Các Hãng Chip AI Trung Quốc 'Điều Chỉnh' Thiết Kế Để Né Lệnh Trừng Phạt Của Hoa Kỳ – Việt Báo Daily Online
SINGAPORE – Hôm thứ Tư (5/6), một số hãng chip AI của TQ hiện đang thiết kế các con chip ít phức tạp hơn để duy trì khả năng hợp tác sản xuất với Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) trước các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, theo Reuters.
Nhằm kềm chế những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo (AI) và siêu máy tính (supercomputer) của quân đội TQ, Washington đã áp đặt một loạt biện pháp kiểm soát xuất cảng đối với các con chip có thiết kế tinh vi và phức tạp từ các công ty như Nvidia và các thiết bị sản xuất chip. Các biện pháp cũng hạn chế TSMC – công ty sử dụng các thiết bị sản xuất chip của Hoa Kỳ – cùng với các nhà sản xuất chip ở nước ngoài khác nhận đơn đặt hàng để sản xuất các con chip tiên tiến.
Các biện pháp kiểm soát xuất cảng này, được tăng cường gần đây nhất là vào tháng 10 năm ngoái, đã cho thấy năng lực tự sản xuất chip tiên tiến của TQ bị hạn chế như thế nào, và mức độ phụ thuộc của các công ty thiết kế chip AI TQ vào TSMC – công ty gia công chip hàng đầu thế giới.
Theo các nguồn tin, hai công ty chip AI nổi tiếng của TQ là MetaX và Enflame đã gửi các thiết kế chip được đơn giản hóa (downgraded) cho TSMC vào cuối năm 2023 để tuân thủ các quy định của Hoa Kỳ. Trước đây, cả hai công ty đã quảng bá rằng chip của họ có thể sánh ngang với các sản phẩm GPU của Nvidia.
MetaX, được thành lập vào năm 2020 và có trụ sở tại Thượng Hải, đã phát triển một sản phẩm có tên là C280, là phiên bản đã được đơn giản hóa. Đồng thời, họ cũng tuyên bố dòng sản phẩm GPU cao cấp nhất, C500, đã ‘cháy hàng’ tại TQ vào đầu năm nay.
Enflame, cũng có trụ sở tại Thượng Hải và được thành lập vào năm 2018, được hậu thuẫn từ Tencent và đã huy động được 2.7 tỷ MK vào năm ngoái.
TSMC từ chối đưa ra bình luận về khách hàng, chỉ nói rằng họ luôn đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động của mình.
Cả MetaX và Enflame đều được TQ gọi là “little giants” (những gã khổng lồ nhỏ) – ám chỉ những công ty non trẻ có tiềm năng trong các lĩnh vực quan trọng, được chính quyền TQ lựa chọn để hỗ trợ.
Tháng trước, MetaX đã nhận được tài trợ của chính phủ cho một dự án phát triển chip đào tạo AI cấp cao được sản xuất nội địa, và tham gia vào nhiều dự án R&D ở TQ. Enflame thì chuyên cung cấp chip cho các công ty của nhà nước, và đã hợp tác với một số chính quyền địa phương trong nhiều dự án khác nhau.
Ngoài Huawei, TQ còn có khoảng 50 công ty startups về chip AI đang tìm cách cạnh tranh với Nvidia, theo ước tính của CEO Nvidia Jensen Huang vào tháng 12. Tuy nhiên, một số công ty đã bị Hoa Kỳ áp đặt trực tiếp các hạn chế xuất cảng, và không thể tìm kiếm các xưởng đúc ở nước ngoài, khiến họ rơi vào tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan.’ Và những khó khăn đối với các công ty này có thể là thuận lợi cho Huawei, công ty đang cạnh tranh với Nvidia tại thị trường TQ.
Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và TQ trong lĩnh vực công nghệ đã leo thang từ năm 2018. Để đối phó với các hạn chế và trừng phạt từ Hoa Kỳ, TQ đã tăng cường nỗ lực để phát triển khả năng tự cung tự cấp trong ngành sản xuất chip, bơm rất nhiều tiền để phát triển công nghệ và cơ sở hạ tầng cần thiết.
Tháng trước, Bắc Kinh đã công bố đợt tài trợ thứ ba của Quỹ Đầu Tư Vi Mạch Tích Hợp (Integrated Circuit Industry Investment Fund, ICIIF) với số tiền 48 tỷ MK. Từ khi được thành lập vào năm 2014, tổng số tiền mà ICIIF đã cung cấp cho ngành công nghiệp chip TQ đã lên hơn 100 tỷ MK.
Ngành này cũng được hưởng lợi từ các quỹ riêng của chính quyền địa phương và một loạt các khoản trợ cấp, bao gồm giảm thuế và cho vay lãi suất thấp.
Tuy nhiên, dù TQ hiện có khoảng 44 xưởng đúc chip, chỉ duy nhất Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) là có khả năng sản xuất hàng loạt các sản phẩm GPU tiên tiến. Trước đây, SMIC đã dành toàn bộ năng lực sản xuất để phục vụ Huawei, nhưng cho đến gần đây, hãng này đã đồng ý ‘nhín bớt’ một phần để dành cho các công ty chip AI của TQ bị dính lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Một trong những công ty này là Cambricon, được chính quyền TQ hậu thuẫn, và đang gặp khó khăn kể từ khi bị Hoa Kỳ trừng phạt từ cuối năm 2022.
Đáp lại các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, TQ đã cáo buộc Washington đang cố tình lợi dụng khái niệm an ninh quốc gia một cách bừa bãi và quyền lực của mình để đàn áp các công ty TQ.