Cần quản trị và xây dựng khung pháp lý cho AI ngành tài chính – ngân hàng – tinnhanhchungkhoan

Ứng dụng nền tảng công nghệ AI là một trong những công nghệ mang tính đột phá nhất trong ngành ngân hàng và dịch vụ tài chính
Tác giả Đỗ Danh Thanh / Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn chuyển đổi số và an ninh mạng, Deloitte Việt Nam
Lợi ích khi ứng dụng AI
Việc ứng dụng AI và các công nghệ mới khác đã không còn xa lạ trong ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng toàn cầu, trong khu vực và tại Việt Nam. Thực tế, các thuật toán và công nghệ máy học, xử lý ngôn ngữ tự nhiên đã và đang được áp dụng rộng rãi nhằm cải tiến năng lực giao dịch tự động, quản trị rủi ro, cũng như nghiên cứu đầu tư.
Ứng dụng nền tảng công nghệ AI được Deloitte đánh giá là một trong những công nghệ mang tính đột phá nhất trong ngành ngân hàng và dịch vụ tài chính. Nghiên cứu đưa ra dự đoán rằng, thông qua ứng dụng AI, Top 14 các ngân hàng đầu tư trên toàn cầu có thể cải thiện hiệu suất của đội ngũ kinh doanh từ 27 – 35%, doanh thu trên một nhân viên có thể tăng thêm đến 3,5 triệu USD vào năm 2026.
Tại thị trường Việt Nam, nhiều năm qua, các ngân hàng và doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ tài chính đã đầu tư nhiều nguồn lực vào chuyển đổi hạ tầng, nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới mang tính đột phá, tăng cường ứng dụng AI trong nghiệp vụ. Trong đó, các nghiệp vụ thường thấy được ứng dụng AI bao gồm phân tích dữ liệu, hỗ trợ khách hàng, phát hiện gian lận, tối ưu hóa chi phí và quản trị rủi ro, tư vấn đầu tư.
Ba thách thức lớn
Bên cạnh các lợi ích, việc ứng dụng AI cũng có thể gây ra những rủi ro và thách thức mới, không chỉ giới hạn trong ngành dịch vụ ngân hàng.
Bên cạnh các lợi ích, việc ứng dụng AI cũng có thể gây ra những rủi ro và thách thức mới, không chỉ giới hạn trong ngành dịch vụ ngân hàng.
Theo nghiên cứu và khảo sát của Deloitte về ứng dụng AI trong ngành dịch vụ tài chính và ngân hàng, 40% doanh nghiệp đang trong giai đoạn tìm hiểu liệu AI có thể nâng cao năng lực nào trong tổ chức, 11% chưa bắt đầu, 32% đang phát triển và triển khai công nghệ AI một cách tích cực. Những con số khiêm tốn này có thể lý giải được khi xem xét đến những thách thức của việc ứng dụng công nghệ AI trong ngành dịch vụ tài chính theo nghiên cứu của Deloitte.
Thách thức thứ nhất là việc đảm bảo tính sẵn sàng và chất lượng của dữ liệu. Một khác biệt cơ bản giữa công nghệ AI và các giải pháp công nghệ truyền thống khác là ứng dụng AI cho phép giải pháp có thể tự động phân tích dữ liệu, xác định xu hướng, hành vi và từ đó đưa ra quyết định dựa trên những phân tích này. Bên cạnh đó, các ứng dụng AI được lập trình để học từ những dữ liệu đầu vào, đồng nghĩa với việc những quyết định đưa ra phụ thuộc lớn vào chất lượng cũng như tính sẵn sàng, sẵn có của dữ liệu.
Thách thức thứ hai thuộc phạm trù tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và tuân thủ. Các ứng dụng AI có thể học và phát triển theo thời gian, với nhiều cơ chế ra quyết định có xu hướng khó kiểm soát về khả năng kiểm toán và trách nhiệm giải trình. Đối với các ứng dụng AI phức tạp như ứng dụng công nghệ học sâu, các doanh nghiệp ngành dịch vụ tài chính có thể sẽ gặp khó khăn để duy trì và ghi dấu lại một mức độ hiểu biết và kiểm soát những quyết định dựa trên AI, bao gồm tính hợp lý, công bằng trong phạm vi giá trị và khẩu vị rủi ro của tổ chức.
Thách thức thứ ba là việc hiểu và làm chủ công nghệ. AI là một công nghệ mới, phức tạp và phát triển nhanh, nếu năng lực công nghệ của tổ chức chưa thể đáp ứng thì sẽ rất khó để kiểm soát, thậm chí mang lại rủi ro tiềm tàng. Dịch vụ tài chính là một ngành được quản lý chặt chẽ, bao gồm nhiều ngành nghề, sản phẩm kinh doanh đa dạng và phức tạp, yêu cầu các công ty phải luôn áp dụng mức độ thận trọng phù hợp khi tiến hành hoạt động kinh doanh.
Các nguyên tắc triển khai
Theo Deloitte, các doanh nghiệp ngành dịch vụ tài chính nên cân nhắc những nguyên tắc sau trong quá trình thiết lập khuôn khổ ứng dụng AI.
Một là, thiết lập khuôn khổ quản trị toàn diện, các chính sách và thủ tục tương ứng để đảm bảo trách nhiệm giải trình của các ứng dụng AI.
Hai là, xác định tầm nhìn và chiến lược AI dài hạn. Nắm bắt các trường hợp sử dụng AI trên toàn tổ chức thông qua việc đánh giá tác động, tính khả thi và phân tích khoảng cách.
Ba là, phát triển giải pháp AI phù hợp và phù hợp với các nguyên tắc AI thông qua các đánh giá.
Bốn là, triển khai các ứng dụng AI vào bối cảnh hệ thống và đảm bảo an toàn công nghệ thông tin. Đánh giá và xác nhận nếu các luồng dữ liệu và thuật toán hoạt động như mong đợi thông qua giám sát và đánh giá liên tục.
Các nguyên tắc vận hành AI yêu cầu các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về chất lượng dữ liệu nhằm đảm bảo sản phẩm đầu ra của ứng dụng AI. Để tuân thủ các yêu cầu về chất lượng dữ liệu này, doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư, đặc biệt chú trọng tới công tác đảm bảo chất lượng và tính sẵn sàng của dữ liệu, thường xuyên đánh giá chất lượng dữ liệu trên các yếu tố như tính đầy đủ, chuẩn hóa, ổn định, chính xác và kịp thời, hạn chế cơ chế cho phép nhập liệu nhiều lần tại một nguồn dữ liệu.
Định hướng công tác quản trị và xây dựng khung pháp lý
Dựa trên kinh nghiệm triển khai nhiều dự án chuyển đổi công nghệ thông tin quy mô lớn trên thế giới, Deloitte đã xây dựng và đưa ra khung quản trị ứng dụng AI với 6 nguyên tắc cơ bản, nhằm góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp định hướng công tác quản trị công nghệ AI, đồng thời cơ quan quản lý có thể tham khảo trong quá trình định hướng và xây dựng hành lang pháp lý ứng dụng AI.
Một là, tính công bằng. Các giải pháp ứng dụng AI nên được định kỳ thẩm định nội bộ và độc lập, đảm bảo tính công bằng của ứng dụng đối với người sử dụng.
Hai là, minh bạch. Người dùng có thể hiểu rõ dữ liệu của họ đang được sử dụng như thế nào và cách hệ thống AI đưa ra quyết định; các thuật toán, thuộc tính và mối tương quan được công khai.
Ba là, có thể giải trình. Các chính sách được đưa ra để xác định rõ người chịu trách nhiệm đối với kết quả đầu ra của các quyết định từ các giải pháp ứng dụng AI.
Bốn là, sự đột phá và đáng tin cậy. Hệ thống AI có khả năng học hỏi từ con người cũng như các hệ thống khác và tạo ra các kết quả đầu ra nhất quán, đáng tin cậy.
Năm là, riêng tư. Quyền riêng tư của người tiêu dùng được tôn trọng và dữ liệu khách hàng không được sử dụng ngoài mục đích đã nêu; người tiêu dùng có thể chọn có hoặc không chia sẻ dữ liệu của mình.
Sáu là, an toàn và bảo mật. Các giải pháp ứng dụng AI cần được bảo vệ khỏi các rủi ro (bao gồm cả rủi ro trên không gian mạng) có thể gây ra tác hại về cơ sở hạ tầng.
Về quản lý vĩ mô, việc thiết lập một khung pháp lý khuyến khích sự đổi mới trong khi vẫn đảm bảo an toàn khi ứng dụng đóng vai trò rất quan trọng. Cơ quan quản lý cần ban hành các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức, yêu cầu về minh bạch và trách nhiệm giải trình của việc ứng dụng công nghệ AI; tăng cường giám sát việc tuân thủ quyền riêng tư dữ liệu và các quy định về an ninh mạng; đưa ra các chiến lược giảm thiểu thiên vị và hợp tác liên ngành nhằm đảm bảo sự công bằng và giảm thiểu hậu quả không mong muốn; giám sát và đánh giá thường xuyên hiệu suất của các giải pháp ứng dụng AI nhằm xác định các rủi ro mới nổi.
Ngoài ra, để giải quyết nhu cầu phát triển ngày càng tăng về nền tảng công nghệ AI, cơ quan quản lý nên có các chính sách ưu đãi cần thiết về đầu tư, nghiên cứu và phát triển, khuyến khích các chương trình giáo dục, đào tạo phát triển kỹ năng nguồn nhân lực đảm bảo công tác làm chủ công nghệ.
in bài viết
Tổng Biên tập: Lê Trọng Minh
Uỷ viên Ban Biên tập – Thư ký Toà soạn: Đặng Tuấn Khánh
© Bản quyền thuộc Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Giấy phép số 541/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 23 tháng 8 năm 2021
Giấy phép chuyên trang số 68/GP-CBC do Cục Báo chí cấp ngày 1 tháng 9 năm 2021
Powered by ePi Technologies

® Ghi rõ nguồn “Tinnhanhchungkhoan.vn” khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *