Đà Nẵng thành lập Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo Thiết kế Vi mạch và Trí tuệ nhân tạo: Cơ hội phát triển đào tạo, nghiên cứu các ngành công nghệ cao – Đại học Đà Nẵng
Ngày 30/12, Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng vừa có Quyết định thành lập "Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo Thiết kế Vi mạch và Trí tuệ nhân tạo" (AI) (Danang Semiconductor and Artificial Intelligence Center for Research and Training, DSAC) (sau đây gọi tắt là Trung tâm) trên cơ sở chuyển giao, tiếp nhận và tổ chức lại Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực Chất lượng cao (NNL CLC) thành phố Đà Nẵng (trước đây trực thuộc Sở Nội vụ) nay thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.
Vi mạch/Chip bán dẫn là ngành công nghệ cao
có nhiều tiềm năng, đem lại giá trị gia tăng
để phát triển đất nước trong thời kỳ mới
Trung tâm có chức năng thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo thiết kế trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và phát triển AI; chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế; huy động các nguồn lực, liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Giám đốc ĐHĐN tiếp Phái đoàn Bang Oregon
(Hoa Kỳ) thống nhất hợp tác đào tạo NNL
góp phần phát triển Công nghiệp Chip bán dẫn
Đại diện lãnh đạo thành phố Ông Hồ Kỳ Minh-Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân và Công ty Synopsys, doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực phát triển công nghệ vi mạch bán dẫn và AI cũng vừa đến làm việc với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN (29/12).
Cùng tham dự có Ông Lê Sơn Phong-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Ông Lê Hoàng Phúc-Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư; ông Trịnh Thanh Lâm-Giám đốc Kinh doanh Synopsys Nam Á; PGS. TS. Phan Cao Thọ-Hiệu trưởng; TS. Phan Bảo An-Chủ tịch Hội đồng trường và các Phó Hiệu trưởng: PGS. TS. Nguyễn Lê Hùng, TS. Nguyễn Linh Nam cùng đại diện lãnh đạo các phòng, khoa và các giảng viên của Nhà trường.
Đại diện lãnh đạo thành phố Đà Nẵng
làm việc với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN
Phía thành phố cho biết, sau Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn được tổ chức tại ĐHĐN (19/10), thành phố phối hợp với Công ty Synopsys đồng hành hỗ trợ công tác đào tạo và nghiên cứu thiết kế chíp bán dẫn trong các trường ĐH và doanh nghiệp.
Synopsys hiện đã có đầy đủ giáo trình chuẩn quốc tế bằng Tiếng Anh về vi mạch bán dẫn và sẵn sàng hỗ trợ nhà trường trong việc đào tạo giảng viên; tiếp nhận sinh viên thực tập; liên hệ với các doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết đầu ra cho sinh viên, Giám đốc Kinh doanh Synopsys Nam Á Ông Trịnh Thanh Lâm chia sẻ.
Đại diện lãnh đạo thành phố Đà Nẵng
làm việc với Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN
Theo Ông Nguyễn Quang Thanh-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thành phố tập trung đào tạo NNL CLC cho các ngành/lĩnh vực công nghệ cao như Vi mạch bán dẫn, AI. Sở đã làm việc với các trường đại học (ĐH) như Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) để liên kết đào tạo, phát triển NNL CLC.
Thành phố xây dựng hạ tầng đảm bảo cho các cơ sở đào tạo có địa chỉ thực hiện các hoạt động mô phỏng, thiết kế, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đồng thời tham mưu với thành phố một số chính sách thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực này;
Xúc tiến xây dựng, triển khai “Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố”; Xem xét, bổ sung lĩnh vực Vi mạch bán dẫn được tiếp cận vay vốn Quỹ Đầu tư thành phố để kiến tạo cơ chế, chính sách thu hút NNL CLC.
Đại diện lãnh đạo thành phố Đà Nẵng làm việc
với Trường ĐH CNTT&TT Việt-Hàn, ĐHĐN
Sở Thông tin và Truyền thông tiếp nhận, tuyển dụng, phân công và bố trí nhân sự (tiếp nhận từ Trung tâm Phát triển NNL CLC) đồng thời bổ sung nguồn lực đội ngũ chuyên gia để đảm bảo cho Trung tâm vận hành, đi vào hoạt động hiệu quả từ tháng 1/2024.
Đà Nẵng hiện có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp các thiết bị linh kiện điện tử với gần 10.500 lao động. Năm 2022, kinh tế số của thành phố Đà Nẵng (gồm kinh tế ICT, kinh tế nền tảng, internet và kinh tế trong ngành, lĩnh vực khác) đóng góp 19,76% GRDP của thành phố.
ĐHĐN sẵn sàng đào tạo NNL CLC
phát triển Công nghiệp Chip bán dẫn
Trước đó, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cũng đã làm việc với các trường thành viên của ĐHĐN (Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn) tìm hiểu nhu cầu, tiềm lực và bàn kế hoạch phát triển đào tạo NNL CLC cho ngành Vi mạch bán dẫn cũng như AI.
Đại diện lãnh đạo thành phố đề xuất các trường thành viên của ĐHĐN chọn cử, giới thiệu các chuyên gia, nhà khoa học và giảng viên/sinh viên tham gia Trung tâm cùng đồng hành trong đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực này (mời xem thêm tin tại đây).
Việc công bố Ý định thư hợp tác giữa ĐHĐN
và ĐH Bang Portland, Hoa Kỳ ngay tại sự kiện
của thành phố thể hiện quyết tâm cao của ĐHĐN
đào tạo NNL CLC cho ngành vi mạch bán dẫn
Với vai trò, vị thế và truyền thống kinh nghiệm đào tạo của một trong ba trung tâm ĐH hàng đầu của cả nước, thời gian qua, ĐHĐN đã xúc tiến cùng 02 ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Bưu chính Viên thông thành lập, triển khai Liên minh các ĐH tiên phong đào tạo NNL CLC cho ngành Công nghiệp Chip bán dẫn (mời xem thêm tin tại đây).
ĐHĐN đã kết nối hợp tác với các ĐH Portland và Bang Oregon Hoa Kỳ; công bố "Ý định thư hợp tác" trọng tâm về đào tạo, nghiên cứu góp phần phát triển ngành mũi nhọn này tại sự kiện Lễ Công bố Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN
Kính mời xem các tin khác:
Giám đốc ĐHĐN tiếp Phái đoàn Bang Oregon, Hoa Kỳ: Thống nhất định hướng hợp tác, trọng tâm là đào tạo nhân lực để phát triển Công nghiệp Chip bán dẫn
Công bố Ý định thư hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng và ĐH Bang Portland, Hoa Kỳ tại Lễ Công bố Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
VKU tiên phong là trường đại học đầu tiên công bố tuyển sinh, đào tạo Kỹ sư Thiết kế Vi mạch bán dẫn
Kết nối: