Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số bằng sáng chế AI tạo sinh – Tạp Chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng Tạo
AI tạo sinh tập trung vào việc tạo ra dữ liệu, hình ảnh, văn bản, âm nhạc và nhiều loại nội dung khác một cách tự động và mô phỏng như thể do con người tạo ra. Các hệ thống AI tạo sinh thường sử dụng các mô hình học máy sâu (deep learning) như mạng nơ-ron học sâu (deep neural networks) để học từ dữ liệu và sau đó tạo ra dữ liệu mới có tính chất tương tự.
Các ứng dụng của AI tạo sinh rất đa dạng và phong phú, từ tạo ra nội dung sáng tạo trong nghệ thuật và thiết kế đến tạo ra nội dung dựa trên các mẫu hoặc thông tin có sẵn. Ví dụ, AI tạo sinh có thể được sử dụng để tạo ra tranh vẽ, phim hoạt hình, tạo ra các đoạn văn bản, sản xuất nhạc, tạo ra hình ảnh chân dung, hay thậm chí tạo ra mô hình thử nghiệm trong nghiên cứu khoa học.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), AI tạo sinh, với khả năng tạo ra các văn bản, hình ảnh, mã nguồn và thậm chí cả âm nhạc từ thông tin hiện có, đang bùng nổ với hơn 50.000 đơn xin cấp bằng sáng chế được nộp trong thập kỷ qua. Trong đó, 1/4 đã được nộp chỉ riêng vào năm 2023.
Christopher Harrison, Giám đốc phân tích bằng sáng chế của WIPO cho biết, đây là một lĩnh vực đang bùng nổ và đang phát triển với tốc độ ngày càng nhanh.
WIPO cho biết, hơn 38.000 phát minh liên quan AI tạo sinh đã được Trung Quốc đệ trình lên cơ quan này trong giai đoạn 2014-2023 so với 6.276 của Mỹ trong cùng thời kỳ.
Theo ông Harrison, các ứng dụng bằng sáng chế của Trung Quốc bao trùm một lĩnh vực rộng lớn, từ lái xe tự động, xuất bản đến quản lý tài liệu.
Như vậy Trung Quốc đang là nước dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế AI tạo sinh, đứng ngay sau đó là Mỹ. Hàn Quốc đứng vị trí thứ ba với 4.155 đơn, theo sau là Nhật Bản với 3.409 đơn. Ấn Độ có 1.350 bằng sáng chế về AI tạo sinh nhưng lại có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm cao nhất với mức 56%.
Theo báo cáo của WIPO, Tencent, Ping An, Baidu và Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc là những công ty, tổ chức dẫn đầu về số lượng nộp đơn xin cấp bằng sáng chế AI tạo sinh.
Các công ty quốc tế như IBM, Alphabet và Microsoft cũng nổi bật trong danh sách Top 10.
Các chuyên gia của WIPO đánh giá, các loại phát minh được cấp bằng sáng chế AI tạo sinh rất đa dạng, dẫn đầu là dữ liệu hình ảnh và video với gần 18.000 phát minh. Theo sau là các danh mục văn bản và lời nói, âm nhạc với gần 13.500 phát minh mỗi loại.
Đặc biệt, các bằng sáng chế liên quan đến dữ liệu dựa trên phân tử, gene và protein cũng chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng, trung bình tăng 78% hàng năm trong 5 năm qua.
Trong tương lai, AI tạo sinh có thể giúp thiết kế các phân tử mới, đẩy nhanh quá trình phát triển thuốc. Nó có thể tự động hóa các nhiệm vụ trong quản lý và xuất bản tài liệu, được sử dụng ngày càng nhiều trong các hệ thống hỗ trợ bán lẻ và chatbot dịch vụ khách hàng, đồng thời cho phép thiết kế và tối ưu hóa sản phẩm mới, bao gồm cả trong hệ thống giao thông công cộng và lái xe tự động.
Hà Trang
Bản quyền thuộc về Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo.
Tổng Biên tập: Lương Hoàng Hưng
Giấy phép báo điện tử số: 347/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. ISSN: 2354-1458.
Tòa soạn: Số 6 Đặng Văn Sâm, Phường 2, Quận Tân Bình, TP.HCM. Hotline: 0777077749.
Email: [email protected]
Tại Hà Nội: BT49 – D5B, KĐT Vườn Đào, Ngõ 679 Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội. ĐT: 0919880866.
Tại Đà Nẵng: 211 Nguyễn Hữu Thọ, Hải Châu, TP Đà Nẵng. ĐT: 0933528555.
Tại Tây Nguyên: 31 Võ Văn Kiệt, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. ĐT: 0931738122
Tại Bình Dương: 330 Nguyễn Văn Trỗi, Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. ĐT: 0916100606