Doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn – Tạp chí Công Thương

Từ nhu cầu liên tục gia tăng của chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành công nghiệp bán dẫn những năm gần đây ngày càng trở nên sôi động trong giới đầu tư. Nhất là khi các ngành sản xuất đang có xu hướng phát triển chậm lại do khan hiếm nguồn cung vi mạch như hiện nay thì đây cũng là cơ hội mới cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư vào ngành sản xuất này.
Dự báo của Tổ chức phi lợi nhuận World Semiconductor Trade Statistics (WSTS) mới công bố cho thấy, thị trường ngành công nghiệp chất bán dẫn trên toàn thế giới đã đạt giá trị 527 tỉ USD vào năm 2021 và dự kiến tiếp tục tăng 8,8% vào năm 2022.
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp điện tử, vi mạch những năm gần đây đã phát triển thành ngành công nghiệp quan trọng của quốc gia, khi chiếm bằng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Hiện Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử. Cụ thể, trong 8 tháng 2022, điện thoại và linh kiện điện tử có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 39,6 tỉ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia đánh giá, bên cạnh lợi thế về thị trường nhân công, sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia lớn như Intel, Samsung cũng là một “điểm cộng” của Việt Nam trong thu hút FDI, khẳng định Việt Nam có môi trường tốt và an toàn cho sản xuất kinh doanh linh kiện bán dẫn, cũng như năng lực sản xuất nhóm ngành công nghệ cao, khi chi phí sản xuất và logistic phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa đang ở mức rất hấp dẫn.
Ngoài ra, việc nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu hàng hoá cũng bắt đầu cải thiện nhờ mạng lưới logistic, thúc đẩy các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Theo báo cáo của Công ty Tư vấn và nghiên cứu công nghệ Technavio mới đây, thị trường bán dẫn tại Việt Nam dự kiến tăng thêm 1,65 tỉ USD trong giai đoạn 2021 – 2025. Technavio nhận định, sự gia tăng về nhu cầu tiêu dùng là nguyên nhân trực tiếp giúp các nhà máy bán dẫn ở Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút nguồn vốn FDI của nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian qua.
Đơn cử, Intel nhiều năm trước đã đầu tư 1 tỷ USD vào sản xuất chip tại Việt Nam và cho đến nay nhà máy này vẫn là một trong những địa điểm sản xuất quan trọng của tập đoàn. Hiện nay, tổ công tác dự án Intel sẽ tiếp tục họp bàn để xem xét về các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ.
Gần đây, Samsung Electronics đã cho xuất xưởng chip bán dẫn 3 nanomet đầu tiên trên thế giới, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đua chế tạo chip bán dẫn tiên tiến nhất hiện nay. Samsung cũng chuẩn bị điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại Nhà máy Samsung Electro- Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư khác cũng đã và đang lên kế hoạch đầu tư sản xuất các thiết bị, linh kiện bán dẫn tại Việt Nam. Chẳng hạn, Amkor (Hàn Quốc) với kế hoạch 1,6 tỷ USD; Hana Micron (Hàn Quốc) với kế hoạch đầu tư 500 triệu USD tại Việt Nam.
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh nhiều năm qua thành phố cũng đã tập trung đầu tư cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Tuy nhiên, vấn đề thu hút đầu tư trong các ngành công nghiệp trọng yếu, trong đó có công nghiệp bán dẫn không chỉ nằm ở dung lượng thị trường, công nghiệp hỗ trợ, các chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực này mà còn cần nguồn nhân lực đủ số lượng và chất lượng.
Để tận dụng tốt cơ hội từ dòng vốn FDI đổ vào công nghiệp bán dẫn, các doanh nghiệp trong nước cần tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, ứng dụng công nghệ tiên tiến để tăng cường năng lực thiết kế và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng. Đồng thời, cần có cơ chế, ưu đãi khuyến khích, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng.
TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG – CƠ QUAN THÔNG TIN LÝ LUẬN CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG
Giấy phép hoạt động Tạp chí in và Tạp chí điện tử số 196/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 05/6/2023.
Tổng Biên tập: Đặng Thị Ngọc Thu
Phó Tổng Biên tập: Ngô Thị Diệu Thúy, Phạm Thị Lệ Nhung

Địa chỉ: Tầng 8, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại: 0243.208.8856
Email: [email protected]
Ghi rõ nguồn “Tạp chí Công Thương” khi phát hành từ Website này.
Chung nhan Tin Nhiem Mang

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *