AI trong giáo dục, tạo sự khác biệt trong “vòng kim cô” – Báo Đầu Tư

Các chuyên gia nhận định, thực tế, AI có tiềm năng đáng kinh ngạc để giúp cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng thế giới cần bảo đảm rằng AI được phát triển và sử dụng một cách an toàn, vì lợi ích của nhân loại.
Vì vậy, chính phủ các nước đang chạy đua về quản lý AI, đặc biệt sau khi ứng dụng ChatGPT của công ty OpenAI (Mỹ) ra đời vào cuối năm 2022 bởi những rủi ro tiềm ẩn của AI khiến nhiều người phải lo ngại.
Đầu tháng 5/2024, Nhật Bản công bố một khuôn khổ quy tắc ứng xử quốc tế về quản lý và sử dụng AI tạo sinh, đánh dấu sự hợp tác toàn cầu để kiểm soát hợp lý AI và đến nay có 49 quốc gia và vùng tham gia. Bộ quy tắc ứng xử này được ví như chiếc “vòng kim cô” để giữ sự an toàn nhất có thể cho những người sử dụng công nghệ AI.
AI giúp người dạy quản lý công việc của họ một cách hiệu quả và sáng tạo; đồng thời nâng cao trải nghiệm và kết quả của người học, bao gồm người học khuyết tật.
Tuy nhiên, ngành giáo dục cũng nhận ra những nguy cơ liên quan đến vi phạm bản quyền, rò rỉ thông tin cá nhân và đạo văn khi sử dụng AI, đặc biệt là AI tạo sinh với khả năng tạo ra văn bản, hình ảnh hoặc các phương tiện truyền thông khác dựa trên các gợi ý (prompt) – trong nhà trường.
Những quốc gia đầu tiên sử dụng công nghệ AI trong giáo dục phải kể đến:
Nhật Bản
Nhật Bản là quốc gia gần nhất công bố hướng dẫn mới về việc sử dụng AI trong trường phổ thông và trường đại học, nhằm thúc đẩy một môi trường an toàn và hiệu quả để sử dụng AI trong giáo dục.
Mối bận tâm lớn của Nhật Bản là học sinh, sinh viên mất khả năng suy nghĩ độc lập nếu sử dụng AI theo những cách không phù hợp. Thời gian qua, các trường đại học đã áp dụng các chính sách khác nhau đối với việc sử dụng AI.
Trên thực tế, sinh viên Nhật Bản đã bắt đầu sử dụng ChatGPT – một AI tạo sinh ra mắt vào cuối năm 2022 và trở nên khá phổ biến
Trường Đại học Tohoku đã chủ trì cuộc khảo sát kéo dài hơn 10 ngày, với sự tham gia của khoảng 4.000 sinh viên từ một số trường, về việc sử dụng ChatGPT trong học tập. Kết quả cho thấy khoảng 1/3 số học sinh đã sử dụng ChatGPT. Trong số đó, khoảng 91% cho biết dựa vào ChatGPT để sửa bài tập, trong khi hơn 85% dựa vào AI này để biên tập cũng như thêm thắt câu từ.
Một khảo sát khác có sự tham gia của 19 trường đại học do tờ Mainichi thực hiện chỉ ra rằng các trường này đều đã xây dựng hướng dẫn sử dụng AI cho sinh viên, bao gồm việc cấm sinh viên sử dụng văn bản, mã lập trình và kết quả tính toán do AI tạo ra trong các báo cáo, tiểu luận và luận văn, luận án.
Mỹ
Bộ Giáo dục Mỹ và Văn phòng Công nghệ Giáo dục cũng đã công bố hướng dẫn Trí tuệ nhân tạo và tương lai của dạy và học, đưa ra các khuyến nghị cả từ thực tế và dựa trên chính sách. Theo đó, các cơ sở giáo dục không nên coi AI là sự thay thế cho giáo viên, giảng viên mà nên khai thác nó như một sự bổ sung và các công cụ có sẵn cho họ.
Việc ứng dụng AI trong giáo dục phải được triển khai trên cơ sở hiểu rõ các đặc điểm của công nghệ cũng như các cơ hội, hạn chế và các vấn đề đạo đức liên quan. Một số khuyến nghị khác được đề cập trong hướng dẫn của Bộ Giáo dục Mỹ gồm:
– Các công cụ AI giáo dục phải được thiết kế dựa trên các nguyên tắc học tập hiện đại và thực hành sư phạm có cơ sở.
– Khuyến khích đối thoại cởi mở giữa các nhà giáo và những người trong ngành công nghệ để cải thiện tính minh bạch và hiểu biết về các công cụ giáo dục dựa trên AI.
– Tập huấn cho giáo viên, giảng viên sẽ là một phần quan trọng của quá trình áp dụng và triển khai bất kỳ công cụ dựa trên AI nào.
– Các nhà nghiên cứu cần nâng cao niềm tin vào các hệ thống dựa trên AI.
– Cần có thêm các nỗ lực pháp lý để giải quyết vấn đề sử dụng AI trong giáo dục. Các luật và quy định hiện hành liên quan đến quyền riêng tư về dữ liệu của người học, về giáo dục cho người khuyết tật… cần được tính đến khi đánh giá các công nghệ mới trong trường học.
Vương quốc Anh
Bộ Giáo dục Anh cũng đã ra một tuyên bố về AI tạo sinh trong giáo dục. Với thông điệp AI có thể giúp giảm bớt khối lượng công việc và cho phép nhà giáo tập trung phát triển chuyên môn. Việc sử dụng AI trong giáo dục phải được song hành với việc mở rộng sở hữu trí tuệ, bảo vệ giá trị thương mại của dữ liệu và hiểu biết luật pháp.
Nhóm Russell – hiệp hội của 24 trường đại học nghiên cứu công lập tại Vương quốc Anh, trong đó có các trường hàng đầu như Cambridge, Oxford, Edinburgh, Imperial College London, King’s College London, Học viện Kinh tế và Khoa học Chính trị London và University College London – cũng đã công bố bộ nguyên tắc nhằm giúp các trường đại học “tận dụng cơ hội mà những đột phá công nghệ mang lại cho việc dạy và học”.
Trong đó, nguyên tắc đầu tiên là tăng cường hiểu biết cho sinh viên và giảng viên về AI. Theo Nhóm Russell, điều quan trọng là tất cả sinh viên và giảng viên phải hiểu các cơ hội, hạn chế và các vấn đề đạo đức liên quan đến việc sử dụng các công cụ AI.
Những vấn đề này bao gồm: cân nhắc về quyền riêng tư, dữ liệu và sở hữu trí tuệ; khả năng thiên vị tiềm ẩn khi AI sao chép những thành kiến và khuôn mẫu của con người; không chính xác và diễn giải sai, vì AI có thể dựa trên thông tin không chính xác, không liên quan và lỗi thời; thiếu quy tắc đạo đức trong các công cụ AI; đạo văn khi AI sao chép thông tin do người khác phát triển; và sự bóc lột trong các quy trình xây dựng công cụ AI.
Nguyên tắc thứ hai là trang bị cho giảng viên kỹ năng hỗ trợ sinh viên sử dụng các công cụ AI tạo sinh một cách hiệu quả và phù hợp trong quá trình học tập của họ.
Nguyên tắc thứ ba là sử dụng AI có đạo đức và công bằng. Các trường đại học sẽ điều chỉnh việc giảng dạy và đánh giá để bao gồm việc sử dụng AI có đạo đức và hỗ trợ tiếp cận AI bình đẳng.
Nguyên tắc thứ tư là các trường đại học cần duy trì sự cẩn trọng và liêm chính trong học thuật.
Về mặt này, hướng dẫn giúp sinh viên và giảng viên hiểu những tình huống không phù hợp để sử dụng AI và hỗ trợ họ sử dụng các công cụ AI một cách chính xác.
EU
Vào cuối tháng 10/2022, Ủy ban Châu Âu EC đã công bố một bộ hướng dẫn đạo đức cho các giáo viên về việc sử dụng AI và dữ liệu trong giáo dục.
Trong đó hướng dẫn dành cho giáo viên tiểu học và trung học và có thể được sử dụng bởi các nhà giáo có ít hoặc không có kinh nghiệm về giáo dục kỹ thuật số. Hướng dẫn làm rõ những quan niệm sai lầm phổ biến về AI, có thể gây ra bối rối và lo lắng cho người sử dụng, đặc biệt là trong giáo dục.
Đúng là không dễ để hiểu đầy đủ về cách vận hành của AI nhưng thay vì cố gắng hiểu toàn bộ chức năng của nó, điều quan trọng hơn là giáo viên nhận thức được các nguyên tắc cơ bản, cơ chế và hạn chế của hệ thống AI để hỗ trợ việc dạy và học một cách an toàn.
Đối với những người khuyết tật và người có nhu cầu đặc biệt, AI cũng đóng vai trò quan trọng. Ví dụ như tạo phụ đề trực tiếp theo thời gian thực có thể hỗ trợ người khiếm thính, trong khi các mô tả bằng âm thanh có thể giúp người có mức độ thị lực thấp truy cập dễ dàng và hiệu quả hơn.
Báo điện tử Đầu tư, thuộc nhóm báo của Báo Đầu tư
Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Giấy phép số 541/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 23 tháng 8 năm 2021
Tổng Biên tập: Lê Trọng Minh
Phó Tổng Biên tập phụ trách: Bùi Đức Hải
Thư ký tòa soạn: Phùng Huy Hào
Tòa soạn: 47 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội
ĐT: 0243.845.0537 – Fax: 0243.823.5281
Email: [email protected]Website: https://baodautu.vn
© Báo Đầu tư giữ bản quyền nội dung trên website này
Việc sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Đầu tư – baodautu.vn
phải có sự đồng ý bằng văn bản của Cơ quan Báo Đầu tư

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *