Chip thương mại nội địa – Chiến thuật sinh tồn của Trung Quốc: Loại bỏ sự phụ thuộc vào Mỹ, SMIC nổi lên như một … – CafeBiz.vn
Liên hệ quảng cáo
0942.86.11.33 – [email protected]
Liên hệ ban biên tập
024.7309.5555 máy lẻ 41294 – [email protected]
Mới nhất
Tại một khu công nghiệp, nhà vô địch chip của Trung Quốc đang vận hành dây chuyền sản xuất mới với mục tiêu loại bỏ sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. Theo tiêu chuẩn hiện tại, các hoạt động tại SMIC này được nhận xét là khá tụt hậu so với những công ty dẫn đầu ngành như TSMC hay Samsung Electronics.
Tuy nhiên, SMIC, tại cơ sở Tĩnh Thành ngoại ô Bắc Kinh, đang nỗ lực tích hợp các thiết bị sản xuất chất bán dẫn trong nước vào dây chuyền. Họ muốn cắt giảm sự phụ thuộc lâu dài vào Mỹ để nhanh chóng vươn lên vị trí cao hơn, theo WSJ.
Dây chuyền mới thể hiện một trong những nỗ lực tiên tiến nhất của Trung Quốc nhằm tạo ra chip thương mại nội địa – chiến thuật tự sinh tồn về mặt công nghệ giúp Bắc Kinh tránh khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Chiến dịch “Delete A” hay “Decouple From A” (ám chỉ mong muốn tách khỏi Mỹ) đã được tăng tốc trong những năm gần đây do căng thẳng địa chính trị.
Theo hiệp hội ngành SEMI, Trung Quốc, bất chấp sự sụt giảm trong hoạt động mua thiết bị bán dẫn trên toàn cầu, đã chi tiêu mạnh tay vào năm 2023 và chiếm 1/3 doanh số bán hàng trên toàn thế giới. Theo ước tính của công ty phân tích Gavekal Research, năm nay, nước này sẽ tăng thêm năng lực sản xuất chất bán dẫn, trong đó có chip công nghệ trưởng thành.
Dự án SMIC, cho đến nay, mang rất nhiều tham vọng. Dây chuyền sản xuất vẫn sử dụng một số công cụ của Mỹ vậy nên theo các chuyên gia, Trung Quốc còn một chặng đường dài để thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, đặc biệt là những công nghệ cần thiết để sản xuất chip cao cấp hơn.
SMIC đang trên con đường thương mại hóa, hiện đã có khả năng sản xuất chip tiên tiến 28 nanomet. Sản lượng đầu ra gần đây đã vượt quá mức sản xuất thử nghiệm. Konrad Kwang-Leei Young, cựu giám đốc điều hành tại TSMC, người từng là thành viên hội đồng quản trị SMIC cho đến năm 2021, cho biết: “Bằng cách chặn mọi thứ, bạn buộc con sư tử đang ngủ say phải thức dậy”.
SMIC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng được thành lập vào năm 2000 tại Thượng Hải, hiện cho thấy nỗ lực lớn nhất của Trung Quốc trong việc tạo ra những con chip tiên tiến. Chủ tịch hiện tại, người đã gia nhập hội đồng quản trị vào năm 2023 với sự giới thiệu của quỹ bán dẫn quốc gia, trước đây từng giữ vai trò điều hành tại các doanh nghiệp nhà nước.
Năm 2017, SMIC thành lập một trung tâm đổi mới liền kề với nhà máy chế tạo ở phía nam Bắc Kinh. Tại đây, họ tiến hành nghiên cứu nội địa hóa chuỗi cung ứng.
Vào tháng 12 năm 2020, SMIC bị thêm vào danh sách đen xuất khẩu của Mỹ, vậy nên tăng tốc nỗ lực tự cung tự cấp. Theo nhà cung cấp dữ liệu Wind, SMIC đã nhận được 1,8 tỷ USD tài trợ trực tiếp của chính phủ kể từ năm 2017.
Các chuyên gia cho rằng để thực sự nội địa hóa, Trung Quốc không chỉ cần thiết bị sản xuất chip trong nước mà còn phải đảm bảo linh kiện bên trong cũng được sản xuất trong nước. Các tấm wafer và một số vật liệu khác là ví dụ điển hình.
Đã có một số bước đột phá rõ ràng. Năm ngoái, Huawei Technologies phát hành điện thoại thông minh Mate 60 mới chứa hệ thống trên chip được sản xuất bằng công nghệ SMIC. Đây được coi là kỳ tích vì SMIC và các nhà sản xuất chip khác của Trung Quốc không có quyền truy cập máy in thạch bản mới nhất do ASML Holding có trụ sở tại Hà Lan sản xuất. Các kỹ sư sản xuất chất bán dẫn kỳ cựu cho rằng Huawei và các đối tác của họ có thể đã tạo ra chip bằng cách cho silicon tiếp xúc với ánh sáng nhiều lần thay vì một lần.
Trung Quốc không có nguồn thay thế nội địa nào cho các máy in thạch bản cao cấp hơn. Lựa chọn nội địa hàng đầu của nước này là Tập đoàn Thiết bị Điện tử Vi mô Thượng Hải. Trang web cho thấy tập đoàn này chuyên làm máy in thạch bản để sản xuất chip tiên tiến 90 nanomet.
SMIC nổi lên như một ‘vũ khí bí mật’ của Bắc Kinh. Sự thành công của hãng trong việc cung cấp một vi xử lý tiên tiến có kích thước 7 nanomet cho Huawei đã khiến cả Trung Quốc và thế giới phấn khích. Thành tựu càng trở nên đáng kinh ngạc khi SMIC phải chịu các lệnh hạn chế từ phía Mỹ trong hơn một thập kỷ.
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu SMIC có thể sản xuất chip phức tạp theo quy mô lớn không, hay liệu Mỹ có thể làm suy yếu năng lực sản xuất của SMIC. Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, người giám sát các hạn chế công nghệ của chính quyền ông Joe Biden cho biết Trung Quốc thiếu khả năng sản xuất các thành phần như vậy “trên quy mô lớn”. Trong khi đó, một số chuyên gia lại nhận định rằng Mỹ đang đánh giá thấp khả năng của đối thủ.
Với các vi mạch xuất hiện trong mẫu điện thoại Mate 60 Pro của Huawei, tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) hồi năm ngoái đã chứng minh được khả năng sản xuất chip tiên tiến. Việc đáp ứng mục tiêu xuất xưởng ít nhất 60 triệu chiếc điện thoại trong năm nay sẽ là bài kiểm tra căng thẳng.
Liang Mongsong được coi là ‘công thần’ đứng sau mọi đột phá công nghệ của SMIC với những con chip tiên tiến hãng này cung cấp cho Huawei. Được mệnh danh là “nhà ảo thuật chip” của Đài Loan, Liang đã thành công lãnh đạo hoạt động nghiên cứu, phát triển tại công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) suốt 16 năm, sau đó giúp Samsung xây dựng hoạt động kinh doanh sản xuất chip trước khi gia nhập SMIC.
Hiện tại, SMIC và Huawei đang tăng cường tham vọng sản xuất chip AI. Dòng chip AI Ascend của Huawei đã được các chuyên gia phân tích đánh giá cao dù hiệu suất tổng thể còn kém.
Dấn thân làm chip AI đồng nghĩa với việc Huawei và SMIC phải giành thị phần từ Nvidia. Chip AI lớn hơn bộ xử lý của điện thoại thông minh và do đó, nhiều khả năng bị lỗi trong quá trình sản xuất. Hiện tỷ lệ sản xuất chip Ascend 910b của Huawei chỉ đạt hơn 20%, nghĩa là cứ 5 con chip được sản xuất thì có gần 4 con bị lỗi.
Theo: WSJ
Vũ Anh
Địa chỉ: Tầng 21, tòa nhà Center Building. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại: 024 7309 5555 – Máy lẻ 41294 | Fax: 024-39743413
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Bích Minh
Chính sách bảo mật
Liên hệ quảng cáo
Hotline:
Email: [email protected]
© Copyright 2012 – 2024 – Công ty Cổ phần VCCorp.
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet số 3321/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội cấp ngày 03 tháng 07 năm 2019.