Châu Á chạy đua đào tạo nhân lực ngành bán dẫn – Giáo dục Thủ đô

Đài Loan (Trung Quốc) dẫn đầu châu Á trong lĩnh vực đào tạo nhân lực ngành bán dẫn nhưng các quốc gia khác đang nỗ lực cải thiện chất lượng.
Trong tương lai, các trường đại học châu Á sẽ tập trung cao độ cho lĩnh vực này.
Một trong những cản trở lớn nhất cho sự phát triển của chất bán dẫn là tình trạng thiếu nhân tài. Theo khảo sát của Deloitte, ước tính Mỹ thiếu ít nhất 70 nghìn công nhân bán dẫn trong khi Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đều thiếu hơn 30 nghìn người.
Theo các chuyên gia, cả thế giới đang thiếu hụt chất bán dẫn nhưng các trường đại học có thể đào tạo nhân tài để giải quyết bài toán đó.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), nơi sản xuất hơn 60% chất bán dẫn của thế giới, chính phủ đã và đang tăng cường chuẩn bị nguồn nhân tài trong tương lai. Từ năm 2021, các trường đại học hàng đầu đã hợp tác thành lập 13 học viện đào tạo chất bán dẫn mới. Các trường sẽ mở quanh năm, không nghỉ lễ, nhằm nhanh chóng đào tạo nhân tài.
Thành công của Đài Loan trong việc sản xuất chất bán dẫn một phần nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ của ngành công nghiệp, giới học thuật và chính quyền. Ông John Lee, Giám đốc công ty tư vấn East-West Futures, cho rằng đây là điều mà không phải quốc gia nào trong khu vực cũng làm được.
Lấy ví dụ, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về chất bán dẫn và thiết kế chip nhờ các tập đoàn như Samsung Electronics và SK Hynix. Nhưng nước này bị đánh giá là tụt hậu trong cuộc đua chip vì thiếu đầu tư của chính phủ ở cấp đại học.
Ông Sung Jae Kim, Giáo sư Kỹ thuật điện và Máy tính tại Đại học Quốc gia Seoul, nhìn nhận: “Từ khi các công ty tư nhân như Samsung Electronics dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2010, kinh phí nghiên cứu của chính phủ cho chất bán dẫn ở các trường đại học bắt đầu giảm đáng kể. Ban đầu điều này không gây ra vấn đề gì lớn nhưng sau khoảng 10 năm, tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng đã xuất hiện”.
Hiện nay, chính phủ Hàn Quốc đang tập trung đầu tư cho giáo dục bán dẫn nhưng nước này vẫn đối mặt với tình trạng thiếu nhân tài trầm trọng.
Tuy nhiên, dù Đài Loan hay Hàn Quốc cũng đối mặt với tình trạng tuyển sinh khó khăn do dân số trẻ thấp và cần sinh viên quốc tế. Đơn cử, Đài Loan trao học bổng lớn cho sinh viên các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Malaysia… Hàn Quốc có kế hoạch tăng cường thu hút sinh viên quốc tế đến năm 2030.
Nhưng nguồn lực từ sinh viên quốc tế là không chắc chắn. Chưa kể các quốc gia gửi sinh viên quốc tế đến Đài Loan hay Hàn Quốc sẽ bị phụ thuộc việc đào tạo chất bán dẫn vào những nơi này.
Vì vậy, các chuyên gia thống nhất rằng việc thiếu đầu tư cho lĩnh vực giáo dục bán dẫn là trở ngại mà các quốc gia châu Á cần khắc phục. Dự kiến trong tương lai, các quốc gia châu Á sẽ tăng cường đầu tư cho lĩnh vực đào tạo chất bán dẫn và chạy đua để dẫn đầu.
Bên cạnh đó, các công ty sản xuất chất bán dẫn tại Đài Loan hợp tác với các trường đại học để đào tạo và tuyển dụng nhân tài. Jiun-haw Lee, Giáo sư Kỹ thuật Điện tại Đại học Quốc gia Đài Loan, cho biết: “Ngành công nghiệp Đài Loan có nhu cầu rất lớn nên hấp dẫn sinh viên trong khu vực”.

Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
CHUYÊN TRANG GIÁO DỤC THỦ ĐÔ – BÁO GIÁO DỤC VÀ THỜI ĐẠI
Cơ quan chủ quản: BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO.
Giấy phép mở chuyên trang báo điện tử số 56/GP-CBC do Cục Báo chí – Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 24/6/2021
Tổng Biên tập: Triệu Ngọc Lâm.
Phó Tổng Biên tập: Dương Thanh Hương – Nguyễn Đức Tuân
Liên hệ nội dung: 0836898669
Tòa soạn: 15 Hai Bà Trưng – Q.Hoàn Kiếm – Hà Nội.
Email: [email protected]
® Ghi rõ nguồn “Báo Giáo dục & Thời đại” khi phát hành lại thông tin từ website.

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *