AI là thách thức các vấn đề liên quan đến bản quyền – VOV2

[VOV2] – Trong khi trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển ngày càng “nóng” và tương lai ứng dụng AI vào đời sống kinh tế – xã hội càng lúc càng rộng, hứa hẹn nhiều tiềm năng… thì các vấn đề liên quan đến thực thi bản quyền sẽ là thách thức…

Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số vừa diễn ra tại Hà Nội do Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Bộ VHTTDL Hàn Quốc tổ chức.
Theo ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả: Vai trò của khoa học công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI là thách thức trong việc thực thi bản quyền trên môi trường số, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, đặc biệt là gắn với các mục tiêu phát triển bền vững. Tại đó, đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ là trung tâm để giải quyết những thách thức toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của xã hội.
“Trên hết, toàn thế giới đã thực sự bước vào thời đại của AI. Để không bị bỏ lại đằng sau, việc tiếp cận, từ góc độ kinh doanh, chính sách và pháp lý – bằng cách theo dõi sát sao và học hỏi từ những xu thế mới nhất của các nước dẫn đầu là điều không thể không làm” – Ông Trần Hoàng nhấn mạnh.
Với Việt Nam, việc theo dõi các chuyển động công nghệ và pháp lý liên quan đến AI là cần thiết bởi nắm bắt và hiểu được những xu hướng như vậy sẽ giúp các bên khác nhau chuẩn bị chu đáo hơn cho con sóng AI đang đến. Với các doanh nghiệp, chủ động xin phép hoặc đàm phán thỏa thuận thương mại để thu thập, sử dụng dữ liệu trong huấn luyện AI với các đối tác, dù trong hay ngoài nước là việc cần quan tâm để tránh rủi ro bị kiện tụng.
Với cơ quan hoạch định chính sách, việc gấp rút thúc đẩy mở dữ liệu công – tức dữ liệu sẵn có của cơ quan nhà nước, và giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với nguồn dữ liệu đó sẽ là sự hỗ trợ quý báu để giảm chi phí tiếp cận dữ liệu trong tiến trình phát triển AI.
Chia sẻ kinh nghiệm về thực thi bản quyền trên môi trường số, bà Soyeong Ahn, Cục Bản quyền (Bộ VHTT&DL Hàn Quốc) cho rằng, bản quyền có đóng góp lớn vào nền kinh tế thế giới. Tỉ trọng bản quyền chiếm 7.42% GDP ở các nước phát triển; ở các nước đang phát triển là 4.6%. Bản quyền đem lại cơ hội việc làm là 6.94% ở các nước phát triển và 4.56% ở các nước đang phát triển. Tại Hàn Quốc, doanh thu các ngành công nghiệp dựa trên bản quyền cốt lõi của Hàn Quốc giai đoạn 2017-2021 tăng từ gần 167 triệu won (năm 2017) lên xấp xỉ 263 triệu won (năm 2021).
“Để hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền, Chính phủ Hàn Quốc có sáng kiến nhằm xóa bỏ việc phân phối bất hợp pháp nội dung Hàn Quốc. Có 4 chiến lược tương đương với 4 nhiệm vụ đặt ra gồm: Tốc độ nhanh và nghiêm ngặt với nhiệm vụ chặn tốc độ của các trang web phát trực tuyến bất hợp pháp; Hợp tác với các tổ chức quốc tế chống vi phạm bản quyền; Mở rộng điều tra khoa học để chống vi phạm bản quyền trực tuyến và nâng cao nhận thức về bản quyền”- Bà Soyeong Ahn cho biết.
Theo bà Soyeong Ahn, từ chính sách này, tỉ lệ vi phạm bản quyền ở Hàn Quốc liên tục giảm. Nếu như năm 2019, tỉ lệ vi phạm bản quyền ở Hàn Quốc là 22% thì năm 2023, con số này là dưới 19.2%. Việc nâng cao nhận thức về bản quyền trong giới trẻ năm 2013 chiếm 74.1% thì đến 2023, có 82.6% giới trẻ Hàn Quốc nhận thức về bản quyền.
Tuy nhiên, bà Soyeong Ahn bày tỏ lo ngại, sự ra đời của trí tuệ nhân tạo AI sẽ là thách thức đối với các vấn đề liên quan đến bản quyền. “Sự phổ biến ngày càng tăng của các dịch vụ AI tổng hợp, bao gồm Chat-GPT đã sẵn sàng để sử dụng trong sáng tạo nội dung. Tuy nhiên, những lo ngại về xung đột tiềm tàng với các hệ thống bản quyền truyền thống dựa trên sự sáng tạo của con người vẫn tồn tại. Đã đến lúc xác định các vấn đề và làm rõ khuôn khổ pháp lý để chuẩn bị cho kỷ nguyên AI” – Bà Soyeong Ahn nói.
Ông Xavier Vermandele, Cố vấn pháp lý cấp cao Ban Tôn trọng sở hữu trí tuệ của WIPO cho biết, thực thi bản quyền là một phần quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển kinh tế. Thực thi bản quyền giúp người sáng tạo được đảm bảo các quyền lợi tương xứng, khuyến khích các đối tượng sản xuất nội dung mới. Thực thi bản quyền hiệu quả còn thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho việc đầu tư vào hoạt động sáng tạo của các ngành nghề, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực này.
Vì vậy, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số đang đứng trước nhiều thách thức bởi đây là môi trường mà việc sao chép, phổ biến các tác phẩm sáng tạo diễn ra dễ dàng, đặt ra những thách thức cho nhà quản lý.
Tình trạng vi phạm bản quyền đã, đang làm giảm giá trị tác phẩm, cản trở quá trình đổi mới, sáng tạo. Vì thế, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế giữa các cơ quan thực thi pháp luật và các bên liên quan thuộc khu vực tư nhân, trung gian để giải quyết những vấn đề này.

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *