9 nguyên tắc nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm – Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa ban hành Hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo (TTNT) có trách nhiệm (phiên bản 1.0) kèm theo Quyết định số 1290/QĐ-BKHCN ngày 11/06/2024 của Bộ trưởng Bộ KH&CN (Quyết định 1290). Theo đó, có 9 nguyên tắc nghiên cứu, phát triển các hệ thống TTNT có trách nhiệm.

Quyết định 1290 khuyến nghị đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tự nguyện tham khảo áp dụng khi có hoạt động nghiên cứu, thiết kế, phát triển, cung cấp các hệ thống TTNT. Mục tiêu của tài liệu Hướng dẫn nhằm: thúc đẩy sự quan tâm của các bên liên quan trong việc nghiên cứu, phát triển và sử dụng các hệ thống/ứng dụng TTNT ở Việt Nam một cách có trách nhiệm; thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển và sử dụng các hệ thống/ứng dụng TTNT một cách an toàn và có trách nhiệm, đồng thời hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực cho con người và cộng đồng; thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu, phát triển và sử dụng các hệ thống/ứng dụng TTNT nhằm đạt được sự tin tưởng của người dùng và xã hội đối với TTNT.
Tinh thần hợp tác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Nhà phát triển cần chú ý đến khả năng kết nối và tương tác của các hệ thống TTNT. Cụ thể, các nhà phát triển cần xem xét tính liên kết và khả năng tương tác giữa các hệ thống TTNT của mình với các hệ thống TTNT khác thông qua việc xem xét tính đa dạng của các hệ thống TTNT nhằm: tăng cường lợi ích của hệ thống TTNT thông qua quá trình kết nối các hệ thống TTNT; tăng cường sự phối hợp để kiểm soát rủi ro.
Để làm được điều này, các nhà phát triển nên xem xét những điểm sau: 1) Tăng cường hợp tác để chia sẻ các thông tin liên quan nhằm đảm bảo tính liên thông, tương tác của hệ thống; 2) Ưu tiên phát triển các hệ thống TTNT phù hợp các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế (nếu có); 3) Tăng cường chuẩn hóa của các định dạng dữ liệu và tính mở của các giao diện, giao thức, trong đó có các giao diện lập trình ứng dụng (API); 4) Quan tâm đến các rủi ro/sự kiện ngoài ý muốn do sự liên kết, tương tác giữa các hệ thống TTNT; 5) Thúc đẩy việc trao đổi, chia sẻ và minh bạch hóa các thỏa thuận cấp phép, các điều kiện về quyền sở hữu trí tuệ như các bằng sáng chế nhằm góp phần tăng cường tính liên kết và khả năng tương tác giữa các hệ thống TTNT khi liên quan đến các tài sản trí tuệ (không liên quan đến bí mật kinh doanh); 6) đóng góp vào việc duy trì sự phát triển kinh tế bền vững và giải quyết các thách thức của nền kinh tế, xã hội; 7) Thúc đẩy sự hợp tác trong các ngành, lĩnh vực và các bên có liên quan nhằm phát triển cộng đồng TTNT ở Việt Nam.
Tính minh bạch
Nhà phát triển cần chú ý đến việc kiểm soát đầu vào/đầu ra của hệ thống TTNT và khả năng giải thích các phân tích có liên quan. Theo đó, các hệ thống TTNT tuân theo nguyên tắc này thường là các hệ thống có thể ảnh hưởng đến tính mạng, thân thể, quyền riêng tư hoặc tài sản của người dùng hoặc bên thứ ba liên quan. Khi đó, các nhà phát triển cần chú ý đến khả năng xác định rõ các đầu vào và đầu ra của hệ thống TTNT cũng như khả năng giải thích liên quan dựa trên các đặc điểm của công nghệ được áp dụng và cách sử dụng chúng để đảm bảo có sự tin tưởng của xã hội, bao gồm cả người dùng.
Khả năng kiểm soát
Nhà phát triển cần chú ý đến khả năng kiểm soát hệ thống TTNT. Để đánh giá các rủi ro liên quan đến khả năng kiểm soát của hệ thống TTNT, các nhà phát triển cần thực hiện đánh giá trước (là quá trình đánh giá liệu hệ thống có đáp ứng với các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn tương ứng). Một trong những phương pháp đánh giá rủi ro là tiến hành thử nghiệm trong một không gian riêng như trong phòng thí nghiệm hoặc môi trường thử nghiệm nơi đã có các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trước khi đưa vào áp dụng thực tế.
Ngoài ra, để đảm bảo khả năng kiểm soát hệ thống TTNT, các nhà phát triển nên chú ý đến việc giám sát hệ thống (có công cụ đánh giá/giám sát hoặc hiệu chỉnh/cập nhật dựa trên các phản hồi của người dùng) và các biện pháp ứng phó (như ngắt hệ thống, ngắt mạng…) được thực hiện bởi con người hay các hệ thống TTNT đáng tin cậy khác.
An toàn
Nhà phát triển cần đảm bảo rằng, hệ thống TTNT sẽ không gây tổn hại đến tính mạng, thân thể hoặc tài sản của người dùng hoặc bên thứ ba, kể cả thông qua trung gian. Về cơ bản, khuyến khích nhà phát triển tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan và chú ý đến những điểm sau đây: 1) Tiến hành đánh giá trước nhằm xác định và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến sự an toàn của hệ thống TTNT; 2) Trong suốt các giai đoạn phát triển của hệ thống TTNT, cần thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn nội tại (giảm các yếu tố rủi ro như mức năng lượng của các thiết bị tạo ra sự kiện…) và an toàn chức năng (giảm thiểu rủi ro bằng cách sử dụng các thiết bị điều khiển bổ sung như tự động dừng khi có sự cố…); 3) Giải thích ý tưởng/ý định của người thiết kế hệ thống TTNT và sự phù hợp cho các bên liên quan; việc thực hiện đánh giá sự an toàn đối với tính mạng, thân thể hoặc tài sản của người dùng và bên thứ ba (như những ý tưởng để ưu tiên bảo vệ tính mạng, thân thể, tài sản của con người khi xảy ra tai nạn với robot được trang bị TTNT).
Bảo mật
Các nhà phát triển cần chú ý đến tính bảo mật của hệ thống TTNT. Bên cạnh việc tuân thủ các văn bản, hướng dẫn và thực hiện các biện pháp bảo mật thông tin theo quy định (của các cơ quan chuyên môn, có thẩm quyền), các nhà phát triển cần chú ý đến những điểm sau đây: 1) Độ tin cậy (nghĩa là liệu các hoạt động có được thực hiện như dự định và không bị ảnh hưởng bởi bên thứ ba một cách bất hợp pháp), khả năng chống chịu các dạng tấn công hoặc tai nạn vật lý của hệ thống TTNT, đồng thời cần đảm bảo: tính bảo mật, sự toàn vẹn, tính khả dụng của các thông tin cần thiết liên quan đến sự an toàn thông tin của hệ thống TTNT; 2) Thực hiện đánh giá trước nhằm xác định và kiểm soát các rủi ro liên quan đến an toàn của hệ thống TTNT; 3) Thực hiện các biện pháp cần thiết để duy trì tính bảo mật trong phạm vi có thể dựa trên đặc điểm của các công nghệ được áp dụng trong suốt quá trình phát triển hệ thống TTNT (bảo mật theo thiết kế).
Quyền riêng tư
Nhà phát triển cần đảm bảo rằng, hệ thống TTNT không vi phạm quyền riêng tư của người dùng hoặc bên thứ ba. Quyền riêng tư được đề cập trong nguyên tắc này bao gồm quyền riêng tư về không gian (sự yên bình trong cuộc sống cá nhân), quyền riêng tư về thông tin (dữ liệu cá nhân) và sự bí mật của việc thông tin liên lạc. Các nhà phát triển cần áp dụng các quy định, hướng dẫn hiện hành của cơ quan chức năng và cơ quan có thẩm quyền.
Có thể tham khảo các tiêu chuẩn, hướng dẫn quốc tế về quyền riêng tư; và thực hiện thêm các hướng dẫn sau: 1) Đánh giá trước các rủi ro xâm phạm quyền riêng tư và tiến hành đánh giá trước các tác động đến quyền riêng tư (từ khi thiết kế); 2) Thực hiện các biện pháp phù hợp với đặc điểm của công nghệ được áp dụng trong suốt quá trình phát triển hệ thống TTNT (từ khi thiết kế) để tránh xâm phạm quyền riêng tư khi đưa vào sử dụng.
Tôn trọng quyền và phẩm giá con người
Khi phát triển các hệ thống TTNT có liên quan tới con người, các nhà phát triển phải đặc biệt quan tâm đến việc tôn trọng quyền và phẩm giá con người của các cá nhân liên quan. Trong phạm vi có thể, tùy theo đặc điểm của công nghệ được áp dụng, các nhà phát triển cần thực hiện các biện pháp để đảm bảo không gây ra sự phân biệt đối xử, không công bằng do thiên vị (định kiến) trong dữ liệu khi huấn luyện hệ thống TTNT.
Bên cạnh đó, các nhà phát triển cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo rằng hệ thống TTNT không vi phạm các giá trị của con người, đạo đức xã hội theo các nguyên tắc cơ bản của Việt Nam (ví dụ, các giá trị bao gồm yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo…).
Hỗ trợ người dùng
Nhà phát triển cần đảm bảo rằng, hệ thống TTNT sẽ hỗ trợ người dùng và tạo điều kiện cho họ cơ hội lựa chọn theo cách phù hợp. Để hỗ trợ người dùng, các nhà phát triển hệ thống TTNT cần chú ý các điểm sau: 1) Tạo ra các giao diện sẵn sàng để cung cấp thông tin kịp thời, phù hợp nhằm giúp người dùng đưa ra quyết định và sử dụng thuận tiện; 2) Xem xét cung cấp các chức năng cho người dùng cơ hội lựa chọn kịp thời và phù hợp (ví dụ, các cài đặt mặc định, các tùy chọn dễ hiểu, phản hồi, cảnh báo khẩn cấp, xử lý lỗi); 3) Thực hiện các biện pháp giúp hệ thống TTNT dễ sử dụng hơn cho những người dễ bị tổn thương trong xã hội (người già, người khuyết tật). Ngoài ra, các nhà phát triển nên cung cấp cho người dùng các thông tin cần thiết, trong đó lưu ý các khả năng đầu ra hoặc chương trình thay đổi do quá trình huấn luyện hệ thống TTNT; hướng dẫn người sử dụng cách thức sử dụng hệ thống TTNT rõ ràng để tránh xảy ra nguy hiểm không mong muốn (như các điều kiện sử dụng hay các biện pháp giảm thiểu rủi ro…).
Trách nhiệm giải trình
Nhà phát triển cần thực hiện trách nhiệm giải trình của mình đối với các bên liên quan, bao gồm cả người dùng hệ thống TTNT. Các nhà phát triển cần thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các hệ thống TTNT mà họ đã phát triển để đảm bảo niềm tin của người dùng. Cụ thể, cần cung cấp cho người dùng thông tin để giúp họ lựa chọn và sử dụng hệ thống TTNT. Ngoài ra, để tăng sự chấp nhận của xã hội đối với các hệ thống TTNT, bao gồm cả người dùng, sau khi thực hiện các hướng dẫn nêu trên, các nhà phát triển nên: cung cấp cho người dùng thông tin và mô tả về đặc tính kỹ thuật của hệ thống TTNT mà họ phát triển, các thuật toán, các cơ chế đảm bảo an toàn…; lắng nghe các quan điểm và đối thoại với các bên liên quan.
Ngoài ra, các nhà phát triển cũng cần thực hiện chia sẻ thông tin và hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp để đảm bảo cập nhật và giải quyết các vấn đề liên quan trong quá trình cung cấp dịch vụ và sử dụng các hệ thống TTNT.
VH
 
 
Đánh giá
Chung nhan Tin Nhiem Mang
© 2019 Bản quyền thuộc về TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM
Liên hệ tòa soạn: Phòng 505-507-509-514, số 113 Trần Duy Hưng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Tel: +84 24 39436793 – Fax: +84 24 39436794 – Email: [email protected]
Giấy phép số 459/GP-BTTTT ngày 20/7/2021; số 50/GP-BTTTT ngày 01/02/2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
Tổng Biên tập: TS Nguyễn Thị Hương Giang
Hôm nay: 12695
Tuần này: 73466
Tổng số truy cập: 29686385
Hiện tại: 8958 online

source

Facebook Comments Box

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *