Đà Nẵng: Phát triển nguồn nhân lực thiết kế và sản xuất vi mạch – Đại học Đà Nẵng

03/10/2023
Công nghiệp vi mạch bán dẫn cung cấp nền tảng kỹ thuật cho nhiều lĩnh vực của cuộc sống hiện đại và là một phần quan trọng của sự phát triển công nghệ và kinh tế toàn cầu. Trong cuộc sống hàng này chúng ta thường xuyên tiếp xúc, sử dụng các sản phẩm ít nhiều đều có sử dụng chip bán dẫn. Một GS nổi tiếng về vi mạch ở ĐH Minghsin Đài Loan đã từng nói: “Nếu tư vấn giới thiệu cho doanh nghiệp Đài Loan đầu tư sản xuất chip ở Việt Nam, thì tôi sẽ chọn Đà Nẵng”.
Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden với nhiều cam kết và hành động thực tế, Việt Nam kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn lên một tầm cao mới, thay vì gia công như hiện tại. Để có sự chuyển biến về chất và tạo đột phá cho ngành này, thì nguồn nhân lực đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Tại Nghị quyết số 124/NQ-CP (07/8/2023) của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Trong đó, dự kiến đào tạo khoảng 30.000 – 50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Có thể tổng hợp tóm lược ứng dụng của vi mạch bán dẫn trong những sản phẩm chính và thông dụng như: Máy tính và Máy tính cá nhân; Điện thoại di động và Thiết bị di động; Công nghệ Thông tin và Mạng; Ứng dụng Y tế; Ô tô và Giao thông thông minh; Công nghiệp Điện tử tiêu dùn; Năng lượng Tái tạo; Công nghiệp Khai khoáng và Dầu khí; Công nghiệp Hàng không và Không gian; Công nghiệp Quốc phòng, An ninh và Điều khiển…
Ngành công nghiệp điện tử và bán dẫn
ngày càng phát triển tại Việt Nam
Ảnh: Bản đồ các công ty vi mạch tại Việt Nam
Thiếu hụt nhân lực về công nghiệp bán dẫn
 Không riêng Việt Nam, Hoa Kỳ cũng đứng trước lỗ hổng nhân lực về công nghiệp bán dẫn. Theo kết quả của một cuộc khảo sát có tiêu đề "Chipping Away: Đánh giá và Giải quyết Lỗ hổng Thị trường Lao động đối diện Ngành Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ" (1) (cho thấy, đến năm 2030, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ phải đối mặt với một thiếu hụt ấn tượng là 67,000 chuyên gia có kỹ năng cao. Thiếu hụt này ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ, với một lỗ hổng lực lao động tổng hợp lên đến 1.4 triệu người. Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành công nghiệp bán dẫn, tuy nhiên theo số liệu Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết ngành công nghiệp bán dẫn nước ta cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%.
 Các hãng sản xuất vi mạch hàng đầu thế giới như Intel, AMD, Qualcomm và NVIDIA (Hoa Kỳ), TSMC (Đài Loan), Huawei (Trung Quốc), Samsung và SK Hynix (Hàn Quốc), Toshiba và Renesas Electronics (Nhật Bản), Infineon và ASML (Hà Lan),… thì nguồn nhân lực chủ yếu cũng lấy sinh viên, học viên từ các ngành học liên quan đến công nghệ vi mạch và thiết kế chip thường được gọi là "Electrical Engineering and Computer Science" (Kỹ thuật Điện và Khoa học Máy tính). Tại khoa này, sinh viên có cơ hội nghiên cứu và học hỏi về nhiều kiến thức của công nghệ vi mạch và thiết kế chip, bao gồm cả lĩnh vực của hệ thống tích hợp và linh kiện điện tử. Cũng có một ít trường đào tạo chuyên sâu hơn như "Microelectronic Devices and Circuits" (Thiết bị và Mạch điện tử vi mạch) hoặc có thể được gọi là "Integrated Circuit Design" (Thiết kế Mạch tích hợp).
Ở Việt Nam một số trường đại học đã đào tạo về công nghệ bán dẫn như Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường đại học Công nghệ thông tin và Trường đại học Bách khoa TP.HCM (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), Đại học Đà Nẵng… Riêng với Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) cũng đã sớm đón đầu lĩnh vực này nên đã thành lập Khoa Điện tử Viễn thông, Công nghệ thông tin và trong quá trình đầu tư phát triển cũng ưu tiên cho ngành này. Ngay từ 2006, khi Intel bắt đầu vào Việt Nam đã đến tìm hiểu, khảo sát chất lượng sinh viên và quyết định đầu tư với sự hỗ trợ để ĐHBK hợp tác được với PSU và đầu tư Phòng thí nghiệm Vi điện tử & Thiết kế IC và 40 PC cấu hình cao, đáp ứng được yêu cầu các bài thực hành dành cho sinh viên cũng như nhu cầu nghiên cứu khoa học của giảng viên. Đến năm 2012, được trang bị thêm công cụ thiết kế vi mạch tích hợp Virtuoso dưới sự tài trợ của công ty Cadence trong khuôn khổ dự án HEEAP (Higher Engineering Education Alliance Program), dự án do USAID, Intel, Bộ GD&ĐT, Arizona State University (ASU) tài trợ. Texas Instruments (TI) đầu tư các bo mạch xử lý tín hiệu và thường xuyên cử bà Lê Duy Loan-người Châu Á đầu tiên và là người nữ duy nhất được chọn vào ban lãnh đạo kỹ thuật (Senior Fellow – Nhà nghiên cứu thâm niên – tương đương với Phó chủ tịch) cho hãng công nghệ toàn cầu Texas Instruments trong lịch sử 83 năm của hãng này – về nói chuyện truyền cảm hứng và chủ trì tổ chức cuộc thi TI contest trên cả nước, cũng như hỗ trợ phát triển IC, học bổng sinh viên ngành theo dự án Sunflower.

Hội thảo đào tạo nguồn nhân lực sản xuất
Chip bán dẫn và mở chuyên ngành đào tạo
Vi điện tử tại Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN
Vì vậy các trường ĐHBK, Sư phạm kỹ thuật, Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn, VNUK thuộc Đại học Đà Nẵng đã và đang đào tạo các ngành học liên quan mật thiết đến công nghệ vi mạch và thiết kế chip như: Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật viễn thông, Công nghệ thông tin, Cơ Điện tử, Tự động hóa, các ngành thuộc Chương trình tiên tiến như Digital System (hợp tác với University of Washington – UW), Embedded System (hợp tác với Portland State University – PSU và Intel),…  Nhiều giảng viên được gửi sang 2 đại học hàng đầu về vi mạch (UW, PSU), các Trường đại học ở Đài Loan để học nâng cao, chuẩn bị giáo trình, bài giảng, thiết bị thí nghiệm; cũng như mời các GS của 2 trường này sang giảng dạy cho SV. Nhờ vậy SV tốt nghiệp từ các chuyên ngành này đã được các công ty hàng đầu về thiết kế vi mạch tuyển dụng và hiện nay rất thành công, giữ những vị trí quan trọng trong R&D như Intel, Synopsys, Renesass, eSilicon (nay hợp nhất với Snopsys), Synapse, Uniquify,…
Đà Nẵng phát huy lợi thế và tiềm năng: Đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch
Đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch cần đầu tư từ chính phủ, với các chính sách tập trung mũi nhọn vào ngành vi mạch. Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật đều có những công ty vi mạch thành công nhờ những chính sách ưu đãi của chính phủ, của địa phương. Việc cung cấp một môi trường học tập và làm việc thú vị và thách thức cho sinh viên có thể giúp họ phát triển thành những chuyên gia thiết kế vi mạch xuất sắc. Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng rất có tiềm năng để đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bởi vì có nhiểu lợi thế và yếu tố hỗ trợ. Đó là sự nhạy bén và vào cuộc nhanh chóng của lãnh đạo Thành phố qua các nghị quyết, họp bàn chỉ đạo về phát triển lĩnh vực thiết kế vi mạch; là dân số trẻ, cần cù chịu khó và năng động, tạo thuận lợi cho đào tạo nguồn nhân lực mới trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Là vị trí địa lý chiến lược, an toàn; thuận lợi giao thông đường biển, đường bộ, hàng không; lại có Khu Công nghệ cao. Tại Đà Nẵng, có nhiều trường đại học đang đào tạo các chuyên ngành liên quan đến sản xuất vi mạch, đang được nhà sử dụng lao động tín nhiệm và đánh giá cao, trong đó có cựu sinh viên trường ĐHBK rất thành công trong các doanh nghiệp sản xuất chip, nguồn nhân lực dồi dào và tiềm năng trong thiết kế và nghiên cứu vi mạch (2).
Việc có nguồn nhân lực thiết kế vi mạch có kỹ năng cao là rất quan trọng để hỗ trợ sự phát triển này. Theo thống kê, hiện nay ĐN có các công ty hoạt động về thiết kế vi mạch như: Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, Fptsemi, Sannei Hytechs,… và có chừng 550 kỹ sư, trong số đó chừng trên 80% là cựu SV ĐHĐN. Đặc biệt, Đà Nẵng được mệnh danh là Thành phố đáng sống, Thành phố thông minh (Smart City Award Vietnam) 3 năm liền, đã hợp tác với nhiều quốc gia, có kinh nghiệm trong đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch, nên dễ dàng chia sẻ kiến thức và kỹ thuật cũng như phát triển chương trình đào tạo. GS Jen Fuhua nổi tiếng về vi mạch ở ĐH Minghsin Đài Loan đã từng nói: “Nếu tư vấn giới thiệu cho doanh nghiệp Đài Loan đầu tư sản xuất chip ở Việt Nam, thì tôi sẽ chọn Đà Nẵng…”.

Ông Nguyễn Bảo Anh-Team Leader
Công ty Synopsys Việt Nam (cựu SV
Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN) chia sẻ
với SV về khởi nghiệp thiết kế vi mạch
Để phát triển nhân lực thiết kế vi mạch tại Đà Nẵng đòi hỏi sự hỗ trợ và cam kết mạnh mẽ từ chính quyền địa phương. Kinh nghiệm của các nước đi trước và thành công trong lĩnh vực này cho thấy, Việc đầu tiên Đà Nẵng cần làm là xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển dài hạn cho lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thiết kế và sản xuất vi mạch. Chiến lược này nên xác định các mục tiêu cụ thể, nguồn lực cần thiết và hướng đi của sự phát triển. Thứ hai, đề xuất Chính phủ hỗ trợ dự án phát triển vi mạch và dành một phần kinh phí cung cấp hỗ trợ tài chính cho các chương trình đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học và trung tâm đào tạo có đủ cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại để hỗ trợ quá trình học tập và nghiên cứu. Thứ tư, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ trong việc phát triển chương trình đào tạo, hỗ trợ trang thiết bị và cung cấp cơ hội thực tập và làm việc cho sinh viên (như mô hình Intel đã làm với ĐHBK-ĐHĐN). Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong R&D.
Ngoài ra Đà Nẵng cần tìm kiếm kêu gọi ít nhất là 1-2 doanh nghiệp về vi mạch lớn hơn nữa và tạo các điều kiện ưu đãi tối đa để đầu tư (hỗ trợ thuế những năm đầu, hỗ trợ giá thuê đất, văn phòng và hỗ trợ cả kĩ sư vi mạch làm việc tại ĐN), được vậy sẽ lôi kéo thêm các công ty khác. Đặc biệt nếu có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp trong vi mạch thì các anh em trong và ngoài nước sẽ mạnh dạn mở công ty ở ĐN (lời khẳng định của ông Nguyễn Bảo Anh, Synopsys). Trong nguồn KHCN, nguồn ngân sách địa phương có thể cung cấp hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu và sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bằng cách tổ chức các cuộc thi, học bổng, hoặc khuyến mãi cho các dự án đổi mới.
Tóm lại, ngành thiết kế và sản xuất vi mạch và thiết bị bán dãn đóng một vai trò không thể thiếu trong sự phát triển của thế giới hiện đại. Với những lợi thế riêng có của thành phố, với vai trò tích cực từ sự vào cuộc và đầu tư từ chính quyền các cấp,  có thể giúp Đà Nẵng phát triển nguồn nhân lực thiết kế và sản xuất vi mạch và đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử và bán dẫn tại khu vực Miền Trung và cả nước.
(1) https://www.semiconductors.org/chipping-away-assessing-and-addressing-the-labor-market-gap-facing-the-u-s-semiconductor-industry/
(2) Theo số liệu từ Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia cho thấy, nhân lực ngành vi mạch tập trung chủ yếu ở TP. HCM (trên 85%) và một phần ở Hà Nội (khoảng 8%), Đà Nẵng (khoảng 7%-8%).
GS.TS. Trần Văn Nam 
Kính mời xem các tin khác: 
Hội thảo Trường Đại học Bách khoa-ĐHĐN: Sẵn sàng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Công nghệ Chip bán dẫn Việt Nam
Đại học Đà Nẵng: Hướng đi mới trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế số
Cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa-ĐHĐN khẳng định năng lực làm chủ công nghệ thiết kế Multidie chip 3nm vươn tầm thế giới
BÀI VIẾT MỚI

Kết nối:

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *