Dạy cách 'sống chung' với AI thay vì cấm – Báo Thanh Niên

Đây chỉ là một minh chứng gần nhất cho thấy AI đã không còn xa lạ với mọi hoạt động của con người, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục.

Trước khi công cụ ChatGPT xuất hiện từ 2 năm trước, nhiều học sinh (HS) đã sử dụng phần mềm để giải toán. Thay vì hỏi thầy cô, bạn bè; HS có thể đưa bài toán lên phần mềm và chờ lời giải. ChatGPT ra đời như bước đi vốn phải diễn ra như thế trong hành trình phát triển của công nghệ, AI.
Từ những bỡ ngỡ, lạ lẫm ban đầu, mới qua 2 năm, đến nay HS ngay từ cấp THCS đã biết tận dụng lợi thế của AI trong việc học tập. Ngày nay, những công cụ như ChatGPT, Gemini… được các HS, sinh viên ví như vật “bất ly thân” cho việc học tập, nghiên cứu, làm dự án, đề tài, thậm chí xin học bổng. Những việc mà các công cụ AI thực hiện cho người học/nghiên cứu, có thể được kể ra như sau: tổng hợp các thông tin liên quan đến chủ đề đang học/nghiên cứu; bổ sung, chỉnh sửa cách viết; đọc và gợi ý những điểm cần cải thiện về nội dung (tính logic của các phát biểu; các dẫn chứng hay số liệu để minh họa cho các phát biểu; sự tương thích giữa nội dung và kết luận…); hỗ trợ xử lý dữ liệu, vẽ bảng biểu; viết các đoạn mã (ngôn ngữ lập trình) theo gợi ý của người dùng hoặc chuyển đổi đoạn mã từ ngôn ngữ lập trình này sang ngôn ngữ lập trình khác…
Với những chức năng này, rõ ràng AI đã hỗ trợ rất nhiều cho người học, tiết kiệm rất nhiều thời gian cho những việc mà trước đây ta có thể mất hàng tuần, hàng tháng để thực hiện.
Khi ChatGPT mới ra đời, các cơ sở giáo dục trên thế giới đều choáng váng và động thái đầu tiên là cấm HS, sinh viên sử dụng với lo ngại đạo văn, vi phạm liêm chính khoa học… Nhưng chỉ một thời gian ngắn, với những cải tiến vượt trội của các công cụ AI, chúng ta nhận ra có cấm cũng không được và không thể đảo ngược xu thế. Có lẽ chúng ta đã quên mất mình từng không có công cụ tra cứu như Google, để đến bây giờ chúng ta có thể nào bỏ công cụ này được không?
Và thay vì cấm, các trường học bắt đầu thay đổi cách ứng xử với AI. Đó là dạy người học cách sử dụng có trách nhiệm, những kỹ năng cần có khi dùng AI, cách đặt câu hỏi hiệu quả… Bên cạnh đó thay đổi cách truyền đạt kiến thức, cách ra đề, cách đánh giá và bổ sung các công cụ kiểm soát… Nghĩa là biết cách “sống chung” hiệu quả với AI thay vì đối đầu ngăn cấm.
Ở một góc nhìn tích cực, AI không chỉ giúp người học mà còn thúc đẩy, buộc người thầy phải tự đổi mới nếu không muốn lùi lại phía sau.
AI sẽ còn phát triển, tiến xa đến mức độ mà chúng ta chưa thể hình dung được như thế nào trong tương lai. Nhiều thứ sẽ còn thay đổi, nhưng nếu giữ thái độ sợ hãi và cấm đoán thì không những không thể thực hiện mà nhiều khả năng còn gây rối loạn. Dạy cách để AI trở thành người bạn đồng hành, người “thầy thứ hai” vẫn tốt hơn là mất kỹ năng này trong thời đại mà mọi thứ dần có sự hiện diện của AI.
Bình luận (0)
Hotline
0906 645 777
Liên hệ quảng cáo
0908 780 404
Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Toàn
Phó tổng biên tập: Hải Thành
Phó tổng biên tập: Lâm Hiếu Dũng
Phó tổng biên tập: Trần Việt Hưng
Tổng thư ký tòa soạn: Đức Trung


Bình luận (0)

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *