ĐH Kinh tế Quốc dân có phương án xử lý rủi ro mở ngành Trí tuệ nhân tạo ra sao? – Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

GDVN – Theo khảo sát có 52% học sinh phổ thông có nhu cầu theo học ngành Trí tuệ nhân tạo, trong đó, 12% học sinh có nhu cầu cao trong việc theo học ngành này.
Trong mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều cơ sở giáo dục đại học dự kiến mở thêm các ngành học mới. Trong đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở thêm 6 ngành mới gồm: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin và Quan hệ lao động.
Theo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giai đoạn 2021-2030 (Ban hành kèm theo Quyết định số 314/QĐ-ĐHKTQD, ngày 20/7/2021 của Hiệu trưởng), sứ mệnh của trường:
– Tiên phong trong đổi mới, phát triển và phổ biến tri thức về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh; thu hút và đào tạo nhân tài; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phụng sự sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.
– Đào tạo ra các nhà lãnh đạo và những doanh nhân hàng đầu của Việt Nam.
– Trung tâm nghiên cứu xuất sắc, đề xuất xây dựng đường lối, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và tư vấn giải pháp cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp.
Việc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở một loạt ngành thiên về kỹ thuật cũng gây nhiều băn khoăn có ra rời sứ mạng của trường.
Hiện trên trang thông tin điện tử của trường đã công bố Đề án mở ngành Trí tuệ nhân tạo kèm theo Quyết định số 372/QĐ-ĐHKTQD ngày 15/4/2024 của hiệu trưởng nhà trường. Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiếp cận đề án để rõ hơn việc mở ngành này.
Mở ngành Trí tuệ nhân tạo năm 2024
Theo đó, ngành Trí tuệ nhân tạo tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có mã ngành là 7480107.
Theo kết quả khảo sát nhu cầu đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo tiếp cận từ phía học sinh trung học phổ thông được nêu trong đề án, nhà trường tiến hành khảo sát thông qua bảng hỏi từ tháng 1/2024 bằng cách gửi link google form đến các học sinh và phụ huynh trung học phổ thông để tìm hiểu xem họ biết đến ngành học Trí tuệ nhân tạo nói chung ở mức độ nào và mối quan tâm đến ngành học này.
Kết quả, trong 1070 học sinh trung học phổ thông tham gia khảo sát có 79.7 % học sinh ở khu vực Hà Nội, còn lại ở các tỉnh khác. Kết quả khảo sát có 79% các em cho rằng theo học ngành Trí tuệ nhân tạo là phù hợp với xu thế phát triển.
Về nhu cầu theo học, kết quả cho thấy 52% các em có nhu cầu theo học ngành này. Trong số đó, 33% thể hiện có nhu cầu và 12% các em có nhu cầu cao trong việc theo học ngành này.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, nhiều ý kiến của học sinh cho rằng nên mở đa dạng hóa các ngành để người học có thêm nhiều lựa chọn. Bên cạnh đó, quá trình đào tạo nên chú trọng vào việc thực hành nhiều hơn chứ không nên chỉ có các nội dung lý thuyết, tạo điều kiện cho người học tham gia các cuộc thi hackathon về Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu để học sinh có cơ hội tham gia các thử thách, trải nghiệm thực tế.
Đồng thời, nhà trường cũng khảo sát 101 cựu sinh viên đang làm việc trong các lĩnh vực liên quan tới công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu, chuyên viên quản lý dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, chuyên gia phát triển phần mềm, quản lý khách hàng, phân tích nghiệp vụ…
Kết quả có 98% cựu sinh viên cho rằng việc mở ngành học Trí tuệ nhân tạo là phù hợp với xu thế phát triển.
Về nhu cầu của thị trường lao động, kết quả cho thấy 90% cựu sinh viên cho rằng ngành Trí tuệ nhân tạo có nhu cầu từ thị trường lao động. Trong số đó, 53% cho rằng ngành này có nhu cầu cao từ thị trường lao động.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng khảo sát 48 chuyên gia đến từ các công ty, viện nghiên cứu, trường đại học. Kết quả có 100% các chuyên gia cho rằng việc mở ngành học Trí tuệ nhân tạo là phù hợp với xu thế phát triển.
Về nhu cầu của thị trường lao động, kết quả cho thấy 100% các chuyên gia cho rằng ngành Trí tuệ nhân tạo có nhu cầu từ thị trường lao động. Trong số đó, 54% số người được khảo sát cho rằng ngành này có nhu cầu cao từ thị trường lao động.
Ngoài ra, nhà trường cũng khảo sát 34 doanh nghiệp là các công ty tin học, viện nghiên cứu, những đối tượng sử dụng nhân lực có trình độ chuyên môn về lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo. Kết quả có 98% các doanh nghiệp cho rằng việc mở ngành học Trí tuệ nhân tạo là phù hợp với xu thế phát triển.
Điều kiện đảm bảo chất lượng tổ chức giảng dạy thế nào?
Đề án mở ngành Trí tuệ nhân tạo cũng thống kê chi tiết đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của trường. Theo đó, giảng viên tham gia giảng dạy chương trình Trí tuệ nhân tạo được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sử dụng từ Viện Công nghệ thông tin và kinh tế số kết hợp với Khoa Toán Kinh tế. Số lượng cụ thể gồm 80 giảng viên cơ hữu (1 giáo sư, 3 phó giáo sư, 34 tiến sĩ, 40 thạc sĩ). Đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu về đào tạo trong 4 năm đầu từ khi mở ngành.
Về cơ sở vật chất, ngoài hệ thống có sẵn bao gồm giảng đường, phòng học, thư viện,… nhà trường đang thực hiện xây dựng 5 phòng thí nghiệm trọng điểm: Quản trị logistics và chuỗi cung ứng thông minh (SLSMC – Smart Logistics and Supply Chain Management), Phân tích dữ liệu và Tối ưu hóa (DataOptLab – Data Analytics and Optimization Laboratory), Trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh (BAI Lab – Business AI Lab), IOT, Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu (Center for Applied Data Science and Artificial Intelligence – ADSAI), Truyền thông và Công nghệ dữ liệu (Data Technology and Communication Lab – DATCOM Lab).
Đề án khẳng định đây sẽ là các đơn vị nghiên cứu và chuyển giao công nghệ AI ứng dụng trong giáo dục, kinh tế, kinh doanh, là môi trường thực hành, ứng dụng công nghệ mới cho giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên.
Thời gian dự kiến triển khai tổ chức thực hiện chương trình đào tạo là tháng 9/2024, mỗi năm đều tuyển sinh thêm khóa mới. Chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến là 100 sinh viên/khóa/năm.
Từ tháng 9/2028 trở đi, dự kiến quy mô tuyển sinh là 150 sinh viên/ năm học tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất và số lượng giảng việc có đủ điều kiện giảng dạy.
Mục tiêu chung của chương trình đào tạo cử nhân, kỹ sư ngành Trí tuệ nhân tạo tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là trang bị cho người học kiến thức chuyên môn về Trí tuệ nhân tạo, đào tạo ra các kỹ sư có phẩm chất chính trị, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, tư duy nghiên cứu, sáng tạo, có năng lực phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu tiên tiến nhằm thúc đẩy quá trình số hóa, tối ưu hóa, thông minh hóa trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, quản trị, đáp ứng các nhu cầu của xã hội về nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu trong nước và quốc tế.
Chương trình đào tạo cử nhân gồm 130 tín chỉ. Trong đó, khối kiến thức đại cương là 47 tín chỉ, khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp là 83 tín chỉ, chuyên đề thực tế (4 tín chỉ) và khóa luận tốt nghiệp (10 tín chỉ), đào tạo trong vòng 4 năm. Đối với chương trình đào tạo kỹ sư sẽ gồm 150 tín chỉ, đào tạo trong vòng 4,5 năm.
Phương thức tuyển sinh bao gồm: xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển kết hợp. Tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01, D07
Sinh viên nhập học được đăng ký học mặc định trong học kỳ 1, các học kỳ sau sinh viên tự đăng ký học theo kế hoạch giảng dạy của trường. Sinh viên có thể học vượt để tốt nghiệp sớm so với kế hoạch đào tạo chuẩn hoặc tốt nghiệp muộn nhưng không quá thời gian đào tạo tối đa theo quy định.
Điều kiện tốt nghiệp: sinh viên tích lũy đủ khối lượng kiến thức của chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra Tin học và Ngoại ngữ, có chứng chỉ Giáo dục Quốc phòng và An ninh, hoàn thành các học phần giáo dục thể chất và các quy định khác của trường.
Các vị trí việc làm của cử nhânkỹ sư ngành Trí tuệ nhân tạo
Cũng trong Đề án mở ngành Trí tuệ nhân tạo, nhà trường còn thống kê các vị trí việc làm đối với sinh viên sau khi ra trường. Cụ thể, cử nhân/kỹ sư ngành Trí tuệ nhân tạo có thể làm việc tại:
Các tổ chức, ban ngành từ cấp trung ương đến địa phương, trung tâm dữ liệu quốc gia, phục vụ cho quá trình chuyển đổi số và xây dựng chính phủ số.
Công ty phần mềm và công nghệ thông tin: Tham gia vào các doanh nghiệp phát triển phần mềm, từ các công ty start-up đến các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp IT, chịu trách nhiệm phát triển các thuật toán học máy.
Công ty tư vấn và dịch vụ: Làm việc cho các công ty tư vấn và dịch vụ về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ tiên tiến tại doanh nghiệp.
Công ty phân phối và thương mại phần mềm: Làm việc trong các công ty phân phối và thương mại phần mềm, chịu trách nhiệm về quảng bá, hỗ trợ và phát triển thị trường cho sản phẩm phần mềm.
Tổ chức phi lợi nhuận và dự án xã hội: Tham gia vào các tổ chức phi lợi nhuận và dự án xã hội liên quan đến công nghệ và phần mềm để giải quyết các vấn đề xã hội.
Các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D): Tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển các hệ thống thông minh, công nghệ tiên tiến.
Trường đại học và viện nghiên cứu: Trở thành giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học hoặc viện nghiên cứu, chia sẻ kiến thức và tham gia vào các dự án nghiên cứu.
Các doanh nghiệp, tổ chức, tập đoàn lớn: cử nhânkỹ sư ngành Trí tuệ nhân tạo có thể làm việc tại các bộ phận lập kế hoạch, phát triển các dự án kinh doanh, phân tích, cải tiến các nghiệp vụ kinh doanh.
Vị trí công việc mà sinh viên tốt nghiệp ngành Trí tuệ nhân tạo có thể ứng tuyển, bao gồm:
Lập trình viên: Tham gia vào quá trình phát triển và xây dựng phần mềm, viết mã, thử nghiệm và duy trì ứng dụng, đặc biệt là các hệ thống sử dụng Trí tuệ nhân tạo.
Chuyên gia xử lý và phân tích dữ liệu: Chịu trách nhiệm phân tích số liệu trong các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn lớn, cung cấp các thông tin để lập kế hoạch, ra quyết định.
Chuyên gia về học máy: phân tích, thiết kế, lập trình các thuật toán lõi xây dựng các mô hình Trí tuệ nhân tạo
Giảng viên, nghiên cứu viên: Giảng dạy hoặc nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo tại các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu.
Chuyên viên xây dựng, quản lý các hệ thống lưu trữ, tổ chức và quản trị dữ liệu của chính phủ; các chuyên gia, nhà quản lý hoạch định chính sách về công nghệ, trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu.
Mức học phí của ngành Trí tuệ nhân tạo trong đề án mở ngành có nêu thu theo quy định chung như các ngành đào tạo cử nhân truyền thống khác tại trường. Lộ trình tăng học phí cho từng năm tuân theo quy định của trường với mức tăng tối đa 10%/năm và thực hiện theo Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.
Phương án phòng ngừa và xử lý rủi ro khi mở ngành
Trong đề án mở ngành, nhà trường chỉ ra do Trí tuệ nhân tạo là một ngành mới, lại được mở ở một trường có bề dày truyền thống về kinh tế, kinh doanh, có thể chưa thu hút được sự chú ý của học sinh cấp 3.
Ngành được mở trong thời gian gấp rút, thời gian triển khai truyền thông rộng rãi bị hạn chế, nên có thể xảy ra tình trạng không tuyển sinh đủ số lượng sinh viên theo kế hoạch năm học.
Mặc dù chế độ đãi ngộ của giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã được cải thiện đáng kể và hiện đã ở mức tương đối tốt so với mặt bằng chung, tuy nhiên do nhu cầu nhân lực ngành Trí tuệ nhân tạo quá lớn, danh tiếng của trường về lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ lại chưa thực sự nổi trội, nên có thể xảy ra tình trạng khó thu hút được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, dẫn tới thiếu giảng viên cần thiết phục vụ công tác giảng dạy.
Chính vì vậy, trong đề án mở ngành nhà trường cũng đưa ra các biện pháp phòng ngừa rủi ro bao gồm:
Xây dựng và nâng cao hình ảnh thương hiệu của trường công nghệ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông qua website, fanpage của trường, khoa, viện liên quan.
Thực hiện truyền thông nội bộ, truyền thông rộng rãi trên các phương tiện báo chí về tầm nhìn cũng như cam kết đầu tư nghiêm túc và lâu dài của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đối với ngành Trí tuệ nhân tạo.
Xây dựng và thực hiện kế hoạch quảng bá tuyển sinh, chương trình tuyển sinh hàng năm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào khối ngành kỹ thuật, công nghệ.
Ký biên bản ghi nhớ với các trường trung học phổ thông và thực hiện chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh. Trong đó, tập trung đặc biệt tới các học sinh lớp chuyên toán, tin, Anh Văn, là những môn học liên quan chặt chẽ đến Trí tuệ nhân tạo.
Xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu, nâng cao uy tín của trường, khoa, viện liên quan.
Xây dựng các chính sách về học bổng, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ sinh viên.
Xây dựng các chính sách hỗ trợ sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp, tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế phục vụ cho chương trình đào tạo.
Xây dựng chính sách tuyển dụng, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và chế độ phúc lợi để thu hút giảng viên giỏi trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo.
Thực hiện đầy đủ các quy định về mở ngành đào tạo mới.
Ngoài ra, trường hợp nhà trường bị đình chỉ hoạt động ngành đào tạo, sinh viên có thể được xem xét chuyển sang học một chương trình, một ngành đào tạo, khác trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, máy tính của Trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân, hoặc chuyển cơ sở đào tạo theo Điều 16 Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học.
Đối với người dạy (giảng viên), nhà trường sẽ sắp xếp giảng viên tham gia giảng dạy các học phần phù hợp chuyên môn ở các ngành khác trong trường. Hoặc nhà trường sẽ sắp xếp công việc, thỏa thuận với giảng viên theo quy định của Pháp luật, hợp đồng làm việc…
Đối với cơ sở đào tạo và các bên liên quan, nhà trường xác định nội dung chưa phù hợp, tiến hành phân tích, đánh giá và thực hiện các giải pháp (theo từng trường hợp) để được cho phép hoạt động ngành trở lại.

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *