Doanh nghiệp bán dẫn, AI có thể được hưởng ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư – VnEconomy
Trở lại trang chủ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đối tượng thụ hưởng ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư gồm: Doanh nghiệp công nghệ cao; Doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; Doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề nghị xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Cụ thể, các điều kiện như sau:
Doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn đầu tư của dự án tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm. Đồng thời, doanh nghiệp phải hoàn thành giải ngân tối thiểu 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 5 năm hoặc 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm.
Trường hợp đầu tư trong lĩnh vực chip, mạch tích hợp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) thì dự án có quy mô vốn tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm. Trường hợp sản xuất sản phẩm công nghệ cao độc quyền, với công nghệ đứng đầu thế giới thì không phải xác định theo quy mô hoặc doanh thu.
Ngoài ra, doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển với quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng; phải hoàn thành giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô vốn đầu tư hiện nay được quy định tại văn bản pháp luật về đầu tư và thuế, theo đó sẽ có 03 mức 6.000 tỷ đồng, 12.000 tỷ đồng và 30.000 tỷ đồng. Việc lựa chọn quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng nhằm mục đích thu hẹp được đối tượng áp dụng để bảo đảm không bội chi ngân sách cho hỗ trợ đầu tư; Khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia có các công ty thành viên tăng vốn đầu tư; Đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực chip, mạch tích hợp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) là lĩnh vực trọng điểm được các nước cạnh tranh quyết liệt để thu hút thì ưu tiên vốn tối thiểu 6.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, quy định về ưu đãi đầu tư đối với các dự án đạt doanh thu trên 10.000 tỷ đồng và 20.000 tỷ đồng đã được quy định tại pháp luật về đầu tư và thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, với việc áp dụng tiêu chí doanh thu 20.000 tỷ đồng (đối với ngành chíp, mạch tích hợp bán dẫn, AI là 10.000 tỷ đồng) sẽ khuyến khích doanh nghiệp công nghệ cao kinh doanh hiệu quả, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, qua đó thúc đẩy phát triển ngành công nghệ cao tại Việt Nam.
Được biết, phương thức hỗ trợ là chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ chi phí. Cụ thể, hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực (hỗ trợ tối đa 50%) đối với chi phí doanh nghiệp thực tế đã chi trong năm cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực là người lao động Việt Nam; Hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển (tối đa 30%) đối với chi phí doanh nghiệp thực tế đã chi trong năm cho hoạt động R&D;
Hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định (tối đa 10%) đối với chi phí đầu tư tạo tài sản cố định mà doanh nghiệp thực tế đã đầu tư tăng thêm; Hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao (tối đa 3%) giá trị sản xuất gia tăng của sản phẩm; Hỗ trợ chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội (tối đa 25%) đối với các loại chi phí đầu tư hệ thống công trình xã hội.
Tổng biên tập:
TS. Chử Văn Lâm
Tổng thư ký tòa soạn:
Đào Quang Bính
Giấy phép Tạp chí điện tử số:
272/GP-BTTTT ngày 26/6/2020
Phát triển bởi Hemera Media
Bản quyền thuộc về VnEconomy, Tạp chí điện tử của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.
Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.
Trụ sở: Số 96-98 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: (84-24) 62603760
Điện thoại: 02437552050