Công nghệ bán dẫn : Việt Nam có nguy cơ mất lợi thế vì quan liêu – RFI Tiếng Việt

Le Monde ngày 25/06/2024 nhận định « Đông Nam Á được lợi trong cuộc đối địch chính trị và kinh tế giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ ». Những thập niên gần đây, các nước này bắt đầu có được kỹ nghệ gia công thiết bị điện tử, trong chiến lược « Trung Quốc + 1 ». Ba trong số năm nước được chọn lựa cho « friend shoring » là Việt Nam, Indonesia, Philippines.
Đăng ngày:
Từ Hà Nội, ông Marco Förster, giám đốc khu vực ASEAN của Dezan Shira & Associates nói với Le Monde : « Tôi gọi là chiến lược Trung Quốc + 1,2,3, n, đầu tư vào Đông Nam Á đặc biệt về công nghệ. Thường là vẫn lưu lại Trung Quốc để giữ thị trường Hoa lục, nhưng sang nước khác để bán cho phần còn lại của thế giới ».
Đông Nam Á có thể hưởng được sự năng động như Đài Loan và Hàn Quốc, cũng như Hồng Kông và Singapore trong thời kỳ chiến tranh thập niên 70-80. Nhờ các tập đoàn Mỹ và Nhật dịch chuyển sang, các nước này bước lên hàng đầu thế giới về điện tử và nhất là chất bán dẫn. David Lacey, giám đốc nghiên cứu một tập đoàn châu Âu đặt tại Penang, Malaysia giải thích, các nhà kỹ nghệ đang trong giai đoạn thích ứng với những yêu cầu địa chính trị mới. Việc « derisking » (giảm bớt rủi ro) từ Trung Quốc khiến phải có dự trữ nhiều hơn, trong khi đa số vật liệu đều từ Trung Quốc.
So với các láng giềng, Malaysia có lao động quen thuộc với công nghệ cao từ hai, ba thế hệ. Đối với các tập đoàn đa quốc gia, giao cho những nhà cung cấp mới ở Việt Nam việc thử nghiệm và lắp ráp khá nhiều rủi ro. Bang Penang nằm ở tây bắc Malaysia chuyên về chất bán dẫn. Intel, rồi AMD và Hitachi từ năm 1972 đã mở xưởng lắp ráp tại vùng tự do mậu dịch đầu tiên.
Nhờ đó Malaysia dẫn đầu về « back-end », công đoạn tuy ít phức tạp nhất nhưng vẫn quan trọng, là cắt những miếng silicium gắn vào hộp rồi thử nghiệm. Chuyên môn này giúp Malaysia chiếm 7 % thị phần thế giới về bán dẫn, và 13 % trong « back-end », chỉ đứng sau Singapore ở Đông Nam Á. Đảo quốc Singapore chiếm 11 % thị phần bán dẫn nhờ các xưởng đúc « front-end », tức công đoạn trước đó : gắn các chip lên bảng vi mạch, phức tạp hơn và đắt đỏ hơn.
Năm 2023, nhà sản xuất Đức Infineon Technologies loan báo đầu tư thêm 5 tỉ euro để mở rộng sản xuất tại Malaysia. Quốc gia 34 triệu dân thành công với chính sách hỗ trợ : không quá 10 tháng để lập nhà máy, và ưu đãi thuế. Điện tuy rẻ nhưng thải khí carbone cao, một điểm làm các công ty đa quốc gia không hài lòng vì họ phải có nghĩa vụ về khí hậu. Malaysia nay kén chọn dự án hơn để tìm cách nâng cấp.
Việt Nam, Philippines, Indonesia, Thái Lan cũng muốn chia phần miếng bánh, với luật Mỹ Chips and Science Act của tổng thống Joe Biden để tái kỹ nghệ hóa trong lãnh vực chất bán dẫn. Trong đó dành 500 triệu đô la trong 5 năm « để đa dạng hóa và củng cố chuỗi giá trị thế giới về chất bán dẫn trong số các nước đồng minh ».  
Ba trong số năm nước « đối tác » được chọn lựa cho « friend shoring » (dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước bạn) là Việt Nam, Indonesia, Philippines, còn Malaysia và Singapore thì đã chứng tỏ năng lực. Cơ quan tư vấn Pháp Global Sovereign Advisory nhận định, như vậy châu Á là nơi tập trung các công ty gia công chất bán dẫn, Trung Quốc và Đài Loan bị thiệt, còn Việt Nam, Philippines, Ấn Độ được lợi.
Việt Nam, nhân tố tương đối mới của « back-end », muốn đầu tư 1 tỉ đô la để đào tạo 50.000 kỹ sư chất bán dẫn từ nay đến 2030. Theo Le Monde, quốc gia này đáng gờm vì trong hơn mười năm, đã nhảy lên hàng thứ nhì thế giới về xuất khẩu smartphone, chỉ sau Trung Quốc. Nhưng nếu tập đoàn Amkor của Mỹ và Hana Micron của Hàn Quốc đã khai trương các nhà máy mới năm 2023, Intel đã thay đổi ý định. Reuters dẫn nguồn ẩn danh nói rằng đó là do « quan liêu cực độ và nguồn điện bất ổn ». Tập đoàn Mỹ sẽ đầu tư 7 tỉ đô la trong 10 năm tới, xây dựng các nhà máy làm con chip hiện đại hơn ở Malaysia.
Nguy cơ cực hữu lên nắm quyền tại Pháp với chính sách bài ngoại, kế hoạch kinh tế mơ hồ bị các báo tập trung chỉ trích. Trong bài xã luận « Cú sốc », nhật báo thiên tả Libération kêu gọi tiếp tục đấu tranh, chống lại việc bình thường hóa cực hữu. Theo tờ báo, không nên tin vào câu chuyện cổ tích của các thủ lãnh phe này – và nay có thêm Eric Ciotti chủ tịch thất sủng của cánh hữu « ở yên sau ».
Cần phải nói đi nói lại là Tập Hợp Dân Tộc (RN) không phải là một đảng như các đảng khác, hãy còn kịp để tránh trận động đất – chiến thắng cực hữu tại đất nước của nhân quyền. Chỉ cần nhìn, nghe, đọc truyền thông các nước để hiểu được cú sốc. RN luôn là một đảng bài ngoại, ưu tiên cho người Pháp gốc, và một khi bầu cử đã xong, sẽ bộc lộ bản chất kỳ thị chủng tộc, bài Do Thái. Cực hữu tìm cách làm quên đi quá khứ của phe này, nhưng những khuôn mặt ứng cử viên của họ (theo thuyết âm mưu, da trắng thượng đẳng) chứng tỏ quá khứ ấy vẫn đang là hiện tại. Ở các trang trong, Libération thẳng thừng tố cáo kế hoạch kinh tế được chủ tịch đảng RN, Jordan Bardella trình bày là « lừa đảo ».
Nhật báo thiên hữu Le Figaro đả kích thủ lãnh cực tả « Jean-Luc Mélenchon, con trăn của nước cộng hòa ». Tuy cựu tổng thống François Hollande đã yêu cầu ông Mélenchon « im tiếng » khi ông này đòi làm thủ tướng nếu Mặt trận Bình dân Mới thắng cử, nhưng vẫn quy phục trong liên minh.
Cựu thủ tướng Lionel Jospin nói văn vẻ rằng Mặt trận là « những con đê làm ngọn sóng vỡ tan », cứ như là một số thành viên ủng hộ khủng bố Hamas không đi ngược lại các nguyên tắc của Cộng hòa Pháp. Họ có thực tin rằng sẽ thoát được sự thống trị của Mélenchon ? Các bài học của bầu cử Nghị Viện Châu Âu nhanh chóng bị quên đi. Chỉ trong vòng 24 giờ, nhân vật ôn hòa Raphaël Glucksmann và 3 triệu rưỡi lá phiếu của ông đã bị « con trăn của nước cộng hòa » nuốt gọn.
Cách thức của chủ tịch đảng cực tả rất đơn giản. Với số cử tri căn bản chiếm 10 % sẵn sàng làm mọi thứ cho thủ lãnh, rồi sau đó thu phục phần còn lại của cánh tả bằng cách đánh thức nỗi sợ tiềm ẩn. Cụ thể nhất là chống lại Marine Le Pen. « Điều răn » đầu tiên là dành trọn cả hồn lẫn xác để chiến đấu, bất chấp mối liên minh phản tự nhiên, sự đồng lõa đáng xấu hổ, chiến lược thảm họa. Dưới cái bóng của Mélenchon, những người ngây thơ ngỡ rằng ngăn chận được Tập Hợp Dân Tộc (RN), nhưng thực ra chỉ phục vụ cho Nước Pháp Bất Khuất (LFI).
Trên trang Ý kiến của Le Figaro, ông Michel Barnier, từng là nhà đàm phán của châu Âu trong sự kiện Anh quốc ra khỏi Liên hiệp, nhắc nhở « Những bài học mà Pháp nên rút ra về Brexit ».Cách đây đúng 8 năm, ngày 23/06/2016, người Anh bỏ phiếu rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu với số phiếu khít khao, gây ngạc nhiên cho cả những người ủng hộ Brexit sau một chiến dịch với đủ kiểu dân túy, dối trá, với tình cảm giận dữ trộn lẫn sợ hãi. Trong bốn năm thương lượng, có hai điều gây ấn tượng cho ông Barnier.
Trước hết, là không ai giải thích cho dân Anh một cách nghiêm túc về hậu quả tai hại của Brexit về mọi mặt. Cũng như ở Pháp hiện nay, người ta đi bầu dựa theo các khẩu hiệu hơn là sự kiện, tình cảm vượt lên lý trí. Thứ hai, là từ chối nhìn nhận một cách sáng suốt hậu quả Brexit đối với công dân Anh, người tiêu thụ và doanh nghiệp. Đặc biệt chẳng đáp ứng được mong muốn của người bỏ phiếu : nhập cư càng ồ ạt và mất kiểm soát hơn bao giờ hết, dịch vụ công trong tình trạng thảm hại. Tóm lại, Brexit chỉ là một ảo tưởng lớn lao, một sự dối lừa.
Cũng như phe đòi Brexit đã phản bội lợi ích đất nước, các phe dân túy cực tả và cực hữu sẵn sàng dối trá. Vào đêm có kết quả Brexit, Marine Le Pen đòi trưng cầu dân ý tương tự tại Pháp. Dù nay bà ta không nhắc lại, nhưng ẩn sâu vẫn là ý hướng phá vỡ châu Âu, biến châu lục thành một mảnh puzzle các quốc gia tự thu mình lại, mang lại vui sướng cho Nga, Trung Quốc và cả…Mỹ.Tuy cần tái lập an ninh trật tự, nhưng không phải là mất cảnh giác trước Nga, hay đồng lõa với bài Do Thái và Hồi giáo cực đoan.
Theo tác giả Barnier, cần tăng cường nông nghiệp và kỹ nghệ Pháp, bớt ngây thơ trong thương mại, làm « động vật ăn cỏ trong một thế giới toàn các động vật ăn thịt ». Chỉ có chung sức mới đối phó được các xung đột, nguy cơ khủng bố, môi trường, thích ứng với cuộc cách mạng kinh tế xã hội của trí thông minh nhân tạo. Nghĩ rằng có thể đơn độc trong một thế giới đang chuyển đổi một cách thô bạo, là một ảo tưởng lớn. Đứng trước những người khổng lồ mới về chính trị, kinh tế, tài chánh, không nên tin vào những lời hứa về bản sắc, « tự chủ » của bà Le Pen hay ông Mélenchon. Hãy còn kịp để rút ra bài học của Brexit.
Đối với Les Echos, điều đáng tiếc là các vấn đề quốc tế như chiến tranh ở Ukraina và Gaza bị coi là thứ yếu, trong khi chủ trương nhập nhằng của hai phe cực hữu (RN) và cực tả (LFI) rất đáng lo. Ba vấn đề sức mua, an ninh và bản sắc được đặt lên trên tất cả, vào lúc cuộc bầu cử Quốc Hội gần như là một cuộc trưng cầu dân ý chống lại tổng thống, nếu không phải là trừng phạt giới tinh hoa.
Tuy vậy, những gì diễn ra cho thấy dường như cực hữu và cực tả muốn hòa hoãn với Nga và làm châu Âu yếu đi. Nước Pháp Bất Khuất (LFI) trong cuộc chiến Gaza muốn đứng về phía cử tri gốc Bắc Phi hay châu Phi đen vốn không còn giấu diếm việc bài Do Thái. Tập Hợp Dân Tộc (RN) gần đây cố tỏ ra bớt thân Nga nhưng đầy tính cơ hội. Với họ « Nước Pháp trên hết, nước Pháp cô độc » chăng ? Hay là mô hình độc tài ở nước Nga của Vladimir Putin thu hút các nhà lãnh đạo dân túy ? Các đảng cực đoan lên ngôi sẽ làm yếu đi vị thế của Pháp ở châu Âu và làm châu Âu yếu đi trên trường quốc tế.
Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí
Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế
© 2024 Copyright RFI – Mọi quyền được bảo lưu. RFI không chịu trách nhiệm về các nội dung đến từ những website bên ngoài. Lượt người xem do công ty ACPM chứng nhận.
Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *