nâng cao năng suất gấp 10 lần; hoặc các bạn nên đi tìm những công việc ít bị ảnh hưởng bởi AI mà làm”.
Cùng suy nghĩ này, anh Thân N., một chuyên gia tư vấn về công nghệ mạng tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, anh cũng phiền lòng về cách làm việc của các nhân viên. Họ đều là thế hệ cuối 9x, thường bộc lộ những thua sút về năng lực làm việc. Một cách hiểu sai của các bạn là “vay mượn” quá nhiều kết quả làm việc từ ứng dụng AI. “Họ thường sử dụng những công cụ AI mà tôi giao cho, nhưng cứng nhắc đến khó chịu, không hề suy nghĩ làm sao đưa ra những yêu cầu ngữ cảnh chính xác hơn, để cải thiện công cụ hơn. Họ chỉ là người dùng AI thụ động chứ không phải người điều khiển”, anh N. nhận xét.
Rõ ràng cảnh báo của các chuyên gia công nghệ về xu hướng tiếp cận sai các công cụ AI, cũng như tình trạng “lười” học tập năng lực để vượt trội hơn AI bằng cảm xúc và sáng tạo ở các bạn trẻ, là có cơ sở. Biểu hiện của nhiều bạn trẻ là nghĩ mình nắm bắt nhanh về công nghệ, nên coi thường xu hướng AI, khi nhận ra mình lạc hậu đã là muộn; hoặc khi phát hiện ra AI thông minh, lập tức lại “ỷ vào” và lệ thuộc AI. Cả hai trạng thái này đều là tiêu cực, các bạn trẻ phải thay đổi. Lớp trẻ cần tiếp cận các công cụ AI ở góc độ hiểu thấu những tính năng, cách sử dụng các “biến số” để phát huy tốt nhất hiệu quả làm việc của AI, chứ không thể chỉ chấp nhận những kết quả mà AI làm ra rồi đưa vào báo cáo công việc của mình.
Cả ông Dũng và anh N. đều nhấn mạnh, rất nhiều công ty và chủ doanh nghiệp hiện nay đang tìm đến các giải pháp cho công việc thông qua sử dụng công cụ AI và nền tảng quản trị doanh nghiệp số, thay vì tìm thêm nhân sự. Với doanh nghiệp, kinh tế khó khăn, họ cần tiết kiệm hơn, nhu cầu nhân sự chỉ còn ở một số công việc nhỏ mà ứng dụng AI khó can thiệp, như làm việc tay chân.
Ông Dũng nhấn mạnh: “Xu hướng này là không tránh khỏi, chỉ nhìn từ đầu năm đến giờ đã rõ, trong khi các phần mềm ChatGPT, Copilot, Claude, MJ ngày càng thông minh, dùng rất sướng; còn các bạn nhân viên trẻ thì ngày một chậm chạp thụ động, không chịu đổi mới năng lực làm việc”.
Thụy Bất Nhi
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Đắk Lắk
Giấy phép xuất bản số 31/GP-BTTTT ngày 21/01/2022 của Bộ TT-TT
Tổng Biên tập: Đinh Xuân Toản
Phó Tổng Biên tập: Lê Quang Ánh – Lê Minh Thược – Đàm Thị Thuần
Tòa soạn: 23 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Điện thoại: (0262) 3852383 – 3810414 – Fax: (0262) 3810451 – Email: [email protected]
Ghi rõ nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử” khi phát hành lại thông tin từ website này
Các trang ngoài sẽ mở ra tại cửa sổ mới. Báo Đắk Lắk không chịu trách nhiệm nội dung các trang này