Chi tiết điểm chuẩn năm 2023 của những ngành gần với lĩnh vực vi mạch bán dẫn – Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam
Có 3 công đoạn cơ bản để tạo ra một vi mạch (gọi tắt là IC – Integrated Circuit, hay còn gọi là chip (là một tập hợp các mạch thực hiện các chức năng cụ thể) theo thuật ngữ tiếng Anh), gồm: (1) thiết kế; (2) chế tạo; (3) đo kiểm và đóng gói. Ở Việt Nam (đại diện chính là nhà máy Intel ở Thành phố Hồ Chí Minh) chủ yếu tập trung vào khâu đo kiểm và đóng gói. Trong khi đó, theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn SIA, khâu đo kiểm và đóng gói chỉ chiếm khoảng 6% giá thành chip (hơn 53% giá trị nằm ở khâu thiết kế và 24% ở khâu sản xuất).
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Ước tính, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 20 đến 50 nghìn nhân sự có trình độ từ bậc đại học trở lên [1]
Khối trường đại học kĩ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Cụ thể, nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn có các ngành đào tạo về Hóa học, Vật lý, Vật liệu…; nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch có Kĩ thuật điện tử, Điện tử-Viễn thông cùng các ngành gần bao gồm Kĩ thuật điện, Điều khiển và Tự động hóa, Cơ điện tử… [2]
Theo ý kiến chuyên gia, hoạt động đào tạo, nghiên cứu, thương mại và kinh doanh về thiết kế vi mạch cần được xác định bài toán ở quy mô toàn cầu, tiêu chuẩn quốc tế, hợp tác và cạnh tranh với các nước lớn thay vì chỉ gói gọn ở phạm vi trong nước.
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) từng chia sẻ bản thân thầy đã làm bán dẫn từ khi tốt nghiệp đại học nên có thể khẳng định các cơ sở giáo dục đào tạo đại học ở Việt Nam đáp ứng được nền tảng cơ bản trong công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng.
Giáo sư Trình cũng nhận định, cho đến nay, chưa có một quốc gia nào làm chủ hoàn toàn công nghệ chip (vi mạch bán dẫn), kể cả Mỹ, châu Âu. Vì vậy, không nên đặt ra việc sẽ có một ngành đào tạo về chip bao gồm tất cả các công đoạn liên quan. Phân khúc thị trường sẽ ảnh hưởng đến việc đào tạo các ngành phù hợp. Do đó, cần xem xét đến việc doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam ở phân khúc nào trong công nghệ bán dẫn để từ đó cơ sở giáo dục đào tạo nhân lực cụ thể.
Theo đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nếu Việt Nam hướng đến thiết kế vi mạch thì các lĩnh vực cần đầu tư thêm là Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật máy tính, Vật lý. Nếu hướng đến chế tạo chip phải có Vật lý, Tự động hóa, Điện tử… Còn nếu hướng tới đóng gói chip thì cần đầu tư vào Điện tử, Hóa, Tự động hóa…
Những lĩnh vực mà thầy Trình nêu ra đã và đang được đào tạo ở các ngành/chuyên ngành gần vi mạch bán dẫn, thu hút nhiều sinh viên những năm gần đây. Ví dụ như: Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật điện tử, Điện tử-Viễn thông, Công nghệ thông tin, Cơ Điện tử, Tự động hóa,… Đáng nói, năm 2023, điểm trúng tuyển các ngành/chuyên ngành này ở một số trường rất cao.
Nguồn ảnh: Đại học Huế cung cấp
Điểm trúng tuyển ngành/chuyên ngành về lĩnh vực kỹ thuật điện tử cao nhất là 26,46
Thống kê của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho thấy, năm 2023, các ngành đào tạo về lĩnh vực kỹ thuật điện tử (như Kỹ thuật điện tử, Điện tử – Viễn thông) của một số trường đại học top đầu có điểm trúng tuyển lên đến 26,46 điểm (theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023).
Trong đó, top 4 trường đại học có điểm trúng tuyển ngành đào tạo về kỹ thuật điện, điện tử cao nhất năm 2023 là Đại học Bách khoa Hà Nội (26,46 điểm, với các ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông, Điện tử – Viễn thông, Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ Nano; Kỹ thuật điện);
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (26,1 điểm, với các ngành Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ Kỹ thuật điện tử – viễn thông);
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (25,68 điểm, với các ngành Kỹ thuật Điện tử viễn thông; Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử);
Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (25,15 điểm, với các ngành Công nghệ Kỹ thuật điện tử – viễn thông).
Tiếp đó, một số trường đại học có điểm trúng tuyển các ngành đào tạo về kỹ thuật điện tử ở mức dao động từ 20 đến 24 điểm, gồm: Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Thuỷ lợi,…
Một số trường đại học có điểm trúng tuyển ngành này chỉ từ 15-16 điểm như: Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế),…
Điểm trúng tuyển ngành/chuyên ngành đào tạo về kỹ thuật điện năm 2023 của một số cơ sở giáo dục đại học. (Bảng: Ngọc Mai)
Năm 2023, ngành Kỹ thuật máy tính có điểm chuẩn cao nhất 28,29 điểm
Ngành Kỹ thuật máy tính tập trung vào cách xây dựng thiết bị, không chỉ thiên về lý thuyết tính toán mà cần kết hợp vật lý, kỹ thuật điện và khoa học máy tính. Ngoài ra, ngành còn có sự liên quan mật thiết đến vật lý và kỹ thuật. Học ngành Kỹ thuật máy tính, sinh viên có thể được trang bị kỹ năng về: Thiết kế vi mạch; thiết kế bộ vi xử lý; hiểu các hiện tượng vật lý thuộc về các thiết bị điện tử; tạo ra các thiết bị và hệ thống máy tính hiệu quả; thiết kế kiến trúc máy tính.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nếu như các ngành liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật điện tử được nhiều cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh thì ngành đào tạo về kỹ thuật máy tính có tương đối ít cơ sở giảng dạy.
Năm 2023, điểm trúng tuyển ngành Kỹ thuật máy tính cao nhất là Đại học Bách khoa Hà Nội với 28,29 điểm theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Một số trường đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính có điểm trúng tuyển cao gồm: Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (27,25 điểm); Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (26,15 điểm).
Điểm trúng tuyển ngành Kỹ thuật máy tính của một số cơ sở giáo dục đào tạo đại học năm 2023. (Bảng: Ngọc Mai)
Ngành đào tạo về liên quan đến động hóa có điểm trúng tuyển từ 15 đến 27,57 điểm
Lĩnh vực tự động hóa được đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học với ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa; Công nghệ Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa. Đây là ngành đào tạo chuyên sâu về thiết kế, vận hành, bảo dưỡng dây chuyền sản xuất tự động trong các nhà máy thông qua hệ thống máy móc, robot. Hiện nay, đa phần các trường đại học khối ngành kỹ thuật đều đào tạo ngành/chuyên ngành về Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.
Theo tìm hiểu, năm 2023, điểm trúng tuyển các ngành đào tạo liên quan đến tự động hóa cao nhất là 27,57 – Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tiếp đó là Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (27,1 điểm, với ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá); Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (26,3 điểm, với ngành Công nghệ Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá).
Một số trường có điểm trúng tuyển dao động từ 20 đến 25 điểm như: Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Thuỷ lợi;…
Ngoài ra, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định; Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì; Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh,… là những trường có điểm trúng tuyển ngành đào tạo về tự động hóa chỉ khoảng 15-16 điểm.
Điểm trúng tuyển năm 2023 của ngành đào tạo liên quan đến tự động hoá của một số trường đại học. (Bảng: Ngọc Mai)
Điểm trúng tuyển ngành đào tạo liên quan đến Hoá cao nhất là 25,8 điểm
Tuy nhiên, so với các ngành về lĩnh vực kỹ thuật điện tử, kỹ thuật máy tính, tự động hóa, điểm trúng tuyển ngành đào tạo về Hóa tương đối thấp hơn.
Hiện, có một số trường đào tạo ngành Kỹ thuật hóa học. Đây là lĩnh vực khoa học và công nghệ chuyên nghiên cứu, phát triển, ứng dụng những kiến thức hóa học vào quá trình sản xuất để biến đổi và tạo ra các sản phẩm có giá trị phục vụ công nghiệp và đời sống xã hội. Một số lĩnh vực sản xuất phổ biến liên quan đến ứng dụng kỹ thuật hóa học như: Công nghiệp điện hóa (pin, mạ điện, bảo vệ kim loại);…
Cử nhân/kỹ sư ngành Kỹ thuật hóa học có thể đảm nhiệm vai trò nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, vận hành, hướng dẫn, đánh giá, điều chỉnh và quản lý các quá trình sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp.
Năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có điểm trúng tuyển ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học (đại trà) là 25,8 điểm. Ngoài ra, ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học (chất lượng cao – Tiếng Việt) có điểm trúng tuyển là 24 điểm.
Còn lại, điểm trúng tuyển ngành đào tạo liên quan đến Hóa (như Kỹ thuật hoá học, Công nghệ Kỹ thuật Hoá học) phần lớn chỉ từ 19 đến 23 điểm.
Điểm trúng tuyển một số ngành/chuyên ngành đào tạo về Hóa năm 2023 của một số trường đại học. (Bảng: Ngọc Mai)
Liên quan đến đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch, ý kiến chuyên gia tại Hội thảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam diễn ra ngày 19/10/2023 cho rằng, việc đào tạo có thể tuyển mới, hoặc sinh viên học các ngành gần được chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn, vi mạch.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://nhandan.vn/soi-dong-thi-truong-nhan-su-ban-dan-post786538.html
[2] https://baochinhphu.vn/nhu-cau-nguon-nhan-luc-nganh-cong-nghiep-chip-ban-dan-tai-viet-nam-rat-lon-102231019092142747.htm