Chế tạo rô-bốt hình người: Cuộc đua của các quốc gia trong thế kỷ 21 – Báo Nghệ An

Thứ Sáu, 28/6/2024
Thế kỷ 21 đang chứng kiến sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) và rô-bốt, mở ra một kỷ nguyên mới trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, chế tạo rô-bốt hình người hứa hẹn mang đến những bước tiến vượt bậc trong khả năng tương tác và hỗ trợ con người.
Cuộc chạy đua vào không gian, một màn so tài hoành tráng giữa Mỹ và Liên Xô, là biểu tượng cho cuộc tìm kiếm sự thống trị khoa học và trận chiến giành quyền tối cao địa chính trị trong thế kỷ 20.
Nó gợi lên những hình ảnh huyền thoại về tên lửa xuyên lục địa xé bầu trời, những sinh vật được phóng lên quỹ đạo Trái đất và bước đi bộ lịch sử của nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong trên Mặt trăng.
Một sự cố xảy ra vào đầu tháng 3 vừa qua liên quan đến một rô-bốt hình người nam có tên là Muhammad do Vương quốc Ả Rập Xê-Út sản xuất đã có hành động không đẹp ngay tại buổi lễ ra mắt với một nữ phóng viên đang dẫn chương trình.
Theo đó, trong lúc nữ phóng viên của kênh truyền hình Al Arabiya đang quay lưng về phía rô-bốt Muhammad để hướng về phía máy quay, rô-bốt này đã bất ngờ đưa tay chạm vào vòng 3 của nữ phóng viên. Rô-bốt Muhammad sau đó nhanh chóng hạ cánh tay xuống như để che giấu hành động của mình.
Hành động bất ngờ của rô-bốt Muhammad đã khiến nữ phóng viên giật mình và quay trở lại để nhìn, nhưng cô vẫn giữ bình tĩnh để tiếp tục công việc của mình.
Nhưng sự cố này đã vô tình đẩy những nỗ lực chế tạo rô-bốt của Ả Rập Xê-Út trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế, nhấn mạnh việc các quốc gia trên thế giới đang chạy đua để đạt được những bước tiến mới trong việc phát triển rô-bốt hình người có chức năng.
Rô-bốt hình người được xem là biểu tượng trực quan của những đột phá trong lĩnh vực AI
Tại Ý, Viện Công nghệ Ý (Istituto Italiano di Tecnologia) đang nghiên cứu iCub, một rô-bốt hình người phục vụ nghiên cứu.
Giám đốc khoa học của Viện Công nghệ Ý, ông Giorgio Metta cho biết, mục tiêu chính của họ mang tính tri thức, nhằm điều tra xem liệu học máy và AI có cần đến một thân thể vật lý để phát triển sự hiểu biết toàn diện về thế giới hay không.
Tuy nhiên, ông Metta cũng thừa nhận sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt nhằm phô diễn sức mạnh đổi mới, đặc biệt là khi giá trị kinh tế của AI ngày càng tăng.
Ông cho rằng, rô-bốt hình người đặc biệt hiệu quả trong việc thể hiện tiến bộ vì chúng cung cấp một hình ảnh trực quan và dễ hiểu về những bước tiến trong công nghệ.
“Rất dễ để chứng minh công nghệ của bạn tốt vì mọi người có thể nhìn thấy nó, và không cần giải thích nhiều. Nếu bạn cho máy tính chạy một chương trình, bạn sẽ nhận được câu trả lời, cho dù nó có ấn tượng đến đâu thì nó cũng không trực quan bằng một rô-bốt”, ông Giorgio Metta giải thích.
Mặc dù phần lớn công việc nghiên cứu của họ mang tính hợp tác, đặc biệt là với các đối tác khác trong Liên minh Châu Âu, Metta cho biết ông đã được khuyến cáo thận trọng khi hợp tác với một đối thủ lớn trên toàn cầu về rô-bốt hình người đó là Trung Quốc.
Ông nói thêm rằng thật đáng tiếc khi các nhà khoa học bị yêu cầu cân nhắc đến những nhạy cảm của tình hình địa chính trị trong quá trình nghiên cứu của họ.
Trung Quốc đang muốn đi đầu trong lĩnh vực rô-bốt hình người
Khi nói đến rô-bốt hình người, Trung Quốc đang chạy đua giành vị trí dẫn đầu, vì vậy không có gì lạ khi các quốc gia khác bắt đầu lo lắng.
Theo tài liệu được Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc công bố vào tháng 10 năm ngoái cho biết, nước này đang có kế hoạch sản xuất hàng loạt rô-bốt hình người tiên tiến vào năm 2025.
Công ty khởi nghiệp Fourier Intelligence, chuyên phát triển và sản xuất rô-bốt hình người có trụ sở chính tại Thượng Hải cho biết, họ dự kiến sẽ cho ra đời khoảng 1.000 rô-bốt hình người để phục vụ việc giao hàng trong năm nay.
Giám đốc điều hành của Fourier Intelligence, ông Zen Koh nói: “Trung Quốc là một đối thủ đáng gờm trong cuộc đua thiết lập vị thế thống trị với tư cách là lực lượng thị trường hàng đầu về rô-bốt hình người”.
Ông Koh giải thích rằng, nhiều yếu tố đã góp phần vào sự nổi bật của Trung Quốc, bao gồm khoản đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và phát triển, cụ thể là trong lĩnh vực AI và rô-bốt, điều này theo ông đã mang lại cho Trung Quốc một lợi thế.
Ông Koh cho rằng: “Thị trường rộng lớn mang đến cơ hội vô song để thử nghiệm, cải tiến và mở rộng việc sử dụng rô-bốt hình người. Điều này có thể tạo điều kiện cho việc cập nhật và cải tiến nhanh chóng, thường xuyên, mang lại cho các công ty Trung Quốc lợi thế cạnh tranh”.
Mỹ cũng muốn thống trị trong lĩnh vực này
Để cạnh tranh với tham vọng của Trung Quốc, công ty khởi nghiệp Agility Robotics của Mỹ chuyên phát triển và sản xuất rô-bốt hình người cho biết, họ sẽ sản xuất hàng trăm rô-bốt Digit của mình vào năm 2025. Công ty đang xây dựng một nhà máy ở tiểu bang Oregon dự kiến sẽ khai trương vào cuối năm nay.
Giám đốc điều hành của Agility Robotics, bà Peggy Johnson cho biết: “Chúng tôi sẽ đạt được sản lượng hàng trăm rô-bốt hình người vào năm 2025 và sau đó sẽ tăng năng suất lên hàng nghìn con rô-bốt hình người trong những năm tiếp theo”.
Bà Peggy Johnson cho rằng, công ty của bà có vị thế tốt để thu hút khách hàng và tăng tốc sản xuất, đồng thời hoan nghênh sự cạnh tranh. Hiện nay, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đang thử nghiệm rô-bốt của Agility Robotics trong các nhà kho để giúp tự động hóa một số chức năng.
Bên cạnh công ty khởi nghiệp Agility Robotics thì một số đối thủ chủ chốt khác ở Mỹ cũng đang phô diễn sức mạnh của mình trong cuộc đua sản xuất rô-bốt hình người.
Chẳng hạn như Figure AI, công ty trị giá 2,6 tỷ USD, gần đây đã ký thỏa thuận với công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo OpenAI để phát triển các mô hình AI thế hệ tiếp theo cho rô-bốt của mình. Công ty này cũng đã ký một thỏa thuận với nhà sản xuất ô tô BMW để thử nghiệm rô-bốt của họ trong quy trình sản xuất.
Trong khi đó, công ty Apptronik có trụ sở tại bang Texas cũng đã ký kết quan hệ đối tác với nhà sản xuất ô tô Mercedes để thử nghiệm xem rô-bốt Apollo của họ có thể hỗ trợ dây chuyền lắp ráp sản xuất như thế nào.
Tesla, công ty chuyên về ô tô điện của tỷ phú Elon Musk cũng có tham vọng riêng về rô-bốt hình người và đã tuyên bố muốn bắt đầu bán rô-bốt hình người Optimus vào năm 2027.
Mức độ quan trọng của công nghệ cao trong bối cảnh địa chính trị hiện tại
Việc phát triển và sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là rô-bốt hình người và AI, được xem là yếu tố then chốt trong việc xác định quyền lực và an ninh quốc gia của các quốc gia. Do đó, các cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực này được coi là vô cùng quan trọng và có tác động to lớn đối với các quốc gia tham gia.
Trong bối cảnh địa chính trị hiện tại, Julian Mueller-Kaler, Giám đốc Trung tâm dự báo chiến lược thuộc Trung tâm nghiên cứu phi lợi nhuận Stimson (Mỹ) cho biết, các công nghệ cao như rô-bốt hình người và AI đại diện cho đỉnh cao của phát triển công nghệ và đóng vai trò là biểu tượng của sức mạnh.
Ông Julian Mueller-Kaler cho biết, Mỹ đang xác định an ninh quốc gia thông qua lăng kính của sự thống trị, không chỉ về mặt quân sự và chính trị, mà còn về kinh tế và công nghệ.
Mỹ đang đầu tư chiến lược vào các công nghệ tiên tiến này như một phần trong nỗ lực giành ưu thế, đồng thời sử dụng các biện pháp khác để ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Trong vài năm qua, Mỹ đã thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc để hạn chế khả năng công nghệ cao của nước này.
Tuy nhiên, ông Julian Mueller-Kaler cho rằng, Trung Quốc đã vượt qua thách thức này. Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã thúc đẩy mạnh mẽ ngành sản xuất chíp bán dẫn của Trung Quốc, với phần lớn các công ty chíp phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay là của Trung Quốc.
Rô-bốt hình người là đỉnh cao của một “chu kỳ cường điệu” mới
Tháng 8 năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố thành lập quỹ trị giá 1,39 tỷ USD để phát triển rô-bốt hình người. Vào thời điểm đó, thủ đô Bắc Kinh đã là nơi đặt trụ sở của 100 doanh nghiệp nghiên cứu và sản xuất rô-bốt.
Tuy nhiên, Li Boyang, Chủ tịch của EX Robots, một công ty rô-bốt hình người có trụ sở tại tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức trong việc đưa rô-bốt ra khỏi phòng thí nghiệm và hướng tới sản xuất hàng loạt.
Đồng tình với nhận định của ông Li Boyang, đại diện của công ty chuyên nghiên cứu và sản xuất rô-bốt Boston Dynamics (Mỹ) cũng cho rằng, việc triển khai rô-bốt hình người trên quy mô lớn là một thách thức cực kỳ lớn.
Mặc dù tồn tại những trở ngại đối với việc áp dụng rộng rãi công nghệ này, nhưng những lợi ích tiềm năng là rất lớn. Giám đốc điều hành của công ty chuyên thiết kế, chế tạo rô-bốt hình người Engineered Arts (Vương quốc Anh), ông Will Jackson cho biết, việc sản xuất hàng loạt rô-bốt hình người có thể gia tăng sức mạnh của một quốc gia bằng cách tăng lực lượng lao động và dân số.
“Nếu bạn có thể sản xuất ra hàng loạt rô-bốt hình người, tức là bạn đã tạo ra những công dân kỹ thuật số. Họ không phàn nàn, đình công và không yêu cầu quyền lợi của người lao động”, ông Will Jackson cho biết thêm.
Tuy nhiên, ông Jackson cũng cảnh báo rằng, chúng ta đang ở đỉnh cao của “chu kỳ cường điệu” (hype cycle), với rất nhiều lời bàn tán về những gì công nghệ này có thể làm được. Theo công ty nghiên cứu và tư vấn Gartner, chu kỳ cường điệu là một mô hình đồ họa nhằm mô tả vòng đời của các công nghệ mới nổi. Nó thể hiện mức độ thu hút và sự áp dụng của các công nghệ này theo thời gian.
Ngành công nghiệp rô-bốt hình người dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi Dự án GR00T mới được công bố bởi công ty công nghệ đa quốc gia Nvidia (Mỹ). Theo đó, Dự án GR00T là một nền tảng phần mềm do Nvidia phát triển, được thiết kế để thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng của rô-bốt hình người. Mục tiêu của dự án là tạo ra một nền tảng chung cho phép các nhà phát triển rô-bốt dễ dàng tạo ra rô-bốt hình người có thể học hỏi, thích nghi và di chuyển trong thế giới thực một cách linh hoạt.
Như vậy, việc chế tạo rô-bốt hình người không chỉ là một thách thức về mặt kỹ thuật mà còn là cuộc đua khốc liệt giữa các quốc gia nhằm giành lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức đang đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển rô-bốt hình người, với mục tiêu tạo ra những cỗ máy tiên tiến nhất, thông minh nhất và có khả năng ứng dụng rộng rãi nhất.
Cuộc đua này không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ và giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội. Rô-bốt hình người có tiềm năng to lớn trong việc hỗ trợ người già, người khuyết tật, và những người làm việc trong môi trường nguy hiểm. Chúng cũng có thể được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp và tẻ nhạt, giải phóng sức lao động cho con người để tập trung vào những công việc sáng tạo và có giá trị hơn.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Nghệ An
Tổng biên tập: Ngô Đức Kiên
Giấy phép hoạt động báo điện tử số: 153/GP-BTTTT
Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 24-03-2022
Báo Nghệ An điện tử
Địa chỉ: Số 378 Đại lộ Lê Nin, Thành phố Vinh
Điện thoại: 0889662525; Fax:(023)83.847898
Liên hệ quảng cáo
Mọi hình thức sao chép lại thông tin, hình ảnh phải được sự đồng ý bằng văn bản.
© Bản quyền thuộc về Báo Nghệ An.

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *