Giảng viên trẻ ứng dụng AI để nhận dạng chim quý hiếm – Tạp chí Khoa học phổ thông

Thứ Sáu, 12/7/2024
ThS. Huỳnh Ngọc Thái Anh và và ThS. Trang Thanh Trí – giảng viên Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ, cùng các cộng sự đã nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận dạng các loại chim tại rừng ngập mặn Cần Giờ.
Nghiên cứu do ThS. Huỳnh Ngọc Thái Anh và ThS. Trang Thanh Trí cùng sinh viên Huỳnh Ngọc Đức Anh – Trường Đại học Xây dựng miền Tây thực hiện đã đạt giải Nhất tại hội thảo Khoa học Quốc gia “Du lịch xanh gắn với phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa”. Hội thảo do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (thuộc Thành đoàn TP.HCM) phối hợp Trường Đại học Tài chính – Marketing và Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ (TP.HCM) tổ chức vào tháng 6 vừa qua.
Nhận dạng chim quý hiếm tại Cần Giờ
Theo ThS. Huỳnh Ngọc Thái Anh (đại diện nhóm nghiên cứu), thống kê từ trang eBird.org cho thấy, rừng ngập mặn Cần Giờ có 159 loài chim từng được quan sát trong toàn bộ thời gian và 140 loài đã được quan sát trong năm 2014. Các loài chim tại đây không chỉ có giá trị sinh thái mà còn góp phần quan trọng trong phát triển du lịch. Hình thức du lịch ngắm chim đã trở thành một hoạt động phổ biến, thu hút nhiều du khách và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho địa phương.
Tuy nhiên, các loài chim này đang đối mặt với nhiều thách thức, như mất môi trường sống do khai thác rừng, ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Để bảo tồn và duy trì quần thể chim, cần có các biện pháp bảo vệ rừng ngập mặn hiệu quả, kiểm soát ô nhiễm và du lịch bền vững. Các chính sách này cần được triển khai đồng bộ để đảm bảo sự tồn tại của các loài chim và hệ sinh thái ngập mặn.
“Do đó, tôi cùng các cộng sự đã nghiên cứu ứng dụng AI để nhận dạng các loại chim tại rừng ngập mặn Cần Giờ. Cụ thể, đề tài nghiên cứu sẽ nhận dạng, ghi nhận các loài chim tại Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, đồng thời đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển du lịch bền vững”, ThS. Thái Anh chia sẻ.
ThS. Thái Anh cho biết thêm, nhóm nghiên cứu sẽ lập cơ sở dữ liệu từ 76 trên 159 loài chim được chụp ảnh và quan sát nhiều nhất tại Cần Giờ, qua trang eBird.org. Đồng thời thu thập khoảng 1.000 đến 2.000 ảnh chụp cho mỗi loài.
Sau đó xây dựng hệ thống nhận dạng hình ảnh loài chim để hỗ trợ khách du lịch và nhà nghiên cứu xác định các loài chim. Hệ thống này nâng cao trải nghiệm du lịch, cung cấp dữ liệu cho nghiên cứu khoa học và bảo tồn. Đồng thời, xây dựng một hướng tiếp cận giáo dục cộng đồng về đa dạng sinh học và tầm quan trọng của việc bảo vệ chim.
Ngoài ra, nghiên cứu còn đề xuất các giải pháp cho du lịch bền vững, dựa trên dữ liệu và tình trạng bảo tồn của các loài chim. Đề xuất giải pháp phát triển du lịch sinh thái bền vững như hệ thống website và ứng dụng tra cứu thông tin loài chim cho du khách.
“Nghiên cứu sử dụng các mô hình học sâu như Inception, ResNet, EfficientNet và MobileNet, phân tích dữ liệu hình ảnh thống kê từ eBird.org để xác định các loài chim. Kết quả cho thấy MobileNetV3 và EfficientNetB0 đạt hiệu suất cao nhất với độ chính xác lên đến 83.3% trong kiểm thử.
Đây là những lựa chọn hàng đầu cho bài toán nhận dạng hình ảnh các loài chim tại rừng ngập mặn Cần Giờ. Nó có thể nhận dạng các loại chim theo thời gian thực, hỗ trợ du khách và nhà nghiên cứu, cung cấp dữ liệu quan trọng ngay lập tức…”, ThS. Thái Anh chia sẻ thêm.
Góp phần phát triển du lịch xanh, bền vững
ThS. Thái Anh cho rằng, việc áp dụng các mô hình học sâu không chỉ giúp cải thiện hiệu quả nhận dạng các loài chim mà còn hỗ trợ đáng kể trong công tác giám sát và bảo tồn đa dạng sinh học tại rừng ngập mặn Cần Giờ.
“Trong tương lai, hệ thống nhận dạng hình ảnh được phát triển từ nghiên cứu này sẽ triển khai trong các ứng dụng di động và các hệ thống giám sát môi trường, góp phần vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng và hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái bền vững. Để làm được điều này, nghiên cứu sẽ mở rộng thông qua việc tăng cường tập dữ liệu, cải tiến mô hình, phát triển ứng dụng thực tế, tăng cường truyền thông”, ThS. Thái Anh nhấn mạnh.
Nói về đề tài này, ThS. Nguyễn Phạm Hạnh Phúc – giảng viên Khoa Du lịch Trường Đại học Tài chính – Marketing cho rằng, nghiên cứu phù hợp với thực tiễn hiện nay, khi ứng dụng công nghệ AI vào du lịch, đồng thời đáp ứng nhu cầu đề ra các giải pháp để phát triển du lịch xanh, bền vững.
“Nghiên cứu cũng đưa ra đầy đủ các yếu tố về lý thuyết và hướng giải quyết, mục tiêu rõ ràng nhưng các đề xuất trong tương lai còn hơi chung chung, chưa cụ thể hóa. Hy vọng trong tương lai, nhóm sẽ kết hợp với ban quản lý rừng ngập mặn Cần Giờ tiếp tục tiến hành nghiên cứu, để góp phần phát triển du lịch xanh, bền vững”, ThS. Hạnh Phúc chia sẻ.
“Nghiên cứu là bước đầu trong việc ứng dụng AI vào bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch bền vững cho rừng ngập mặn Cần Giờ. Từ đó mở ra nhiều tiềm năng và cơ hội cho các nghiên cứu và ứng dụng khác trong tương lai”, ThS. Huỳnh Ngọc Thái Anh chia sẻ.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
TÒA SOẠN TẠP CHÍ KHOA HỌC PHỔ THÔNG
Giấy phép xuất bản số 330/GP-BTTTT cấp ngày 4/7/2022
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
P. Tổng biên tập phụ trách: Nhà báo BÙI HƯƠNG
Địa chỉ: 24 ter Cao Bá Nhạ, Q.1, TP.HCM.
Hotline: 078.99.44.999
E-mail: [email protected]
Tạp chí Khoa học phổ thông giữ bản quyền nội dung trên website này. Cấm sao chép khi không có sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí Khoa học phổ thông.

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *