Bốn động cơ đẩy ngành chip bán dẫn Đài Loan cất cánh – VnExpress

Cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa các đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và chính quyền trong nhiều chục năm qua đưa ngành bán dẫn Đài Loan lên hàng đầu thế giới.
Đài Loan hiện cung cấp hơn một nửa số chip bán dẫn cho toàn cầu. Với các chất bán dẫn tiên tiến nhất, Đài Loan chiếm 92% sản lượng, theo thống kê của Boston Consulting.
Bà Lee Shu-Mei, Giám đốc Đầu tư của Công viên khoa học Tân Trúc – nơi được ví như thung lũng Silicon của Đài Loan, cho biết mô hình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có đào tạo nhân lực, dựa trên 4 trục: chính quyền, công ty, trường đại học, các viện nghiên cứu và phát triển (R&D). Bốn thành tố này hỗ trợ, nâng đỡ và giải quyết các vấn đề của nhau.
Doanh nghiệp đặt hàng viện nghiên cứu, trường đại học tìm kiếm các giải pháp trong sản xuất, tuyển dụng sinh viên từ các trường. Viện nghiên cứu cung cấp các khóa học nâng cao, đào tạo tay nghề cho lao động tại doanh nghiệp. Các trường đại học gửi sinh viên đến thực tập tại hai nơi này. Chính quyền đứng ở giữa, đóng vai trò kết nối, điều phối, đưa ra chiến lược phát triển tổng thể và cung cấp ngân sách.
Đến năm 2023, gần 400.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến lĩnh vực bán dẫn, được tiếp cận và hưởng lợi từ mô hình này.
Đại diện Công viên khoa học Tân Trúc chia sẻ mô hình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan. Ảnh: Lệ Nguyễn
Tiên sĩ Max K-W. Liu, Hiệu trưởng Đại học Minh Tân, nhìn nhận mô hình đào tạo nhân lực kết hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và chính quyền rất hiệu quả.
Theo ông, đào tạo nhân lực bán dẫn đòi hỏi phòng thực hành với máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại. Mỗi chiếc máy trị giá ít nhất một triệu USD, chưa kể chi phí cho các phần mềm thiết kế. Chi phí cho phòng thực hành cực kỳ tốn kém, đòi hỏi được đầu tư trong thời gian dài, liên tục nên cơ sở đào tạo cần có sự hỗ trợ của doanh nghiệp và chính quyền.
Đại học Minh Tân sắp đưa vào hoạt động khu thực hành đầy đủ 4 bước trong ngành sản xuất chip bán dẫn, từ thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, trị giá 15 triệu USD. Trong đó, 60% tài trợ từ chính quyền, 40% còn lại đến từ doanh nghiệp và trường.
Đại học công lập Giao thông Dương Minh cũng hưởng lợi từ mô hình này. Theo TS Yuan-Chieh Tseng, Phó viện trưởng Viện Khoa học chất bán dẫn quốc tế, hàng năm trường nhận được nhiều dự án và kinh phí nghiên cứu từ Công viên khoa học Tân Trúc hoặc các doanh nghiệp trong khu vực.
Hàng loạt đại học Việt Nam mở ngành vi mạch
Ông Yuan cho rằng vì thế doanh nghiệp sẽ tuyển được lao động tốt, không tốn thời gian đào tạo lại bởi sinh viên đã được thực hành qua công việc thực tế, dưới sự hướng dẫn của nhà tuyển dụng. Trong khi đó, phía trường có thêm kinh phí hoạt động, đầu tư ngược lại cho người học, cơ sở vật chất. Ông cho biết trường đã nhận kinh phí tài trợ lên tới ba triệu USD chỉ riêng từ tập đoàn sản xuất chip TSMC trong năm 2022. Tập đoàn này hiện cung cấp hơn 90% dòng chip cao cấp trên thế giới và sở hữu những dây chuyền sản xuất tiên tiến.
Các chuyên gia cho biết trong bối cảnh khát nhân lực chất lượng cao, các doanh nghiệp sản xuất chip đều tăng cường hợp tác với trường đại học.
Phòng thực hành sản xuất chip bán dẫn của Đại học Quốc lập Đài Loan. Ảnh: Lệ Nguyễn
Thứ tư, là sự hỗ trợ của chính quyền. TS Yuan-Chieh Tseng nói cách đây 40 năm, Đài Loan chưa có ngành công nghiệp công nghệ cao, chỉ gia công là chính. Với sự đầu tư mạnh mẽ của chính quyền cho các công ty công nghệ, qua một thời gian dài, Đài Loan mới có thành quả như hôm nay.
Ông kể câu chuyện vào năm 1962, Đại học Giao thông Dương Minh là trường đầu tiên ở Đài Loan mua chiếc máy tính IBM của Mỹ, khởi đầu cho ngành điện tử của trường. Nhà trường còn phải dùng bò kéo xe, chở máy tính từ cảng biển về.
Chiếc xe bò chở máy tính IBM về Đại học Giao thông Dương Minh, năm 1962. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Thị trường bán dẫn toàn cầu được dự đoán lên đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030. GS.TS Trần Hòa Hiền, Tham tán Giáo dục, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP HCM, cho hay nhiều nơi muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Những năm qua, Ấn Độ gửi nhiều sinh viên đến Đài Loan để học kỹ thuật sản xuất chip bán dẫn, hiện khoảng 1.500 người. Giáo sư Trần đề xuất Việt Nam hợp tác đào tạo nhân lực ngành bán dẫn với Đài Loan, đưa sinh viên sang học tập để nắm bắt kỹ thuật cốt lõi.
“Học sinh Việt Nam có nền tảng các môn khoa học tự nhiên tốt, chăm chỉ, cầu tiến. Nếu có chiến lược đầu tư đồng bộ và quyết tâm lớn, tôi tin Việt Nam cũng có thể phát triển ngành bán dẫn”, ông Yuan nói thêm.
Lệ Nguyễn

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *