AI tạo sinh thay đổi công việc của họa sĩ và nhà thiết kế như thế nào? – Thông tin & Truyền thông
Chủ Nhật, 30/6/2024
Tạp chí in online
Trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh đang tác động đến hầu hết các ngành công nghiệp, và các lĩnh vực sáng tạo như nghệ thuật và thiết kế chắc chắn cũng không phải là ngoại lệ.
Tuy nhiên, bằng cách đón nhận công nghệ này, các nghệ sĩ, nhà thiết kế, họa sĩ có thể phát huy hiệu quả cũng như gia tăng tính sáng tạo trong công việc của mình.
Theo nghiên cứu của Goldman Sachs, AI tạo sinh có khả năng tự động hóa 26% công việc do các nghệ sĩ và nhà thiết kế chuyên nghiệp thực hiện. Điều này bao gồm các nhiệm vụ như phối màu, chỉnh sửa hình ảnh để xóa nền và các yếu tố không mong muốn, nâng cao chất lượng hình ảnh, điều chỉnh hình ảnh để phù hợp với các mẫu phong cách khác nhau, tạo ra nhiều biến thể của tác phẩm hiện có, cũng như tạo ra các mẫu thiết kế như biểu tượng, phông chữ và kết cấu.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người tỏ ra khá lo ngại về những tác động của AI tạo sinh đối với nghề nghiệp của họ. Tuy nhiên, giống như nhà văn, kiến trúc sư và các chuyên gia sáng tạo khác, nhiều người nhận ra rằng công nghệ này tạo ra cơ hội làm việc hiệu quả hơn và thậm chí nâng cao khả năng sáng tạo của họ.
Hiện nay, công nghệ AI tạo sinh cũng đang được tích hợp vào các công cụ và nền tảng phần mềm sáng tạo như Photoshop và AutoCAD, làm cho các công cụ này trực quan và thân thiện hơn với người dùng, giúp các họa sĩ và nhà thiết kế chỉ cần dành ít thời gian để học cách phần mềm hoạt động và thực hiện những gì họ muốn.
Họa sĩ, nhà thiết kế vẫn có thể tự mình vẽ, thiết kế các tác phẩm, hay kết hợp các nội dung trực quan theo cách riêng của họ, nhưng bằng cách bổ sung thêm những công cụ AI, họ có thể làm việc nhanh hơn và sử dụng thời gian hiệu quả hơn.
Tăng cường khả năng sáng tạo
AI tạo sinh có thể là công cụ tuyệt vời để khơi dậy trí tưởng tượng. Khi các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà thiết kế đang “bí ý tưởng sáng tạo” thì công cụ AI có thể sẽ rất hữu ích trong việc đề xuất các khái niệm, bản phác thảo, ý tưởng hoặc bảng màu ban đầu. Những ý tưởng khác thường hoặc bất ngờ được tạo ra theo cách này có thể khuyến khích họ phát huy sự sáng tạo theo những hướng mới và khám phá những lĩnh vực chưa được khám phá.
Đồng thời, công nghệ này có thể giúp các nghệ sĩ và nhà thiết kế hình dung được tác phẩm của họ sẽ thay đổi như thế nào nếu họ sử dụng các phong cách hoặc kỹ thuật khác nhau, cho phép họ thử nghiệm các phong cách thẩm mỹ mới và mở rộng kỹ năng của mình.
Thậm chí, các công cụ AI tạo sinh cũng có thể hoạt động như một nhà phê bình nghệ thuật được cá nhân hóa, đưa ra phản hồi và đề xuất cách cải thiện hoặc thay đổi công việc để phù hợp hơn với mục tiêu đặt ra.
Các hình thức nghệ thuật kết hợp mới
AI tạo sinh mở ra cánh cửa cho các loại hình và thể loại nghệ thuật mới. “Memories of Passers By I” của Mario Klingemann đã trở thành một trong những tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn do AI tạo ra đầu tiên được trưng bày công khai khi ra mắt vào năm 2019. Tác phẩm này sử dụng một mạng đối nghịch tạo sinh (GAN) để tạo ra dòng chân dung độc đáo.
Để sáng tạo “Memories of Passersby I”, Klingemann đã đào tạo mô hình AI của mình bằng cách sử dụng hàng nghìn bức chân dung từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Ông đã tạo ra một ứng dụng giống như Tinder để tăng tốc quá trình học và dạy cho máy tính sở thích thẩm mỹ của riêng mình, chịu ảnh hưởng của những nhân vật siêu thực như Max Ernst.
“Memories of Passersby I” đánh dấu một bước tiến đáng kể trong lĩnh vực nghệ thuật AI đang nổi lên nhanh chóng. Cho đến nay, các nhà sưu tập đã có thể có được các sản phẩm đầu ra do con người quản lý của mạng lưới thần kinh; “Memories of Passersby I” là một tác nhân sáng tạo độc lập. Mỗi phiên bản sẽ tạo ra vô số bức chân dung theo cách riêng của nó.
Hay gần đây, Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York đã mua lại “Unsupervised – Machine Hallucinations” của Refik Anadol, một mô hình học máy có thể tạo ra các tác phẩm nghệ thuật dựa trên những tác phẩm trong bộ sưu tập của bảo tàng.
Trong khi đó, nghệ sĩ Sougwen Chun cũng đã nhận được sự ủng hộ cho dự án “Drawing Operations” của mình, trong đó cô đã chế tạo một cánh tay robot sử dụng AI để hỗ trợ cô trong các buổi vẽ, học hỏi từ các chuyển động của cô và đóng góp các nét vẽ của mình để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mang tính cộng tác giữa con người và công nghệ.
Khi công nghệ phát triển, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi các bảo tàng và phòng trưng bày ứng dụng ngày càng nhiều trải nghiệm nhập vai và tương tác, làm mờ ranh giới giữa thực và ảo, cũng như giữa nghệ sĩ và khán giả. Hãy tưởng tượng các tác phẩm kết hợp các công nghệ như thực tế tăng cường, thực tế ảo cùng với AI tạo sinh có thể thích ứng tùy thuộc với người xem và tạo ra trải nghiệm cá nhân hóa.
Chia sẻ quan điểm vai trò của AI tạo sinh trong lĩnh vực nghệ thuật, ông Bernard Marr – nhà tương lai học, cố vấn chiến lược kinh doanh, công nghệ cho nhiều tổ chức hàng đầu thế giới nhận định: Giống như việc ra đời của nhiếp ảnh đã sinh ra chủ nghĩa ấn tượng, tiếp theo là các phong trào như lập thể, siêu thực và nghệ thuật đại chúng, sự hội tụ giữa sự sáng tạo của con người và máy móc có thể đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới trong lĩnh vực nghệ thuật và thiết kế. Thay vì kìm hãm trí tưởng tượng và sự khéo léo của con người, nó sẽ khơi dậy chúng, và có thể tạo ra những hình thức, thể loại và phong trào nghệ thuật mới.
Vai trò của nghệ sĩ và nhà thiết kế sẽ thay đổi như thế nào?
Theo ông Marr, các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà thiết kế vẫn sẽ là những người tiếp tục đưa ra những tầm nhìn, khái niệm và ý tưởng sáng tạo, truyền tải ý nghĩa, cảm xúc của nghệ thuật. Tuy nhiên, vai trò của họ có thể thay đổi với trọng tâm chuyển sang định hướng sáng tạo, khái niệm hóa và tư duy phản biện.
Giống như các ngành nghề khác, họ có thể cần học các kỹ năng mới để làm việc cùng với máy móc một cách hiệu quả, an toàn, cùng những kỹ thuật cần thiết để nhanh chóng tận dụng tối đa các công cụ mới hiện có.
Họ cũng cần hiểu biết về các nguyên tắc đạo đức của AI, đặc biệt là những ranh giới liên quan đến quyền tác giả và duy trì các vai trò thiết yếu của con người trong nghệ thuật, cũng như vấn đề về sở hữu trí tuệ, sự thiên vị và tính minh bạch của AI.
Cuối cùng, mặc dù họ sẽ nắm bắt các kỹ năng, kỹ thuật mới và thích ứng với quy trình công việc mới, thì bản chất vai trò của họ – truyền tải quan điểm, trải nghiệm và cảm xúc của con người vào các tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn sẽ không thay đổi.
“Đó là lý do tại sao bình minh của kỷ nguyên AI không đánh dấu sự kết thúc sự sáng tạo của con người mà là sự khởi đầu của một chương mới đầy thú vị”, ông Marr nhấn mạnh./.
Tổng biên tập: Nguyễn Văn Hiếu
Phó Tổng Biên tập: Trần Anh Tú
Giấy phép số 317/GP-BTTTT cấp ngày 20/8/2018
Bản quyền thuộc về “Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông”
Tòa soạn: Tầng 5, tòa nhà 115, Trần Duy Hưng, Hà Nội
Điện thoại: 024. 37737136
Fax: 024. 37737137
Email: [email protected]
Liên hệ quảng cáo, phát hành
Điện thoại: 024. 37737136
Fax: 024.37737130
Email: [email protected]
Bạn vui lòng nhập mật khẩu cũ và mật khẩu mới để hoàn tất
Bạn vui lòng chọn ảnh dung lượng không quá 300kb, kích thước không quá 500px