Đạo luật AI mới sẽ cản trở châu Âu phát triển công nghệ? – Báo Kinh tế và Đô thị
Bắt đầu có hiệu lực vào tháng 8 tới, Đạo luật điều chỉnh AI mới của EU sẽ góp phần định hướng sự phát triển của lĩnh vực này theo khuôn khổ, chuẩn mực nhất định, đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn cộng đồng chung của toàn khu vực.
Bên cạnh những tác động tích cực, nhiều chuyên gia không khỏi lo ngại về việc đạo luật này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn ngành AI cũng như các công ty đang hoạt động tại lục địa già.
Andreas Cleve, giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe Đan Mạch Corti, lo ngại đạo luật mới sẽ ảnh hưởng đến các chính sách phát triển, thu hút khách hàng của công ty. Vị giám đốc này nêu bật những thách thức đến từ thủ tục hành chính phức tạp hay chi phí tuân thủ pháp luật AI cao.
“Khoản chi phí tuân thủ pháp luật sẽ trở thành gánh nặng đối với các công ty nhỏ. Đạo luật AI là một ý tưởng hay do sẽ bảo vệ tốt các sản phẩm từ AI, tuy nhiên nó sẽ khiến các doanh nhân công nghệ khó tìm được thành công ở châu Âu” – ông Cleve cho biết.
Nhiều công ty công nghệ quan ngại đạo luật này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp mới nổi.
Xuất phát từ mong muốn của EU trở thành trung tâm AI đáng tin cậy trên toàn cầu, đạo luật này phân loại những AI rủi ro cao, thiết lập quy tắc đối với việc thiết kế phần mềm, yêu cầu tính minh bạch và chất lượng của dữ liệu.
Các quan chức EU cho biết luật AI nhằm giúp định hướng ngành công nghệ mới phát triển, giảm thiểu những rủi ro khi sử dụng AI, bao gồm những rủi ro về an toan và an ninh cũng như nguy cơ mất việc làm.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia lo ngại về thắt chặt quản lý đối với AI sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngành công nghệ ở châu Âu, khiến khối này tụt lại phía sau so với các siêu cường như: Mỹ và Trung Quốc.
Các chuyên gia cảnh báo việc vội vã ban hành các quy định điều chỉnh AI có thể sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như ứng dụng công nghệ này vào cuộc sống. Họ cho biết các nhà hoạch định chưa xây dựng đầy đủ các quy định cần thiết đối với AI, chẳng hạn như: quyền sở hữu trí tuệ về AI hay quy tắc áp dụng AI dành cho doanh nghiệp. Theo một ước tính, EU cần khoảng 60 hoặc 70 điều luật hỗ trợ việc thực thi Đạo luật AI.
Kai Zenner, quan chức tham gia soạn thảo các quy định, thừa nhận: “Luật này khá mơ hồ. Áp lực thời gian khiến chúng tôi không thể dự tính đến mọi trường hợp”.
Cecilia Bonefeld-Dahl, tổng giám đốc của DigitalEurope, cảnh báo: “Việc tiếp cận không đồng nhất đã dẫn đến những quy định kém hiệu quả, sẽ cản trở nỗ lực của châu Âu trong cạnh tranh sản xuất và phát triển AI với Mỹ.
Bà nói: “Việc chi phí tuân thủ tăng thêm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các công ty EU. Trong khi chúng tôi đang tập trung về mặt quản lý, các khu vực khác đang liên tục mở rộng sản xuất”.
Các quan chức hiện đang nỗ lực lấp đầy những lỗ hổng trong quy định trước khi nó có hiệu lực.
Một vấn đề mà đạo luật này đang thiếu tại là tính hợp pháp của hoạt động tiếp thu kiến thức của mô hình AI từ các nguồn được luật bản quyền bảo vệ.
“Thông tin nào sẽ được bảo vệ nếu nó được tạo ra một phần bởi AI? Chúng tôi không có câu trả lời cho những câu hỏi này” – một quan chức lâu năm của EU cho biết.
Các nhà ngoại giao tại Brussels hiện đang cố gắng tìm kiếm câu trả lời từ những phiên thảo luận với một số quốc gia thành viên.
Theo một số nguồn tin, khối đã yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện các cuộc khảo sát, nghiên cứu về mối quan hệ giữa AI và bản quyền cũng như thực tiễn luật pháp địa phương giải quyết vấn đề này.
Bỉ đang nghiên cứu về việc ai chịu trách nhiệm đối với nội dung do AI tạo ra cũng như những quyền lợi mà họ có thể được hưởng.
Một quan chức của EU chia sẻ khối có thể tiến hành sửa đổi các quy định về bản quyền lâu năm nhằm giải quyết những vấn đề này.
Trong khi đó, ngày càng xuất hiện nhiều yêu cầu về việc cần ban hành các văn bản hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ, thực hiện các quy định trong Đạo luật AI.
© 2022 Báo điện tử Kinh tế & Đô thị – Cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội
Giấy phép của Bộ Thông tin & Truyền thông số 196/GP-BTTTT cấp ngày 21/04/2022
Tổng biên tập: Nguyễn Thành Lợi
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Anh Đức, Lê Hoàng Anh, Nguyễn Xuân Khánh
Trưởng ban báo điện tử: Nguyễn Thị Thanh Loan
Toà soạn:
Trụ sở chính: 21 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội
Trụ sở 2: 221 Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội
ĐT: 024.37760444 (133) – Hotline: 0982 015 015
Email: [email protected] – Fax: 024.32484413
Liên hệ quảng cáo: 0966204859 – 024.37732198
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Kinh tế & Đô thị.