Bán dẫn “làm nóng” dòng đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam – tinnhanhchungkhoan

Tác giả Nguyên Đức / baodautu.vn
Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử… được đầu tư mới và tăng vốn trong nửa đầu năm
Dự án tỷ USD “gọi tên” Amkor
Dự án tỷ USD đầu tiên của năm 2024 đã xuất hiện và đó chính là dự án tăng vốn của “ông lớn” ngành bán dẫn – Amkor. Đây là một trong những thông tin quan trọng trong báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2024, mà Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố, dù thông tin đó chỉ nằm trong phần chú thích ở cuối báo cáo để lý giải cho nhận định rằng, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử… đã được đầu tư mới và tăng vốn trong nửa đầu năm.
Cụ thể, dự án của Amkor tăng vốn thêm 1,07 tỷ USD, góp phần quan trọng để chỉ trong tháng 6/2024, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 1,9 tỷ USD, chiếm 47,3% tổng vốn đầu tư điều chỉnh trong 6 tháng. Điều này góp phần làm tổng vốn đầu tư điều chỉnh trong 6 tháng đạt hơn 3,95 tỷ USD, tăng 35%, thay vì giảm liên tục trong các tháng trước đó.
Ít ngày trước, khi UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức họp báo về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cũng đã chia sẻ về thông tin này. Theo đó, Amkor dự kiến phân kỳ đầu tư đến năm 2035 mới đầu tư đủ 1,6 tỷ USD, nhưng sau khi khánh thành nhà máy vào tháng 10/2023, đã quyết định đầu tư trước 11 năm so với dự kiến.
Amkor chính là nhà đầu tư tìm đến Việt Nam vào thời điểm đại dịch vẫn căng thẳng. Lúc đó, Amkor thông báo kế hoạch đầu tư 1,6 tỷ USD vào Việt Nam và phân kỳ đầu tư đến năm 2035. Giai đoạn I, được trao chứng nhận đăng ký đầu tư vào giữa tháng 12/2021 tại Hàn Quốc, chỉ có vốn đầu tư khoảng 530 triệu USD, dự kiến giải ngân trong 5 năm.
Nhưng kế hoạch đã được đẩy nhanh hơn. Và đó là lý do Bắc Ninh bất ngờ vươn lên vị trí thứ nhất trong các địa phương thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất nửa đầu năm 2024, với tổng vốn đăng ký gần 2,58 tỷ USD, chiếm gần 17% tổng vốn đầu tư của cả nước, gấp hơn 3,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Amkor là một trong các nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn thuê ngoài lớn nhất thế giới, đồng sáng lập là người Hàn Quốc, nhưng đặt trụ sở ở Mỹ. Tuy vậy, Amkor đầu tư vào Việt Nam qua pháp nhân ở Singapore, giống như nhiều tập đoàn lớn khác, bao gồm Samsung.
Đó là lý do theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư Singapore đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam tới gần 5,58 tỷ USD, chiếm gần 36,7% tổng vốn đầu tư, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Và Singapore giữ vững ngôi vương trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam.
Bán dẫn “hâm nóng” dòng đầu tư ngoại
Không hề quá khi nói rằng, bán dẫn đang “làm nóng” dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Chỉ riêng dự án tăng vốn của Amkor đã đóng góp khá tích cực vào tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm – gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.
“Tuy dòng đầu tư toàn cầu đang sụt giảm, nhưng có xu hướng chuyển dịch sang châu Á, vào những ngành công nghiệp mới nổi. Điều này sẽ tác động đến dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tới đây, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chip bán dẫn… sẽ tích cực hơn”, ông Lương Văn Khôi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói.
Câu chuyện về chip bán dẫn không phải bây giờ mới được nói tới, mà đã được khẳng định từ năm ngoái, sau khi nhiều nhà đầu tư Mỹ tới Việt Nam bày tỏ mối quan tâm tới lĩnh vực này.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Mỹ hôm 26/6, ông Richard Lawton Thurston, nguyên Phó chủ tịch TSMC – công ty sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới của Đài Loan, đã cho rằng, Việt Nam có cơ hội rất lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI. “Công nghệ AI cần nhiều công nghệ khác nhau, như cảm biến, bộ nhớ, thu thập và xử lý dữ liệu… Vì vậy, Việt Nam có thể chọn một trong các công đoạn để tập trung phát triển và xây dựng chiến lược cho riêng mình”, ông Richard Lawton Thurston nói.
Ông Richard Lawton Thurston chính là một trong những chuyên gia bán dẫn phi kỹ sư hàng đầu tại Mỹ. Ông đã hỗ trợ nhiều công ty và chính phủ trong việc thành lập và quản lý các khu công nghệ trên khắp thế giới. Chính vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị ông Richard Lawton Thurston chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn phát triển công nghiệp bán dẫn; đưa ra các khuyến nghị để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ thúc đẩy đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển bán dẫn tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị ông Richard Lawton Thurston hỗ trợ kết nối, thúc đẩy TSMC đầu tư vào Việt Nam và mời ông làm cố vấn cho Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn. Ông Thurston khẳng định sẽ hợp tác, hỗ trợ triển khai các đề nghị của Bộ trưởng và nhận lời làm cố vấn cho Việt Nam trong xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Đây là một thông tin rất tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn và mong muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Hôm qua (30/6), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bắt đầu chuyến công du tới Hàn Quốc. Chuyến đi kéo dài đến ngày 3/7, với các cuộc gặp cấp cao, cũng như các cuộc tiếp xúc với các tập đoàn hàng đầu thế giới và Hàn Quốc, hứa hẹn mở ra các cơ hội hợp tác đầu tư lớn. Cũng không loại trừ trong các thảo luận được đưa ra bao gồm cả việc thúc đẩy các tập đoàn Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam. Cuộc đua vào ngành bán dẫn ở Việt Nam đang bắt đầu “nóng” lên…!
Ngoài vốn tăng thêm tăng trưởng tích cực như đã đề cập, thì vốn đăng ký mới cũng tiếp tục xu hướng tăng mạnh. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 6 tháng đầu năm, đã có 1.538 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 9,54 tỷ USD, tăng 18,9% về số dự án và tăng 46,9% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ có vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần vẫn giảm. Nửa đầu năm, có 1.420 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp gần 1,7 tỷ USD, giảm 10,9% về số lượt và giảm 57,7% về số vốn.
Tuy vậy, một thông tin rất tích cực, đó là vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này một lần nữa khẳng định rằng, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng đổ vốn vào Việt Nam, bất chấp việc dòng đầu tư toàn cầu chưa thực sự phục hồi sau đại dịch, cũng như sau biến động địa chính trị toàn cầu.
in bài viết
Tổng Biên tập: Lê Trọng Minh
Uỷ viên Ban Biên tập – Thư ký Toà soạn: Đặng Tuấn Khánh
© Bản quyền thuộc Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Giấy phép số 541/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 23 tháng 8 năm 2021
Giấy phép chuyên trang số 68/GP-CBC do Cục Báo chí cấp ngày 1 tháng 9 năm 2021
Powered by ePi Technologies

® Ghi rõ nguồn “Tinnhanhchungkhoan.vn” khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *