Báo chí AI: Hướng đi mới để phát triển kinh tế báo chí Việt Nam – VnEconomy
Báo chí và trí tuệ nhân tạo tưởng chừng là hai lĩnh vực xa rời nhau. Vậy, từ đâu Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy lại có ý tưởng phát triển trợ lý ảo Askonomy, thưa ông?
Cuối năm 2022, khi “cơn sốt” ChatGPT bùng nổ, chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội để cung cấp một cách thức tiếp cận thông tin mới cho độc giả. Nghĩ là làm, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã hợp tác với một nhóm kỹ thuật viên người Việt ở Anh để phát triển trợ lý ảo hỗ trợ bạn đọc tra cứu thông tin kinh tế qua việc hỏi đáp trực tiếp khi có nhu cầu.
Sau khoảng 4 tháng, phiên bản đầu tiên của Askonomy ra mắt tại Hội báo toàn quốc năm 2023. Chatbot hoạt động ổn định và thu hút nhiều sự quan tâm, điều đó khiến chúng tôi tự tin hơn và quyết định mở rộng, phát triển dự án.
Phiên bản thứ 2 của Askonomy được xây dựng với mục tiêu là “người” định hướng thông tin, đem đến khả năng phân phối thông tin theo hình thức mới nhằm đáp ứng trực tiếp nhu cầu của giới doanh nhân. Thông tin trả lời phải được xác thực, có độ tin cậy cao và có thể trích nguồn, chứ không phải là nguồn Internet hay do AI tự sáng tạo.
ChatGPT không đáp ứng được yêu cầu trên, cả về mặt nội dung và chi phí triển khai. Do đó, chúng tôi và đối tác đã tự xây dựng một mô hình ngôn ngữ của riêng mình với kết quả là sự ra đời của Askonomy version 2.
Việc tự xây dựng mô hình riêng giúp chúng tôi kiểm soát mã nguồn của sản phẩm và nội dung đào tạo, từ đó tạo nên một sản phẩm trợ lý ảo Make in Vietnam, có sự giúp sức của các nhân sự làm việc ở nước ngoài.
Trên thế giới đã có những mô hình tương tự hay chưa? Để phát triển một sản phẩm như Askonomy liệu có tốn kém?
Askonomy khác với các chatbot khác như ChatGPT ở chỗ, trợ lý này được thiết kế để giải quyết các vấn đề nhỏ nhưng cụ thể cho từng doanh nghiệp, thay vì những bài toán lớn toàn cầu.
Askonomy tận dụng sức mạnh của ba công nghệ chính: LLM (tương tự như ChatGPT), Deep Search (làm sạch và sống động dữ liệu), và casual AI (cho phép hỏi đáp nguyên nhân hiện tại và đánh giá tương lai).
Tất cả tính năng mà một model AI có thể cung cấp, về cơ bản đều áp dụng được ngay trên sản phẩm. Đây là lợi thế và cũng là điểm tương đối khác biệt trong quá trình xây dựng Askonomy.
Trên thế giới hiện có rất ít mô hình tương tự, với Financial Times là một trong số ít tờ báo đã công bố chính thức. Do vậy, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tự hào là đơn vị tiên phong phát triển sản phẩm báo chí mới mẻ này tại Việt Nam.
Chi phí xây dựng trợ lý ảo AI phụ thuộc nhiều vào chất xám của nhóm phát triển và hạ tầng công nghệ. GPU dành cho AI hiện rất khan hiếm và đắt đỏ. Do vậy, các model AI Việt Nam đều ít nhiều gặp vướng mắc về vấn đề chi phí. Sẽ rất tốt nếu sở hữu GPU mạnh để phát triển AI, tuy nhiên trên thị trường cũng còn nhiều sự lựa chọn khác ở phân khúc giá rẻ hơn.
Nếu so sánh, ChatGPT giống như một con khủng long, còn Askonomy giống như con kiến. ChatGPT rất tốn kém và mất thời gian để phát triển, cập nhật chậm và dễ bị dạy sai, làm giảm độ tin cậy. Ngược lại, Askonomy dễ xây dựng và nuôi dưỡng, phù hợp hơn về mặt thực tiễn và chi phí, trong khi thông tin trả lời được lấy từ nguồn dữ liệu sạch đã được kiểm chứng bởi Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy.
Độc giả làm sao để tiếp cận với Askonomy và đâu là tập người dùng Askonomy hướng tới?
Askonomy được phát triển nhằm hướng tới phục vụ bạn đọc của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, bao gồm các quan chức, trợ lý, doanh nhân, nhà hoạch định chính sách, sinh viên và những người quan tâm đến kinh tế Việt Nam.
Hiện tại, Askonomy chỉ cấp quyền sử dụng cho những người đăng ký gói dịch vụ premium của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy. Gói dịch vụ này bao gồm 52 số Tạp chí Kinh tế Việt Nam bản PDF, tương thích cả giao diện trên desktop và mobile.
Những người đăng ký là bạn đọc của Tạp chí sẽ được cấp quyền truy cập vào trợ lý ảo Askonomy. Trợ lý thông tin kinh tế Askonomy chính là sản phẩm giá trị gia tăng trong gói dịch vụ, giúp độc giả tiếp cận thông tin nhanh chóng và chính xác.
Bên cạnh đó, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đang phát triển một sản phẩm dựa trên AI, giúp tóm tắt các bài viết quan trọng, tự động gửi thông báo hàng ngày vào lúc 5 giờ chiều cho độc giả đăng ký và cung cấp dưới định dạng voice (âm thanh) để họ nghe trên ô tô.
Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy có rất nhiều dự định với Askonomy thay vì chỉ đơn thuần là một trợ lý hỏi đáp phục vụ độc giả?
Điều này đã được ẩn chứa ngay từ trong chính tên gọi của Askonomy. “Askonomy” thể hiện rõ mục tiêu “hỏi về kinh tế”. Nhưng từ “Ask” không chỉ đơn thuần chỉ là hành động “hỏi”, mà nó còn là con “Át “chủ bài trong bộ bài tây, thể hiện tầm quan trọng và sức ảnh hưởng mà Askonomy sẽ mang lại trong kế hoạch phát triển của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy.
Mục tiêu đầu tiên của Askonomy là cung cấp nội dung thông tin chuẩn xác, chất lượng đến độc giả một cách nhanh chóng, hiệu quả. Khi làm được điều này, các nhà quảng cáo tự khắc sẽ xuất hiện, mang đến một nguồn thu mới bên cạnh dòng tiền từ việc bán báo.
Tuy nhiên, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy không nhắm đến việc bán thuê bao để thu tiền độc giả. Chúng tôi hướng đến mục tiêu xa hơn là xây dựng một cộng đồng người dùng sử dụng Askonomy để đưa ra quyết định kinh doanh, từ đó gắn kết chặt chẽ với độc giả và tạo ra giá trị cho tờ báo. Đây là cách phát triển kinh tế báo chí bằng việc nuôi dưỡng các giá trị lâu dài.
Ở một góc nhìn khác, với khả năng chuyển ngữ Việt – Anh, Anh – Việt nhờ được đào tạo chuyên biệt, Askonomy còn giúp toàn bộ nội dung tiếng Việt của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy được truyền tải nhiều nhất sang tiếng Anh. Tới đây, số báo tiếng Anh đầu tiên dịch tự động bằng AI của VnEconomy sẽ ra mắt, giúp truyền tải thông tin kinh tế Việt Nam ra thế giới.
Người nước ngoài hay gặp phải rào cản ngôn ngữ khi chủ động tìm kiếm thông tin về kinh tế Việt Nam. Họ thường phải nhờ người chuyển ngữ hoặc dùng các công cụ dịch. Khi có nội dung tiếng Anh, họ cũng phải xử lý nhiều trang tài liệu để tìm ra thông tin mong muốn.
Với định hướng đối ngoại cao, Askonomy sẽ giúp người nước ngoài dễ dàng tiếp cận thông tin kinh tế Việt Nam một cách nhanh chóng và thuận tiện thông qua việc hỏi đáp, từ đó giúp lan tỏa, truyền bá thông tin về tình hình kinh tế Việt Nam.
Tạp chí Kinh tế Việt Nam/Vneconomy mong đợi điều gì từ Askonomy trong việc thay đổi diện mạo của tờ báo và xa hơn là thay đổi bộ mặt kinh tế báo chí Việt Nam?
Muốn kinh tế báo chí phát triển, việc đầu tiên các tòa soạn phải giải quyết là khâu phân phối nội dung. Điều này cũng giống như với những người làm kinh doanh, phải tìm cách bán hàng, tức tính toán đầu ra của sản phẩm.
Trước kia, tòa soạn phải in báo giấy, sau đó vận chuyển tới các sạp báo. Khâu phát hành thường chiếm hơn một nửa tiền bán báo thu được, trong khi việc tiếp cận trực tiếp khách hàng gặp nhiều khó khăn. Để giải bài toán này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã đưa sản phẩm tới tay người đọc dưới dạng số, thông qua nền tảng báo chí thu phí PostEnp của Công ty Phát hành báo chí Trung ương.
Thông qua các nền tảng số, việc phân phối sản phẩm báo chí trở nên đơn giản hơn, có thể phát hành tờ báo đến bất kỳ đâu mà không cần in ấn mới. Tòa soạn cũng có thêm thu nhập với mỗi “tờ báo” mới được bán ra mà không phải tiêu tốn thêm chi phí xuất bản, phát hành.
Sự xuất hiện của trợ lý hỏi đáp thông tin kinh tế Askonomy không chỉ giúp tạo thêm giá trị gia tăng cho phiên bản số của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, mà còn mang đến một cuộc cách mạng báo chí bằng công nghệ.
Khi trực tiếp sử dụng, độc giả sẽ nhận ra giá trị của một công cụ trợ lý thông tin chính thống với nội dung chất lượng như Askonomy. Với sự gia tăng của độc giả, các nhà quảng cáo cũng sẽ xuất hiện. Lợi ích do Askonomy mang lại vì thế sẽ rất lớn.
Khi phát triển trợ lý ảo Askonomy, chúng tôi đang đi tiên phong, làm thành mô hình để từ đó có thể nhân rộng ra các báo. Đây sẽ là con đường chuẩn chỉ để giải bài toán kinh tế báo chí, vốn là vấn đề đau đầu của các tòa soạn báo Việt Nam.
VnEconomy 17/06/2024 10:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2024 phát hành ngày 17/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Tổng biên tập:
TS. Chử Văn Lâm
Tổng thư ký tòa soạn:
Đào Quang Bính
Giấy phép Tạp chí điện tử số:
272/GP-BTTTT ngày 26/6/2020
Phát triển bởi Hemera Media
Bản quyền thuộc về VnEconomy, Tạp chí điện tử của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
Mọi tin bài đăng lại từ website này phải có sự chấp thuận bằng văn bản của VnEconomy.
Các trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. VnEconomy không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.
Trụ sở: Số 96-98 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: (84-24) 62603760
Điện thoại: 02437552050